Chi một đồng cũng báo cáo

Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM

 Một bài viết rất cần cho đất nước vào lúc này.

Xây một cái nhà cho thuê. Nếu là vốn tư thì ông chủ có thể chấp nhận bỏ thêm tí tiền để xây nhanh, cho thuê sớm, có doanh thu sớm, lợi nhuận thu về cao hơn. Nếu là vốn công thì không ai quan tâm đến lợi nhuận đó, người ta chỉ soi chi phí đầu ra có đúng dự toán hay không. Thế nên, cán bộ cứ làm chậm cho lành.


    

Tại một phiên họp Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 chiều 27/8, đề cập đến rào cản khi thu hút nhà đầu tư chiến lược, huy động vốn cho dự án trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan lấy ví dụ về tự chủ tài chính trong bệnh viện: vốn công chỉ một đồng, 99 đồng của tư nhân nhưng 100 đồng đó được quản lý theo kiểu công.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước từng than với tôi là thời buổi kinh tế thị trường, thương trường như chiến trường, nhưng vì dính tới vốn công nên làm cái gì, dù to hay nhỏ, họ cũng phải xin chủ trương, từ cấp ủy đến các cấp lãnh đạo. Chờ đủ chữ ký thì qua mất thời cơ. Bên cạnh đó là sức ép tâm lý, đối diện nguy cơ bị kỷ luật nếu làm ăn thua lỗ. Một vị không ngại ngần đúc rút kinh nghiệm: đụng vào vốn nhà nước, dù làm gì (từ nghiên cứu khoa học đến sản xuất kinh doanh) đều chỉ được thắng chứ không thua. Nên họ đành đối phó bằng cách quản lý theo kiểu công: tỉ mỉ, kỹ càng về kế hoạch số liệu; an toàn, chắc chắn về hồ sơ, dự án; cuối nhiệm kỳ không thua lỗ đã được coi là thắng lợi.

Vốn công thấm vào mọi hoạt động thị trường, được một rừng luật pháp bảo vệ để không thiệt hại sứt mẻ. Ai sử dụng vốn công đều thấm nhuần câu “an toàn là quan trọng, hiệu quả là thứ yếu”.

Cơ chế xin – cho, tư duy bao cấp, chịu trách nhiệm tập thể, làm gì cũng phòng thủ vì sẽ có ngày bị hỏi “xin phép chưa”, “ai cho làm”… đã ăn sâu trong tiềm thức và chi phối mọi hoạt động của các tổ chức, đơn vị. Từ cơ quan hành chính đến doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp (dù mang tiếng tự chủ), về mặt tổ chức và tài chính là không thể nhúc nhích, chi cái gì cũng theo quy định (dù quy định không theo kịp thị trường) và phải xin phép cấp trên (dù một số cấp trên chưa chắc đủ năng lực và sự sâu sát).

Tiền ngân sách, quản lý chặt chẽ là cần thiết và tất yếu. Nhưng chặt chẽ mà quy trình rườm rà, trói tay trói chân người thực thi, trong khi kẻ tham nhũng vẫn rút ruột vốn công qua các kẽ hở, thì đó chưa phải là cách quản lý khoa học, tối ưu.

Trải nghiệm gần gũi nhất với tôi là việc quản lý vốn công trong y tế, cụ thể là tại các bệnh viện công lập. Từng có những cuộc so bì ngầm giữa bệnh viện tư (sử dụng nguồn vốn xã hội hóa) và bệnh viện công (dùng tiền của nhà nước). Bệnh viện tư than thở rằng mình sinh sau đẻ muộn, chịu thiệt thòi, bị phân biệt đối xử so với bệnh viện công lập. Trong khi khối bệnh viện công lập luôn ghen tỵ với lợi thế lớn nhất của viện tư là tự chủ thật sự để phát triển và thành công.

Về quy chế chuyên môn thì bệnh viện nào cũng phải tuân thủ, nhưng về tổ chức nhân sự thì tư nhân được phát huy tự do, từ tuyển dụng, đề ra mức đãi ngộ xứng đáng, khả năng chấm dứt hợp đồng ngay nếu làm việc không hiệu quả, cho đến quyền quyết định chọn lãnh đạo.

Về tài chính, tư nhân được tự quyết viện phí, thu chi, mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế theo cơ chế thị trường. Trong khi các bệnh viện công lập đang áp dụng tự chủ một phần (tự lo chi phí lương cho nhân viên) hoặc toàn phần (tự lo chi phí trang thiết bị, thậm chí xây dựng cơ bản) thì nguồn vốn công ngày một ít đi, có nơi bằng không. Nhưng không phải vì thế mà bệnh viện công được tự chủ thật sự mà cơ bản vẫn kẹt cứng, nhất là hai khâu tổ chức và tài chính.

Như mọi đơn vị sự nghiệp công lập, bệnh viện công không thể giữ chân người tài bằng cơ chế đãi ngộ riêng, không thể tự chọn hay bổ sung lãnh đạo, không thể chủ động tuyển dụng hay cho thôi việc nhân viên. Về tài chính, dù nguồn tiền có thể do bệnh viện tự xoay xở, từ khám chữa bệnh dịch vụ, nhà thuốc, căng tin, giữ xe… nhưng sử dụng như thế nào dù chỉ một đồng, cũng phải theo quy định cứng và quy trình chậm chạp.

Điểm bình đẳng hiếm hoi giữa bệnh viện tư nhân và công lập là khi vay vốn kích cầu mua máy móc trang thiết bị, đều phải lập hồ sơ dự án khó khăn như nhau, đều phải báo cáo tiến độ định kỳ và trả nợ đúng hạn. Nhưng trả nợ xong thì máy móc của tư nhân là của tư nhân, còn công lập sẽ lại là của nhà nước.

Nói chung, làm giám đốc bệnh viện công lập chẳng khác nào đu trên dây: làm sao để giữ cân bằng cho bệnh viện hoạt động hiệu quả, đảm bảo thu nhập cho nhân viên, mà vẫn tuân thủ các quy định, quy trình trong bối cảnh kinh tế thị trường khắc nghiệt.

Với tư duy quản lý vốn công như vậy, thật khó để thu hút vốn ngoài (cả trong và ngoài nước) trong khi chúng ta rất cần nguồn lực để phát triển. Cần một sự thay đổi cho ngành y tế, trước khi sự trì trệ này gây hậu quả nặng nề hơn. Mọi thay đổi đường đột có thể gây khó khăn cho việc quản lý, nên phương thức thí điểm tự chủ cho một số đơn vị là cách làm phù hợp. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến sự tự chủ đúng nghĩa, thật sự, chứ không phải nửa vời.

Chủ trương xã hội hóa y tế trong những năm qua dường như mới chủ yếu làm được một vế “nhà nước bớt chi”, mà chưa đạt mục tiêu quan trọng hơn – tạo ra những cơ sở y tế thực sự lớn mạnh.

Thiết kế luật pháp vì thế cần được xem xét lại: nếu quá thiên về đề phòng vi phạm, sẽ tạo ra sự cản trở, tự lấy đá ghè chân mình, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển.

P.K.P.L.

Nguồn: Vnexpress.net

This entry was posted in Quản lý kinh tế, Quản lý vốn công, Tản Mạn, y tế. Bookmark the permalink.