Mảnh vải

Lê Học Lãnh Vân 

Hoa Kỳ có hẳn Bộ Luật Cờ (United States Flag Code) với các quy tắc về việc trưng bày và bảo quản quốc kỳ. Nó là một phần của Chương 1 của Tiêu đề 4 của Bộ Luật Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, chính quyền Hoa Kỳ không bắt buộc người dân treo cờ trong bất kỳ dịp nào. Và thực tại cho thấy, trên khắp nước Mỹ, người dân luôn tự nguyện treo cờ trước nhà mỗi dịp Quốc Lễ, bởi họ luôn tự hào và yêu mến đất nước mà mình được sống, được suy nghĩ tự do, được tôn trọng…

Bauxite Việt Nam

Mảnh vải ấy, nếu được sự đồng thuận ở một mức độ nào đó trong cộng đồng, được gọi là cờ.

Cờ của một quân đội gọi là Quân kỳ. Cờ của một quốc gia gọi là Quốc kỳ.

Quốc kỳ rất được trân trọng. Trong những buổi lễ quốc tế trang trọng, quốc kỳ tung bay báo hiệu sự hiện diện của quốc gia. Hoa Kỳ là quốc gia được kính nể là hùng mạnh và văn minh nhất thế giới hiện nay, quốc kỳ của Hoa Kỳ cũng được thế giới tôn trọng tương xứng.

Quốc gia Hoa Kỳ rất tôn trọng quốc kỳ của mình tại các buổi lễ quốc tế, nhưng Hoa Kỳ cũng rất dễ dãi, bao dung với cách người dân của họ cư xử với quốc kỳ. Thậm chí, công dân Hoa Kỳ có quyền đốt cờ Hoa Kỳ vì hành động này được coi là sự biểu lộ cảm xúc, là hành vi mang tính biểu tượng, thuộc phạm vi tự do ngôn luận được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp bảo vệ. Cho nên người ta có thể thấy cờ Hoa Kỳ bị công dân Hoa Kỳ đốt trong các buổi biểu tình trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Những hình ảnh và cách phối màu sắc giống cờ Hoa Kỳ được dùng cho nhiều đồ vật, được phơi trên lan can sân thượng, được dùng may áo quần lót nam, nữ (như trong hình trên).

Sự bao dung đó có điểm xuất phát sâu xa là Quốc kỳ là hình ảnh đại diện của quốc gia, mà quốc gia là tài sản chung của từng công dân. Mỗi công dân Hoa Kỳ là một cổ đông đồng sở hữu quốc kỳ chứ không phải là một nông nô phải tôn thờ lá cờ và huy hiệu lãnh chúa như thời trung cổ. Cho nên người ta thấy, với tư cách quốc gia trên bình diện thế giới, Hoa Kỳ tôn trọng quốc kỳ. Với tư cách quốc gia của, do và vì dân, về mặt nội trị, Hoa Kỳ không muốn và cũng không có quyền ép buộc công dân Hoa Kỳ tôn thờ quốc kỳ mù quáng. Chính quyền Hoa Kỳ cũng không có quyền bắt người dân treo cờ vào bất kỳ dịp nào.

Có những người cho rằng một đất nước mà thái độ người dân thiếu tôn trọng quốc kỳ như thế là một đất nước thiếu tôn ty trật tự, dễ loạn, lòng dân không thống nhất, tất sẽ suy yếu (?). Những người đó không hiểu ý nghĩa mang tính triết lý chính trị sâu sắc của việc tổ chức và quản trị xã hội. Điều khiến công dân Hoa Kỳ yêu mến Hoa Kỳ vì đây là quốc gia của nền dân chủ, quốc gia ấy có các thiết chế bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân. Trong quyền tự do của mỗi cá nhân, mỗi công dân góp sức bảo vệ quyền lợi chung. Điều này khác hẳn quyền làm chủ tập thể mà trong cái tập thể đó tự do và quyền lợi cá nhân bị hy sinh chỉ còn tối thiểu.

Trong triết lý quản trị quốc gia như vậy, người dân yêu mến và bảo vệ cái thực chất, bác bỏ cái ảo. Yêu mến điều chân thật, bác bỏ lời lừa dối. Họ thực sự xây dựng quốc gia chứ không hô khẩu hiệu viết sẵn trên giấy. Họ yêu con người thực chứ không yêu một khái niệm tập thể. Họ yêu quốc gia thực chứ không yêu một mảnh vải…

Chính vì vậy quốc gia họ mới thành lập vài trăm năm mà thiên hạ đổ xô tới xây dựng, khiến nó hùng mạnh, ấm no và văn minh hạng nhất thế giới. Hãy nhìn thực chất dòng người lũ lượt sắp hàng xin di cư sang Hoa Kỳ để thấy vị trí quốc gia họ trong cộng đồng thế giới được ao ước như thế nào. 

Truyền thống Việt Nam chúng ta tôn trọng sự nề nếp, thứ bậc, nên dễ hiểu người Việt ít đồng cảm với sự phóng khoáng như dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu quý trọng điều cốt lõi là tinh thần tự do và tôn trọng công dân, quốc gia “thoáng” hơn một chút, không vì quá yêu ghét một mảnh vải mà ép buộc con người thì người Việt có dễ gần gũi nhau hơn không? Người dân có cảm thấy gắn bó với quốc gia hơn không? Có vui lòng hơn để góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh, sánh vai với Hoa Kỳ không? Có chặn được dòng người tinh hoa rời bỏ Việt Nam để định cư nước ngoài đang ào ạt tuôn?

Ngày 03 tháng 9 năm 2024

L.H.L.V.

Nguồn: FB LV Le

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.