Vận động công luận quốc tế là yếu tố quan trọng trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Khi so sánh tình hình Việt Nam và Trung Quốc, có một điều dễ dàng nhận thấy là chính quyền Bắc Kinh bật đèn xanh cho việc tuyên truyền công luận, giới học giả Trung Quốc được tham dự các hội thảo, đăng tải những bài viết bênh vực, biện minh cho lập trường của Trung Quốc.
Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam thì gần như ngược lại hoàn toàn. Báo chí chính thống trong nước có đăng một số bài, chủ yếu là tổng hợp, trích dẫn các bài viết của giới nghiên cứu, thám hiểm nước ngoài trước đây, không có những bài viết nghiêm túc, mang tính học thuật. Thi thoảng có thông tin bằng tiếng Việt là lại tìm thấy thêm bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam. Còn trên diễn đàn thông tin quốc tế, trong các tập san chuyên ngành thì Việt Nam hầu như vắng bóng.
Mỗi khi xảy ra những vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc, đâm chìm hoặc đe dọa, xua đuổi tàu đánh cá của Việt Nam thì công luận trong và ngoài nước lại được nghe tuyên bố quen thuộc của đại diện bộ Ngoại giao «Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi được đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa». Tất cả tạo cảm giác là chính quyền coi đây là một vấn đề chính trị thuần túy, rất nhạy cảm, không phải công việc của giới nghiên cứu.
Đây là những chủ đề mà RFI trao đổi cùng Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, tại Sydney, Úc. Với tư cách là một nhà khoa học, ông cho biết những suy nghĩ cá nhân và đưa ra một vài gợi ý.
*
RFI : Xin chào Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, một trong những yếu tố quan trọng là phải vận động công luận trong và ngoài nước. Trong thòi gian qua, phía Trung Quốc đã có những hoạt động theo hướng này. Đối với công luận trong nước, họ cho đăng những bài viết bênh vực lập trường của Chính phủ, cho lập các diễn đàn hỏi đáp với sự tham gia của các học giả. Trên các web site của Trung Quốc hoặc quốc tế, giới nghiên cứu Trung Quốc đăng các bài phân tích, nhận định, đương nhiên là khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ờ đây mình chưa nói đến là các bài viết này đúng sai, ngụy tạo ra sao. Trong khi đó, ở Việt Nam, mọi việc có vẻ ngược lại. Thưa, Giáo sư có ý kiến gì về tình trạng này ạ?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn : Trước tiên, cảm ơn anh đã hỏi ý kiến về những vấn đề mà cá nhân tôi quan tâm. Tôi không phải là chuyên gia về khoa học xã hội, hay về những vấn đề thời sự như Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng đã là người Việt, thì bất cứ ai, chẳng riêng gì tôi, cũng quan tâm đến chủ quyền chính đáng của đất nước mình.
Trong thời gian gần đây, nói gần đây tức là vào khoảng hai chục năm nay, tôi cũng có theo dõi vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng không phải với tư cách là chuyên gia mà chỉ là một người quan tâm đến đất nước. Thành ra, tôi cũng biết những tin tức ở bên Trung Quốc. Họ có hẳn một chiến dịch để vận động quần chúng, trong cũng như ngoài nước, để chứng minh luận điểm của họ là Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Tôi nghĩ đây là một tranh chấp mà Việt Nam ở vào thế không được thuận lợi lắm. Lý do như sau. Khi mình đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra quốc tế, thì mình cần phải có rất nhiều dữ liệu, bằng chứng khoa học. Nhưng trong thực tế, tôi phát hiện ra một điều là chúng ta rất thiếu các công trình nghiên cứu, các bài viết mang tính học thuật, bằng tiếng Anh trên các tập san quốc tế.
Phía Trung Quốc có khá nhiều, không phải là nhiều lắm nhưng khá nhiều bài viết, dĩ nhiên là nghiêng hẳn về luận điểm của họ. Tôi thấy đây là điều rất bất hạnh cho mình. Phần lớn chuyên gia quốc tế, không phải người Trung Quốc, mà là người Mỹ, châu Âu, thấy Việt Nam có những chứng từ cho thấy mình có chủ quyền trên hai quần đảo đó. Thế nhưng, mình lại không công bố những chứng từ đó trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Thành ra, rất ít người biết.
Tôi nhớ là có một chuyên gia người Mỹ hay người châu Âu gì đó, nói là rất muốn trình bày bằng chứng để cho thấy là Việt Nam có tư cách chủ quyền trên hai quần đảo đó, thế nhưng khi tìm tài liệu trên các diễn đàn khoa học quốc tế, ông ấy chỉ tìm thấy tài liệu của Trung Quốc mà không thấy tài liệu của Việt Nam. Điều này đã làm tôi rất ngạc nhiên.
Cách đây vài năm, tôi có làm một thống kê các bài báo khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế. Tôi đã phát hiện ra một điều thú vị : Trong số 3456 bài trong 10 năm, từ 1996 đến 2005, chỉ có 69 bài, xấp xỉ 2%, liên quan đến khoa học xã hội. Tôi xem qua tất cả 69 bài này thì không có bài nào liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.
Thành ra, mặc dù chúng ta có nhiều chứng từ, nhưng dường như chúng ta nói để chúng ta nghe, chứ chúng ta chưa có trình bày các chứng từ đó một cách có hệ thống trên các diễn đàn quốc tế. Đây là một thiệt thòi của phía Việt Nam.
RFI: Thưa Giáo sư, nếu nhìn vào các bài viết được công bố trên báo chí trong nước, thì đa phần lại chỉ dựa vào các nghiên cứu trước đây hoặc là những bài viết của các học giả ngoại quốc. Phải chăng đây cũng là một trong những yếu kém của giới nghiên cứu Việt Nam hiện nay trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn : Tôi cũng thấy như vậy. Phần lớn những cái gọi là nghiên cứu, chứ thực ra những cái bài mà các nhà trí thức Việt Nam công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, như mấy tờ báo hàng ngày, mấy tạp chí hàng tuần hay hàng tháng, nói một cách nghiêm chỉnh, đó không phải là những công trình nghiên cứu. Nó chỉ là những tập hợp những công trình nghiên cứu của người đi trước và chỉ diễn giải lại.
Thậm chí, tôi thấy diễn giải cũng không có gì mới. Những công trình nghiên cứu mà chúng ta cần có là những công trình nghiên cứu mới, cho ra ý tưởng mới, hay là cách diễn giải mới. Chúng ta không có những bài như vậy. Thay vào đó, chúng ta có những ý kiến cảm tính. Nói người Việt Nam cảm tính thì cũng không công bằng. Bởi vì nếu xem qua những bài của giới gọi là học giả Trung Quốc thì họ cũng rất cảm tính. Có những luận điệu của họ mà khi đọc, mình không biết họ thuộc giới học thuật hay là họ thuộc loại chỉ nói lấy được.
Khi xuất hiện trên diễn đàn quốc tế, thì không thể dùng cảm tính được, phải dùng bằng chứng. Những yêu cầu như vậy đòi hỏi phải có nghiên cứu nghiêm chỉnh, phải có học thuật, phải có chuyên môn, chứ không thể là cứ lâu lâu, chúng ta lại trưng bày ra một bằng chứng từ thế kỷ XIX hay XVIII rồi nói đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có chủ quyền trên hai hòn đảo này. Đó cũng là một cách diễn giải, nhưng đã là khoa học, thì chúng ta phải trình bày một cách diễn giải khác. Tức là đặt ra một cách diễn giải, rồi bác bỏ cách diễn giải đó, để chứng mình rằng cách diễn giải về chủ quyền của mình là đúng. Đó mới là cách làm việc khoa học. Nhưng rất tiếc là trên các phương tiện báo chí Việt Nam thì chưa có những công trình như thế.
RFI: Tại Việt Nam hiện nay, thì cũng có những viện, những tổ chức tiến hành nghiên cứu về hồ sơ này. Thế nhưng, có một thực tế, là các sản phẩm của họ lại rất ít khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hoặc trên các chuyên san, diễn đàn quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn : Đúng vậy. Tôi có theo dõi một hội nghị ở Singapore cách đây vài năm. Trong số khoảng năm chục bài tham luận từ các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, chỉ có một bài duy nhất là từ Việt Nam. Bài đó là của một quan chức ở Việt Nam. Đọc bài này, ngoài vấn đề tiếng Anh sai tùm lum, thì luận điểm không có gì có thể gọi là khoa học cả. Tôi nghĩ, với những bài như vậy xuất hiện trên diễn đàn quốc tế thì nó làm giảm uy tín hơn là làm tăng uy tín.
Ở Việt Nam, tất nhiên cũng có những người làm nghiên cứu nghiêm chỉnh. Nhưng khổ nỗi là nhiều khi họ không có phương tiện để công bố những nghiên cứu của họ trên các diễn đàn quốc tế. Diễn đàn ở đây mà tôi muốn nói là những tập san học thuật, tập san khoa học quốc tế. Thứ nhất, có thể họ kém tiếng Anh. Thứ hai, có thể họ không có được sự khuyến khích của những giới chức có thẩm quyền trong nước.
Chẳng hạn gần đây có một học giả ở thành phố Hồ Chí Minh, chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng lại không được phép đi dự một hội thảo liên quan đến Biển Đông ở Philadelphia, Mỹ. Lý do mà người ta viện dẫn: Anh ấy không phải là đảng viên và nếu muốn đi thì phải có những quan chức của bộ Ngoại giao đi kèm.
Tín hiệu thứ hai là có một hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm ngoái, được tổ chức trong điều kiện rất hạn hẹp. Số người tham gia bị giới hạn bởi một lý do nào đó.
Năm ngoái, vào tháng 11, Học viện Ngoại giao ở Hà Nội có tổ chức một hội nghị liên quan đến Biển Đông. Thế nhưng, các nhà khoa học thực sự, tức là những người thực sự nghiên cứu, có tài liệu về Biển Đông thì lại không được mời tham dự.
Do vậy, tôi thấy gần đây có những tín hiệu cho thấy giới nghiên cứu nghiêm chỉnh ở Việt Nam về Biển Đông hình như không được sự khuyến khích của Chính phủ để mà phát biểu trên các diễn đàn quốc tế.
RFI: Thưa Giáo sư, phải chăng chính quyền không tin tưởng vào khả năng của giới nghiên cứu hay là chính quyền cho rằng đây là một hồ sơ nhạy cảm, mang tính chính trị nhiều hơn?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn : Tôi không rành, không hiểu suy nghĩ của họ ra làm sao. Mình không có bằng chứng để nói rằng họ không tin tưởng giới học thuật ở Việt Nam. Nhưng có lẽ do nhạy cảm về chính trị. Các giới chức có trách nhiệm ở Việt Nam, hình như nhìn vấn đề này theo nhãn quan chính trị hơn là nhãn quan học thuật.
Đó là một thiệt thòi cho chúng ta. Tại sao ở Trung Quốc, người ta không nhìn theo kiểu đó? Họ mở diễn đàn ra rất lớn để cho mọi người vào tham gia theo kiểu «lấy thịt đè người», tức là lấy số đông và nói lấy được. Thậm chí họ mở những diễn đàn trên đó có nhiều lời khiêu khích Việt Nam như bày mưu tính kế đánh Việt Nam, sẽ chiếm trong vòng một vài tuần, đại khái như vậy. Thế nhưng, Việt Nam lại không khuyến khích giới học giả bàn một cách nghiêm chỉnh mà ngược lại, còn có xu hướng không cho họ lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế. Tôi cho đó là một thiệt thòi.
RFI: Giả sử giới nghiên cứu, học thuật Việt Nam được khuyến khích viết, đăng tải các bài viết của họ trên diễn đàn quốc tế, thì có lẽ còn một số vấn đề khác cũng đáng quan tâm, đó là việc nghiên cứu có hệ thống, có chuyên môn và việc công bố các bài viết bằng ngoại ngữ?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn : Có một thực tế cần phải ghi nhận ở đây là trong giới nghiên cứu về khoa học xã hội ở Việt Nam, số người trực tiếp nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Biển Đông rất là ít. Ngay cả những người nghiên cứu về Biển Đông, thì họ cũng không xuất phát từ ngành nghiên cứu khoa học xã hội. Đó chỉ là những «nghề tay trái». Họ xuất phát từ những ngành nghề chẳng dính dáng gì đến khoa học xã hội, họ có thể là Bác sĩ, Kỹ sư, ký giả, phóng viên. Nói theo ngôn ngữ thông thường họ là những nhà nghiên cứu tài tử, không chuyên, nhưng họ lại rất giỏi về lĩnh vực này.
Ngược lại, những người có trách nhiệm hoặc ít ra trên danh nghĩa, họ nghiên cứu Biển Đông thì lại không có những công trình nghiên cứu có giá trị so với những người tạm gọi là nghiên cứu tài tử. Những người làm nghiên cứu về Biển Đông ở trong nước rơi vào tình trạng chúng ta nói cho chúng ta nghe, chứ chúng ta chưa nói cho thế giới nghe. Đây là điểm cần phải thay đổi trong nay mai, nếu chúng ta muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Gần đây, cũng có một vài tín hiệu tương đối tốt. Ở nước ngoài, có một nhóm bạn trẻ lập Quỹ nghiên cứu Biển Đông. Họ không có nhiều người, thuộc nhóm nghiên cứu mà ta gọi là tài tử – tuy nói tài tử nhưng đó là những người có học rất cao, có bằng Tiến sĩ về vật lý, máy tính, khoa học, v.v. Họ có vài nỗ lực đáng khen và khích lệ. Họ lên tiếng trên các báo chí bằng tiếng Anh, thậm chí còn viết trên các báo ở Philippines, để gióng một tiếng nói chung của Đông Nam Á liên quan đến vấn đề Biển Đông. Những bạn trẻ như vậy làm được những chuyện rất có ích.
Tôi chợt nghĩ hay là trong tương lai, chúng ta cần có người đứng ra tổ chức, huy động các anh em ở nước ngoài quan tâm đến Biển Đông để lên tiếng về vấn đề này. Nhiều khi đồng nghiệp ở trong nước không được khuyến khích lên tiếng, nếu trông chờ vào họ quá thì có lẽ không công bằng cho họ.
RFI: Giáo sư vừa đề cập đến một ý mà tôi có ý định hỏi là vai trò của giới trí thức hải ngoại?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn : Tôi nghĩ trong lĩnh vực này, giới trí thức ở hải ngoại có vai trò quan trọng. Có thể lấy ví dụ trong vụ Hội Địa lý ở Mỹ vừa rồi in bản đồ sai, thì chính những người Việt Nam ở hải ngoại là những người lên tiếng đầu tiên và ở một góc độ nào đó, họ đã thành công, làm áp lực để Hội Địa lý Mỹ phải sửa lại bản đồ cho đúng.
Tôi nghĩ, giới trí thức ở hải ngoại có những lợi thế. Thứ nhất, họ tiếp cận thông tin nhiều hơn, kịp thời hơn so với trong nước. Họ quen với phong cách làm việc của giới khoa học ở phương Tây. Và họ quen thuộc ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Ở ngoài này, họ có thể giúp dịch các bài viết. Đây là ba lợi thế mà giới trí thức ở ngoài có thể đóng một vai trò tương đối quan trọng để nâng cao tiếng nói của Việt Nam về vấn đề Biển Đông trên trường quốc tế.
Đài phát thanh quốc tế Pháp xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100805-viet-nam-can-day-manh-nghien-cuu-ve-chu-quyen-hoang-sa-va-truong-sa