Tổng thống Putin thăm Việt Nam, mục đích chính là gì?

BBC 

19 tháng 6 2024

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia xa xôi nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công du sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. 

“Việt Nam càng quan trọng với Nga vì Nga hiện không có nhiều bạn nữa”, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đánh giá với BBC vào ngày 18/6.

Trong hơn hai năm qua, ông Putin chỉ công du đến các quốc gia láng giềng, chẳng hạn các nước thuộc Liên Xô cũ mà vẫn còn nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc và những nước ngoài khối thân hữu với Nga là Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Các chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh ông đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã từ tháng 3/2023.

Những nước ông đến đều không thuộc 123 quốc gia thuộc ICC, nhằm tránh bị phát lệnh bắt giữ.

Nga phát thông điệp không bị cô lập?

Một ngày trước khi đến Việt Nam, ông Putin đã đến Bắc Hàn vào sáng sớm ngày 19/6 theo giờ địa phương.

Đây là lần thứ hai ông đến đất nước bị cô lập này sau 24 năm. 

Hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn (KCNA) đưa tin, sau khi đến Bình Nhưỡng, ông Putin và lãnh đạo Kim Jong-un đã “cùng chia sẻ những tâm tư thầm kín sâu sắc nhất” và thảo luận về việc làm sâu sắc thêm quan hệ song phương.

KCNA mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia bị cô lập này là “cỗ máy để tăng cường một trật tự thế giới đa cực mới”, tương tự các diễn ngôn ông Putin từng sử dụng trước đó.

Mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn được ví như tình hữu nghị mang tính đổi chác.

Nếu như Bình Nhưỡng rất cần tiền thì Moscow rất cần đạn dược cho cuộc chiến tranh Ukraine.

Do đó, giới quan sát nhận định, nếu gọi đây là tình hữu nghị “anh em” thì có vẻ còn quá sớm.

Chụp lại hình ảnh: Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024. Nguồn hình ảnh: Kremlin Press Office/Anadolu/Getty Images

Sau Bắc Hàn, ông Putin sẽ đặt chân đến Hà Nội vào tối ngày 19/6 và có một ngày 20/6 gặp gỡ “Tứ Trụ” của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng chương trình nghị sự có thể xoay quanh các chủ đề chính gồm mua bán vũ khí, thương mại, hợp tác thương mại, khai thác dầu khí ở Biển Đông.

“Việt Nam càng quan trọng với Nga vì Nga hiện không có nhiều bạn nữa. Bạn thân của Nga hiện chỉ có một số nước do quá gần Nga, chịu quá nhiều ràng buộc nên buộc phải làm bạn như những nước cộng hòa Trung Á”, Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá với BBC.

Chuyến đi của ông Putin đến Trung Quốc hồi tháng 5, tiếp theo là Bắc Hàn và Việt Nam vào tháng 6 cho thấy phần nào nỗ lực tìm đối tác giữa bối cảnh Nga ngày càng bị cô lập liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

Trước chuyến đi của ông Putin, Việt Nam đã không tham dự Thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ trong hai ngày 14 và 15/6 dù được mời.

Khác với Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam đã không công khai lý do.

Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), đánh giá chuyến đi châu Á của ông Putin diễn ra ngay sau Thượng đỉnh hòa bình vì Ukraine vì Điện Kremlin muốn cho phương Tây thấy rằng nỗ lực cô lập nước này đã thất bại “và Nga vẫn có những người bạn trên khắp thế giới như Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam”.

Về phần mình, Giáo sư Vuving cho rằng Việt Nam không tham dự là vì mối quan hệ ngoại giao với Nga “quan trọng hơn nhiều nếu so với Ukraine”, đồng thời Nga đã không được mời tham dự thượng đỉnh vừa qua.

“Quan điểm của Việt Nam, theo tôi, đó là bất kỳ câu chuyện gì liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine thì phải có hai bên tham gia. Không biết một hội nghị hòa bình mà chỉ có Nga tổ chức, không có Ukraine tham gia thì Việt Nam có tham gia hay không”, ông đánh giá.

Việt Nam có lợi ích gì cho Nga?

Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) vào ngày 25/11/2014. Nguồn hình ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images

Nga hiện vẫn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

Mỹ mới đây đã mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong lĩnh vực ngân hàng, giao dịch chứng khoán, hạn chế việc Nga sử dụng công nghệ bao gồm chip và phần mềm. 

Trước đó hồi tháng 12/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt lệnh trừng phạt lên những ngân hàng có kinh doanh với khoảng 1.200 cá nhân và công ty được xem là đang trợ giúp cho cỗ máy chiến tranh của Nga.

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6 nhận định với BBC rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho Nga về khía cạnh này.

“Kinh tế Nga đang gặp khó khăn như thế mà Việt Nam có thể trao đổi hàng hóa với Nga ở mức độ nào đó thì cũng là điều mà Nga cần”.

“Việt Nam có thể mua một số hàng hóa của Nga, vũ khí cũng như là năng lượng nếu có, rồi hợp tác của Việt Nam với Nga tập trung vào khai thác dầu khí trên Biển Đông”, ông nhận định.

Ông Hoàng Việt cũng nhận định chuyến đi của ông Putin sắp tới không chỉ mang tính biểu tượng vì Nga vẫn đang muốn tạo ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam hiểu được mục đích này.

“Sau cuộc chiến Ukraine thì vai trò, ảnh hưởng của Nga đang giảm sút. Mặc dù Nga vẫn là một cường quốc, vẫn là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng rõ ràng sức mạnh của Nga so với trước cuộc chiến của Ukraine thì đã giảm sút. Vì vậy Nga rất muốn lấy lại vị thế. Và nếu mà lấy lại thì phải có một thông điệp rõ ràng mạnh mẽ, chứ không chỉ là một chuyến thăm mang tính chất biểu tượng”, ông nhận định với BBC.

Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).

Trong những năm qua, Việt Nam luôn nhắc lại tình hữu nghị Việt – Xô, “nhường cơm sẻ áo” chi viện cho “cuộc chiến tranh chống Mỹ”.

Hàng chục ngàn cán bộ và chuyên gia ở Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh cũng đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy của đảng và nhà nước. 

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam – Nga là “quan hệ truyền thống đồng chí, anh em”, luôn xem Nga là “một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của mình”.

Trong khi đó, nhiều người dân Việt Nam vẫn có tình cảm tốt đẹp với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay và cũng có một giới hâm mộ ông Putin.

Nhận định về việc mở rộng hợp tác sắp tới, ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc), đánh giá có thể kinh tế, thương mại sẽ được tăng cường vì hiện không tương xứng với tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

“Mối quan hệ với quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố là có “tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc” được xây dựng trên cơ sở sự giúp đỡ của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

“Không gian phát triển trong quan hệ Việt-Nga rất lớn. Nhưng hiện tại cả hai bên đều chưa tối đa hóa không gian đó. Chuyến thăm của ông Putin sẽ mở rộng không gian đó”, ông cho biết.

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Minh Triết khi đương chức chủ tịch nước Việt Nam tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội vào ngày 20/11/2006Nguồn hình ảnh: Saeed Khan/Afp/Getty Images

‘Cây tre’ Việt Nam trụ vững trước áp lực từ các siêu cường?

Trước chuyến đi của ông Putin, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích trong khi Liên minh châu Âu (EU) chưa có bình luận.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết:

“Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình”.

“Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ nói, đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay.

Tiến sĩ Ian Storey đánh giá Washington không hài lòng về chuyến thăm của Putin. 

“Nhưng suy cho cùng, Mỹ hiểu rằng Việt Nam có mối quan hệ lâu bền với Nga và theo thời gian, mối quan hệ của Hà Nội với Moscow sẽ trở nên kém quan trọng hơn, đặc biệt là quan hệ quốc phòng giữa hai nước”, ông đánh giá.

Về phần mình, Giáo sư Alexander L Vuving cho rằng Nga giúp Việt Nam giảm áp lực từ Mỹ và Trung Quốc.

“Nga là một cường quốc thứ ba rất quan trọng đối với Việt Nam trong ứng xử với các cường quốc. Về Biển Đông, các công ty dầu khí của Nga góp phần giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Mặt khác, khi Nga giúp Việt Nam ở Biển Đông thì không bị Trung Quốc phản ứng mạnh như Mỹ hay Nhật Bản giúp”.

Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” và Bắc Kinh cũng là điểm đến đầu tiên của ông Putin trong nhiệm kỳ lần thứ năm lịch sử.

Ông Nguyễn Thế Phương đánh giá mặc dù Nga và Trung Quốc có một quan hệ rất thân thiết, nhưng Nga cũng muốn duy trì sức mạnh và sức ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Chụp lại hình ảnh: Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, 55 tuổi, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm Nga tại Hà Nội, cho biết những ngày này, bà bán được nhiều hàng hơn khi có tin Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam, theo phóng sự của ReutersNguồn hình ảnh: Reuters

Cho đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế ngoại giao trung lập trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường như Nga, Trung Quốc và Mỹ, liên tục nhấn mạnh đến triết lý ngoại giao “cây tre” vì lợi ích quốc gia.

Hiện chưa có thông tin công khai về có khả năng Việt Nam sẽ gia nhập khối BRICS hay không. Khối BRICS với Nga và Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo được xem là đối thủ địa chính trị lớn nhất hiện nay cho khối G7 do Mỹ dẫn đầu.

Chuyên gia Thế Phương cho rằng vì Nga luôn là một đối tác truyền thống và đem lại rất nhiều lợi ích nên “Việt Nam không thể bỏ rơi Nga lúc khó khăn nhất”. 

“Việt Nam vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt với Nga nhưng không có nghĩa là Việt Nam vì mối quan hệ với Nga mà sẽ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Cho nên Việt Nam sẽ cố gắng để cân bằng các mối quan hệ này”.

Giáo sư Vuving cho rằng nếu nhìn lại quá trình cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và Nga thì Hà Nội đang thực hiện “một bước lùi, hai bước tiến”.

“Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga”, ông bình luận.

Thạc sĩ Hoàng Việt đánh giá về cách Việt Nam đang cân bằng quan hệ với các cường quốc như sau: 

“Không phải là một lúc nào đó thì đi theo một phe nào đó là tốt. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, từng về phe của Liên Xô nhưng cuối cùng sau này Việt Nam cũng chịu rất nhiều thiệt hại trong chiến tranh. Nhưng mà cũng không có cường quốc nào đứng ra chịu hại với Việt Nam cả. Đó có lẽ là bài  học, và nếu Việt Nam xử lý tốt trong lúc này thì người ta sẽ thấy vai trò của Việt Nam như thế nào trên trường quốc tế”.

Lịch trình dự kiến của Tổng thống Putin tại Hà Nội

Theo thông tin mà BBC News Tiếng Việt có được, dự kiến ông Putin sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài vào tối hôm nay 19/6.

Ngày 20/6, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức lễ đón cấp nhà nước ông Putin.

Cũng trong ngày 20/6, Tổng thống Nga sẽ có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sẽ có gặp gỡ báo chí sau đó.

Ông Putin sẽ đến đặt vòng hoa tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Theo lịch trình này, ông Putin và ông Tô Lâm sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Hội hữu nghị Việt-Nga và cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Nga.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Quan hệ Việt - Nga. Bookmark the permalink.