Lê Huyền Ái Mỹ
Ngày 12/6, một lần nữa, thời điểm vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã bị dời đến tháng 11/2024 (thay vì tháng 10). Một dự án chỉ cần khoảng 5 năm để hoàn thành thì nay 15 năm vẫn tiếp tục chờ. Cho nên, có đợi thêm 1 tháng thì lòng kiên nhẫn của người dân chẳng có gì thử thách hơn nữa.
Những hàng ghế chờ ở ga metro, còn “chờ” đến bao giờ?
Nhưng, sự thất tín quá nhiều lần, cho dù được biện minh với bất kỳ lý do “khách quan” nào thì cũng trở thành “chỉ số” bất tín nhiệm cho năng lực quản trị và điều hành dự án của chính quyền lẫn các đối tác.
Thử tính nhẩm, 20 năm là đủ cho 4 nhiệm kỳ ở một thành phố năng động bậc nhất cả nước!
Cho đến nay, tuyến metro này đang đối diện hàng loạt vấn đề từ pháp lý dự án, các hợp đồng, chương trình đến những mâu thuẫn giữa các nhà thầu, khiếu nại chủ đầu tư… Dù đã có biện pháp tháo gỡ nhưng tiến độ vẫn chậm, thậm chí có một số gói việc chưa khắc phục, cải thiện.
Cụ thể, những đầu việc quan trọng mà Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) – chủ đầu tư metro số 1 đã nêu trong báo cáo ngày 10/6 như sau: Cho đến nay, đơn vị Tư vấn chung NJPT chưa hoàn thành công tác đào tạo theo đúng lộ trình, bao gồm chương trình đào tạo nhân sự và chuyển giao kiến thức. Còn về phía nhà thầu Hitachi, mốc tiến hành “trial-run” (chạy thử) đã bị lùi qua tháng 11 thay vì tháng 10 như kế hoạch, dẫn đến việc kéo dài hơn nữa tiến độ dự án. “Điều này là không tuân thủ như Công hàm phản hồi của Đại sứ Nhật Bản gửi lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM hôm 2/5 vừa qua” – theo thông báo của MAUR.
20 năm cho một dự án, hẳn tồn tại rất nhiều vấn đề cả về cơ chế, sự phối hợp, năng lực vận hành, tổ chức… Cùng không ít hệ lụy phát sinh, bao gồm phát sinh chi phí mà nhà thầu phải gánh lấy.
Rõ ràng, việc tiếp diễn các kỳ lùi mà chưa thể hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thi công sẽ kéo theo việc chậm giải ngân cho các nhà thầu. Chưa kể, cứ lùi thời hạn là ảnh hưởng đến việc nhập khẩu hàng hóa của gói thầu CP3 (của nhà thầu Hitachi), do chưa được tiếp tục gia hạn danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế. Trong khi đây là gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ray, đào tạo vận hành và bảo dưỡng – đóng vai trò quan trọng trong việc đưa dự án vào vận hành thương mại.
Cho đến nay, nhà thầu Hitachi đã khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư thanh toán chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án, với số tiền đòi bồi thường khoảng 23,721 tỷ yên, tương đương gần 4.000 tỷ đồng. Nhưng, sự phát sinh ấy có phải chỉ đến từ sự chậm trễ của chủ đầu tư, còn nhà thầu hoàn toàn “vô can”? Khi mà, ngày 6/6, trả lời báo chí, MAUR cho hay: đa phần các khiếu kiện của các nhà thầu tại dự án đều bị Tư vấn chung NJPT bác bỏ vì không đủ căn cứ pháp lý.
Trong khi, tiến độ chung bị ảnh hưởng không nhỏ vì thiếu sự phối hợp giữa các nhà thầu trong quá trình chuẩn bị nghiệm thu để đưa dự án vào khai thác thương mại.
Dĩ nhiên, việc khiếu nại này xảy ra khá phổ biến trên thế giới. Bất thường là ở chỗ, nhà thầu khiếu nại tất cả gói thầu trong suốt quá trình triển khai thực hiện đến nay. Quan điểm của chính quyền thành phố khá rõ ràng và… văn minh, khi lãnh đạo UBND TP thống nhất đẩy nhanh giải pháp dùng Ban xử lý tranh chấp (DAB) theo đề xuất của nhà thầu Hitachi và phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Người đứng đầu chính quyền thành phố, ông Phan Văn Mãi và Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio đã ngồi lại, trao đổi thẳng thắn và cùng đưa ra cam kết hành động để sớm đưa tuyến metro số 1 vào hoạt động như một biểu tượng cho mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam – Nhật Bản.
Công dân thành phố có quyền đòi hỏi chính quyền cụ thể hóa chức trách của mình bằng kết quả hành động – với thời gian chính xác vận hành thương mại metro, chứ không thể và không được trễ tràng hơn nữa. Cũng như, chúng ta đặt lòng tin vào tinh thần võ sĩ đạo – một hạt nhân trung tâm của đạo đức và danh dự Nhật Bản, được xem là tiêu chuẩn hành động từ sau thời Kamakura.
Với cả hai phía thì metro là một phép thử, nó không còn chỗ cho “đường lùi”, từ tháng 11 tới!
L.H.A.M.
Nguồn: nongthonviet.com.vn