Thái Hạo
10-6-2024
Đêm trong núi lạnh, tôi ngồi trò chuyện với anh Hoàng Tuấn Công (*). Về những cánh rừng đã mất.
Anh Công hỏi tôi, ở đây giờ còn chim cuốc không. Tôi nói còn, thi thoảng có thấy chúng lủi nhanh qua những bờ bụi. Có nghe thấy tiếng chúng kêu không? Không.
– Ừ, cuốc giờ không còn kêu nữa.
Bỗng giật mình, đúng rồi, đã bao lâu tôi không nghe tiếng cuốc dù thi thoảng vẫn thấy chúng đây đó nơi chân đồi đồng bãi… Chúng lủi đi và sống trong im lặng. Rừng đã hết, con người có mặt khắp nơi cùng súng hơi và bẫy rập.
Cuốc phải ngậm chặt miệng để giữ lấy sinh mạng, vì tiếng kêu là lời mời gọi tử thần. Đó là bước “tiến hóa” oan nghiệt của một loài chim. Chúng nén tiếng gọi bạn tình trong lồng ngực, và lao vụt qua những bụi cây, qua đường đê, qua gốc dứa, qua lau sậy… Như những ảo ảnh.
Bỗng rùng mình. Đang ngồi bên đống lửa hừng hực cháy mà nổi da gà khắp trên thân. Không phải là sự tuyệt chủng, cái im lặng kia của một loài chim còn thảm khốc hơn cái chết.
Anh Công kể, một lần nọ, nơi xóm bãi, trong đêm thinh lặng bỗng òa lên tiếng cuốc, kêu như tiếng khóc nức nở, thảm thiết và vọng cuồng. Giây lát sau lại đột ngột nén thành tiếng thút thít, nhỏ dần rồi im bặt, như chưa từng. Tịnh, không còn một thanh âm.
Con cuốc thuở xưa “năm canh máu chảy đêm hè vắng”, kêu từ tối đến sáng, kêu tìm nhau đến rạc mình. Nay, cuốc nén chặt tiếng lòng mình trong vòm ngực nhỏ, để một ngày bỗng vỡ ra như một tiếng nổ, rồi tan biến vào hư vô. Một đời cuốc, còn bao nhiêu lần kêu thét lên như thế nữa? Hay chẳng bao giờ?
Có một khởi sinh đã chết cùng những âm thanh nén chặt nơi cuống lưỡi của một loài chim. Có một dòng sử lịch sẽ chết theo tiếng chim ấy, và cả một dòng văn học sẽ thành thần bí với hậu thế không xa? Mai kia, những đứa trẻ sẽ cười mà bảo rằng cha ông chúng đã bịa ra tiếng cuốc để làm thơ…
Chim cuốc còn đó mà tiếng cuốc đã chôn vào u tịch mang mang. Không có cái chết nào đáng sợ hơn thế, không sự hủy diệt nào thảm khốc hơn thế, khi một giống loài đã phải từ bỏ tiếng gọi đồng loại và tiếng gọi tình tìm nhau trong lau lách mù tăm.
Tiếng khóc. Hình như nhân loại chưa bao giờ có một tiếng khóc nào bi thương ghê rợn đến thế?
(Rút trong sách Hơi thở trong bàn tay, tác giả Thái Hạo)
_____
(*) Hoàng Tuấn Công, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, cũng là một cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp, là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Từ điển của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu.
***
Lời bạt sách Hơi thở trong bàn tay của tác giả:
Ban đầu tôi đã định đặt tên cho cuốn sách đầu tay của mình là Tiếng cuốc để ghi dấu kỷ niệm với người bạn vong niên – “tay khuyến nông”, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Hoàng Tuấn Công – khi câu chuyện anh kể đã gợi hứng cho tôi ghi lại mà thành một đoản văn được đưa vào tập sách nhỏ này. Tiếng cuốc chính là tiếng của loài chim cuốc nay đã nén chặt trong cổ họng vì cuộc tồn sinh đầy hiểm nạn rình rập trước những đổi thay dữ dội của môi trường, lòng người và thời cuộc. Tiếng cuốc cũng là tiếng người, tiếng nước, cùng “một lứa bên trời lận đận”…
Với tình yêu dành cho quốc ngữ, cuốn sách nhỏ này là một cố gắng của tôi trong việc muốn mang đến cho bạn đọc một thực hành tiếng Việt: giản dị, trong sáng, hiện đại, và đẹp – mà bản thân luôn đòi hỏi và mong muốn, trước tình cảnh tiếng Việt đang bị tàn phá nặng nề, dù có thể tôi chẳng bao giờ đạt đến được.
Bạn có thể gọi đây là tản văn, tạp văn, ký hay bút ký, tùy lòng. Riêng tôi, tôi chỉ muốn xem nó như những ghi chép hàng ngày về những gì thân thuộc chung quanh, và gọi cho cô đúc bằng một chữ, là Ghi. Một con cóc, con gà, dòng sông và ngọn núi, một chuyến đi xa, một lần trở về; một dáng người quen, một sớm đầu Đông…, đó một là thứ văn gần, “viết dưới hiên nhà”. Vì thế, ở đây, thi thoảng bạn có thể chỉ gặp một mẩu chuyện, một khoảnh khắc, nằm gọn trên một trang sách. Tôi không có mục đích theo đuổi những điều to tát hay những vấn đề đại sự, cũng không theo đuổi một lối văn tân kỳ bí hiểm, mà chỉ muốn thấy con chữ thân quen cựa quậy trước những cái-hàng-ngày.
Cái hàng ngày, là những còn và mất, những lành và vỡ, những trong và đục…, như những mảnh vụn lóng lánh nhưng sắc nhọn; nhỏ như những miếng gương vỡ trong bàn tay, vẫn có thể soi lòng mà không thôi gợi nhức buốt. Đó là kỳ vọng tôi gửi đi cùng những trang sách, mỗi khi nghĩ đến hình ảnh chúng đang được lật trên tay người đọc…
“Cái bóng của độc giả luôn đổ xuống trang giấy từ sau lưng tác giả”, tôi đã viết cuốn sách này với sự liên đới phập phồng ấy. Nó dành cho tất cả, từ một em bé lớp 3 đến những sinh viên đại học, từ một bác nông dân đến những thầy cô giáo. Vì, tôi tin, ai cũng có một người thân, một dáng quê, một âu lo, một nếp ngày, một vạt cỏ… thầm thì trong cõi lòng mà luôn muốn gọi thành tên.
Nhưng rồi, cuối cùng cuốn sách đã mang một cái tên khác mà bạn đã thấy, như một tiếng gọi khác chợt đến trong cõi lòng mình. Dù thế, những gì tôi đã viết trong Lời bạt này vẫn là nghĩ suy thường trực chưa tan.
Tác giả gửi BVN.