Cơ sở pháp lý cho các tổ chức công đoàn “ngoài quốc doanh” tại Việt Nam hiện nay?

Hoài Nguyễn

13.05.2024 

(VNTB) – Cho đến nay hoàn toàn chưa thấy  động tĩnh nào quanh việc xây dựng các dự án liên quan đến quyền tự do công đoàn ở Việt Nam.

Tâm thế thù địch

Báo chí tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam khi đề cập đến “công đoàn độc lập”, chủ yếu hiện tại chỉ đưa ra hăm he kiểu ‘chính trị hóa’, như “lợi dụng quy định của pháp luật cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu ráo riết tuyên truyền, lôi kéo công nhân, người lao động nhằm tập hợp, hình thành lực lượng chính trị đối lập dưới vỏ bọc các tổ chức “công đoàn độc lập” ở Việt Nam”.

Kênh Truyền hình Công an nhân dân, số phát hành ngày 27-11-2023 dẫn lời Thiếu tá, Tiến sĩ Trần Tiến Thành, Học viện An ninh nhân dân, đã khẳng định: “Công đoàn độc lập Việt Nam không phải là đại diện cho người lao động Việt Nam và không phải do người lao động hay tổ chức hợp pháp của người lao động Việt Nam lập ra. Và một số đối tượng khi thành lập công đoàn độc lập Việt Nam thì không phải mục đích đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân Việt Nam.

Mục đích của chúng là nhằm hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam”.

Pháp luật Việt Nam không có tính từ “độc lập” cho “công đoàn”

Trên thực tế thì đến nay pháp luật Việt Nam ghi nhận đã sửa đổi và ban hành Bộ luật Lao động 2019, tại khoản 2, Điều 170, bộ luật này ghi: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 172, 173 và 174”.

Theo quy định trên thì Điều 172.1 chấp nhận, “Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch”.

Hai điều luật tiếp theo quy định Ban lãnh đạo và thành viên tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp; không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật hình sự.

Phần điều lệ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây: 

a) Tên, địa chỉ tổ chức; biểu tượng (nếu có); b) Tôn chỉ, mục đích và phạm vi hoạt động là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; c) Điều kiện, thủ tục gia nhập và ra khỏi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Trong một tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không đồng thời có thành viên là người lao động thông thường và thành viên là người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến điều kiện lao động, tuyển dụng lao động, kỷ luật lao động, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chuyển người lao động làm công việc khác; d) Cơ cấu tổ chức, nhiệm kỳ, người đại diện của tổ chức; đ) Nguyên tắc tổ chức, hoạt động; e) Thể thức thông qua quyết định của tổ chức.

Những nội dung phải do thành viên quyết định theo đa số bao gồm thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức; bầu cử, miễn nhiệm người đứng đầu và thành viên ban lãnh đạo của tổ chức; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, đổi tên, giải thể, liên kết tổ chức; gia nhập Công đoàn Việt Nam; 

g) Phí thành viên, nguồn tài sản, tài chính và việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của tổ chức. Việc thu, chi tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải được theo dõi, lưu trữ và định kỳ hằng năm công khai cho thành viên của tổ chức;

h) Kiến nghị và giải quyết kiến nghị của thành viên trong nội bộ tổ chức.

Chính phủ quy định chi tiết Điều 174 này.

Tất cả vẫn là một “quyền treo”

Với các điều luật trên cho thấy kể từ lúc Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 đến nay, chính phủ Việt Nam hoàn toàn không thực hiện tiếp việc chi tiết thủ tục cho thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nói một cách khác, hiện tại vẫn là một “quyền treo” của việc gia nhập, tham gia tổ chức đại diện của người lao động ngoài công đoàn nhà nước hiện nay. Và với nguyên tắc pháp lý “Ban lãnh đạo do thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bầu. Thành viên ban lãnh đạo là người lao động Việt Nam đang làm việc tại doanh nghiệp” (trích Điều 173.2, Bộ luật Lao động 2019), thì làm sao “thế lực thù địch” lại là người lao động ở chính doanh nghiệp ấy như lời của ông Trần Tiến Thành, Học viện An ninh nhân dân (?!).

H.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Công đoàn độc lập. Bookmark the permalink.