08/05/2024
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ diễn ra sớm hơn, sâu hơn, cực đoan hơn trong tương lai, những giải pháp tình thế hiện nay sẽ không đủ để đối phó.
Người đàn ông đội xô nhựa đi qua con ao khô hạn ở Bến Tre vào tháng 3 năm 2024. Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images.
Tình thế vẫn trong tầm kiểm soát?
Được xem là «lá phổi lúa gạo» của Việt Nam, ĐBSCL ngày càng chịu nhiều áp lực do biến đổi khí hậu và những hoạt động khai thác của con người, khiến mặn hóa ngày càng trầm trọng hơn. Nó đe dọa không chỉ tới năng suất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản mà còn khiến hàng triệu người dân ở đây đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Hai đợt hạn mặn cực đoan nhất ở ĐBSCL gần đây là 2016 và 2020.
Vào mùa khô năm 2016, hạn mặn ở ĐBSCL đã làm cho khoảng 160 nghìn ha lúa và rau màu bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Nước mặn xâm lấn nguồn nước ngọt trên sông làm khoảng 800 nghìn người bị thiếu nước ngọt trầm trọng.
Năm 2020 còn nghiêm trọng hơn, xâm nhập mặn 4 g/l vào sâu khoảng 60 km trên sông Tiền và 40-50 km trên sông Hậu, sâu hơn khoảng 8-10 km so với năm 2016. Trên sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng xâm nhập mặn khoảng 78 km, sâu hơn 5 km so với mức sâu nhất trong năm 2016. Trong mùa khô năm 2020, hạn mặn làm ảnh hưởng nghiêm trọng 57 nghìn ha đất nông nghiệp và gây thiếu nước ngọt sinh hoạt cho 40 nghìn hộ dân, chủ yếu ở các tỉnh Bến Tre và Cà Mau.
Năm nay, hạn mặn đến ĐBSCL không có nhiều bất ngờ trong thời điểm nhiệt độ tăng giao động từ 38oC-40oC. Nguyên nhân cũng đã được lường trước: bên cạnh vấn đề mất cân bằng an ninh nguồn nước vốn đã diễn ra nhiều năm nay do xây dựng hồ trữ nước và đập thủy điện tràn lan ở thượng nguồn sông Mê Kông cộng với ảnh hưởng của El Nino thêm phần nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Việc hàng loạt các tỉnh như Tiền Giang, Long An, Cà Mau… ban bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt mặc dù khiến nhiều người “giật mình”, nhưng nó không thể hiện rằng các nơi này đang bất lực trước hạn mặn năm nay. Đây là những vùng thường chịu tổn thất lớn nhất trong các thời kỳ hạn mặn và những tuyên bố này nên được hiểu là cảnh báo chủ động để các cấp quản lý của tỉnh có thể đối phó kịp thời trước các tình huống thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù hạn mặn năm nay xảy ra sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng cả chính quyền và người dân các địa phương đều đã có ít nhiều kinh nghiệm dự báo và chống đỡ hạn mặn từ trước. Chẳng hạn, theo TS. Huy Nguyễn, hiện đang là tư vấn độc lập về môi trường và biến đổi khí hậu cho một số tổ chức quốc tế, trong một chuyến khảo sát gần đây vào 25/4/2024 cho thấy, người dân chủ động bỏ trống không canh tác trong mùa gieo cấy thứ ba, nên thiệt hại không đến nỗi lớn (khoảng 1000 ha không gieo cấy, và sản lượng giảm khoảng 5000 ha). Nước sử dụng trong sinh hoạt vẫn ổn định. Chính quyền cũng có những giải pháp tức thời để chuyển và bán nước ngọt giá rẻ đến những nơi đặc biệt thiếu nước.
ĐBSCL không thể tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm, vốn đang chiếm 90% lượng nước sinh hoạt tại đây, vì nguồn này đang suy giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng trong tương lai, những kinh nghiệm ứng phó trên vẫn còn hiệu quả. Theo xu hướng chung, hạn mặn ngày càng cực đoan, đến sớm hơn, xâm nhập sâu hơn và lâu hơn. ĐBSCL không thể tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm, vốn đang chiếm 90% lượng nước sinh hoạt tại đây, vì nguồn này đang suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, Việt Nam còn không thể can thiệp triệt để vào vấn đề an ninh chia sẻ nguồn nước dòng sông Mê Kông giữa các quốc gia. Theo các chuyên gia, Chính phủ Campuchia đang dự tính xây dựng kênh đào Funan Techo bắt nguồn từ sông Mê Kông nước bạn ra vịnh Thái Lan sẽ làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng xâm nhập mặn và đảo lộn hệ sinh thái tại ĐBSCL. Mặc dù cần có đánh giá tác động môi trường chi tiết để làm rõ các ảnh hưởng tổng thể của công trình này, hai quốc gia cần ngồi lại để thảo luận vì việc xây dựng kênh đào chắc chắn làm mất một lượng nước ngọt về ĐBSCL làm việc đẩy mặn mùa khô ngày càng khó khăn.
Bởi vậy, Việt Nam vẫn cần một giải pháp chủ động và dài hạn hơn cho một tương lai khó khăn và có phần bất định.
Giải pháp hạn chế tác động của xâm nhập mặn trên thế giới
Nhiều cộng đồng ven biển trên thế giới cũng phải đối mặt với vấn đề xâm nhập mặn và có những giải pháp sáng tạo đối phó lâu dài với thách thức này. Một trong những phương pháp phổ biến nhất là xây dựng các công trình phòng ngừa như đập cát, bãi cát nhân tạo hoặc các bức tường chắn mặn ở Mỹ và Úc. Những công trình này giúp giữ nước mặn ra khỏi các khu vực dân cư sinh sống và sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, những quốc gia nằm dưới mực nước biển hoặc khan hiếm nước ngọt, chẳng hạn như Hà Lan và Singapore còn sử dụng công nghệ thải nước mặn và tái sử dụng nước ngầm. Họ phát triển hệ thống lọc nước thải và xử lý nước biển để chuyển đổi nước mặn thành nước sử dụng được cho mục đích sinh hoạt và sản xuất. Riêng ở Singapore, nước mặn xử lý xong có thể uống trực tiếp. Những công nghệ này không chỉ giúp cung cấp nguồn nước sạch cho cộng đồng mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nước ngọt có nguy cơ bị xâm nhập mặn, làm tăng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác.
Tuy nhiên, cũng nên nói thêm rằng các công nghệ trên đòi hỏi vốn xây dựng và bảo quản rất lớn, thường chỉ các quốc gia phát triển mới sử dụng.
Vào mùa hạn mặn, người dân nhiều khu vực ở ĐBSCL thậm chí phải mua nước sạch để dùng cho sinh hoạt. Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images.
Giải pháp hạn chế tác động của xâm nhập mặn ở ĐBSCL
Tình thế của Việt Nam chưa đến nỗi khắc nghiệt và thiếu nước ngọt trầm trọng như các quốc gia kể trên. Bởi vậy, những công trình và công nghệ đắt đỏ của họ có lẽ vẫn chỉ nên nằm bên rìa mối quan tâm của Việt Nam. ĐBSCL vẫn là nơi có lượng mưa đáng kể, kể cả trong tương lai dự báo lượng mưa sẽ giảm do nóng lên toàn cầu. Các giải pháp mà Việt Nam cần tập trung để chủ động thích nghi với hạn mặn đó là điều hòa nguồn nước cho phù hợp, nâng cao khả năng dự báo, bên cạnh việc bảo trì, bảo dưỡng các công trình ngăn mặn hiện tại. Các giải pháp này cần có sự liên kết và đồng bộ giữa các địa phương với nhau.
Sử dụng và phân bổ tối ưu nguồn nước ở ĐBSCL là vô cùng quan trọng. Việc này trước hết bao gồm các chương trình và sáng kiến sử dụng nước hiệu quả và bền vững, chẳng hạn như thúc đẩy các phương pháp tưới tiết kiệm nước, tái sử dụng nước trong nông nghiệp và sinh hoạt để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước ngọt tự nhiên, đặc biệt trong mùa khô. Không chỉ là kêu gọi chung chung, vùng nào, sử dụng công nghệ gì cần phải được thực hiện theo kế hoạch dài hạn và giám sát chặt chẽ trực tuyến giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương và cơ chế phối hợp nhanh giữa các tỉnh/thành. Bên cạnh đó, phải tận dụng được nguồn nước mưa dồi dào ở ĐBSCL. Điển hình như tỉnh Cà Mau, tổng lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh mỗi năm là khoảng 12 tỷ m3 nước, gấp gần bảy lần nhu cầu nước sạch của toàn bộ người dân của tỉnh. Bởi vậy, việc khai thác nguồn nước mưa một cách hiệu quả (trữ nước mùa mưa để sử dụng mùa khô) sẽ giúp cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho nhiều người dân ở các khu vực đặc biệt thiếu nước ngọt do nhiễm mặn. Việc khai thác này còn giúp giảm lượng khai thác nước ngầm đang ngày càng làm suy thoái nguồn nước và gây sụt lún. Tiến sĩ Đặng Hòa Vĩnh và các cộng sự đã nghiên cứu đề xuất túi trữ nước mưa cho tỉnh Cà Mau và ứng dụng thí điểm cho một số khu vực, không những đủ cho sinh hoạt trong mùa khô mà còn cung cấp bổ cập nguồn nước ngầm trở lại môi trường để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa. Túi trữ nước mưa này là một hệ thống gồm các bộ phận chính là mái hiên hứng nước mưa (bao gồm cả máng xói và lưới lọc cặn, rác), thiết bị lọc, thùng chứa nước chưa xử lý và thùng chứa nước sạch để sử dụng. Thùng chứa nước này được xây bằng bê tông. Đồng thời hệ thống này còn có đường ống kết nối với giếng nước ngầm. Các đường ống này sẽ “trả” lại giếng nước ngầm khi thùng trữ nước mưa đầy và hút nước ngầm khi thùng trữ nước mưa cạn. Theo các tác giả nghiên cứu, chỉ cần thùng chứa có dung tích 7-9 m3 là nước mưa có thể đảm bảo hơn 60% nhu cầu sử dụng nước cơ bản cho một hộ gia đình 3-4 người trong mùa khô (40% còn lại đến từ nước ngầm).
Ngoài ra, tối ưu nguồn nước còn bao gồm cả những giải pháp “thuận thiên” và thay đổi cơ cấu cây trồng. Giải pháp “thuận thiên” như tạo hồ trữ nước ngọt hoặc gia tăng quản lý phi công trình bằng rừng phòng hộ ven biển sẽ giúp tạo vùng đệm canh tác ngăn mặn, đồng thời tạo môi trường thích ứng các vùng mặn ngọt khác nhau. Để thích nghi với điều kiện mặn hơn, cần phân vùng và phân loại sinh kế các loại hình canh tác chịu mặn ở các khu vực ven biển. Bên cạnh đó, cần giúp nông dân chuyển đổi từ các cây trồng nhạy cảm với mặn sang những loại có khả năng chịu mặn tốt hơn như lúa và cây ăn quả chịu mặn và nuôi trồng thủy sản kết hợp.
Sau đợt mặn kỷ lục 2016, các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều chương trình đối phó với hạn mặn để giúp người dân. Tuy nhiên, các giải pháp mới chỉ dừng lại ở mức tình thế và manh mún. ĐBSCL cần những chương trình lớn hỗ trợ người dân tự chủ về nước ngọt cho mùa khô, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên về lâu dài. Cái khó của việc này đó là chưa có một cơ chế đánh giá và hợp tác liên tỉnh để triển khai các giải pháp hiệu quả trên diện rộng. Quản lý canh tác nông nghiệp ở Việt Nam cũng gặp nhiều thử thách khi người dân đa số canh tác nhỏ lẻ. Hơn nữa, thay đổi sinh kế của người dân để thích ứng với hạn mặn không chỉ đòi hỏi sự giám sát, theo dõi sao cho đúng quy hoạch mà còn cần tìm đầu ra cho những sản phẩm chuyển đổi này.
Hạ tầng ngăn mặn hiện nay của Việt Nam chủ yếu là các cống điều tiết mặn và các công trình phụ trợ đã và đang được xây dựng ở các cửa sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông biển Tây. Ngoài ra còn có hệ thống đê bao, đập ngăn mặn để ngăn nước từ biển và sông lớn tiến vào nội địa. Tất cả các công trình này đều đòi hỏi công tác vận hành và quản lý thông minh, liên thông giữa các tỉnh và tương ứng với hệ thống quản lý thông tin và dự báo hạn mặn chính xác, hiệu quả. Đồng thời chúng cũng cũng cần bảo dưỡng, nâng cấp thường xuyên với nguồn vốn lớn, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”, làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng trong tương lai, đặc biệt là khu vực cửa sông, nơi giao thoa hai luồng nước mặn-ngọt. Tuy nhiên, hiện nay các công trình này không được đầu tư và quản lý đồng bộ mà tùy thuộc vào giới hạn nguồn lực và năng lực của từng tỉnh nên hiệu quả thực sự của chúng còn hạn chế. Việc giám sát điều hành các công trình này giờ đây chỉ nghiêm ngặt đối với hệ thống lớn, còn với công trình nhỏ thì tự phát. Đặc biệt, nhiều công trình nhỏ đã xuống cấp và không còn chức năng nữa.
Cuối cùng, mọi giải pháp đều gắn liền với năng lực dự báo. Dự báo cần các mô hình tính toán được xây dựng đảm bảo độ tin cậy cao nhờ vào công nghệ giám sát chủ động và kỹ thuật sử dụng dữ liệu từ các hệ thống quan trắc độ mặn nước ở nhiều vị trí quan trọng trên sông để truyền thông tin về trung tâm khí tượng quốc gia để cảnh báo. Điểm yếu của hệ thống dự báo Việt Nam hiện nay đó là thiếu sự đồng bộ, thiết bị cũ và lạc hậu, hệ thống trạm quan trắc và trung tâm dữ liệu khí tượng được đầu tư manh mún, chủ yếu dựa vào tài trợ của các chương trình hợp tác quốc tế. Hơn nữa, cơ chế chia sẻ dữ liệu nguồn mở cho khối nhà khoa học chưa được thực hiện để sử dụng trong các dự án dự báo trọng điểm quốc gia, nên kết quả dự báo thường ngắn hạn, trong khi dự báo trung và dài hạn có độ chính xác hạn chế. Bởi vậy, nhà nước cần có cơ chế và chương trình tài trợ quy mô lớn để nhà khoa học có thể tham gia và phát triển các công nghệ dự báo có tính chiến lược.
—–
*TS, Đại học Quốc gia TP.HCM
Tài liệu tham khảo:
1. http://vnmha.gov.vn/tin-tuc-bdkh-112/dong-bang-song-cuu-long–xam-nhap-man-pha-moc-ky-luc-5097.html
2. https://www.facebook.com/huy.nguyen.5439087
3. Trần Đức Dũng, Phạm Thị Bích Thục, Edward Park, Phan Thị Thanh Hằng, Dương Bá Mẫn, Jingyu Wang, Extent of saltwater intrusion and freshwater exploitability in the coastal Vietnamese Mekong Delta assessed by gauging records and numerical simulations, Journal of Hydrology. 630 (2024) 130655.
4. https://tuoitre.vn/han-man-o-mien-tay-con-2-dot-xam-nhap-man-nua-20240420092020673.htm
5. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jhydrol.2024.130655
6. https://cuoituan.tuoitre.vn/nuoc-man-o-dbscl-xua-nay-va-mai-20240322110351795.htm
7. https://thanhnien.vn/xam-nhap-man-o-dbscl-se-vuot-moc-ky-luc-lich-su-nam-2016-185930713.htm
8. Hồ Hữu Lộc, Đoàn Văn Bình, E. Park, S. Shrestha, Trần Đức Dũng, Vũ Hải Sơn, Chris Seijger, Intensifying saline water intrusion and drought in the Mekong Delta: From physical evidence to policy outlooks, Science of Total Environment. 757 (2021) 143919. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.scitotenv.2020.143919
9. Đặng Hòa Vĩnh, Phạm Thị Bích Thục, Saline water on the Co Chien River and measures in exploiting freshwater for domestic in Tra Vinh Province (In Vietnamese: Nước mặn trên sông cổ chiên và giải pháp khai thác nước ngọt phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Trà Vinh), Vietnam J. Earth Sci. 34 (2012)
10. Đặng Hòa Vĩnh; Trần Đức Dũng; Đào Đình Châm và các cộng sự. Integrated Exploitation of Rainwater and Groundwater: A Strategy for Water Self-Sufficiency in Ca Mau Province of the Mekong Delta. Hydrology 2024, 11, 55. https://doi.org/10.3390/hydrology11040055
11. https://tienphong.vn/bien-ho-se-phai-nhuong-nuoc-cho-kenh-dao-phu-nam-techo-post1631313.tpo
Nguồn: Tia Sáng