Việt Nam vận động ráo riết cho quy chế kinh tế thị trường

Nguyễn Quốc Khải

Cố gắng của Việt Nam gặp hai trở ngại to lớn. Một, kinh tế Việt Nam tiếp tục lệ thuộc nhiều vào nhà nước. Hai, chống đối mãnh liệt của các nghiệp đoàn công nhân Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ ba bên phải) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (thứ hai bên trái) tại Washington DC ngày 25/3/2024. Quy chế kinh tế thị trường là một đề tài thảo luận. Nguồn ảnh: TTXVN

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Trong một năm qua và ba tháng đầu năm nay, Việt Nam liên tục thúc đẩy Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường. Thật vậy, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng vào đầu năm 2024 đã kêu gọi Washington chấm dứt nhãn hiệu “nền kinh tế phi thị trường” đối với Hà Nội. Ông cảnh báo rằng việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương ngày càng chặt chẽ.

Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tuần này một lần nữa kêu gọi Hoa Kỳ thừa nhận kinh tế thị trường của Việt Nam. Một ngày sau khi gặp các quan chức hàng đầu trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, tại một cuộc họp báo tại Brookings Institution, Washington DC, ông Bùi Thanh Sơn nói:

“Những người bạn và đối tác Mỹ của chúng tôi thường nói rằng một Việt Nam hùng mạnh, độc lập, kiên cường và thịnh vượng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ có những hành động mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa cam kết này. Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ sớm công nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam”.

Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng, khi tới Mỹ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào 15-11-2023  đã kêu gọi Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở San Francisco, ông Thưởng nói Mỹ “không nên cứng nhắc theo quy định” trong việc công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Từ ngày 17 đến 23-9-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm San Francisco, Washington DC và New York, trong công tác khởi động hiệp định Việt  Mỹ mới Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York cũng vào tháng 9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gặp và nhắc nhở Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ về thỉnh nguyện của Việt Nam.

Bộ trưởng Công nghệ và Thương mại của Việt Nam là Ông Nguyễn Hồng Diên cũng gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo ở New York để nhắc nhở Hoa Kỳ sớm có quyết định nhanh chóng.

Trong thời gian ở Washington DC, ông Phạm Minh Chính cũng đã có những cuộc họp với các quan chức cấp cao của liên bang, bao gồm cả Bộ Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, và Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện. Trong các cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cổ động quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam,  nhấn mạnh nhu cầu tăng cường tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, như hàng dệt may, giày dép và nông sản. Ông cũng kêu gọi Mỹ không áp đặt hạn chế thương mại đối với hàng hóa Việt Nam.

Theo nguồn tin Deutsch Welle (DW), hệ thống truyền hình và tin tức Đức, Việt Nam mong ước chính quyền Biden sớm có quyết định trong năm 2024 vì lo ngại tình thế chính trị bấp bênh sau cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới.

Ông Donald Trump, ứng viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa cho chức vụ tổng thống, cho biết ông có ý định áp thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc nếu tái đắc cử – gấp 5 lần mức trung bình hiện tại – theo báo cáo của báo chí.

Trong nhiệm kỳ đầu, Trump cũng chỉ trích Việt Nam bán phá giá hàng hóa vào thị trường Mỹ, cũng như thặng dư thương mại khổng lồ của nước này đối với Hoa Kỳ. Vào năm 2019, ông còn mô tả Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất đối với mọi người”, ám chỉ tác động của hàng xuất khẩu phá giá đối với ngành công nghiệp Mỹ.

Trước khi Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội vào tháng 9 năm vừa qua, chính quyền Việt Nam cũng đã yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là một kinh tế thị trường. Bản thông cáo chung kết thúc cuộc viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Biden xác định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam một cách nhanh chóng nhất có thể, phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ.

KINH TẾ PHI THỊ TRƯỜNG

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam hiện nay là một trong 13 nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm cả Trung Quốc. Nga đã trở thành một kinh tế thị trường vào năm 2002, nhưng vào cuối năm 2022 nước này đã bị lôi trở lại danh sách phi thị trường vì chính quyền Nga xiết chặt kinh tế sau khi có chiến tranh Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.

Nếu là một kinh tế phi thị trường, hàng hóa của Việt Nam nhập cảng vào Hoa Kỳ sẽ bị chi phối bởi luật chống phá giá (Anti-Dumping Law) và luật chống bảo trợ (Countervailing Law) để bảo vệ hàng sản xuất nội địa. Hàng hóa của Việt Nam bị đánh thuế cao hơn và khó cạnh tranh với hàng hóa khác. Vì không thể dùng và tin cậy vào tài liệu và thống kê của Việt Nam, Hoa Kỳ phải sử dụng nước thứ ba như Thái Lan để xác định giá trị thị trường của hàng hóa Việt Nam.

Việt Nam bị xem là kinh tế phi thị trường vì khu vực nhà nước vẫn đóng vai trò quyết định trong chỉ đạo phát triển kinh tế, vẫn có những giới hạn về kinh doanh, mặc dù đã tiếp tục cải thiện tự do kinh tế trong 40 năm qua. Việt Nam hiện vẫn còn trên 10 ngàn xí nghiệp nhà nước hay còn gọi là công ty quốc doanh. Đất đai trên thực tế vẫn thuộc nhà nước dù chính quyền vẫn nói đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhà nước chỉ đứng làm quản lý.

Theo xếp hạng mới nhất dựa trên Chỉ số Tự do Kinh tế (Index of Economic Freedom) của Heritage Foundation vào năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam đứng thứ 72 trong số 176 quốc gia với chỉ số là 61.8. Từ một kinh tế chỉ huy vào thập niên 1980, cải tổ thành kinh tế kiềm chế vào thập niên 1990, Việt Nam cải tiến thành một nền kinh tế hầu hết không có tự do vào thập niên 2000, và hiện nay là một kinh tế có tự do vừa phải.

Những hạn chế về mặt thể chế vẫn tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài. Theo Heritage Foundation, nhìn chung nền pháp quyền ở Việt Nam còn yếu. Các điểm về hiệu quả tư pháp, quyền tư hữu và liêm chính của chính phủ thấp hơn trung bình thế giới.

Bất chấp những nỗ lực cải tổ liên tục, khung pháp lý tỏ ra không hiệu quả. Khởi đầu một kinh doanh rất tốn kém dù không đòi hỏi vốn tối thiểu. Thị trường lao động vẫn cứng nhắc và bị kiểm soát, và lao động chui là đáng kể. Sự ổn định tiền tệ  được duy trì tương đối tốt, nhưng áp lực lạm phát vẫn tiếp tục. Việc tư hữu hóa những công ty quốc doanh chậm chạp và thiếu quy mô.

Trái ngược với một số báo cáo, Việt Nam chưa cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập. Việt Nam là một quốc gia độc đảng chỉ có một công đoàn do nhà nước lãnh đạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Vietnam General Confederation of Labor – VGCL) trực thuộc Mặt trận Tổ quốc. Công nhân không được tự do đình công. Quyền lợi của công nhân không được bảo đảm.

Thế lực chính trị, nhóm lợi ích, hối lộ và tham nhũng ở Việt Nam là những hàng rào cản tự do kinh tế và công bằng xã hội.  Danh xưng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tự tố cáo Việt Nam chưa có kinh tế thị trường.

CHỐNG ĐỐI CỦA CÁC NHÀ LẬP PHÁP HOA KỲ

Sau chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Biden, vào tháng 10/2023 Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo xúc tiến việc xem xét lại tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam và đã thu hút được ý kiến của một số nhà lập pháp Hoa Kỳ và lãnh đạo lao động.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren (Dân chủ, Massachusett), một thành viên của Ủy ban Tài chính Thượng viện (Senate Finance Committee) và Dân biểu Hoa Kỳ Rosa DeLauro (Dân chủ, Connecticut), thành viên cao cấp của Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện (House Appropriations Committee), dẫn đầu 31 nhà lập pháp trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, bày tỏ quan ngại về việc Bộ Thương mại xem xét lại xem xét tình trạng phi thị trường của Việt Nam theo luật thương mại của Hoa Kỳ và cho rằng có bằng chứng quan trọng cho thấy Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu để trở thành nền kinh tế thị trường.

TNS Warren tuyên bố: “Bộ trưởng Raimondo nên lắng nghe mối quan tâm của người lao động Mỹ, không nên gây nguy hiểm cho sự an toàn công việc của họ bằng chính sách thương mại tồi tệ. Nâng vị thế của Việt Nam trước khi các tiêu chuẩn lao động của nước này được cải thiện, bao gồm cả việc bật đèn xanh cho hàng hóa sản xuất bởi lao động cưỡng bức ở Trung Quốc sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.

Các nhà lập pháp tiếp tục lưu ý rằng Bộ Thương mại cần phải xem xét các vấn đề lao động nghiêm trọng ở Việt Nam: lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, nợ nần và vi phạm các tiêu chuẩn lao động được quốc tế công nhận khác vẫn còn phổ biến ở Việt Nam và gần 80% lực lượng lao động của Việt Nam làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, có ít hoặc không có bảo vệ lao động.

Bernie Sanders và bảy thượng nghị sĩ Dân chủ khác đã cảnh báo không nên cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vì Việt Nam “không đáp ứng được các điều kiện pháp lý yêu cầu do Quốc hội thiết lập”, trong một lá thư chung gửi tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo.

Lá thư nhấn mạnh rằng “Bộ Thương mại phải tiến hành đánh giá khách quan và toàn diện về tình trạng nền kinh tế phi thị trường dựa trên dữ liệu và bằng chứng, chứ không phải chính trị”, trong khi Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường sự tham gia ở Đông Nam Á thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework – IPEF).

Các thượng nghị sĩ cho biết rằng Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các yếu tố về hối suất (foreign exchange), tự do thương lượng giữa lao động và quản lý, sự kiểm soát của chính phủ liên quan đến trực tiếp đầu tư nước ngoài (foreign direct investment – FDI), quyền sở hữu hoặc kiểm soát của nhà nước đối với phương tiện sản xuất, sự kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực, giá cả và sản lượng của doanh nghiệp.

CHỐNG ĐỐI CỦA CÔNG ĐOÀN LAO ĐỘNG

Ông David McCall, Chủ tịch United Steelworkers nói “Đáng tiếc là các thành viên USW đã quá quen thuộc với các hoạt động phi thị trường của Việt Nam, mất việc làm và thị phần vì chúng tôi buộc phải thực hiện các kiến nghị thương mại liên quan đến hàng loạt các hàng hoá. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, rõ ràng là việc cứu xét của Bộ Thương mại về nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam còn sớm và đe dọa việc thực thi nghiêm chỉnh luật thương mại của chúng ta. Khi Bộ Thương mại thực hiện đánh giá, chúng tôi công đoàn tuyên dương Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Dân biểu Rosa DeLauro vì nỗ lực tiên phong để bảo vệ hệ thống của chúng ta và bảo vệ các gia đình lao động”.

Coalition for a Prosperous America (CPA) chống đối việc thừa nhận kinh tế thị trường của Việt Nam. CPA là tổ chức lưỡng đảng, quốc gia hàng đầu đại diện các nhà sản xuất và người lao động ở Hoa Kỳ về nhiều ngành và lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Trong lá thư gửi Bộ Thương mại, CPA so sánh trường hợp Việt Nam với Trung Quốc: “Nỗ lực sai lầm nhằm xếp loại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nền kinh tế thị trường cũng tương tự như suy nghĩ thất bại dẫn đến việc trao quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (permanent normal trade relations status – PNTR) cho Trung Quốc – một nhóm suy nghĩ mang tính ngoại giao rằng tự do hóa thương mại sẽ thuyết phục một quốc gia cộng sản chuyên tâm trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường tư bản, dân chủ và tự do. Sách lược này không có tác dụng với Trung Quốc. Và nó sẽ không có tác dụng với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

CPA cũng giải thích lý do Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chí về Quy chế Kinh tế Thị trường là điều hiển nhiên. Điều này bao gồm những điểm sau đây:

1. Đồng tiền Việt Nam không có khả năng chuyển đổi sang đồng tiền của nước khác.

2. Mức lương ở Việt Nam không được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý.

3. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị định kiến.

4. Quyền sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ đối với tư liệu sản xuất rất phổ biến.

5. Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp là rất lớn.

DỰ ĐOÁN KẾT QUẢ

Lần sau cùng Việt Nam chính thức yêu cầu Hoa Kỳ xem lại quy chế kinh tế thị trường vào ngày 8-9-2023. Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố khởi sự cứu xét yêu cầu của Việt Nam vào ngày 24-10-2023. Theo quy trình, Bộ Thương mại có 270 ngày để hoàn tất công tác này, tức là vào giữa tháng 7/2024. Tuy nhiên quyết định sơ khởi có thể đạt được trong khoảng 150 ngày.

Theo Vietnam’s Association of Foreign Invested Enterprises, Bộ Thương mại Hoa Kỳ hứa sẽ cứu xét yêu cầu của Việt Nam một cách thuận lợi. Tuy nhiên tin này không được một cơ quan truyền thông hay viên chức Hoa Kỳ nào xác nhận.

Việt Nam bỏ nhiều công sức trong năm vừa qua và trong ba tháng của năm 2024 về quy chế kinh tế thị trường. Hai bộ trưởng Ngoại giao và Công Thương, Thủ tướng và cả Chủ tịch nước đều đích thân đến Mỹ vận động. Chiến thuật của Việt Nam là dựa vào quan hệ ngoại giao đang tốt đẹp với Hoa Kỳ để vận động cho mục tiêu này. Đặc biệt là sau khi hai nước ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm vừa qua trong chuyến thăm viếng Hà Nội của Tổng thống Biden như Hoa Kỳ mong đợi, Việt Nam muốn Hoa Kỳ có đi có lại.

Với sự chống đối mạnh mẽ của các công đoàn và phía sau là hậu thuẫn của Quốc hội Hoa Kỳ, chính quyền Biden khó có thể ưu đãi Việt Nam vào lúc này. Ông Biden đang vận động tái  tranh cử  tổng thống, không thể làm phật lòng giới công nhân, khối cử tri quan trọng của Đảng Dân chủ. Khác với một nước độc đảng như Việt Nam, quyền hành của người lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ có nhiều giới hạn.

Việt Nam còn một số giới hạn về tự do kinh tế mà chính quyền Biden khó có thể bênh vực. Những khó khăn sau cùng lại là những khó khăn nghiêm trọng khó vượt qua nhất. Cho đến nay trong tổng số 195 nước có 72 quốc gia công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường bao gồm Canada, Úc, Nhật Bản, South Korea, và gần đây là Anh Quốc.

Việt Nam có thể phải cần thêm ít nhất một năm nữa để đạt được quy chế này đối với Hoa Kỳ nếu dồn công sức cải tổ những gì còn thiếu sót. Trái banh hiện ở trong sân Việt Nam.

N.Q.K.

————————

THAM KHẢO

(1) Squire Patton Boggs, “Vietnam Seeks Market Economy Status for Antidumping”, The National Law Review, September 14, 2024.

(2) David Brunnstrom, “Vietnam hopes US will soon recognize its ‘market economy’ status, FM Son says”, Reuters, March 26, 2024.

(3) Elizabeth Brotherton-Bunch, “There’s Growing Bipartisan Opposition to Granting Vietnam Market Economy Trade Status,” Alliance for American Manufacturing, January 29, 2024. 

(4) Thao Dang, “US Review of the Non Market Economy Status of Vietnam”, Asia Matters for America, November 27, 2024.

(5) Tri Duc, “Bernie Sanders, 7 other US senators warn against giving market economy status to Vietnam”, The Invester Magazine, January 31, 2024.

(6) Nguyễn Quốc Khải, “Việt Nam Sẵn Sàng Từ Bỏ Mô Hình Kinh Tế Thị Trường Với Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, Diễn Đàn Thế Kỷ,  

(7) Srinivas Mazumdaru, “Vietnam pushes US to grant it ‘market economy’ status”, DW, February 5, 2024.

(8) CPA Newsroom, “CPA To Biden Administration: Do Not Grant Socialist Republic Of Vietnam ‘Market Economy Status’” CPA, January 3, 2024.

(9) Reuters, “Vietnam says US ‘non-market economy’ label is bad for bilateral ties”, January 23, 2024.

(10) Michael Stumo, “Granting Market Status To Vietnam Would Repeat The ‘China Mistake’”, Coalition for a Prosperous America, January 8, 2024.

(11) Shaun Tandon, “Seeing US ties Vietnam appeals for market economy status”, AFP, March 26, 2024.

(12) Elizabeth Warren, “Warren, DeLauro, 31 Lawmakers Express Concerns about Department of Commerce Review of Vietnam’s Nonmarket Economy Status”,Warren.senate.gov.

Nguồn: Diễn đàn Thế kỷ

  

This entry was posted in Kinh tế thị trường, Kinh tế Việt Nam. Bookmark the permalink.