Ông Putin có thể thăm Việt Nam khi đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã?

BBC News Tiếng Việt

28 tháng 3 2024

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa “trân trọng mời Tổng thống Putin sớm thăm chính thức Việt Nam” và ông Putin “đã vui vẻ nhận lời”, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin.

Chụp lại hình ảnhViệt Nam cho đến nay luôn khẳng định “là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga”. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhắc lại sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay. Ảnh: Ông Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp với ông Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) vào ngày 6/8/2018. Nguồn hình ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

Theo Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, vào chiều 26/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc nói chuyện, ông Trọng đã chúc mừng ông Putin thắng cử, chia buồn với nước Nga về vụ khủng bố mới đây, cảm ơn nước Nga đã giúp đỡ và trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ.

Thông tin chính thức từ Chính phủ Việt Nam còn cho biết ông Trọng đã mời ông Putin thăm Việt Nam và ông Putin đã nhận lời, hứa hẹn sẽ sớm đến thăm vào dịp phù hợp.

Hồi tháng 10/2023, ông Putin cũng nhận lời “sớm” đến thăm theo lời mời của chủ tịch nước khi đó là ông Võ Văn Thưởng.

Lúc bấy giờ, phản hồi từ phía Điện Kremlin là “Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời và mời Chủ tịch nước thăm Nga vào thời gian thích hợp”.

Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Putin đã không diễn ra trong bối cảnh Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC) phát lệnh truy nã ông từ tháng 3/2023.

Khác với phương Tây, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc… có lãnh đạo “nhiệt liệt chúc mừng” ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là “giả hiệu”.

Ông Putin từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.

Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng thể hiện vai trò nguyên thủ quốc gia trên thực tế, khi đưa ra lời mời trực tiếp đối với một nguyên thủ quốc gia nước ngoài, điều mà thông thường chủ tịch nước sẽ phụ trách.

Ông Trọng chính là người đưa ra lời mời, là chủ nhà (host) trong các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái.

Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).

Điểm đến an toàn?

Chụp lại hình ảnhTổng thống Nga Vladimir Putin và ông Võ Văn Thưởng khi còn đương chức chủ tịch nước Việt Nam trong cuộc gặp bên lề hội nghị kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh ngày 17/10/2023Nguồn hình ảnh: Grigory Sysoyev/Pool/Afp/Getty Images

Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam.

Nhận xét về điều này, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 27/3, “Khả năng Việt Nam bắt giữ ông Putin theo lệnh của ICC thì cũng giống như trẻ em đắp người tuyết ở Sài Gòn. Việt Nam là một trong những nơi an toàn nhất để Putin công du nước ngoài”.

Kể từ khi bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã vào ngày 17/3/2023 liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.

Được thành lập theo Quy chế Rome 1998 (QCR), ICC là một tòa án chính thức trong hệ thống cơ quan tài phán quốc tế xây dựng trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hiện có 123 quốc gia mà cơ quan lập pháp đã ký kết và phê chuẩn Quy chế Rome công nhận quyền tài phán của ICC, một tòa thường trực đặt trụ ở tại Den Haag (Hà Lan) và có chức năng truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

ICC chính thức ra đời ngày 1/7/2002, khi hiệp ước thành lập – Quy chế Roma về ICC có hiệu lực. Các Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không thuộc thành viên của ICC.

Phó Giáo sư lịch sử Iva Vukusic từ Đại học Utrecht (Hà Lan) từng nhận định với Reuters hồi tháng 3/2023 rằng:

“Putin không ngu ngốc. Ông ta sẽ không công du đến quốc gia nước ngoài mà ông ta có khả năng bị bắt giam. Ông ta sẽ không đi nhiều đến bất kỳ nơi nào khác ngoài những nước mà rõ ràng là đồng minh, hoặc thân cận với Nga”.

Hồi tháng 10/2023, Kyrgyzstan là quốc gia đầu tiên ông Putin đến công du sau khi ICC công bố lệnh bắt giữ, sau đó ông đã đến Trung Quốc để dự hội nghị kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Ông Putin đã không đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi hồi tháng 8/2023 cũng vì lệnh truy nã này.

Cả Kyrgyzstan và Trung Quốc đều không phải là thành viên của quy chế Rome.

Ông Putin cũng đến các quốc gia khác như Belarus, Kazakhstan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út sau lệnh truy nã.

Việt Nam trong mối quan hệ với Nga

Việt Nam cho đến nay luôn khẳng định “là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga”, luôn nhắc lại sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thực tế Việt Nam phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Gần đây, Việt Nam đã có những bước đi nhằm đa dạng nguồn cung vũ khí của mình.

Thế lưỡng nan của Việt Nam trong việc phải đa dạng hóa kho vũ khí ngoài “nước bạn” Nga đã được nhắc đến nhiều từ năm 2022 đến nay, khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.

Việt Nam đang có xu hướng giảm mua đáng kể vũ khí từ Nga và tìm nguồn cung thay thế, đặc biệt ở các nước có thể có loại vũ khí và phụ tùng tương thích với Moscow.

Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 11/3, lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt giữa lúc Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Cụ thể số liệu của SIPRI cho thấy Nga  nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ  có lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu sụt giảm đáng kể vào năm ngoái.

Đã có nhận định cho rằng Mỹ có thể thay thế dần vị thế của Nga về nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Diễn biến mới nhất là vào ngày 18/3 vừa qua, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất đã đến Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ hồi tháng 9/2023.

Trước đó, theo Reuters, 50 công ty Mỹ sẽ có cuộc họp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam về các thỏa thuận cung cấp vũ khí nhân chuyến thăm này.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu có thỏa thuận về vũ khí quân sự nào đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến đi hay không, ngoại trừ các thông tin về chip bán dẫn, ngân hàng…

Kể từ sau khi gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hồi năm 2016, Mỹ chỉ mới chuyển cho Việt Nam tàu tuần duyên và hứa chuyển giao máy bay huấn luyện T-6 trong giai đoạn 2024 – 2027.

Cho đến nay không có thông tin nào thêm về khả năng Việt Nam mua chiến đấu cơ tối tân F-16 của Mỹ.

Hồi tháng 1/2024, Giáo sư Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) đánh giá rằng kho máy bay chiến đấu hiện nay của Việt Nam là “không đủ để quản lý vùng trời trên đất liền cũng như trên biển”.

“Theo tính toán của một số chuyên gia thì với lãnh thổ của Việt Nam, cộng với vùng đặc quyền kinh tế, khu vực Biển Đông rồi ra tới quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần ít nhất khoảng 150 máy bay thế hệ thứ tư, cỡ như Su-30. Như vậy, Việt Nam hiện chỉ mới có thể quản lý được khoảng một phần ba lãnh thổ, một phần ba bầu trời. Tỷ lệ này là thấp”, ông nói.

Sự thiếu vắng của những đơn hàng [vũ khí] lớn tiếp tục khiến Việt Nam “vô cùng mong manh”, theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc) nhận định với Reuters hồi 14/3.

Bên cạnh việc Nga là nhà cung cấp vũ khí truyền thống, mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Moscow được coi là sự kế thừa về tình cảm từ thời Liên Xô.

Nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức các cấp, trí thức, doanh nhân Việt Nam từng học tập tại Liên Xô và nước Nga thường giữ tình cảm đặc biệt với Nga và cả ông Putin. Các lãnh đạo Việt Nam thường nhắc tới sự giúp đỡ của Liên Xô.

Bên cạnh đó, xuất phát từ việc coi Mỹ và phương Tây như những cực đối lập về ý thức hệ, Việt Nam có xu hướng tìm đến những cường quốc có vị thế đối lập với phương Tây, theo đánh giá của một số nhà bình luận.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

This entry was posted in Putin, Quan hệ Việt - Nga, Toà án Hình sự Quốc tế. Bookmark the permalink.