Luật Sư Đặng Đình Mạnh: vụ án xét xử ba thành viên của “Việt Nam Thời Báo” là một vụ án bất công điển hình

VNTB – Luật Sư Đặng Đình Mạnh: vụ án xét xử đối với ba vị thành viên của Việt Nam Thời Báo là một vụ án bất công điển hình

Quang Nguyên

(VNTB) – “Nếu có tội, thì tội lớn nhất của họ là đã lên tiếng nói quá thật về thực trạng của đất nước mà thôi.”

Kính thưa Luật Sư Đặng Đình Mạnh,

Trước hết VNTB vui mừng thấy LS đã thoát được âm mưu của Chính quyền Cộng sản và đến được Hoa Kỳ an toàn, tránh khỏi sự trả thù mà chắc chắn sẽ rất nặng nề của chính quyền vì là một LS tranh đấu cho nhân quyền.

Một trong những vụ án LS đã bào chữa bênh vực cho nhân quyền là cho các ông, TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN), nhà văn Nguyễn Tường Thụy, Phó chủ tịch và ông Lê Hữu Minh Tuấn, cộng tác viên của Việt Nam Thời Báo. Độc giả VNTB và các hội viên HNBĐLVN rất mong muốn được biết rõ hơn về vụ án này.

Chúng tôi xin phép hỏi một số câu sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về việc bảo vệ của các LS trong vụ án, các phương tiện bằng chứng và vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án chính trị này.

Xin LS vui lòng cho chúng tôi biết:

1. Sơ lược tổng quát về vụ án?

LS Đặng Đình Mạnh:

Việt Nam Thời Báo đã là tờ báo độc lập và tư nhân duy nhất được thành lập và hoạt động trong nước. Đồng thời, nội dung của tờ báo gồm những bình luận, phân tích, đánh giá về thực trạng chính trị, pháp luật, xã hội… một cách thẳng thắn, không tránh né đã hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương của chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối.

Điều này, xét về phương diện pháp lý là hoàn toàn hợp pháp, vì lẽ phù hợp với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận cũng như quyền tự do lập hội mà Hiến pháp Việt Nam đã quy định. Nhưng mặt khác, trong thực tế, thì chế độ đã luôn luôn hạn chế các quyền tự do này. Do đó, họ đã đàn áp tờ báo bằng cách bắt giữ và cáo buộc hình sự với ba thành viên của Việt Nam Thời Báo bao gồm các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.

Việc đàn áp này, đánh giá khách quan chính là sự đàn áp của chế độ đối với các quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội mà Hiến pháp Việt Nam đã quy định.

2. Đây là một phiên tòa được người dân trong, ngoài nước và cả các tổ chức bảo vệ cho nhân quyền trên thế giới chú ý. LS có bị áp lực tâm lý gì không và LS nghĩ đến chiến lược nào để thắng kiện?

LS Đặng Đình Mạnh:

Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đều bị cáo buộc về tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự vốn là một tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Mặc dù vậy, đánh giá riêng của cá nhân tôi thì họ đều vô tội cả. Họ chỉ thực hiện các quyền tự do căn bản của công dân do Hiến pháp quy định mà thôi. Do đó, chế độ thường quy kết cho rằng luật sư bào chữa trong các vụ án thuộc nhóm tội này đã đồng tình với những người bị cáo buộc hình sự, nên đã gây khó khăn rất nhiều, kể cả sách nhiễu luật sư. Thế nên, việc bào chữa cho các thân chủ thuộc nhóm tội này luôn luôn gây áp lực về phương diện tâm lý đối với luật sư.

Luôn luôn, mẫu số chung của các vụ án thuộc loại này đều là “Án bỏ túi” cả. Tức là tòa án đã có sẵn bản án kết tội. Việc đưa vụ án ra xét xử chỉ nhằm hợp thức hóa bản án kết tội mà thôi. Do đó, cho dù luật sư chọn chiến lược bào chữa như thế nào nào đi nữa, thì cũng không bao giờ đưa đến kết quả thắng kiện cho thân chủ được.

Thế nên, đứng trước thực trạng “Án bỏ túi”, thì tôi vẫn xác định quan điểm hành nghề luật sư là “Không được chọn một nền tư pháp lương hảo để phục vụ, nhưng không ai cấm luật sư chọn cách hành nghề đúng với phẩm giá”.

Ngoài ra, sau phiên tòa, tôi thông tin minh bạch về vụ án, về hành xử và thái độ của người bị xét xử, những bất công trong vụ án vốn bị chế độ che giấu. Tôi tin rằng công chúng cần biết những điều gì đã bị che giấu trong những vụ án chính trị đó.

3. Vụ án liên quan đến tội danh chính trị “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin chống Nhà nước”. Luật sư đánh giá như thế nào về sức mạnh của bằng chứng của bên công tố và bên bào chữa có để đối mặt với cáo buộc này? Luận cứ, chứng cứ nào của các LS tố giác bên công tố sai?

LS Đặng Đình Mạnh:

Tôi có thể đánh giá bằng chứng mà bên công tố đưa ra để buộc tội là con số 0 tròn trĩnh, vì nhiều lẽ:

1. Công tố nhờ tổ chức giám định viên tư pháp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá các bài viết mà họ cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong khi trước đó, chính Sở Thông tin và Truyền thông đã lập văn bản tố giác tội phạm đối với Việt Nam Thời Báo đến cơ quan công an. Nay lại giao ngược cho họ để đánh giá là có sự xung đột về lợi ích. Vì theo tố tụng hình sự, một khi đã là “người” tố giác tội phạm thì họ không còn bảo đảm tính khách quan, vô tư để làm giám định viên trong vụ án được nữa.

2. Nhiệm vụ của giám định viên tư pháp trong các vụ án này là đánh giá về tư tưởng, nhận thức và quan điểm chính trị của một người. Điều này xâm phạm vào nguyên tắc tự do tư tưởng, tự do biểu đạt chính kiến của công dân. Hơn nữa, chúng cũng trái ngược với khoa học hình sự của thế giới văn minh, vì không có quốc gia nào đặt ra vấn đề đánh giá tư tưởng, nhận thức và quan điểm chính trị của một người cả.

3. Trong từng đánh giá của giám định viên đối với từng câu văn, đoạn văn hay bài viết cũng bộc lộ sự suy đoán, diễn dịch một cách chủ quan, áp đặt và ác ý một cách thiếu cơ sở. Như họ cho rằng chúng (những bài viết) làm hoang mang trong nhân dân, gây mất uy tín của Đảng Cộng sản, của chính quyền hoặc của lãnh đạo… Nhưng họ không dẫn chứng được rằng sự “hoang mang” hoặc “mất uy tín” được xác định từ đâu? Từ một cuộc thăm dò dư luận nào? Thực tế, chúng chỉ xác định bằng chính sự suy diễn của cá nhân giám định viên mà thôi?!

4. Một số bài báo bị cáo buộc làm mất uy tín Đảng Cộng sản Việt Nam và đảng viên. Thế nhưng, trong phiên tòa xét xử, từ thẩm phán của tòa án, kiểm sát viên công tố của Viện kiểm sát và cả các giám định viên đều là đảng viên của Đảng Cộng sản cả. Thế nên, việc xét xử, truy tố và giám định đều được thực hiện bởi những người không còn bảo đảm được sự khách quan, vô tư khi làm nhiệm vụ của mình được nữa.

Nhưng trên tất cả, sự bất công không chỉ ở trong phạm vi bằng chứng, mà ở trong chính điều luật. Vì điều luật 117 Bộ luật Hình sự (và cả điều luật 331) đều là những tội danh vi hiến và phi lý. Vi hiến vì chúng quy định chế tài khi công dân thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội theo Hiến pháp quy định. Đồng thời, nó phi lý vì đã là quyền tự do thì sao còn đặt ra quy định hạn chế và trừng phạt?

4. luật sư có nhận thấy bất kỳ hạn chế pháp lý nào trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tội danh này không?

LS Đặng Đình Mạnh:

– Đoạn cuối phần trả lời cho câu hỏi số 3 trên đây đã trả lời cho câu hỏi số 4 này.

– Đồng thời, điều luật 117 Bộ luật Hình sự không chỉ vi hiến mà còn trái với Công ước quốc tế về quyền tự do chính trị và dân sự năm 1966 của Liên Hiệp Quốc mà chính quyền Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo đó, tham chiếu Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thì nếu một điều luật vi phạm Hiến pháp hoặc Công ước quốc tế, thì phải ưu tiên áp dụng điều luật theo Công ước quốc tế.

5. Tại sao LS nhận bảo vệ cho một vụ án chính trị như vụ này khi Nhà nước vi phạm nhân quyền trắng trợn, mà khó lòng thắng được, và người bảo vệ bị can là LS dễ gặp nguy hiểm? Chiến lược có tính toàn diện và sẽ tập trung vào việc đảm bảo bảo vệ quyền lợi pháp lý cũng như uy tín của bị cáo ra sao?

LS Đặng Đình Mạnh:

Tuy có những định kiến không đúng từ phía chế độ đối với luật sư bào chữa trong các vụ án chính trị, nhưng là một luật sư chuyên nghiệp, tôi vẫn nhận để mong thuyết phục chế độ, công chúng và đồng nghiệp về sự bình thường khi luật sư nhận bào chữa trong các vụ án chính trị. Tôi mong rằng điều đó sẽ khuyến khích các đồng nghiệp giảm bớt sự e ngại khi được nhờ bào chữa trong các vụ án chính trị.

Ngoài ra, đứng bên cạnh những tù nhân chính trị trong những khoảnh khắc mà họ đang làm nên lịch sử, thì tôi trở thành chứng nhân và là người chép sử, điều đó là niềm vinh dự hết sức lớn lao đối với tôi.

Đối diện thực trạng xét xử theo cách thức “Án bỏ túi” của tòa án và che đậy sự bất công trong các phiên tòa chính trị, một mặt, tôi vẫn thực hiện trách vụ bào chữa một cách bình thường với trách nhiệm cao nhất. Mặt khác, tôi đặt mục tiêu minh bạch hóa tất cả những vấn đề trong vụ án giúp công chúng hiểu rõ điều gì đã xảy ra trong các vụ án ấy. Thế nên, cho dù tôi không thể bảo vệ được thân chủ thoát khỏi những bản án tù đày, nhưng tôi bảo vệ và giữ gìn được uy tín cho các tù nhân chính trị mà tôi nhận bào chữa trước hệ thống truyền thông của chế độ đã ra sức bôi nhọ họ bằng cách đưa tin một chiều đầy ác ý và trái với sự thật.

6. Trong chiến lược bảo vệ các bị cáo, LS đã đưa ra bằng chứng nào, bao gồm tuyên bố của bị cáo, chứng cứ vật chất hoặc những bằng chứng khác? Phía công tố phản bác ra sao?

LS Đặng Đình Mạnh:

Trong hồ sơ cáo buộc hình sự đối với ba thành viên của Việt Nam Thời Báo, với tư cách luật sư, tôi không bào chữa gì về phương diện nội dung. Vì lẽ, tôi đánh giá hồ sơ vụ án đã sai lầm ngay từ việc cơ bản nhất là vận dụng điều luật 117 Bộ luật Hình sự, một điều luật vi hiến, trái với Công ước quốc tế và phi lý, bên cạnh cách thức điều tra thông qua giám định viên tư pháp vi phạm tố tụng hình sự. Do đó, tôi đã quyết định tập trung bào chữa về phương diện hình thức, còn gọi là thủ tục tố tụng.

– Về điều luật 117: Một điều luật vi hiến, vi phạm Công ước quốc tế và phi lý.

– Về giám định tư pháp đầy rẫy sự vi phạm tố tụng hình sự: (Đã nêu trong trả lời câu hỏi số 3).

7. Thái độ của các bị cáo trước tòa?

LS Đặng Đình Mạnh:

Thản nhiên, điềm tĩnh, uyên bác.

8. LS có lo ngại về an toàn của mình thế nào trong cuộc bênh vực cho 3 nhà báo?

LS Đặng Đình Mạnh:

Trong khoảng 10 năm qua, tôi đã từng bào chữa trong hơn 40 vụ án chính trị, tham gia 80 phiên tòa hình sự, bảo vệ và bào chữa cho 100 tù nhân chính trị, dân oan… thì tôi đều bị chế độ gây phiền hà, sách nhiễu đủ các loại cả, kể cả bị bắn vỡ kính xe, bị cướp hồ sơ, laptop, bị theo dõi, đột nhập phòng khách sạn, bi an ninh đến nhà ngăn cản đi họp với Quốc vụ khanh Đức mời… Cho nên, không chỉ trong vụ án xét xử đối với ba vị trong Việt Nam Thời Báo, mà trong suốt quá trình hành nghề, tôi đều rất lo lắng cho sự an nguy của mình và gia đình.

9.  LS có cho rằng đây là một phiên tòa công bằng, hợp lý? Nếu đó là bất công, xin vui lòng cho biết về nhận định của LS với viện kiểm soát, chánh án, và chính phủ Việt Nam?

LS Đặng Đình Mạnh:

Tôi có thể khẳng định, vụ án xét xử đối với ba vị thành viên của Việt Nam Thời Báo là một vụ án bất công điển hình. Nó đã thể hiện trọn vẹn sự tấn công, đàn áp của chính quyền vào các nhà báo độc lập đang thực hiện các quyền tự do căn bản của công dân do Hiến pháp quy định. Nếu có tội, thì tội lớn nhất của họ là đã lên tiếng nói quá thật về thực trạng của đất nước mà thôi.

Cũng thông qua vụ án, đã phơi bày về thực trạng về nền tư pháp nước nhà, trong đó, các thành phần tham gia vụ án như cơ quan an ninh điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều không độc lập như luật pháp quy định, mà tất cả chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản được sử dụng để đàn áp mọi tiếng nói trái chiều mà họ không mong muốn.

10.  Kết quả phiên tòa lên tâm lý của LS thế nào?

LS Đặng Đình Mạnh:

Từng là độc giả theo dõi trang Việt Nam Thời Báo, tôi thật sự khâm phục tài năng và đức độ của cả ba vị thành viên của báo bị chế độ xét xử. Tài và đức của họ thể hiện trong từng bài báo mà họ là tác giả, thể hiện sự uyên bác, can đảm và tấm lòng của họ trước vận mệnh của đất nước. Thế nên, dù biết trước kết quả phiên tòa, nhưng sau lời tuyên án, tôi đã rất buồn khi những người tốt như thế phải chịu tù đày vì chính kiến của mình.

11. Xin luật sư cho biết về bất kỳ yếu tố nào khác mà ông cho là quan trọng đối với vụ án hoặc chiến lược bào chữa.

LS Đặng Đình Mạnh:

Xin phép được miễn trả lời câu hỏi cuối này.

Trân trọng cảm ơn luật sư

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Nhân Quyền, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.