Cái giá phải trả là sức khoẻ

Ban Mai

(VNTB) – Cái giá phải trả cho việc coi thường khí hậu, coi thường bầu không khí, thật sự là quá đắt…

Trong suốt gần hơn một tháng qua, không chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà nhiều nơi, chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao. Ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh qua chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 – tăng khá cao. Ngay từ năm 2009, báo cáo về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra rằng, ở TP.HCM, riêng các khu công nghiệp đã thải ra 8.251 kg bụi, 15.487 kg NO2, 2.389 kg CO, 148.058 kg SO2 mỗi ngày.

Còn ở Hà Nội, thống kê từ AirVisual, trong 16 ngày (từ 18-11 đến 3-12), chỉ số ô nhiễm theo ngày của Hà Nội chỉ có 1 ngày ở mức trung bình (ngày 1 tháng 12) khi trời chuyển mưa, 15 ngày còn lại đều được cảnh báo có chỉ số ô nhiễm ở mức đỏ – có hại cho sức khỏe.

Nếu xét ở góc độ nguyên nhân, nếu như loại trừ những nguyên nhân khách quan được “du nhập” từ nước ngoài như khói núi lửa, bụi từ nước khác bay sang. Một trong số những nguyên nhân dễ nhận thấy nhất, có lẽ, đến từ các phương tiện tham gia giao thông. Theo một thống kê, hơn 70% lượng bụi ở TP.HCM là từ các hoạt động giao thông.

“Xe buýt, xe tải, rồi có một số chiếc xe gắn máy nữa, chạy khói mù trời. Dẫu có thông cảm cho những chiếc xe máy mù mịt khói, có thể do hoàn cảnh khó khăn nên không thể sắm sửa những chiếc xe sang, xịn. Nhưng nói thật, mỗi khi đi sau lưng những chiếc xe đó là tui lại cảm thấy rất mệt mỏi, khói xe không thấy đường để chạy”.

Bên cạnh đó, đường sá cũng là một vấn đề. Một con đường bằng phẳng với nhiều hàng cây cũng đỡ bụi bặm hơn rất nhiều so với một con đường gồ ghề, lởm chởm do tác động của các phương tiện lớn gây ra hoặc do đang thi công hệ thống đường với thời gian quá lâu.

“Đường bằng phẳng, dẫu có bụi, dân địa phương xịt nước, người tham gia giao thông cũng cảm thấy an toàn hơn so với đường mấp mô. Những ổ gà, ổ voi thật sự rất nguy hiểm”.

Lẽ hiển nhiên, nếu xét đến nguyên nhân, không nói đến khí thải công nghiệp, ô nhiễm do các hoạt động xây dựng công trình dân dụng ở đô thị, dường như là một sự thiếu sót. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ngành sản xuất công nghiệp tại Việt Nam rất đa dạng và thành phần khí thải vào môi trường cũng khác nhau. Điển hình như ngành khai thác và chế biến than. Đây là ngành có đặc thù, thải ra môi trường không khí một lượng lớn bụi TSP, PM10 và một số chất khác như: SO2, CO, CO2

Ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp và dễ thấy nhất là cảm thấy cay mắt, đau rát cổ họng, mệt mỏi khi tham gia giao thông. Không những thế, chúng còn làm gia tăng các bệnh lý về hô hấp, bụi mịn có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp. Một số hạt bụi có thể chứa các chất độc hại làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, bệnh đường ruột, mắt, bệnh ngoài da…

Tác hại của bụi – đặc biệt là bụi mịn PM2.5 – đối với sức khỏe của người dân ở TP.HCM là khá rõ ràng. Theo WHO, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, khoảng 200.000 trong đó là trẻ dưới 15 tuổi.

Nói vui theo kiểu bình dân, xã hội càng hiện đại thì càng hại điện. Câu chuyện phát triển công nghiệp phải luôn gắn liền với bảo vệ khí hậu, vì một môi trường xanh, là điều không khó tìm kiếm ở các nước khác.

Trả giá cho việc coi thường khí hậu, coi thường bầu không khí bằng sức khoẻ thì thật sự là quá đắt…

B.M.

VNTB gửi BVN

 

This entry was posted in Ô nhiễm môi trường. Bookmark the permalink.