Quy hoạch Paris đã truyền cảm hứng cho các chế độ độc tài như thế nào

Bóng tối ở Kinh đô Ánh sáng.

Nguyễn Đại Nam 

Những đại lộ lớn, dài là điểm đặc trưng của Paris sau khi được quy hoạch lại vào thế kỷ 19. Ảnh: Alamy/ The Guardian.

Hai phạm trù đô thị (bao gồm cả kiến trúc) và độc tài tưởng chừng chẳng mấy liên quan, nhưng đó thực ra lại là một chủ đề hết sức thú vị và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. 

Quy hoạch đô thị (urban planning) và kiến trúc (architect) đã trở thành công cụ thường xuyên được những chế độ độc tài sử dụng để biểu dương sức mạnh, củng cố sự đồng thuận, ngăn chặn, đàn áp đối lập và duy trì sự cai trị [1].

Và Paris – kinh đô ánh sáng thế giới, một hình mẫu về quy hoạch đô thị, đã đi đầu trong xu hướng này cùng với các nhà nước chuyên chế ở châu Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Dự án cải tạo Paris (năm 1853 – 1870) được nam tước Georges Eugène Haussmann chỉ đạo, dưới sự hậu thuẫn của Hoàng đế Napoleon III (cháu ruột Napoleon I) [2].

Khi cải tạo Paris, bên cạnh việc xây dựng thêm nhiều công trình hạ tầng và kiến trúc khang trang như đại lộ, công viên, quảng trường v.v., Haussmann đã cho dẹp bỏ các khu ổ chuột và di dời tầng lớp dân nghèo, những người cùng khổ ra xa trung tâm thành phố.

Cách tiếp cận này đã bị một số nhà hoạt động chính trị đương thời cáo buộc là bình phong cho âm mưu bố trí lực lượng mật vụ để tăng cường giám sát người dân [3]. Những đại lộ rộng thênh thang và con đường được nắn ngay ngắn thẳng hàng sẽ giúp cảnh sát và quân đội dễ dàng di chuyển vào trấn áp đám đông biểu tình, thậm chí có thể nã pháo nếu cần thiết.

Tư duy sử dụng quy hoạch đô thị để kiểm soát đám đông của Hausmann sau đó đã lan truyền qua nhiều nơi. Nhiều chế độ độc tài đã áp dụng và cực đoan hóa các yếu tố thị uy và giám sát của lối kiến trúc quy hoạch này.

Năm 2005, chế độ quân phiệt Miến Điện quyết định dời thủ đô từ Yangon (gần 5 triệu dân) về Naypyidaw [4]. 

Đây là thành phố nằm khá biệt lập trong nội địa, thưa dân (chưa đầy 1 triệu), chủ yếu là giới tướng lãnh và quan chức chính quyền, nhưng lại có những đại lộ lên tới 20 làn xe.

Năm 2007, cuộc Cách mạng Áo cà-sa (Saffron Revolution) làm rung chuyển nhiều nơi trên đất Miến Điện đã không thể lan nhanh và rộng tới Naypyidaw do cách trở địa lý, cuối cùng bị quân đội dập tắt [5].

Nhìn chung, phong cách quy hoạch đô thị và kiến trúc ở các nhà nước độc tài thường mang những đặc điểm sau [6]:

Thứ nhất, các công trình mang tính biểu tượng được ưu tiên xây dựng để phục vụ mục đích tuyên truyền, khuyến khích hiện tượng sùng bái cá nhân. 

Những nhà độc tài thường đặc biệt yêu thích các kiến trúc uy nghiêm khổng lồ, đôi khi lớn đến mức phi lý, qua đó giúp họ biểu dương sức mạnh và sự vĩ đại của chế độ, đồng thời vun đắp và lan tỏa tình cảm yêu mến của người dân dành cho họ. 

Thứ hai, thiết kế của những công trình này, cho dù có được đánh giá cao về tính mỹ học hay không, thường tạo cảm giác lạnh lẽo, thậm chí có phần đáng sợ, khiến người dân dễ cảm thấy bị khuất phục. 

Có thể kể tới Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc); tòa nhà quốc hội lớn nhất thế giới ở Bucharest (Romania, được xây dựng dưới thời Nicolae Ceaușescu, tiêu tốn tới 20% ngân sách quốc gia mỗi năm); khách sạn cao nhất thế giới và khải hoàn môn lớn thứ hai thế giới (lớn hơn cả Khải Hoàn Môn Paris) ở Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên), v.v. [7][8]

Thứ ba, quy hoạch theo hướng chia để trị (dễ kiểm soát), hạn chế sự tự do đi lại và tương tác, duy trì tình trạng biệt lập xã hội (social isolation). 

Đô thị tại các xứ sở độc tài thường được thiết kế nhằm tạo ra sự ngăn cách giữa tầng lớp tinh hoa chính trị (quan chức, cố vấn, tướng lĩnh, lợi ích nhóm) với đám đông. 

Như ở Bình Nhưỡng, chỉ những công dân ưu tú và trung thành nhất mới được nhận tiêu chuẩn sinh sống trong các tòa chung cư trông giống hệt nhau (đặc trưng của phong cách Stalinist, lấy cảm hứng từ tư duy Haussmann) [9]. Càng đi xa Bình Nhưỡng thì đời sống người dân và cơ sở hạ tầng lại càng hết sức thiếu thốn.

Trong giai đoạn 1955 – 1984, Hà Nội cũng từng được quy hoạch theo phong cách Stalinist dưới sự cố vấn của các kiến trúc sư Liên Xô. Thành phố được chia thành nhiều mikroraion (tiểu khu trong tiếng Nga), bao gồm cả những cơ sở hạ tầng cần thiết (trường học, bệnh viện, chợ, v.v) dựa theo một công thức không đổi (60.000 – 70.000 dân) và áp dụng rập khuôn cho tất cả mọi nơi. 

Tuy nhiên, phần lớn các ý đồ trên đều đã thất bại do sự thiếu hiểu biết về văn hóa, lịch sử, nhân khẩu học Hà Nội. 

Về sau, giới kiến trúc và quy hoạch Việt Nam đã cùng ngồi lại để tìm phương án sửa chữa. Kết quả là Hà Nội cùng nhiều thành phố khác ở Việt Nam sau Đổi mới (1986) đã và đang được quy hoạch theo hướng uyển chuyển hơn, du nhập tư duy kinh tế thị trường từ phương Tây [10].

Thứ tư, không gian công cộng ở những xứ sở độc tài thường được sử dụng để biểu dương sức mạnh, răn đe, thị uy thay vì khuyến khích đời sống dân sự.

Như tại Nga, từ năm 2008, Putin đã cho khôi phục hoạt động duyệt binh của thời Xô Viết trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow [11]. Hay chế độ quân chủ Arab Saudi thường mang tử tù ra chặt đầu thị chúng trên Quảng trường Deera ở Riyadh [12].

Tuy nhiên, trái với ý muốn của các nhà cai trị, dân chúng ở nhiều quốc gia vẫn tiến đến các quảng trường để tham dự phong trào bất tuân dân sự (civil disobedience) và phản kháng để tranh đấu cho tự do. 

Nhiều cuộc biểu tình trên khắp thế giới, từ Cairo (Ai Cập), Tripoli (Libya) ở Bắc Phi cho tới Kiev (Ukraine), Tbilisi (Gruzia) hay Bishkek (Kyrgyzstan) – những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đều diễn ra tại các quảng trường. 

Gần đây, các chế độ độc tài tiếp tục đổ thêm nhiều tiền của vào các công nghệ như dữ liệu lớn, cảm biến nhận diện hình ảnh tại các khu vực công cộng. Người dân không thể không nhận thấy những dự án thành phố thông minh của Ai Cập và Arab Saudi; hay thành phố công nghệ trong mơ – Tân khu Hùng An – của Trung Quốc đều có mục đích kiểm soát người dân chặt chẽ hơn [13][14].

N.Đ.N.

Chú thích

1.   Harald Bodenschatz. (2016). Urbanism and dictatorship : a European perspective. Birkhäuser.

2.   Ford, M. (2014, February 21). A Dictator’s Guide to Urban Design. The Atlantic. https://www.theatlantic.com/international/archive/2014/02/a-dictators-guide-to-urban-design/283953

3.   Kirkman, E. (2007). Haussmann’s Architectural Paris – Architecture in the Era of Napoleon III – The Art History Archive. Arthistoryarchive.com. http://www.arthistoryarchive.com/arthistory/architecture/Haussmanns-Architectural-Paris.html

4.   New York Times. (2024). Surrounded by Poverty, a Lifeless Capital Stands Aloof (Published 2011). The New York Timeshttps://www.nytimes.com/2011/12/14/world/asia/hopes-and-reality-clash-in-a-new-myanmar.html

5.   Gomà, D. (2010). Naypyidaw vs. Yangon: The Reasons Behind the Junta’s Decision to Move the Burmese Capital. Burma or Myanmar? The Struggle for National Identity1, 185-204. https://doi.org/10.1142/9789814313650_0007

6.   ArchAnime. (2023). How Dictators Use Architecture to Rule [YouTube Video]. In YouTubehttps://www.youtube.com/watch?v=a4tzODJ6iV8

7.   Hằng, T. (2018, August). Tạp chí xã hội – Cung Nghị Viện Rumani: Từ biểu tượng chuyên quyền đến trung tâm dân chủ. RFI. https://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20180801-cung-nghi-vien-rumani-tu-bieu-tuong-chuyen-quyen-den-trung-tam-dan-chu

8.   BBC News. (2024). BBC News – Will “Hotel of Doom” ever be finished? http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/8306697.stm

9.   Worden, R. L. & Library Of Congress. Federal Research Division. (2008) North Korea: a country study. Washington, DC: Federal Research Division, Library of Congress: For sale by the Supt. of Docs., U.S. G.P.O. [Pdf] Retrieved from the Library of Congress, https://www.loc.gov/item/2008028547

10.                 Logan, W. S. (1995). Russians on the Red River: The Soviet Impact on Hanoi’s Townscape, 1955-90. Europe-Asia Studies47(3), 443–468. http://www.jstor.org/stable/152570

11.                 Trenin, D. (2016). The Revival of the Russian Military: How Moscow Reloaded. Foreign Affairs95(3), 23–29.http://www.jstor.org/stable/43946854

12.                 NPR. (2022, March 12). Saudi Arabia carries out its largest known execution in the kingdom’s modern history. NPR.https://www.npr.org/2022/03/12/1086280204/saudi-arabia-carries-out-its-largest-known-execution-in-the-kingdoms-modern-hist

13.                 al-Hathloul, L. (2022, March). Dictators in Egypt and Saudi Arabia love smart cities projects — here’s why – Access Now. Access Now. https://www.accessnow.org/smart-cities-projects

14.                 Hu, R. (2023). Reinventing the Chinese City. Columbia University Press.

Nguồn: Luatkhoa.com

This entry was posted in Chế độ độc tài, Quy hoạch đô thị. Bookmark the permalink.