Lợi dụng “nhân văn”, “quyết liệt” làm bậy, làm càn

Anh Quoc

Dạo này công an giao thông ra quân mở chiến dịch “thổi cồn” rất quyết liệt.  Trên Quốc hội, trong dân có nhiều ý kiến làm như thế có “quá đà, lạm dụng quyền lực”?

Thật hoang mang, trong một xã hội những giá trị “nhân văn” và các biện pháp quản lý xã hội “quyết liệt” cùng chung sống với nhau, không có sự đồng thuận trong nhận thức, trong thực tế bị lợi dụng như hai phiên tòa Việt Á, Chuyến bay giải cứu, và xử phạt nồng độ rượu….

Suy cho cùng, “nhân văn” hay “quyết liệt” không phải là biện pháp để quản lý xã hội, nó chỉ là cách giải thích cho những việc làm trong khuôn khổ pháp luật, sự đánh giá hiệu quả thông qua nhận thức, và mức độ hài lòng của người dân.

Xin kể ra hai câu chuyện ở nước Mỹ, để hiểu thêm thế nào là nhân văn, thế nào là quyết liệt?

VỀ THỔI NỒNG ĐỘ CỒN

Ở Mỹ không có chuyện cảnh sát giao thông “núp” hay đặt chốt tuỳ tiện bất kỳ chỗ nào để rình bắt người tham gia giao thông uống bia, rượu. Đến đoạn đường nào có kiểm tra nồng độ cồn đều có biển báo trước đặt cố định.

Tại trạm kiểm tra, sau khi phát hiện lái xe có nồng độ rượu, tuỳ theo nồng độ được đo sẽ có mức xử phạt khác nhau, hoặc không bị xử phạt.

Theo đó người vi phạm sẽ được dẫn đến một phòng (có thể là một container chuyên dụng). Ở đấy có các nhân viên tư vấn kiểm tra tình trạng sức khỏe của lái xe, thông qua các thiết bị y tế. Họ sẽ kết luận lái xe có được tiếp tục đi nữa hay không? Nếu không, sẽ được đưa sang một phòng nghỉ, chăm sóc đến khi nào kiểm tra lại, đảm bảo mới tiếp tục hành trình. 

Trong trường hợp lái xe vẫn đủ tỉnh táo sẽ tiếp tục cho đi, theo một vận tốc quy định.

Nói thêm, việc quản lý rượu ở Mỹ và phương Tây rất chặt. Tất cả các quán ăn, quán bar bán rượu phải đăng ký, và không được bán chai, chỉ bán theo ly, cốc… như vậy chủ quán sẽ kiểm soát được khách hàng lạm dụng đến mức say xỉn.

Đừng ngạc nhiên nếu khi vào các quán ăn gọi rượu sẽ không có, họ không đăng ký bán rượu vì như thế mất khách hàng, do quy định người dưới 18 tuổi không được vào các quán có bán rượu.

Rượu chai chỉ mua được trong cửa hàng, siêu thị. Ở Canada ra ngoài đường để lộ ra chai rượu sẽ bị phạt, rượu phải được bọc gói kín đáo khi mang theo, hoặc khi vận chuyển ngoài đường, nơi công cộng.

Nói như thế không có nghĩa là ở Mỹ và châu Âu không có những con “sâu rượu”, bị hạn chế uống rượu.

Họ vẫn uống, vẫn say bét nhè. Nhưng uống rồi muốn về nhảy thì lên xe taxi, lên tàu điện ngầm, xe bus, rất thuận tiện.

Hỏi cách quản lý rượu của họ có “quyết liệt” không, có “nhân văn” không?

Quyết liệt hay nhân văn nó nằm ở cách làm khoa học, ở quan tâm bằng phương tiện, bằng hạ tầng, bằng coi trọng đến phẩm giá, giá trị con người.

Hạ tầng giao thông công cộng yếu kém, quản lý rượu, bia lỏng lẻo, cảnh sát giao thông núp ở bất cứ chỗ nào, kể cả trước quán ăn, quán nhậu để rình thổi nồng độ cồn, con bà thằng nào chẳng chết. Như thế có gọi là nhân văn, quyết liệt được không? Hay đó là lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nhân quyền?


THUẾ

Ai cũng biết ở Mỹ tội trốn thuế ngang hàng với tội trốn nghĩa vụ quân sự theo lệnh tổng động viên.

Phải nói về mức độ “quyết liệt” trong thu thuế họ gấp vạn lần ta. Nhưng họ là quyết liệt thật, ta là quyết liệt đểu.

Họ quyết liệt để tăng ngân sách, tạo công bằng xã hội, và phạt rất nặng với người trốn thuế.

Còn ta quyết liệt bằng mồm, tội trốn thuế là tội nhẹ nhất, các quan chức sở thuế chỉ quyết liệt ngầm để ăn hối lộ của kẻ trốn thuế.

Tại sao ở Mỹ bất kỳ mua cái gì, người dân cũng lấy hoá đơn? Còn ta người dân chẳng mấy ai cần hoá đơn, lấy về làm gì cho nó rác nhà.

Thực tế nó là như thế này.

Chính phủ Mỹ họ vừa khôn vừa tử tế, hay gọi như ở ta là nhân văn cũng được.

Nếu tất cả hàng hoá bán ra đều có hoá đơn chính phủ sẽ quản được thuế, khó trốn thuế. Làm thế nào để người dân có thói quen lấy hoá đơn, kể cả giá trị hàng hoá chỉ vài đô la?

Rất đơn giản, là chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho người tiêu dùng. Về bản chất thuế giá trị gia tăng là thuế thu của người tiêu dùng, Chính phủ Mỹ không có nghĩa vụ hoàn thế cho người tiêu dùng cuối cùng.

Nhưng để kiểm soát được thuế, chống thất thu thuế, hàng năm chính phủ Mỹ lại trích ngân sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho một số hoá đơn của một số mặt hàng nào đó cho một số đối tượng tiêu dùng không định trước. Người Mỹ ai mua hàng cũng yêu cầu cấp hoá đơn là như thế.

Lấy ví dụ.

Năm 2008, hơn 7 triệu người Mỹ nhận được những khoản hoàn trả thuế năm 2007 trực tiếp qua tài khoản ngân hàng, trong đó 300 USD đối với người hưởng phúc lợi xã hội và không đóng thuế, 600 USD đối với cá nhân đóng thuế, 1.200 USD đối với các cặp vợ chồng cộng với 300 USD cho mỗi đứa con. 

Chính phủ hoàn thuế cho dân vài chục tỷ đô la, nhưng thu về hàng trăm tỷ đô la thuế, cái này gọi là nhân văn, hay biện pháp quản lý cũng đều đúng.

Đến đây chúng ta sẽ hiểu bản chất của nhân văn, quyết liệt nó là thế nào? Đó là lời nói đi đôi với việc làm, là sự nghiêm minh của pháp luật, là những việc làm thiết thực đem lợi ích cho người dân, không lợi dụng nhân văn hay quyết liệt để làm bậy, làm càn.

A.Q.

Nguồn: FB Anh Quoc

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.