Một trường hợp, câu chuyện Bến Tre

Vũ Kim Hạnh

Sáng nay, tôi vừa có chút duyên với Bến Tre.

Sáng Chúa nhật 30/3, rảnh rang hơn ngày thường, tôi ngồi ở quán cafe vĩa hè trễ hơn. Bỗng một anh chàng (người lạ) sà xuống ghế bên cạnh. Cho con ngồi “ké” với cô nha cô. Con thấy cô mấy lần, định làm quen lâu rồi mà hôm nay mới nói chuyện được. Con vẫn thường nghe cô kể chuyện trên 5 phút đó cô. 

Tôi ngạc nhiên. Ủa hay vậy. Em ở đâu? Anh chàng nói rặt giọng miền Tây. Dạ con ở Bến Tre. Cuối tuần mới chạy lên thăm má con nó sống ở Sài Gòn, bả làm nhân viên nhà thuốc của BV gần đây. Tôi hỏi. Ở Bến Tre em làm gì? Dạ, con làm ở công ty sửa chửa điện lạnh. Con cũng có cửa hàng nhỏ hùn với các bạn ở quê, làm ngoài giờ để kiếm thêm. Rồi em thích nghe gì ở “5 phút-Chuyện thị trường?”. Dạ con nghe để nắm tình hình với lại để biết về các cơ hội việc làm, có ích lắm đó cô.

Vậy là có duyên gặp người Bến Tre. Tôi đưa cho anh thợ Nguyễn Minh Cảnh xem một đoạn tôi đang viết FB về… tỉnh Bến Tre.

Bài ấy đây…

LIỆU CÓ … MẤT BẾN TRE?

Hôm 27/3, tôi đi dự Lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên của ĐBSCL. Tình cờ gặp đủ ba anh là sáng lập mạng lưới ABCD Mekong, đại diện của An Giang, Bến Tre, Cần Thơ. Thiếu mình Đồng Tháp. Giải lao, thấy chúng tôi gom nhau trò chuyện, một anh doanh nhân đồng bằng tới bàn với vẻ mặt quan trọng: Nè, hiện diện ở đây thì thiếu Đồng Tháp. Nhưng mai mốt sáp nhập tỉnh thì còn đủ An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp mà thiếu… Bến Tre.

Anh bạn doanh nhân nói xong bỏ đi thản nhiên mà tôi hơi bị thốn. Thực tình, gần đây tôi hay nghĩ về Bến Tre.

Bến Tre là một tỉnh nhỏ, được bồi tụ bởi phù sa 4 con sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Tiền Giang, Ba Lai, nên đất đai màu mỡ, xanh mát bóng dừa. Bến Tre cũng là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất nước, chiếm 50% diện tích trồng dừa cả nước. Gần đây, tôi có đi thăm công trình của cặp bạn là vợ chồng anh Trần Anh Thuy và chị Thanh Trúc rồi làm một video với họ. Và cũng có làm chương trình “Kịch và nghệ” về vỡ nhạc kịch “Tiên Nga”, trong đó có tập quay ngoại cảnh là về thăm đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Vợ chồng chủ công ty rượu Phú Lễ có lẽ không giàu có như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng họ giàu “bền vững” theo cách riêng. Họ dành nhiều tâm huyết đầu tư cho người dân Ba Tri và Bến Tre quê họ: họ thành lập doanh nghiệp xã hội (một hình thức doanh nghiệp đặc biệt làm thiện nguyện được quy định trong luật về doanh nghiệp) từ đó hoạt động tập trung cho giáo dục, văn hóa như Gìn giữ điệu “Hát sắc bùa”, mở lớp hướng nghiệp, hướng dẫn nhân sinh quan, cấp học bổng. Tôi từng được dự một “Đêm Tao ngộ xứ Dừa” đầy cảm xúc với ông cựu bí thư Bến Tre mà lâu nay tôi thầm kính trọng về tư cách, ông Võ Thành Hạo. Bến Tre còn có một tour du lịch lịch sử tôi mong chờ là về thăm các di tích liên quan các danh nhân văn hóa hay lịch sử: cụ Đồ Chiểu, cụ Phan Thanh Giản, cụ Petrus Trương Vĩnh Ký và nhà giáo Võ Trường Toản.

Mới đây, trong talkshow với một nữ doanh nhân trẻ của Bến Tre là Bạn Đinh thị Hạnh Tâm, tức Tâm Cobote , tôi nghe Tâm bộc bạch là cô đi du học và sống Pháp lâu, nhưng cô vẫn thấy Bến Tre mới thật là đẹp. Bởi Bến Tre cũng có những con đường nhựa kiểu đô thị, nhưng cứ rẻ vô hẽm chừng 100 mét là mình dễ dàng gặp những cánh đồng xanh mướt, những vườn cây ao cá an bình, hiền dịu như tính tình người Bến Tre. Cô cũng khen hiếm ở đâu mà có thể gặp những cán bộ lãnh đạo sẵn lòng nghe và giúp người khởi nghiệp hết lòng như ở Bến Tre. 

Tôi nghe Tâm nói, chợt nghĩ, mai đây, Bến Tre sáp nhập với Trà Vinh, Vĩnh Long trong tên mới chung là Vĩnh Long rồi, thì mọi điều cảm động, tự hào thường nghe về Bến Tre liệu sẽ ra sao, vẫn còn nguyên chứ, dù tên tỉnh về hành chánh… không còn?

Việc sáp nhận là cần, để thun lợi hơn, tiết kiệm hơn về quản lý hành chánh và thúc đẩy phát triển. Đến nay, tôi chưa được nghe kế hoạch chi tiết khi sáp nhập tỉnh nên cứ tự hỏi, làm sao đây để việc sáp nhập là đem lại sự thuận lợi hơn, tăng giá trị lên chứ không phải là đánh mất đi những tài sản vô giá, từ tài sản hữu hình là cảnh trí đẹp tuyệt ngày càng được bồi đắp với những cái tên thân thuộc của từng đơn vị cơ sở của địa phương và nhất là tài sản phi vật thể vô giá về lịch sử, văn hóa, giáo dục… từ ngàn đời cha ông đã dày công xây dựng và để lại.

Chúng ta từng đi thăm các địa danh du lịch nổi tiếng khắp các nước từ Âu sang Á, Những nước phát triển như Pháp, Đức, Hà Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… ta thấy họ gìn giữ và bồi đắp thật chi li, công phu và tận dụng cả khoa học, công ngh nữa để bảo tồn các ngôi làng, các di tích cổ, từ những đơn vị tế bào nhỏ nhất, giữ gìn niềm tự hào để giáo dục tình yêu đất nước cho con trẻ, và cũng là nơi khai thác tuyệt vời cho giao lưu khoa học, văn hóa, lịch sử và là nguồn lợi lớn cho kinh tế du lịch nữa.

Và chúng ta cũng từng nghe những điều tiếc xót cho thiên nhiên Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa… bị mai một do làn sóng đô thị hóa tràn qua?

Thì nay, trong cơn lốc đô thị hóa, cuộc chạy đua để mà có thể mỗi tỉnh hào hứng phải có khách sạn 5 sao, có sân golf, có phố bán hàng cao cấp quốc tế xa hoa… thì kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của mỗi địa phương được quy hoạch ở danh mục cụ thể nào? Chắc chắn hành trình để đi về phía phát triển bền vững, ta không thể buông bỏ hay coi nhẹ, để tùy hứng tùy tâm dân cư mỗi địa phương tự đầu tư để bo tồn các di tích, di sản và tài nguyên lâu đời. 

Nghĩ cho cùng đó là niềm mong muốn và cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Không thể chỉ đổ hết cho nhà nước. Nhưng không thể không có các khoản mục này trong kế hoạch của nhà nước. Tôi mong sẽ có những khoản đầu tư cụ thể về tài chính, về nhân lực… trong danh mục xây dựng và phát triển sắp tới của các tỉnh thành phố mới.

Bởi xây dựng thì khó, thì lâu, còn thả nỗi với thời gian hay phó thác cho sự “tùy hỷ công đức” của cộng đồng thì e rằng chỉ một thời gian là bao mất mát, hao mòn sẽ xảy ra mà sau này, muốn quay lại đầu tư cũng muộn.

V.K.H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh

 

This entry was posted in Bảo tồn địa danh, Bảo tồn văn hoá - lịch sử, Vũ Kim Hạnh. Bookmark the permalink.