Sự khinh thường các quốc gia nhỏ cản trở chính sách đối ngoại của chính Trung Quốc

Gregory Poling and Jude Blanchette | East Asia Forum

Biên dịch: Đinh Tùng Lâm

Vào ngày 22 tháng 10 năm 2023 đã xảy ra hai vụ va chạm riêng biệt gần Bãi Cỏ Mây, một thực thể chìm được coi là một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines theo Phán quyết của toà án quốc tế năm 2016. Một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đâm vào một tàu dân sự nhỏ hơn nhiều do Hải quân Philippines ký hợp đồng để tiếp tế cho quân đội đóng trên tàu BRP Sierra Madre.

Trong các thước phim do cả hai bên công bố, có thể thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đang chặn đường của tàu tiếp tế, và tàu tiếp tế đã cố gắng né tránh bằng cách băng qua mũi tàu hải cảnh và bị đâm. Các thước phim khác cho thấy vụ va chạm thứ hai. Tàu Qiong Sansha Yu 00003, một tàu dân binh biển chuyên nghiệp do Công ty quốc doanh Phát triển Thủy sản Tam Sa của Trung Quốc điều hành, đã cặp sát bên cạnh và sau đó va chạm với một tàu Cảnh sát biển Philippines đang đứng yên. Vụ việc dường như không gây thiệt hại nghiêm trọng và tàu tiếp tế thứ hai của Philippines đã đến được Sierra Madre. Nhưng đây mới chỉ là những tương tác nguy hiểm nhất dưới dạng hành vi không an toàn tái diễn hàng tháng xung quanh Bãi Cỏ Mây.

Tình hình xung quanh Bãi Cỏ Mây nêu bật một đặc điểm chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc – nước này từ chối thừa nhận rằng Philippines hoặc các quốc gia nhỏ khác có khả năng tự quyết định trong các tranh chấp với Bắc Kinh. Thế giới quan này đã được tờ Global Times, vốn theo chủ nghĩa dân tộc, tóm tắt một cách tuỳ tiện trong đó kết luận “Bằng cách leo thang căng thẳng, Philippines có thể muốn thu hút sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, hoặc toàn bộ trò hề này đã được Hoa Kỳ dàn dựng ngay từ đầu”.

Khi đối đầu với một quốc gia nhỏ hoặc tầm trung đang thách thức hoặc xúc phạm Bắc Kinh, giới lãnh đạo Trung Quốc thường cáo buộc quốc gia nhỏ hơn đang hợp tác song song với Hoa Kỳ hoặc bị Hoa Kỳ lợi dụng để thực hiện chiến lược “chống Trung Quốc”. Đây chính là quan điểm mà Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì đã lấn át người đồng cấp Singapore George Yeo tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010. Ông nói: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là thực tế”.

Tâm lý này cũng là lý do khiến Bắc Kinh tìm cách phá hoại vụ kiện do Philippines đưa ra Tòa Trọng tài từ năm 2013 đến năm 2016 bằng cách nhấn mạnh rằng vụ kiện này là do Hoa Kỳ và Nhật Bản sắp đặt. Và đó là lý do tại sao sau mỗi lần Philippines phản đối ngoại giao về bạo lực tại Bãi Cỏ Mây, các quan chức Trung Quốc đều phớt lờ bản chất của những lời phàn nàn và chỉ trích những người đồng cấp Philippines về việc trở thành con tốt trong âm mưu của Hoa Kỳ.

 

Khi một tàu Hải cảnh Trung Quốc khác suýt va chạm với một tàu Philippines vào tháng 9 năm 2023, Bắc Kinh lại lặp lại kịch bản quen thuộc này. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã phải bày tỏ sự bực bội tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN thường niên cùng tuần đó, nói rằng Philippines bác bỏ những câu chuyện về tranh chấp Biển Đông xoay quanh sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Marcos khẳng định rằng “điều này không chỉ tước bỏ sự độc lập và tự quyết của chúng tôi mà còn coi thường lợi ích hợp pháp của chúng tôi”.

Một tháng sau, sau khi Philippines phàn nàn về một sự kiện bạo lực khác giữa nước này và Trung Quốc, Global Times đã đăng một biếm họa xã luận vẽ Philippines như một cây gậy được Hoa Kỳ sử dụng để khuấy động Biển Đông.

Bắc Kinh chưa sẵn sàng thừa nhận rằng Manila, hoặc bất kỳ bên tranh chấp nào ở Đông Nam Á, có những bất bình chính đáng cần được giải quyết để kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình. Điều này làm tăng nguy cơ leo thang vì Bắc Kinh dường như tin rằng các quốc gia khác ít có sự cam kết với chủ quyền và quyền của mình hơn, mà thách thức Trung Quốc chỉ vì sự can thiệp của Hoa Kỳ và cuối cùng sẽ oằn mình trước áp lực kéo dài. Việc diễn đi diễn lại vở kịch cưỡng ép ở Bãi Cỏ Mây dường như không thể thay đổi chính sách của Philippines và do đó sẽ chỉ dẫn đến nhiều va chạm hơn và rủi ro leo thang.

Có hai động lực thúc đẩy khía cạnh áp bức này trong chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc – tầm nhìn của Bắc Kinh về hệ thống phân cấp khu vực và nỗi lo sợ về sự ngăn chặn của Hoa Kỳ. Theo quan điểm lâu đời của Trung Quốc về hệ thống phân cấp khu vực, các quốc gia nhỏ hơn về mặt lịch sử nhất thiết phải phục tùng Bắc Kinh trong trật tự giai tầng Châu Á. Những di sản lâu dài về mối quan hệ triều cống truyền thống với Trung Quốc, cũng như sự thống trị lịch sử của văn hóa, ngôn ngữ và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, vẫn còn đọng lại trong tâm trí những người ra ra quyết định của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thực sự coi Hoa Kỳ là kiến trúc sư của chiến lược ngăn chặn lâu dài nhằm tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc, hoặc tệ hơn là dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan điểm này, có từ những năm ngay sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, giờ đây đã nhuốm đượm phần lớn tư tưởng của Bắc Kinh về môi trường đối ngoại. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố vào tháng 3, “Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện đối với Trung Quốc, điều này đã mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta”.

Việc Bắc Kinh không sẵn sàng coi những mối quan ngại và bất bình của các nước láng giềng trong khu vực là chính đáng đã trở thành một trong những thách thức nổi bật nhất đối với nước này trong việc quản lý quan hệ đối ngoại. Như các quan chức Hoa Kỳ thừa nhận trong những trao đổi riêng tư, những tiến bộ của chính quyền Biden trong việc tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, từ Úc, Ấn Độ đến Philippines, không phải là câu chuyện về sự nhạy bén ngoại giao mà là về sự hung hãn của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh điều chỉnh hướng đi và bắt đầu coi các chủ thể trong khu vực là đối tác chứ không phải những kẻ gây khó chịu, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với thách thức lớn nhất.

G.P. – J.B.

Greg Poling là Thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC. 

Jude Blanchette là Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC. 

Bản gốc tiếng Anh được đăng lần đầu tại https://www.eastasiaforum.org/2023/11/12/chinas-disregard-for-small-state-agency-hampers-its-foreign-policy/

Đinh Tùng Lâm là cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguồn bản dịch: Đại Sự Ký Biển Đông

 

This entry was posted in Biển Đông, Quan hệ quốc tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.