Đức Trong
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 12 và năm 2023 của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét dự kiến đến quý 2-2024 sẽ khởi công.
Khu vực dự kiến sẽ triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận – Ảnh: ĐỨC TRONG
Bản vẽ mô phỏng hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét gồm 3 hạng mục hồ chứa với dung tích 51 triệu m3, công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn nước.
Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 519 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong phần ngân sách trung ương có 47,3 tỷ đồng là vốn dự phòng được gia hạn giải ngân đến hết ngày 31-12-2023.
Đây là vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, hiện đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh các nội dung trong hồ sơ theo nghị định mới để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Sau đó sẽ lập phương án khai thác, đấu giá, lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng.
“Dù còn nhiều khó khăn về thời gian hoàn thiện thủ tục nhưng tỉnh sẽ quyết tâm đảm bảo tiến độ dự án đề ra, dự kiến đến quý 2-2024 sẽ khởi công và hoàn thành sau một năm rưỡi để cấp nước cho dân”, trích báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận tại kỳ họp thứ 19 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI diễn ra cuối năm 2023, dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc danh mục công trình trọng điểm của địa phương trong năm 2024.
Ngoài dự án hồ chứa nước Ka Pét, 7 danh mục công trình trọng điểm trong năm 2024 của địa phương gồm: kè bờ tả sông Cà Ty, cảng hàng không Phan Thiết, chung cư sông Cà Ty, nhà hàng và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh, trục đường ven biển ĐT 719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà, cầu Văn Thánh, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (giai đoạn 2).
*
Dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận từng gây xôn xao dư luận trong năm qua do liên quan đến hơn 600 ha đất rừng. Sau khi dư luận lo ngại việc “hy sinh” đất rừng để làm hồ chứa nước này, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin thêm. Dự án đã được Quốc hội thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 101/2023 ngày 24-6-2023. Dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Tháng 8-2023, Cục Quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh bổ sung hồ sơ. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu. Đ.T. |
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
***
Đọc thêm:
Kỳ 1: Hồ Ka Pét từ góc nhìn kinh tế và môi trường
Bùi Huy Bình (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc TraceVerified)
Trần Hương Giang (Giám đốc Chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt – Tâm Việt Group)
Mặc dù hồ Ka Pét đã được cân nhắc cẩn thận trước khi được quyết định phê duyệt xây dựng công trình, dự án vẫn cần được nhìn nhận thêm một lần nữa ở các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt là cần được nhìn nhận cả ở hiện tại lẫn tương lai để có được những đánh giá tốt nhất về vai trò dự án cũng như xem xét lại những giải pháp để có thể đảm bảo những quyết định thực hiện là hiệu quả nhất có thể.
Thực trạng thiếu nước phục vụ cho hoạt động tưới tiêu, sinh hoạt ở Hàm Thuận Nam nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung đã kéo dài từ rất lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân nơi đây. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước đã góp phần xoa dịu được những tác động tiêu cực của vấn đề này. Tuy nhiên, dự án hồ chứa nước Ka Pét là hạng mục khó đưa ra quyết định khởi công nhất.
Ngay trong giai đoạn chuẩn bị nguồn lực để khởi công, dự án hồ chứa nước Ka Pét tiếp tục gây tranh cãi gay gắt từ phía dư luận, điều đã không xảy ra trong toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh Bình Thuận.
Lý do là vì hạng mục hồ chứa nước Ka Pét khá phức tạp, có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và đặc biệt là sự hiện diện của yếu tố “rừng” vốn rất được quan tâm không chỉ trên cả nước mà còn ở phạm vi thế giới. Một quyết định đánh đổi như xây dựng hồ Ka Pét chắc chắn sẽ đem lại những điều được mất cho các cá nhân và toàn xã hội. Tuy nhiên, có những quyết định đánh đổi có thể được bù đắp bằng những nguồn lực khác, cũng có những sự đánh đổi gây tổn thương không gì có thể khắc phục được. Nếu đặt hồ Ka Pét trên bàn cân kinh tế và môi trường trong cả hiện tại lẫn tương lai, vai trò của công trình này sẽ được nhìn nhận thấu đáo hơn.
Hồ Ka Pét có thực sự là giải pháp duy nhất giải quyết vấn đề thiếu nước, đặc biệt là cho hoạt động sản xuất thanh long?
Dự án hồ Ka Pét được quy hoạch cho giai đoạn 1995-2010, dự kiến sẽ xây dựng trong hai năm 1998-1999, kinh phí khoảng 106,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Nhưng thực tế phải mất 20 năm để dự án hồ Ka Pét đủ điều kiện xây dựng. Trong kế hoạch quy hoạch hệ thống thủy lợi chung, cùng với các công trình Đập dâng Ba Bàu (được xây dựng vào năm 1996, hoàn thành năm 1999), Hồ Sông Móng (được xây dựng năm 2007, hoàn thành năm 2012), hồ Ka Pét thuộc hệ thống công trình quy hoạch liên hoàn, có vai trò bổ trợ nguồn nước cùng với các hồ và công trình thủy lợi khác để phát huy diện tích đất canh tác và diện tích đất gieo trồng cho Hàm Thuận Nam. Bên cạnh đó, hồ Ka Pét còn có nhiệm vụ trữ nước từ hồ La Ngà 3 thông qua đường ống dẫn nước Q = 8,3 m3/s để thúc đẩy năng lực cấp nước cho hạ lưu sông Cà Ty.
Nguồn: Nhóm tác giả lấy huyện Hàm Thuận Nam làm trung tâm để thiết lập một khu vực khảo sát rộng 24.276,92 km2
Hiện nay, lưu vực sông Cà Ty đã được xây dựng hồ Sông Móng với toàn bộ dung tích là 37 triệu m3, nguồn nước đến lưu vực có thể được khai thác tại tuyến công trình ứng với tần suất P=85% là 154,4 triệu m3. Thông số này cho thấy nguồn nước cung cấp vẫn có thể đảm bảo bổ sung được bằng cách thêm một hồ chứa nước mới, hồ Ka Pét được xây dựng nhằm hướng đến mục tiêu này. Tổng số các công trình hồ hiện trạng và hồ chứa nước mới quy hoạch đến năm 2021 là 5 công trình. Tổng dung tích hiệu dụng của các hồ chứa và đập dâng Ba Bàu và các ao bàu thuộc lưu vực Cà Ty khoảng 95,5 triệu m3.
Tổng hợp các thông số kỹ thuật công trình hồ chứa lưu vực sông Cà Ty
Nguồn: Báo cáo của tỉnh Bình Thuận
Nghị quyết 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư dự án của tỉnh Bình Thuận có ghi rõ dự kiến hồ Ka Pét điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích Whi = 47,41 triệu m3, dung tích chết Wc = 3,8 triệu m3, như vậy hồ Ka Pét được kỳ vọng có năng lực trữ nước khá lớn so với các hồ trong hệ thống thủy lợi Bình Thuận và có thể giải quyết được hữu hiệu vấn đề thiếu nước của Hàm Thuận Nam.
Tuy nhiên, vai trò của hồ chứa nước Ka Pét còn có thể được đánh giá thông qua xem xét các giải pháp thay thế. Tỉnh Bình Thuận có diện tích đất canh tác nông nghiệp chủ yếu là cát và cồn cát, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, nhiều gió và khô hạn nhất cả nước. Chính vì sự khắc nghiệt của tự nhiên, cây thanh long thuộc họ xương rồng được lựa chọn để trồng trọt ở đây vì đặc tính giữ nước. Ngoài nhu cầu sinh hoạt, mục đích cung cấp nước cho việc trồng trọt thanh long lớn và bức thiết hơn. Trên thế giới, một số quốc gia phát triển cũng đã có nhiều giải pháp liên quan đến việc tiết kiệm nước, điển hình là người Israel với kỹ thuật tưới nhỏ giọt phục vụ cho hoạt động canh tác chà là ở sa mạc. Kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt cũng đã được áp dụng tại Hàm Thuận Nam trong những năm gần đây nhưng chưa thực sự phổ biến và đúng cách. Trước khi lựa chọn giải pháp phá rừng xây dựng hồ Ka Pét, tỉnh Bình Thuận cũng cần phải xem xét kỹ thêm các giải pháp thay thế, đặc biệt là giải pháp ứng dụng công nghệ để lập kế hoạch tưới tiêu, quản lý việc sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm trong canh tác hoặc phương pháp thủy canh và khí canh giúp tiết kiệm nước. Câu chuyện nước của ngày hôm nay và hai mươi năm trước đã khác biệt rất nhiều, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nước sạch toàn cầu, giải pháp tiết kiệm nước đang được kêu gọi ưu tiên hơn.
Đặt vai trò của hồ Ka Pét trong câu chuyện kinh tế môi trường thì lợi ích nên được nhìn nhận ra sao?
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, diện tích canh tác thanh long của tỉnh hiện khoảng 27.649 ha, chiếm 80% diện tích canh tác tỉnh, đã giảm 15,8% so với năm trước. 30 ngàn hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất thanh long Bình Thuận, tạo khoảng 70 đến 80 ngàn việc làm cho lao động địa phương. Sản lượng thanh long sản xuất và cung cấp trong quý I/2023 khoảng 173 ngàn tấn, có sụt giảm do giá cả thị trường bấp bênh khiến nông dân không có động cơ chong đèn. 15% sản lượng được tiêu thụ trên thị trường nội địa và 85% được xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Quý I sản lượng thanh long xuất khẩu là 1.150 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 triệu USD đạt 20,93% kế hoạch năm 2023, giảm 13,17% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống trồng trọt, sản xuất thanh long Bình Thuận hiện nay thực hiện theo phương pháp canh tác tự nhiên hoặc một phần hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap, Global Gap. Như vậy, có thể thấy ngành thanh long đóng vai trò quan trọng và đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho Bình Thuận. 5 năm trước đây, thanh long là ngành đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân và thu hút khá nhiều hộ tham gia sản xuất. Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn bắt đầu từ trước đại dịch Covid-19, ngành thanh long đang có khuynh hướng thoái trào. Sự đứt gẫy chuỗi cung ứng, chiến lược ủng hộ hoạt động sản xuất nội địa của các nước trên thế giới khiến hoạt động xuất khẩu bị chững lại. Thanh long đứng trước thách thức phải mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ mới.
Ngày 19/4/2023 vừa qua, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã thông qua quy định về chuỗi sản phẩm không phá rừng nhập khẩu vào Châu Âu. Quy định nêu rõ các sản phẩm trên kệ hàng bán lẻ tại Châu Âu phải không tác động đến phá rừng kể từ năm 2024. Quy định là việc cụ thể hóa mong muốn của người tiêu dùng Châu Âu trong đóng góp vào sử dụng sản phẩm không phá rừng. Nhưng sâu xa hơn, đó là việc giữ lại rừng – một nguồn hấp thụ carbon quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu do hiệu ứng nhà kính. Người tiêu dùng thanh long Bình Thuận ở Châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung sẽ nghĩ gì nếu biết những trái thanh long đăng ăn được tưới từ nguồn nước hồ Ka Pét, nơi đã mất đi 600 ha rừng để làm hồ.
Dưới góc độ kinh tế, rừng giờ đây không chỉ có chức năng sản xuất gỗ, bảo tồn đa dạng sinh học, dự trữ nước ngầm… mà còn là nơi có thể bán được tín chỉ carbon. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tổng giá trị giao dịch chứng chỉ carbon toàn cầu năm 2021 đạt 85 tỷ USD, tăng 184% so với năm 2020. Báo cáo này cũng dự báo, giá chứng chỉ carbon toàn cầu sẽ được giao dịch từ 100 đến 170 USD/ tấn CO2e vào năm 2030. Nếu 600 ha rừng kể trên được tính theo mức trung bình thấp nhất trong các loại rừng tại Việt Nam là 1-19 tấn CO2e/ha với mức giá 100 USD/tấn thì giá trị tín chỉ carbon hàng năm tạo ra sẽ là 600 nghìn USD/năm.
Trong buổi họp báo liên quan đến hồ Ka Pét UBND tỉnh Bình tổ chức chiều ngày 7/9, ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, so với 360.000 ha rừng tự nhiên toàn tỉnh Bình Thuận, 600 ha rừng dành để làm dự án chỉ chiếm 0,15%. Riêng rừng đặc dụng để làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 ha rừng đặc dụng cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, ông Sơn khẳng định, mức độ ảnh hưởng không quá lớn với tổng thể chung. Báo cáo phân tích kinh tế dự án trình Quốc hội cũng tính toán giá trị lợi ích kinh tế là dương.
Trong các nguồn tạo ra khí nhà kính toàn cầu thì nông nghiệp đứng thứ hai, chiếm 26% trong tổng số 52,3 tỷ tấn (tương đương tấn CO2). Hơn một nửa nguồn tạo khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đến từ việc sử dụng đất (24%) và sử dụng phân bón, nước tưới (27%). Khi sản xuất nông nghiệp tính toán được toàn bộ các nguồn phát sinh khí nhà kính như trên, cân đối với lượng tín chỉ carbon do cây trồng tạo ra, nếu dương thì nông dân cũng có thể có thêm thu nhập từ tín chỉ carbon. Một công ty trồng bông đã bán được 1 triệu USD tín chỉ carbon cho nông dân Mỹ trong niên vụ 2020-2021. Ở Việt Nam hiện chưa có dự án nào tạo được thu nhập cho nông dân từ bán tín chỉ carbon, nhưng trong tương lai không xa, những công ty công nghệ nông nghiệp hàng đầu đang nghiên cứu và phát triển các dự án sản xuất sạch (CDM) để hướng tới thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu và gia tăng thu nhập cho nông dân.
Sản xuất nông nghiệp là quan trọng hay bảo vệ rừng là quan trọng. Việc ước lượng các tác động kinh tế như trên đã có thể tính toán thông qua phương pháp định lượng, các giá trị quan trọng đã có thể được cân nhắc một cách khá rõ ràng. Tuy nhiên, nếu nhìn lợi ích thông qua phương pháp định tính để xem xét người nông dân Hàm Thuận Nam khi có nguồn nước để trồng thanh long sẽ hạnh phúc hơn hay người dân Việt Nam và người tiêu dùng thanh long toàn cầu sẽ đau khổ hơn khi mất rừng thì khó mà ước lượng. Trong Homo Deus, Yuval cũng dẫn một ví dụ tương tự về xây đập Tam Hiệp. Kinh tế và sản xuất điện quan trọng hay sự tuyệt chủng của cá heo sông Trường Giang quan trọng. Ngay cả khi quy được phúc lợi về kinh tế sang thành hạnh phúc của con người thì chúng ta cũng không thể so sánh được hạnh phúc của loài người sẽ tăng do có điện rẻ hay giảm do thương tổn đa dạng sinh học. Chúng tôi sẽ dùng một khung phân tích các bên liên quan được sử dụng phân tích tại trường Đại học Lý Quang Diệu và trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) để cùng phân tích thêm về dự án hồ Ka Pét dưới góc nhìn lợi ích các bên liên quan trong kỳ tới.
B.H.B. – T.H.G.
(Theo: Kinh Tế Sài Gòn)
Nguồn: https://traceverified.com/ho-kapet-tu-goc-nhin-kinh-te-va-moi-truong/
*
Kỳ 2: Hồ Ka Pét dưới góc nhìn lợi ích các bên liên quan
Bùi Huy Bình (*) – Trần Hương Giang (**)
27/09/2023
(KTSG) – Thường những dự án có nhiều mâu thuẫn lớn là những dự án va chạm đến các giá trị lõi quan trọng đại diện cho nhiều nhóm người.
Khu vực rừng được khai thác để làm hồ chứa nước Ka Pét có trữ lượng gỗ thấp và không còn gỗ quý. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN
Trong trường hợp dự án hồ Ka Pét, các lợi ích hay thiệt hại được soi xét là khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ người dân Hàm Thuận Nam trong sinh hoạt và trồng trọt; những ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, khả năng gây ra lũ lụt, xói mòn và tăng phát thải khi mất đi 600 héc ta rừng tự nhiên; việc phải dành nguồn ngân sách nhà nước ưu tiên thực hiện công trình này và nguồn thu nhập từ xuất khẩu thanh long,…
Các vấn đề được đặt ra dù khá đa dạng nhưng thực chất cũng chỉ quy về hai nội dung chính đó là kinh tế và môi trường. Trước đây hai vấn đề này thường được tách biệt ra và mang tính đánh đổi, nghĩa là làm kinh tế thì phải chấp nhận thiệt hại về môi trường và ngược lại. Tuy nhiên, gần đây, trước bối cảnh biến đổi khí hậu và thực trạng phát thải lớn có nguy cơ gây hủy diệt hệ sinh thái chung, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của con người, hai phạm trù kinh tế và môi trường đang được thế giới nỗ lực tích hợp lại thành một và cũng được định lượng qua đơn vị đo lường chung là tiền.
Ở kỳ này, chúng tôi sẽ nỗ lực lý giải hành vi của các bên liên quan trong xã hội đối với dự án hồ Ka Pét để xem xét những mâu thuẫn, so sánh giữa những tổn thương và lợi ích của các đối tượng, từ đó bước đầu nhìn nhận những giải pháp có thể có để đảm bảo mức độ thiệt hại trong cộng đồng là thấp nhất.
Luật chơi chung đã chính thức thay đổi, thẩm định tác động dự án cần làm lại từ đầu
Trong bài toán hồ Ka Pét, thị trường xuất khẩu thanh long thường được đề cập gắn với lợi ích của nông dân và người dân Hàm Thuận Nam nói riêng, Bình Thuận nói chung. Nhưng giá trị của trái thanh long Bình Thuận từ năm 1995, khi dự án được đề cập trong Quy hoạch Thủy lợi 1995-2010, cho đến ngày hôm nay và trong tương lai đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây, đối với nền kinh tế tuyến tính, giá trị thu được từ trái thanh long hoàn toàn nằm ở sản lượng trồng được và giá mua bán trên thị trường, điều này phụ thuộc phần lớn vào nước tưới.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Việt Nam chính thức ký cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) với lộ trình đến năm 2050 mức phát thải ròng phải bằng 0. Theo kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan, đến năm 2030 buộc phải giảm 30% so với 2020. Như vậy, dù câu chuyện hồ Ka Pét đã được Quốc hội và Chính phủ xem xét trước đây, nhưng có lẽ việc đánh giá tác động của dự án nên được xem lại dựa trên một khung tham chiếu hoàn toàn mới.
Thị trường các sản phẩm, dịch vụ, trong đó bao gồm cả thanh long, đang nỗ lực chuyển đổi luật chơi để tích hợp câu chuyện môi trường vào kinh tế. Thị trường tín chỉ carbon là sân chơi lớn đầu tiên được đề cập đến trong câu chuyện này.
Như vậy, khác với nền kinh tế ở năm 1995, ngày hôm nay và cả tương lai, giá trị của một trái thanh long không chỉ được định giá dựa vào sản lượng và giá bán, mà còn bao gồm cả khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải, không phá rừng và năng lực hoàn thành trách nhiệm với môi trường, xã hội của nhà sản xuất. Như vậy, câu chuyện giá trị trái thanh long ở thời điểm hiện tại và tương lai đã phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi việc thẩm định một dự án như hồ Ka Pét phải đổi cách thức tiếp cận để đảm bảo việc ra quyết định là hiệu quả và có tính bao quát nhất.
Lợi ích hay thiệt hại về kinh tế và môi trường của các bên nên được nhìn nhận như thế nào?
Trước tiên, những tác động đến các đối tượng trong xã hội ở góc độ kinh tế cần được đánh giá thông qua các chỉ tiêu nguồn lợi nhuận người nông dân và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất thanh long có thể thu thêm được nhờ có đủ nước phục vụ tưới tiêu, chất lượng sống nói chung của người dân Hàm Thuận Nam tăng lên khi họ có nước đủ cung cấp cho nhu cầu với chi phí rẻ hơn.
Hành động của một bên liên quan có thể tạo ra động năng phản ứng cho một loạt các bên liên quan khác… miêu tả những tương tác qua lại này có thể lột tả những mối quan hệ chính thức và không chính thức của những mạng xã hội.
Bên cạnh đó, ở góc độ Chính phủ, một chính sách như xây dựng hồ Ka Pét sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn ngân sách phải trích ra cho các chi phí thực hiện công trình, nhưng bù lại nguồn thuế thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu thanh long được kỳ vọng có thể còn nhiều hơn.
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế còn cần được nhìn nhận thông qua việc gánh chịu những tác độngtiêu cực từ phá vỡ sự cân bằng sinh thái gây ảnh hưởng diện rộng, không chỉ kinh tế của tỉnh Bình Thuận hay vùng Nam Trung bộ mà còn là cả nước.
Ở một góc độ khác, góc nhìn về môi trường không còn đơn thuần là một sự cảm tính dựa vào những niềm tin hay giá trị đạo đức đối với thiên nhiên, mà đã là một vấn đề có thể định lượng bằng cách đo lường mức độ giảm thải. Mức độ tác động môi trường của dự án có thể được đánh giá thông qua mô hình giảm thải 3 cấp độ được đề nghị tại COP26. Mức độ 1 đề cập đến lượng giảm thải từ nguồn trực tiếp, trong dự án hồ Ka Pét có thể xem xét yếu tố này ở các góc độ rừng mất đi, đất sử dụng, nguyên vật liệu trực tiếp xây đập, và quá trình vận hành đập cung cấp nước. Mức độ 2 bao gồm giảm thải gián tiếp, từ nguồn nguyên liệu sử dụng trực tiếp như nước cung cấp cho tưới tiêu và các mục đích sử dụng khác, điện năng và các nguyên liệu sử dụng trong quá trình canh tác, chế biến. Mức độ 3 xem xét việc giảm thải gián tiếp từ các đối tác liên quan trên chuỗi cung ứng trong phân phối và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp (thanh long) cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Như vậy, hai yếu tố kinh tế và môi trường theo cách lý giải như trên sẽ được sử dụng để đánh giá tác động đến các bên liên quan thông qua định vị trên ma trận quyền lợi và quyền lực.
Định vị các bên liên quan khi phân tích các tác động trong nền kinh tế tuyến tính
Nếu nhìn tác động đến các bên liên quan dưới góc nhìn của một nền kinh tế tuyến tính, không quan tâm đến môi trường, thì các quyết định sẽ có xu hướng theo đuổi tiêu chí tối đa hóa lợi ích của mọi người dựa trên nguyên tắc càng sản xuất được nhiều của cải vật chất thì càng tốt. Lúc này kết quả của ma trận quyền lực – quyền lợi sẽ đưa các cơ quan, ban ngành nhà nước và Quốc hội nằm ở vùng bên liên quan trực tiếp, nơi các đối tượng có quyền lợi từ việc nền kinh tế phát triển thông qua chỉ số GDP sẽ giúp người dân Hàm Thuận Nam cải thiện được cuộc sống, kim ngạch xuất khẩu thanh long giúp tăng thu nhập trong nước và nguồn ngân sách nhà nước. Nhóm các cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến thị trường thanh long và dự án hồ Ka Pét cũng được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án, mặc dù khả năng quyết định đến việc có làm công trình này hay không của họ không cao.
Lợi ích kinh tế còn cần được nhìn nhận thông qua việc gánh chịu những ngoại tác tiêu cực từ phá vỡ sự cân bằng sinh thái gây ảnh hưởng diện rộng, không chỉ kinh tế của tỉnh Bình Thuận hay vùng Nam Trung bộ mà còn là cả nước.
Hiện nay, các nhóm ít hưởng lợi trực tiếp từ dự án hồ Ka Pét được gọi là nhóm “đám đông”, là những người Việt Nam không sống và canh tác trực tiếp tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, đang lên tiếng phản đối gay gắt và họ cũng là nhóm có cái nhìn về môi trường nhiều nhất. Vấn đề là nhóm này cũng không có nhiều khả năng quyết định việc có thực hiện dự án này hay không. Trong khi đó, đối với nền kinh tế tuyến tính, dự án hoàn toàn không có đối tượng nào thuộc nhóm định hình chính sách, trong khi đây mới là những người có quyền quyết định đến việc có làm hồ Ka Pét hay không nhưng vẫn mang tính khách quan, độc lập trong việc ra quyết định do không trực tiếp hưởng lợi từ dự án.
Định vị các bên liên quan khi phân tích các tác động của nền kinh tế môi trường
Kinh tế môi trường được thảo luận trong bài viết này là phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Từ các đối tượng liên quan giả định trong phân tích tuyến tính, khi kết hợp thêm giá trị khí nhà kính sẽ tạo ra sự dịch chuyển. Nhóm bên liên quan đến quản lý nhà nước giảm lợi ích, nhưng tăng quyền lực nên chuyển từ bên liên quan trực tiếp sang khu vực định hình chính sách. Nhóm hưởng lợi chính từ kinh tế tuyến tính từ khu vực chủ thể chuyển sang khu vực đám đông khi có thêm những chi phí phát thải từ nước tưới ở mức độ 2. Nhưng người trồng thanh long ở khu vực khác sẽ có sản phẩm cạnh tranh hơn nên chuyển từ khu vực đám đông sang khu vực chủ thể. Các nhóm chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn dự án vẫn giữ nguyên lợi ích và ở lại khu vực chủ thể.
Trong một nền kinh tế môi trường, chúng ta có một chủ thể mới xuất hiện tại khu vực bên liên quan trực tiếp là các bên mua và bán trên thị trường tín chỉ carbon. Người chơi chính là nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam, các doanh nghiệp thu mua, chế biến trên chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hàm Kiệm và ban quản lý rừng. Sự tiên phong, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của nông dân, của chủ rừng đăng ký những dự án sản xuất sạch (CDM) sẽ tạo ra lượng tín chỉ carbon bán ra thị trường. Bên mua có thể là các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Chính phủ, nhưng cũng có thể là những doanh nghiệp tự nguyện gắn trách nhiệm xã hội vào sản phẩm để tận dụng các nguồn vốn xanh và tạo hình ảnh tốt đẹp trong mắt người tiêu dùng. Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh sẽ là tương lai của thế giới. Cam kết của Chính phủ Việt Nam đạt trung hòa carbon đến từ chính sự trung hòa trong từng khu vực.
Với mô hình phân tích trên, chúng tôi nhận thấy việc lồng ghép giảm phát thải khí nhà kính vào quy trình quản lý dự án đầu tư, thí điểm trung hòa carbon cho từng khu vực là một cánh cửa mở ra cho Việt Nam hình thành thị trường tín chỉ carbon trong nước và tiếp cận thị trường toàn cầu. Mô hình sản xuất sạch (CDM) có thể là một gợi ý cho dự án xây dựng hồ Ka Pét. Chúng ta vẫn có thể sử dụng rừng, nhưng không để lại hậu quả gánh nặng phát thải khí nhà kính cho nông dân sử dụng nước trồng thanh long Bình Thuận trong tương lai.
B.H.B. – T.H.G.
(*) Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc TraceVerified.
(**) Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt – Tâm Việt Group.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online