Về “cái sự học” ở Việt Nam (*)

Thái Hạo 

Một lần nói chuyện với một thầy giáo dạy toán Mỹ (dạy bằng tiếng Anh), tôi than phiền về tình trạng sa đà vào “lý thuyết suông” trong giáo dục Việt Nam: học sinh nhớ bài, thuộc bài, làm được bài, 10 điểm luôn, nhưng không hiểu bản chất, không vận dụng được, thậm chí không biết học những cái đó để làm gì… Anh liền minh họa cho tôi bằng một ví dụ trong Toán học. 

Ai cũng biết phép cộng, trừ phân số thì phải quy đồng mẫu số (nếu mẫu khác nhau). Học rồi thì học sinh nào cũng biết quy đồng, làm tính vèo vèo, nhưng hỏi các em và hỏi tất cả thầy cô giáo của chúng xem họ có hiểu cái “quy đồng mẫu số” là gì không, trong thực tiễn nó là như thế nào…, thì hầu như không ai trả lời được.

Nhớ lại, tôi học toán cũng không tệ, những phép tính cơ bản như đối với phân số chỉ là chuyện nhỏ, nhưng quả thật suốt đời đi học chưa thấy ai giải thích cho mình hay lấy một ví dụ minh họa trong thực tế để mình hiểu vì sao phải quy đồng và quy đồng có nghĩa là gì.

2/3 + 1/2 chính là hai quả cam được chia lần lượt thành 3 phần và 2 phần (mẫu số), giờ mang 2 phần của quả thứ nhất, cộng với 1 phần của quả số hai thì không cộng được (vì chúng to – nhỏ khác nhau mà!). Cách giải quyết là phải chia lại sao cho cả hai quả cam này có số phần bằng nhau, và thế là phải chia chúng thành 6 phần như nhau. Khi đó, hai phân số trên sẽ tương đương với 4/6 và 3/6. Bây giờ mới mang cộng chúng lại được.

Vấn đề đơn giải và gần gũi như vậy đó, nhưng trong cả một nền giáo dục, dường như không ai giải thích cho học sinh hiểu cả. Chúng chỉ biết cắm đầu làm toán như những cái máy được lập trình sẵn. Thay vì dạy cho học sinh hiểu cái kiến thức mà chúng đang phải học, người ta chỉ lo bày cho chúng cách làm bài để làm sao ra được đáp án đúng và có được điểm to. 

Trên đây là tình trạng của chung của tất cả các môn học: học mà không hiểu và không biết để làm gì. Cứ học, miễn sao làm được bài và có điểm cao. Hết. 

Lịch sử là một lịch sử chết, học đủ thứ như ngồi trước những tử thi bất động, chỉ để ghi nhớ và đi thi là chép lại, tuyệt nhiên không làm nó sống lại trong nhu cầu nhận thức của người học đối với cái hiện tại – vốn là điều hệ trọng nhất và cũng là lý do cho sự tồn tại của môn học. Học sinh, vì thế, trở thành những cái “USB lịch sử” di động.

Môn ngữ văn thì quanh năm suốt tháng đi phân tích bài thơ này, mổ xẻ hết nhân vật nọ đến hình tượng kia mà tuyệt nhiên không đặt một câu hỏi rằng, mình làm tất cả những việc ấy để làm gì!

Với lối học như vậy, người ta không sinh ra chán ghét làm sao được? Bởi, nó có ích gì cho cuộc sống của mỗi người, có ích gì cho việc tạo ra sản phẩm xã hội, nó mang lại giá trị nào cho sự tiến bộ?

Học ròng rã suốt 12 năm trời quý giá của đời người mà không viết nổi một văn bản, đấy rõ ràng là một sự lãng phí ghê gớm, nếu không nói là phi lý và ngớ ngẩn. Chung quy, cũng là do lối dạy vẹt, học vẹt, nhồi nhét kiến thức cho đầy bụng, để rồi sinh ra đủ thứ bệnh tật nan y trong người.

T.H.

(*) Tựa do BVN đặt 

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.