Bàn về dạy thêm học thêm

Nguyễn Đình Cống

Cuộc chiến giữa hai phái ủng hộ và phản đối “dạy thêm học thêm” kéo dài đã nhiều năm nhưng chưa thể kết thúc. Các mặt tích cực và tiêu cực của dạy thêm học thêm thì nhiều người đã rõ, tôi xin không phân tích mà chỉ tóm gọn ở một câu rằng lợi ít hại nhiều mà cái hại cơ bản là phá hủy quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng học sinh. Viết bài này tôi xin bàn về một số nguyên nhân gần cũng như nguyên nhân cơ bản, từ đó mọi người có thể tìm ra cách khắc phục tệ nạn. 

1- Hiểu sai về học thêm và dạy thêm

Học thêm và dạy thêm thường được dùng hiện nay là hai khái niệm khác nhau, mặc dầu nó liên quan ở một số mặt nào đó. Thế mà vì vô minh mà từ lãnh đạo cấp cao đến người dân thường cứ gắn chúng vào với nhau thành một khái niệm không chia cắt.

Học thêm gắn với người đang học tập trung ở trường lớp có tổ chức (học chính khóa), học thêm có hai dạng: Một là học để nắm vững những kiến thức khó, mà khi ở lớp học chính khóa, người học chưa nắm được. Kiểu học này thường được gọi là “phụ đạo”. Hai là học thêm những kiến thức khác cao hơn hoặc ngoài chương trình chính khóa để nâng cao hoặc mở rộng trình độ.

Dạy thêm gắn với giáo viên đang hành nghề, dạy môn A ở một cơ sở giáo dục, cho những học sinh B. Bây giờ lại vẫn dạy môn A ấy cho học sinh B ấy ngoài thời gian chính khóa và có thu tiền của người học.

Kiểu học phụ đạo là do lương tâm của giáo viên, do nhu cầu và tự giác của người học, không thu tiền, không bắt buộc. Nhà trường nên khuyến khích hoạt động này. Kiểu học thêm để nâng cao trình độ cũng phải trên cơ sở tự nguyện của người học, có thể thu tiền hoặc không, theo ý của người dạy. Hiện nay có một số công ty vẽ ra nhiều kiểu học thêm về kỹ năng này nọ rồi liên kết với các trường phổ thông nhằm bòn rút phụ huynh là chính. Phải rất cần cảnh giác với loại hoạt động nặng tính trục lợi này.

Hiểu đúng như thế thì việc học thêm là đáng khuyến khích, người dạy trong trường hợp này không gọi là dạy thêm, mặc dầu họ có thể là giáo viên của một cơ sở giáo dục (hoặc một người nào đó có trình độ), còn dạy thêm thì về nguyên tắc là phải cấm. Thế mà người ta vì gắn chặt dạy thêm với học thêm nên cứ  lúng túng không tìm ra lối thoát. Cấm là cấm việc dạy thêm để thu tiền, để bòn rút phụ huynh. Từ việc cấm dạy thêm kéo theo cả cấm học thêm là quá vô lý.

Việc dạy thêm học thêm bắt đầu mở rộng dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, một bộ trưởng “bất đắc dĩ”. Bà là người mở đầu cho nhiều tệ nạn trong giáo dục (GD).

Năm 1975 ông Nguyễn Văn Huyên, người giữ chức Bộ trưởng GD mất sau 29 năm tại vị (1946-1975), trong lúc đó bà Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ thuộc Mặt trận Giải phóng đang ngồi chơi xơi nước, sau khi thống nhất, chưa biết dùng làm chức gì ở Bộ Ngoại giao. Hai ông Lê Duẫn và Lê Đức Thọ liền giao cho bà Bộ GD. Đây là một thể hiện việc lãnh đạo cao cấp coi nhẹ lĩnh vực GD.

 Tôi nghe một người bạn làm ở Bộ GD kể rằng bà Bình khá khiêm tốn khi nói với mọi người trong bộ rằng bà biết rất ít về GD nên nhờ mọi người góp ý, giúp đỡ. Tôi lại cho lời nói ấy là một sự tự phỉ báng ẩn dưới cái vỏ khiêm tốn. Bộ trưởng là tư lệnh một ngành, phải là người có năng lực cao, có tư tưởng, quan điểm rõ ràng, có kế hoạch hoạt động tích cực chứ không phải là một vị trí vinh dự. Nếu là người tử tế bà Bình nên từ chối và sẵn sàng nhận một việc phù hợp với năng lực, không thể nhận bừa một việc rất nặng mà chưa biết sẽ làm như thế nào.

Người ta thầm thì với bộ trưởng rằng, các giáo viên đang bị bần cùng hóa vì lương quá thấp. Phải tìm cách xã hội hóa GD để nhân dân tham gia đóng góp nhằm nâng cao đời sống cho giáo viên, một trong những cách đó là khuyến khích việc dạy thêm học thêm. Vì tầm nhìn quá hạn hẹp mà bộ trưởng tán thành, rồi nhiều người dựa vào đó tìm ra trăm phương ngàn kế để hợp thức hóa và mở rộng việc dạy thêm để thu tiền. Một trong các cách phổ biến là ở lớp chính khóa giáo viên chỉ dạy loa qua, còn phần quan trọng của bài, đặc biệt những kiến thức cần có để thi hoặc làm bài kiểm tra thì dành để dạy thêm, việc này gây nên nhu cầu giả tạo buộc phụ huynh phải bắt con học thêm. 

Bà Bình làm bộ trưởng từ năm 1976 đến 1987 thì được giao nhiệm vụ nhẹ nhàng hơn là Phó Chủ tch nước. Nếu dự đoán được bà Bình không đủ năng lực, có thể phá nát nền GD thì cho bà làm luôn phó chủ tịch nước từ năm 1976 để tìm một bộ trưởng xứng đáng hơn.  Ngoài việc dạy thêm học thêm, bà bộ trưởng còn phạm một số sai lầm khác trong chỉ đạo cải cách GD, khi nào có điều kiện sẽ xin bàn tiếp. 

Nhưng rồi những bộ trưởng kế tiếp như ông Hạc, ông Quân, ông Hiển, ông Luận, ông Nhạ, ông Sơn, chưa có ông nào sửa được những cái sai dưới thời bà Bình mà còn phạm vào  những cái sai khác, làm cho GD ngày càng bị suy thoái. Riêng thời ông Trần Hồng Quân, thấy có bày ra việc bầu hiệu trưởng ở một số trường, tạo ra ảo tưởng về dân chủ, nhưng sớm bị dập tắt.

2- Tại sao lương giáo viên thấp

 Đặt k = L/GDP là hệ số lương, L là lương trung bình của giáo viên, GDP là  thu nhập bình quân của xã hội trên đầu người, thì có lẽ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc loại có k thấp nhất thế giới. 

Tại sao vậy? Để trả lời phải quay về năm 1945. Lãnh đạo của Việt Minh, vì muốn lôi kéo nhiều người theo nên đã thực hiện một số việc nặng tính dân túy, trong đó có ba việc tạo ra lương thấp. Một là vì cướp chính quyền mà không kế thừa được những gì chính quyền cũ có được, ngân khố trống rỗng, dù có tổ chức “Tuần lễ đồng, tuần lễ vàng” nhưng chỉ tạm đủ đút lót cho bọn Tàu Ô để chúng rút quân về, nhường chỗ cho quân Pháp. Thu ngân sách được đồng nào lại chủ yếu chi cho chiến  tranh. Hai là, muốn có tiền thì phải thu thuế, nhưng đã lỡ tuyên truyền rằng phải đánh đổ thực dân và phong kiến vì chúng thu nhiều thuế, bòn rút nhân dân đến xương tủy, nay cách mạng sẽ giảm hoặc bỏ thuế cho dân. Ba là dựa quá nhiều vào tinh thần của các cán bộ cách mạng, cho rằng cán bộ là đầy tớ dân, có trách nhiệm phục vụ dân, mà trong lúc ngân khố của chính phủ đang eo hẹp thì cán bộ phải biết thắt lưng buộc bụng. Lương của Chủ tịch nước, của Thủ tướng chính phủ, cũng chỉ nhiều hơn lương của cán bộ một chút. 

Thực ra đây là một kiểu ngụy biện, vì thu nhập của cán bộ còn có những thứ được cung cấp, mà cán bộ càng cao thì cung cấp càng nhiều, đặc biệt là nhà đất, xe, đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, thuốc men. Tôi biết một số người mà những thứ họ được cung cấp có giá trị bằng hàng chục lần tiền lương suốt đời. Đó là những người may mắn bậc trung. Còn nhiều người may mắn bậc cao thì  khi họ bán bất động sản được phân phối có thể thu nhiều trăm tỷ, gấp hàng trăm lần tiền lương. Đó là chưa kể  những vị còn có những bỗng lộc khác. Còn những vị tham nhũng thì không sao kể xiết.

 Nhưng không phải tất cả đều có may mắn. Tôi cũng có một số bạn là giáo sư, hầu như không được phân phối thứ gì có giá trị. Việc này thể hiện sự bất công của chế độ lương kèm phân phối.

Khi kinh tế phát triển, chính phủ có tăng lương cho giáo viên, nhưng vẫn chưa đủ, chỉ tăng nhỏ giọt. Vì sao vậy. Vì sự phát triển về số lượng  của giáo viên nói riêng và của những người hưởng lương quá lớn. Hiện có trên một triệu sáu trăm ngàn giáo viên, còn người trong quân đội, công an và cơ quan nhà nước gồm ba hệ thống chồng chéo, dẫm đạp lên nhau (Đảng, chính quyền, mặt trận), người hưởng lương hưu, không biết bao nhiêu nữa. Nếu tăng lương tháng cho mỗi người một triệu thì mỗi năm ngân sách chi thêm nhiều chục ngàn tỷ.

Nhà nước kêu gọi giảm biên chế từ năm 1949 nhưng càng kêu gọi thì biên chế càng tăng, vì giảm chỗ này thì chỗ khác phình ra do nạn tham nhũng quyền lực, một thứ tham nhũng gắn với chế độ, được ngụy trang là lòng tốt và còn tệ hại hơn tham nhũng vật chất. Đó là người có quyền tìm mọi cách đưa người thân quen vào biên chế, tuy đồng lương ít ỏi, nhưng họ nhìn xa hơn, được hưởng lương hưu khi về già, được mang danh cán bộ nhà nước. Đưa được người vào biên chế rồi thì đưa tiếp họ vào Đảng và tìm cách tiến thân bằng “các thủ đoạn ranh ma”.

Lại còn cách phân loại cơ quan theo số lượng cán bộ. Cán bộ càng đông thì cơ quan càng lớn và thủ trưởng có càng nhiều quyền nhiều lợi. Các thủ trưởng cơ hội và tham nhũng quyền lực tìm đủ mọi cách tăng số lượng cán bộ.

Một cách làm tăng biên chế là lương èo uột, cán bộ làm việc cầm chừng, năng suất thấp nên phải tăng số lượng để bù chất lượng. Đây là hiệu ứng “vòng quanh đèn cù”.

Trong ngành GD, có câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi có nguyện vọng lớn lao là nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Nhưng người ta đã hiểu sai, người ta không chịu hiểu rằng quyền được học chủ yếu là thoát nạn mù chữ, tăng dần lên phổ cập tiểu học rồi đến trung học cơ sở, mở rộng dần theo đà phát triển của kinh tế. Nhưng ở Việt Nam phát triển GD quá nhanh (phải chăng để tuyên truyền và kể thành tích) so với phát triển kinh tế, rồi làm theo cách nói của dân gian: Phát triển GD theo kiểu “Đem con bỏ chợ”. 

3- Một số điều có liên quan

3.1Chương trình

Một vài người cho rằng phải dạy thêm vì chương trình quá nặng. Phải chăng đây là ngụy biện xảo trá. 

Một trong những nguyên tắc dạy học là “Tính vừa sức” (với trình độ trung bình của người học). Nếu thấy chương trình quá nặng thì phải tìm cách giảm chương trình chứ không phải bắt thầy dạy thêm. 

Việc lập chương trình cho trình độ phổ thông và biên soạn sách giáo khoa, đáng ra nên giao cho những thầy giỏi cả chuyên môn và sư phạm của phổ thông, nhưng hình như người ta thích oai nên chọn các giáo sư đại học, tuy giỏi chuyên môn nhưng thường yếu về sư phạm và thiếu hiểu biết về tâm lý nên cứ tưởng ai cũng có khả năng tiếp nhận kiến thức và ham học như họ. Lỗi về chương trình và sách giáo khoa thuộc về lãnh đạo bộ GD.

3.2Phẩm chất của giáo viên

Cùng một hoàn cảnh, cùng chịu một tác động, nhưng tùy phẩm chất của đối tượng chịu tác động mà họ có những phản ứng khác nhau. Phẩm chất quan trọng của nghề dạy học là yêu người, yêu nghề. Tuy cũng nhận lương thấp, lại gặp nhiều trở ngại, nhưng một số thầy cô công tác ở những vùng heo hút, khó khăn vẫn bám lớp, bám trường rất đáng khâm phục, họ không nghĩ tới việc dạy thêm để thu tiền. Ngược lại một số khác ở đô thị lại nhân cơ hội tìm đủ mọi cách  để thu được nhiều tiền, bất chấp sự khó khăn của học sinh, bất chấp việc trong những đồng tiền thu được có phần nào đó là phi nghĩa.

Dạy học là một nghề không thể làm giàu bằng nó, nhưng phải được trả công, ít nhất đủ sống bình thường. Đúng ra đã làm thầy giáo thì không phải lo cơm áo. Để cho thầy giáo phải lo là lỗi của lãnh đạo các cấp chính quyền, nhưng vì để nâng cao đời sống cá nhân mà thu tiền bất chính của người học bằng việc ép họ học thêm là lỗi về đạo đức của thầy giáo.

Khi việc dạy thêm đã thấm vào máu của giáo viên tham lam, kém phẩm chất thì dù có tăng lương cho họ cũng rất khó khuyên họ bỏ dạy thêm để kiếm tiền. Với họ phải có chế tài nghiêm khắc.

3.3. Lãnh đạo và quản lý GD

Một số vị lãnh đạo và quản lý giáo dục đã rất lúng túng giữa khuyến khích hay cấm việc dạy thêm học thêm, lúng túng vì đã dán chặt việc học thêm đáng khuyến khích vào việc dạy thêm đáng bị cấm, lúng túng vì nghĩ rằng dạy thêm là một quyền chính đáng của giáo viên, cấm dạy thêm là đập bể niêu cơm của họ.

 Miệng nói cấm nhưng chẳng làm gì được khi người ta vẫn tổ chức dạy và thu tiền, khi dư luận xã hội vẫn không nhất trí, khi bản thân lãnh đạo cũng không biết bằng cách nào để có thể giúp cho thầy cô có được yên tâm hành nghề.

3.4Học sinh và phụ huynh

Họ là nạn nhân trực tiếp của việc dạy thêm mà phần nào do sự nhu nhược, quen bị áp đặt, lại bị Hội cha mẹ học sinh khống chế.

Lớp học nào cũng có Hội cha mẹ HS. Rất ít hội tìm được người đại diện có hiểu biết, có bản lĩnh, mà phần lớn chỉ lo lấy lòng hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm. Họ thường bị lợi dụng để người ta đổ cho rằng “Hội cha mẹ HS muốn thế” 

3.5Lãnh đạo nhà nước

Lãnh đạo nhà nước cần quan tâm đến GD về một số mặt như triết lý GD, phương hướng phát triển, đề bạt bộ trưởng. Về triết lý và phương hướng, tuy có nghị quyết GD là quốc sách hàng đầu, nhưng chỉ nói cho vui chứ chẳng được người nào tôn trọng và tìm cách thực hiện, tuy có nhiều Quyết định về cải cách, đổi mới (thậm chí cải cách toàn diện và triệt để) nhưng chủ yếu  chỉ để tuyên truyền, soạn ra văn bản tràng giang đại hải rồi chỉ để đó cho hậu thế tham khảo mà viết truyện tiếu lâm

Về phát triển thì lãnh đạo đã có những lệch lạc khi đặt nền GD phụ thuộc vào đường lối của Tuyên giáo, hướng GD vào nhiệm vụ phục vụ chính trị mà xa rời tính nhân bản, khai phóng là bản chất của GD hiện đại. 

Bộ trưởng Bộ GD, ngoài việc là một nhà chính trị có năng lực, thì quan trọng, phải là nhà giỏi về khoa học nhân văn, là người thành thạo về GD phổ thông, và đặc biệt phải là người có tư tưởng tiến bộ về giáo dục nhân bản, khai phóng, có kế hoạch và chương trình hành động tích cực nhằm chấn hưng GD. Ngoài việc bà Bình như đã viết ở trên, các bộ trưởng khác, từ ông Hạc, ông Quân, ông Hiển, ông Luận, ông Nhạ, ông Sơn, chưa thấy có ông nào đủ phẩm chất của một bộ trưởng GD, mặc dầu phần lớn có bằng cấp, học vị cao. Việc này thì lãnh đạo nhà nước phải chịu trách nhiệm chính. Không biết các ông được cơ cấu hoặc chạy như thế nào, có qua trung tâm “chạy chức chạy quyền” như nhà văn, đại tá Phạm Đình Trọng đã mô tả hay không. Trung tâm đó chính là nơi phân phối quyền lực trong Ban bí thư trung ương. Nếu để có chức vụ mà phải xuất vốn để “chạy” thì phải bỏ một số trí tuệ và công sức để thu hồi vốn, còn được mấy năng lượng dành cho công việc chính. Tôi có ý định tìm hiểu xem lãnh đạo nhà nước căn cứ vào điều gì để bổ nhiệm các bộ trưởng, tôi cũng muốn tìm người thật xứng đáng để vn động và giới thiệu họ vào danh sách tranh cử, nhưng không cách gì thực hiện được ý tưởng tốt, nhưng điên rồ đó.

Lỗi của lãnh đạo nhà nước trong việc này là đã đề bạt những người không xứng đáng làm bộ trưởng GD.

3.6Dư luận xã hội

Dư luận xã hội có hai lề, A thuộc lề đảng, B thuộc lề dân. Khi chỉ xem lề A thì khó mà đánh giá đúng dư luận xã hội. Phải xem thêm lề B với các bài viết của những cây bút như Thái Hạo, Chu Mộng Long, Nguyễn Ngọc Chu, Mạc Văn Trang, v.v. thì mới cân bằng được nhận thức. Tôi thiên về lề B, cho rằng dạy thêm học thêm như phổ biến hiện nay lợi ít hại nhiều.

4- Đề nghị biện pháp

Tôi đề nghị biện pháp chủ đạo là khuyến khích học thêm và cấm hẳn dạy thêm. Học thêm bằng phụ đạo là trách nhiệm chính của hiệu trưởng và các bộ môn, nhằm giúp những học sinh yếu kém nắm được nội dung khó của môn học, phải tổ chức chu đáo, phải cử thầy có kỹ năng sư phạm và có trách nhiệm cao phụ trách, không thu tiền học sinh, mà nhà trường, thông qua Hội cha mẹ HS lập ra quỹ “Hỗ trợ phụ đạo” để bồi dưỡng cho giáo viên phụ đạo.

Học thêm để nâng cao hoặc mở rộng kỹ năng do những cá nhân hoặc công ty tổ chức, họ có thể được quyền quảng cáo, nhưng không được ký hợp đồng với lãnh đạo trường. Đăng ký học hay không là quyền của mỗi HS, người của trường không được tuyên tuyền vận động.

Việc cấm dạy thêm phải thành một lệnh nghiêm khắc của Bộ trưởng. Giáo viên vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trong toàn ngành đến bị đuổi khỏi nghề. Hiệu trưởng trường có giáo viên dạy thêm, nếu biết mà không ngăn cản sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm.

Để hỗ trợ cho việc cấm dạy thêm, thực ra còn cần một số biện pháp bổ trợ để giúp những giáo viên thực sự gặp khó khăn trong cuộc sống bằng những cách như tương trợ về chuyên môn (giảm bớt khối lượng). Còn để chấn hưng được GD thì còn phải giải quyết nhiều vấn đề chứ không chỉ cấm dạy thêm là được.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục, Nguyễn Đình Cống, Tản Mạn. Bookmark the permalink.