Lê Tây Sơn
Ở mọi hướng, Trung Quốc (TQ) đang âm thầm đặt nền móng cho trật tự thế giới mới. Dấu ấn toàn cầu chương trình không gian của TQ khiến Ngũ Giác Đài lo lắng. Mạng lưới các trạm mặt đất ngày càng nhiều của TQ ở Mỹ Latinh và Nam Cực được cho là phục vụ các chương trình vệ tinh và không gian dân sự nhưng thực chất kiêm luôn nhiệm vụ giám sát quân sự toàn cầu ở Nam bán cầu và các khu vực gần Hoa Kỳ.
Một cuộc hội thảo của Trung Quốc với các đại diện Mỹ Latinh tổ chức tại Bắc Kinh (ảnh: Rolex Dela Pena-Pool/Getty Images)
Dòm ngó nước Mỹ từ trên cao
Các trạm mặt đất là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng không gian trên mặt đất, thực hiện chức năng đo đạc, theo dõi và chỉ huy từ xa (TT&C) thông qua mạng lưới vệ tinh không gian rộng lớn trên bầu trời. Mạng lưới này là chìa khóa để cung cấp các dịch vụ thương mại, kết nối internet, chụp ảnh Trái đất và giám sát các phương tiện nghiên cứu vũ trụ dân sự.
Các trạm mặt đất cũng đóng một vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho liên lạc quân sự, theo dõi các vụ phóng hỏa tiễn, giám sát tài sản không gian của các quốc gia khác và nếu cần, gây nhiễu, can thiệp hoặc phá hủy các vệ tinh của đối phương. Tầm quan trọng của mạng lưới vệ tinh trong chiến tranh đã được chứng minh kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, nơi các vệ tinh liên lạc và thiết bị đầu cuối do Starlink, công ty internet vệ tinh do SpaceX của Elon Musk điều hành, đã trở thành trợ thủ đắc lực cho Ukraine.
Khi các vệ tinh của TQ đông dần trên bầu trời, quốc gia này cũng xây dựng các trạm mặt đất ở hơn một chục đối tác, với hai trạm nữa đang được triển khai ở Nam Cực. Đĩa vệ tinh do TQ sản xuất đặt tại Trạm Mặt đất Amachuma ở tỉnh La Paz, Bolivia trao đổi dữ liệu 24 giờ một ngày với Tupac Katari I, vệ tinh nhà nước duy nhất của Bolivia có quỹ đạo phía trên châu Mỹ Latinh khoảng 22.300 dặm và cho phép Bắc Kinh giám sát bầu trời cách TQ 10.000 dặm.
Trên cao nguyên cao 13.000 feet so với mực nước biển ở dãy Andes – Bolivia, hiện có một cụm đĩa vệ tinh cao chót vót do TQ chế tạo hướng lên bầu trời. Vào thời điểm phóng lên năm 2013, vệ tinh Tupac Katari I (được đặt theo tên của một nhà cách mạng nổi tiếng người Bolivia; được tài trợ bởi khoản vay $250 triệu của Ngân hàng Phát triển TQ) được xem là đại diện cho “điều không tưởng” đối với nhiều người Bolivia: Có chương trình không gian quốc gia, có khả năng kết nối với các cộng đồng nông thôn xa xôi và băng thông liên lạc quân sự chuyên dụng.
Nhưng gần 10 năm sau, lời hứa về “bước nhảy vọt mang tính cách mạng” đưa Bolivia vào không gian đã phai nhạt. Trong khi Tupac Katari I giúp kết nối dễ dàng hơn với các vùng sâu vùng xa, kế hoạch sử dụng dự án làm bệ phóng cho ngành công nghiệp vũ trụ của đất nước đã bị “chết yểu” bởi khủng hoảng kinh tế và phần lớn khoản vay của TQ vẫn chưa trả được thì Tupac Katari I sẽ bị đưa vào nghĩa địa không gian sâu trong vòng 5 năm nữa.
Iván Zambrana, Tổng giám đốc của Cơ quan Vũ trụ Bolivia Agencia Boliviana Espacial, giải thích: “Chúng tôi đã cho người TQ thuê trạm để điều khiển việc phóng các vệ tinh khác của họ”. Theo hợp đồng, cứ mỗi năm một lần, các kỹ thuật viên TQ lại tới trạm mặt đất thứ cấp liên lạc với Amachuma từ thành phố Santa Cruz của Bolivia.
Từ đó, họ có thể cài đặt công nghệ và theo dõi các vệ tinh trong không gian. Một kỹ thuật viên TQ cho biết Bắc Kinh có thể truy cập từ xa một số trạm mặt đất ở nước ngoài, như trạm tại Venezuela. “Hoạt động này được thực hiện với sự cho phép của các chính phủ đối tác” – ông ta nói. Tháng Mười, Ngoại trưởng Rogelio Mayta, khi chưa từ chức, cho biết Bolivia đã cảnh giác về tiềm năng công nghệ vệ tinh bị quân sự hóa, nhưng thấy điều đó là “không thể tránh khỏi” và “lợi ích cho người Bolivia vượt xa những mối lo ngại”.
The Washington Post ngày 21 Tháng Mười Một 2023 cho biết, TQ đã có hơn 700 vệ tinh trên quỹ đạo (với kế hoạch mở rộng theo cấp số nhân trong những năm tới) và các trạm mặt đất trên toàn cầu để theo dõi và liên lạc với các vệ tinh khi chúng đi qua các khu vực khác nhau của hành tinh. Ngoài hai trạm mặt đất khai trương năm 2013 ở Bolivia, TQ còn xây dựng một trạm ở Venezuela vào năm 2008, Peru năm 2015, Argentina năm 2016 và có ít nhất hai trạm đang được xây dựng ở Nam Cực. Ngoài ra, TQ cũng có quyền truy cập vào các trạm có sẵn ở Brazil và Chile trong vai trò “đối tác nghiên cứu”.
Tất cả các trạm này đã giúp lấp đầy khoảng trống địa lý quan trọng cho chương trình không gian của Bắc Kinh, cho phép TQ theo dõi và liên lạc với mạng lưới vệ tinh và phương tiện không gian đang phát triển của mình, đồng thời, nếu cần, giám sát luôn vệ tinh của các quốc gia khác đi qua Nam bán cầu.
Các trạm vệ tinh quốc tế của TQ vẫn còn kém xa các trạm của Hoa Kỳ, nhưng các địa điểm ở Mỹ Latinh và Nam Cực chỉ là một phân khúc trong cơ sở hạ tầng không gian toàn cầu tiếp tục phát triển của TQ, chủ yếu tại các quốc gia có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Bắc Kinh.
Công ty nhà nước TQ xây dựng trạm mặt đất ở Bolivia cũng là công ty xây dựng các dự án tương tự ở Lào, Pakistan, Nigeria và Belarus từ 2008. Các trạm ở Namibia và Kenya công khai liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). TQ cũng duy trì một đội tàu hỗ trợ không gian di động được sử dụng để theo dõi các vụ phóng vệ tinh và hỏa tiễn liên lục địa ICBM. Tháng Sáu qua, TQ đã phá kỷ lục khi phóng 67 vệ tinh chỉ trong vòng chín ngày.
Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu quân sự TQ cho biết đã bắt đầu tiến hành giai đoạn một của kế hoạch tham vọng: Đưa một mạng lưới khổng lồ gồm gần 13.000 vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp để cạnh tranh với Starlink.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về chiến tranh của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Vũ trụ (Air and Space Forces Association Warfare) vào Tháng Ba qua, Thiếu tướng Gregory J. Gagnon, phó giám đốc điều hành không gian về tình báo tại Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (Space Force) cho biết: “Việc các vệ tinh của TQ có thể theo dõi chúng ta, có thể nhìn thấy chúng ta, đã đẩy các lực lượng Mỹ vào thế nguy hiểm chưa từng có”. Theo Gagnon, khoảng một nửa trong số 700 vệ tinh của TQ được sử dụng cho mục đích viễn thám và tình báo, giám sát và trinh sát, nghĩa là chúng được trang bị để thu thập các dữ liệu an ninh nhạy cảm.
Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng quân đội Trung Quốc
Điều làm nên sự khác biệt của chương trình không gian thương mại quốc tế của TQ là mối liên hệ chặt chẽ với quân đội nước này. Các nhà thầu xây dựng các trạm vệ tinh của TQ ở Mỹ Latinh và Nam Cực cũng chính là lực lượng đứng sau các chương trình phát triển hỏa tiễn, chiến tranh mạng và chống phòng thủ không gian của PLA. Matthew Funaiole, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies-CSIS) có trụ sở tại Washington nêu rõ:
“Tất cả các công ty TQ xây dựng các trạm này đều có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội TQ cách này hay cách khác. PLA muốn có dữ liệu nào thì sẽ có được dữ liệu đó”.
Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới vào năm 2045 với các mục tiêu đầy tham vọng về an ninh quốc gia cũng như các dự án dân sự, kể cả kế hoạch đưa tàu vũ trụ có phi hành đoàn lên Mặt trăng vào năm 2030 và phát triển tàu con thoi không gian chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2040.
Đi đầu trong cuộc chạy đua giành ưu thế về vũ trụ của Bắc Kinh là một nhóm các công ty nhà nước chịu lệnh trực tiếp của PLA hoặc các nhà thầu quân sự. Những doanh nghiệp khác là tư nhân hoặc nhà nước nằm trong chương trình hợp nhất quân sự – dân sự của Bắc Kinh, một chính sách chiến lược quốc gia của Đảng Cộng sản TQ nhằm bổ sung công nghệ dân sự tiến bộ cho quốc phòng.
Công nghệ đằng sau chương trình không gian của TQ (kể cả các trạm ở Mỹ Latinh và Nam Cực) bị chi phối bởi hai doanh nghiệp nhà nước lớn: Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ TQ (CASC) và Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ TQ (CASIC). Cả hai công ty đều xuất thân từ PLA, trước khi tách ra thành các doanh nghiệp nhà nước và vẫn là nhà cung cấp chính cho quân đội nước này.
CASC là công ty nội địa duy nhất sản xuất hỏa tiễn hạt nhân xuyên lục địa, đồng thời là nhà thầu hàng đầu về công nghệ vũ trụ quân sự, máy bay không người lái và hệ thống phóng. Trên trang web, CASIC tự mô tả họ là “xương sống của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ TQ, giám sát việc phát triển hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo cùng một loạt dự án khác”. CASIC xem việc phục vụ cho quân đội là nhiệm vụ ưu tiên và ‘xây dựng TQ thành một cường quốc không gian là trách nhiệm hàng đầu”.
Tại Argentina, cao chót vót trên vùng đồng bằng xa xôi Patagonia là cơ sở không gian lớn nhất do TQ xây dựng ở Mỹ Latinh. Theo báo cáo của Ngũ Giác Đài năm 2023, một đĩa vệ tinh rộng 35 mét tại Trạm mặt đất Espacio Lejano được vận hành bởi Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) của PLA (SSF là đơn vị quân đội giám sát các chương trình chiến tranh không gian, mạng và điện tử của PLA).
Theo hợp đồng được ký kết giữa hai nước, chính phủ Argentina đồng ý “không can thiệp hoặc làm gián đoạn” các hoạt động của TQ tại trạm mặt đất. Tại Venezuela, một công ty nhà nước TQ đã phóng vệ tinh và xây dựng hai trạm mặt đất mà trạm lớn nhất nằm bên trong Căn cứ không quân Capitán Manuel Ríos ở miền Trung Bắc nước này.
China Great Wall Industry Corp (CGWIC) là công ty duy nhất được chính phủ TQ ủy quyền cung cấp công nghệ vệ tinh thương mại cho các đối tác quốc tế và là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của CASC. Chính CGWIC xây dựng trạm mặt đất ở Bolivia. Gần 6.200 dặm về phía Nam, một ăng-ten trạm mặt đất tại căn cứ Zhongshan của TQ ở Nam Cực cũng đang được CASIC xây dựng.
Một trạm mặt đất khác của TQ sẽ sớm mọc lên trên hòn đảo Inexpressible ở Nam Cực xa xôi đã khiến Ngũ Giác Đài lo ngại rằng trạm ở vị trí tốt này sẽ cung cấp cho PLA khả năng thu thập tín hiệu tình báo trên khắp nước Úc và New Zealand (báo cáo công bố về các mối đe dọa quân sự từ TQ ghi rõ).
Lấp lỗ hổng Mỹ để lại
Sự hiện diện ngày càng mở rộng của Bắc Kinh ở Mỹ Latinh trong lĩnh vực không gian đã đi theo đường lối ngoại giao và thành công, ở các quốc gia có mối quan hệ không còn ấm nồng với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây.
Bolivia thành lập cơ quan vũ trụ vào năm 2009 khi mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ đang ở thời điểm khủng hoảng. Tổng thống Evo Morales cáo buộc CIA âm mưu chống lại chính phủ của ông. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh chưa can dự sâu vào đất nước đang nổi lên sau một thập niên hỗn loạn kinh tế, nhưng 12 năm sau, TQ đã trở thành đối tác không gian và cung cấp tài chính quốc tế hàng đầu cho Bolivia.
Năm 2017, phó tổng thống Bolivia thông báo sẽ nhận được khoản tín dụng trị giá $7 tỷ từ Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng, gấp đôi tổng nợ nước ngoài vào thời điểm đó. Năm 2023, trong bối cảnh thiếu hụt đôla Mỹ trầm trọng, Bolivia bắt đầu giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của TQ. Nhờ cung cấp các khoản vay hào phóng, các công ty TQ đã mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Bolivia, kể cả lithium. Đổi lại, Bolivia có được một số công nghệ tiên tiến.
Ví dụ, năm 2019, Bolivia khởi động dự án Bol-110 để trang bị cho cảnh sát và các dịch vụ ứng phó khẩn cấp ở các thành phố hệ thống giám sát do TQ sản xuất. Trong 10 tháng kể từ khi thành lập cơ quan vũ trụ, chính phủ Bolivia đã ký hợp đồng với CGWIC cho gói thầu gồm hai trạm mặt đất và vệ tinh Tupac Katari I.
Là một phần của hợp đồng, Bolivia đã cử 64 nhà khoa học đến nghiên cứu công nghệ vệ tinh tại Đại học Beihang (北京航空航天大学, Bắc Kinh hàng không hàng thiên đại học – trường đại học hàng không vũ trụ dân sự và quân sự danh tiếng của TQ). Sau đó, họ tiếp tục đào tạo cùng với các kỹ sư TQ tại các trạm mặt đất mới khánh thành.
Nhìn ra những nơi khác ở Mỹ Latinh, một số quốc gia vẫn tiếp tục nuôi tham vọng về “một tương lai không gian do TQ dẫn đầu”. Venezuela (kể từ hiệp ước đầu tiên với CGWIC vào năm 2008) đã phóng thêm hai vệ tinh do TQ sản xuất. Tháng Chín, nước này trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên chính thức tham gia dự án Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế do TQ dẫn đầu. Bất chấp nền kinh tế đang suy thoái, Tổng thống Nicolás Maduro tuyên bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào Tháng Chín: “Tôi sẽ đưa nam hoặc nữ phi hành gia Venezuela đầu tiên lên Mặt trăng”, dĩ nhiên, với sự giúp đỡ từ TQ.
Trong số tài liệu Ngũ Giác Đài bị rò rỉ trên nền tảng trò chuyện Discord vào mùa xuân 2023, có một tài liệu đánh giá rõ về khả năng vệ tinh của TQ ở Nam bán cầu, trong đó cho biết các vệ tinh này hiện đại hơn những ước tính trước đó và Bắc Kinh đã có khả năng theo dõi, gây nhiễu hoặc phá hủy các vệ tinh Mỹ và thu thập thông tin tình báo quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Chiến lược quân sự tổng thể của TQ là nhằm thiết lập và duy trì ưu thế thông tin trong một cuộc xung đột. Tầm nhìn này đã thúc đẩy TQ tăng tốc trong cuộc đua không gian” – tài liệu viết.
L.T.S.
Nguồn: Saigonnhonews