Mỹ Hằng
Người dân tránh nắng nóng tại một siêu thị ở Hà Nội ngày 3/6/2023. Miền Bắc Việt Nam đã trải qua đợt mất điện kéo dài trong mùa hè năm 2023 do cung không đủ cầu.
Việt Nam vừa khánh thành và đưa vào vận hành chuỗi Kho cảng Thị Vải, sau gần bốn năm xây dựng. Đây là tổ hợp LNG (Khí hoá lỏng tự nhiên/ Liquefied Natural Gas) đầu tiên có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng, với công suất một triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn một.
PV Gas đang xúc tiến giai đoạn hai dự án Kho cảng Thị Vải, dự kiến nâng lên công suất ba triệu tấn LNG/năm.
Bên cạnh đó, Dự án xây dựng Kho cảng LNG Sơn Mỹ cũng do PV Gas làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,338 tỷ USD; công suất dự kiến 3,6 triệu tấn/năm giai đoạn một, sáu triệu tấn giai đoạn hai và có thể lên 10 triệu tấn/năm giai đoạn tiếp theo.
Kho cảng Sơn Mỹ sẽ tiếp nhận LNG nhập khẩu, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa cho hai nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 có tổng công suất 4,5 GW, dự kiến đưa vào hoạt động từ 2027.
Ngoài ra còn có dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch do Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư trị giá 1,4 tỉ USD, công suất 1.500MW, cuối tháng 10 vừa qua đã được thi công lắp ráp máy phát và tua-bin khí.
Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG nhập khẩu đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam thời điểm hiện nay.
Giới chức Việt Nam nhìn nhận rằng các dự án điện khí này sẽ góp phần lớn cải thiện nhu cầu điện của đất nước, bên cạnh đó góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của chính phủ.
LNG thải ra lượng khí nhà kính nhiều như than
Tuy nhiên các chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng dầu và khí không phải là nguồn năng lượng sạch, bền vững.
Jenny Martos, Giám đốc Dự án của Global Oil and Gas Plant Tracker của Global Energy Monitor (GEM) nói với BBC News Tiếng Việt rằng điện khí không được coi như một nhiên liệu chuyển tiếp rẻ hơn, sạch hơn và đáng tin cậy.
Mức độ nghiêm trọng của khí đốt đối với khí hậu ngày càng rõ ràng hơn. Nó làm rò rỉ khí Mêtan gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Khí Mêtan sinh ra từ quá trình đốt khí để sản xuất điện có thể khiến LNG trở thành nguồn phát thải khí nhà kính tệ hại như than đá, theo Environmental Defence.
Ngành công nghiệp LNG lập luận rằng khí đốt sạch hơn than khoảng 50%. Nhưng đó là do họ chỉ xem xét lượng khí thải từ việc đốt hai loại nhiên liệu này chứ không xem xét toàn bộ quá trình, bao gồm khai thác, tinh chế và vận chuyển.
Nhiều nghiên cứu gần đây hơn cho thấy LNG và than đá có lượng khí thải khá tương đồng và đôi khi, LNG phát thải nhiều hơn than đá. Một phần là do lượng khí mêtan khổng lồ rò rỉ vào khí quyển trong quá trình sản xuất và vận chuyển LNG.
Khí Mêtan là một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với carbon dioxide (CO2) và rò rỉ khí Mêtan từ lâu đã được báo cáo không đầy đủ.
LNG vẫn là nhiên liệu hóa thạch. Ngay cả khi nó gây ô nhiễm bằng một nửa so với than, thì nó vẫn quá ô nhiễm để giảm lượng khí thải nhanh như chúng ta cần nhằm tránh lâm vào tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc.
Không có bằng chứng nào cho thấy dùng LNG sẽ làm giảm sử dụng than trên toàn thế giới. Một số cơ sở LNG mới đang được xây dựng gần các cơ sở than mới. Cả hai cùng nhau bổ sung vào tổng lượng nhiên liệu hóa thạch đang được sử dụng. Đó chính xác là những gì chúng ta cần tránh.
Một số nghiên cứu cho thấy ở châu Á, cơ sở hạ tầng LNG đang thay thế cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo. Nếu chúng ta đã xác định cần chuyển sang năng lượng tái tạo để cứu hành tinh này thì không thể quay lại dùng LNG.
Xây dựng cơ sở hạ tầng LNG mới sẽ ‘trói’ nền kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ. Bởi vì cơ sở hạ tầng như đường ống và kho cảng xuất khẩu LNG có tuổi thọ từ 20 năm trở lên. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ gây ô nhiễm trong suốt thời gian đó.
Bức tranh điện khí của Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là đang có vai trò lớn hơn trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.
Trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ ba về tốc độ phát triển công suất điện khí với gần 44 GW các dự án đã công bố hoặc chuẩn bị thi công, tăng hơn năm lần so với công suất hiện có. Theo Quy hoạch điện 8, dự kiến đến năm 2030, LNG sẽ chiếm một phần đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
Về triển vọng trung hạn, đến năm 2030, năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến sẽ đáp ứng gần 31% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, LNG vẫn sẽ chiếm 24,8% tổng sản lượng năng lượng.
Hiện nay, Việt Nam có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Ở khía cạnh dự báo dài hạn, ngay cả khi Việt Nam đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, LNG được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nguồn thay thế than đá.
Theo báo Tài nguyên Môi trường, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhập khẩu và tiêu thụ LNG là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Sự phát triển ngành khí của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bằng nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đồng thời quay lưng lại với việc sản xuất điện từ đốt than.
Quy hoạch điện 8, trị giá 135 tỷ USD của đất nước được phê duyệt vào tháng 5 năm 2023, nhằm mục đích tăng sản lượng điện chạy bằng khí đốt từ 9,3% vào năm 2022 lên khoảng 25% vào năm 2030 bằng cách bổ sung thêm 15% điện từ khí hóa lỏng LNG.
Câu chuyện toàn cầu
Châu Á chiếm gần 2/3 công suất nhà máy dầu khí trên thế giới đang được phát triển, trong đó Trung Quốc chiếm 1/5 công suất của thế giới, nhiều hơn ba quốc gia hàng đầu tiếp theo – Brazil, Việt Nam và Bangladesh – cộng lại.
Các dự án nhà máy điện chạy bằng gas và khí đốt trên toàn cầu đã được công bố hoặc đang trong giai đoạn tiền xây dựng và xây dựng đã tăng 13% vào năm ngoái lên 783 gigawatt (GW), theo tổ chức Global Energy Monitor (GEM).
Số liệu mới nhất của GEM cung cấp cho BBC News Tiếng Việt cho thấy gần 2/3 công suất này là ở châu Á, nơi 514 GW trị giá ước tính 385 tỷ USD đang được phát triển, chủ yếu ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Với sự gia tăng các dự án khí tại Trung Quốc và các quốc gia ở Đông Nam Á, công suất phát triển dầu khí toàn cầu đã tăng 13% trong năm ngoái, ngay cả khi khu vực này trải qua những biến động về giá và có một số chi phí điện xanh thấp nhất, báo cáo từ GEM cho hay.
Global Oil and Gas Plant Tracker của GEM thống kê được gần 12.000 tổ máy tại nhà máy điện chạy dầu và khí đốt có tiếng trên thế giới. Số liệu của tổ chức này cũng cho thấy năm quốc gia – Trung Quốc, Brazil, Việt Nam, Bangladesh và Hoa Kỳ – chiếm gần một nửa công suất của tổng số các tổ máy này.
Trong khi giá LNG cao đã khiến một số quốc gia ở châu Á, bao gồm Bangladesh và Pakistan phải ngưng mua LNG, ông Jenny Martos của GEM cho rằng “Quá trình chuyển đổi khỏi dầu khí vẫn chưa diễn ra đủ nhanh.”
M.H.
Nguồn: BBC Tiếng Việt