Sách giáo khoa Ngữ văn Lớp 6 và Lớp 7: Từ góc nhìn của người mua

Nguyễn Ngọc Chu

Soạn sách giáo khoa cho học sinh phổ thông là vấn đề rất lớn. Các bộ sách giáo khoa theo chương trình cải cách đang được biên soạn, chỉ mới hoàn thành cho một số lớp nhưng đã bộc lộ những thiếu sót không thể bỏ qua. Vì nội dung sách giáo khoa liên quan đến truyền dạy kiến thức cho hàng triệu học sinh nhiều thế hệ nối nhau, hơn nữa là hàng năm nhân dân phải chi ra một khoản tài chính khổng lồ để mua sách giáo khoa cho con em đi học, nên không thể không đề cập đến các thiếu sót để sửa chữa và rút ra bài học cho việc biên soạn sách giáo khoa trong tương lai.

Có thể là hình ảnh về 3 người và văn bản cho biết 'SỰ KIỆN VÀ VẤN ĐỀ OR 11 SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN LỚP 6 VÀ LỚP 7 TỪ GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI MUA'

Bài thơ Bắt nạt trong sách Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đang gây tranh cãi trên mạng xã hội đã làm nẩy sinh nhiều câu hỏi, trong đó có vấn đề tuyển chọn văn thơ cho các bộ sách giáo khoa môn Ngữ văn. Tác giả bài viết này có trong tay sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống [1] và sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, bộ Chân trời sáng tạo [2]. Nên các nhận xét dưới đây rút ra từ các sách giáo khoa này [1,2].

Bài viết này chỉ nêu lên một số ý kiến về một phạm vi hạn hẹp. Đó là các nhận xét tổng quát sơ bộ về sách Ngữ văn lớp 6 và lớp 7 từ quan điểm người tiêu dùng, tức là người mua sách giáo khoa để học, hay mua sách giáo khoa cho con cái học. Khách hàng khi mua một sản phẩm nào đó luôn có quyền đánh giá về sản phẩm mà họ muốn mua. Đánh giá như thế nào là do cách nhìn của khách hàng. Còn tiếp thu như thế nào là quyền của nhà sản xuất. Bởi thế các tác giả viết sách giáo khoa thấy điều nào tiếp thu được từ các nội dung trong bài viết này thì đón nhận, điều nào không tiếp thu được thì xin bỏ qua.

I. Một số nhận xét rút ra từ sách giáo khoa Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo

Lướt qua Tập 1 và Tập 2 sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7, bộ Chân trời sáng tạo trong tư cách khách hàng tiêu dùng, xin đưa ra mấy nhận xét dưới đây.

1. Nhiều chữ mà ít thông tin mới hữu ích

Điều này đi ngược với mục tiêu dạy học: ít chữ mà nhiều thông tin hữu ích. Những cuốn sách tốt luôn là các cuốn sách mà độc giả phải đọc ít nhưng lại thu nhận được nhiều thông tin bổ ích. Sách giáo khoa phải là một trong những bộ sách như vậy. Chẳng hạn như khi đọc một hồi của Tam quốc diễn nghĩa, người đọc nhận biết được nhiều biến cố, nhiều sự kiện, nhiều thông tin thích thú và có lợi, gây ham muốn hồi hộp thích thú, đợi chờ và thậm chí nóng vội được đọc hồi thiếp theo. Trong khi đó thì người đọc đọc các bài viết trong sách Ngữ văn lớp 7, bộ Chân trời sáng tạo có cảm giác ngược lại. Tức là không nhớ được, buồn tẻ, không thích thú theo dõi tiếp. Đó là thất bại của người viết sách.

Chẳng hạn lấy thí dụ trong bài 8: Nét đẹp văn hoá Việt (văn bản thông tin). Mục đích bài này là dạy về “Văn bản thông tin”.

Văn bản 1: Trò chơi cướp cờ. Trò chơi cướp cờ là trò chơi đơn giản. Nhưng các tác giả đã dùng đến gần 2 trang rưỡi để miêu tả diễn giải văn bản gồm các đề mục: Chuẩn bị đọc, Mục đích, Chuẩn bị, Hướng dẫn cách chơi, Suy ngẫm và Phản hồi. Đọc rất buồn tẻ vì diễn tả dài dòng cho một trò chơi đơn giản phổ cập.

Tương tự như vậy là Văn bản 2: Cách gọt củ hoa thuỷ tiên. Bao gồm các đề mục: Chuẩn bị đọc, Trải nghiệm cùng văn bản (lại bao gồm: chuẩn bị, ngâm nước và gọt tỉa (lại chia nhỏ thành: ngâm và thay nước đúng kỹ thuật, gọt tỉa củ thuỷ tiên khéo léo) và thuỷ dưỡng (lại chia nhỏ thành: ngâm dưỡng thuỷ tiên, thúc, hãm thuỷ tiên, chỉnh lá chỉnh hoa)… Một sự diễn giải lê thê, buồn tẻ kéo dài đến 4, 5 trang sách. Thật là thương các em học sinh phải học những bài học như thế này. Bởi vì học những văn bản có nội dung tầm thường, chủ đề vụn văt, vừa buồn tẻ, vừa phí phạm thời gian, lại không nuôi dưỡng được hưng phấn và chí khí. Những bài học như thế này giết chết khả năng văn học và làm thui chột hoài bão của học sinh.

2. Nặng về giải thích và hướng dẫn, một cách vô tình đã áp đặt tư tưởng và cách hiểu của tác giả viết sách, hạn chế sự tự do sáng tạo của học sinh

Thay vì cung cấp thông tin để người đọc tự do cảm nhận theo trí tuệ của mình, thì tác giả sách giáo khoa lại sa vào diễn giải theo cách hiểu của tác giả. Vô tình dẫn đến áp đặt tư tưởng của tác giả và giới hạn sự tự do nhận biết của học sinh. Đây là lỗi mang đến nguy hại lớn vì hạn chế tự do suy nghĩ và tự do sáng tạo của học sinh.

Ở mặt khác, do nặng về diễn giải và hướng dẫn, ở một mức độ nào đó, sách giáo khoa cho học sinh lại trở nên giống sách hướng dẫn giảng bài cho giáo viên.

3. Tiêu đề các bài học gây sự hiểu lầm

Các tác giả sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, bộ Chân trời sáng tạo đã đặt 2 tiêu đề cho mỗi bài học gây ra sự hiểu lầm. Chẳng hạn như bài 1: “Tiếng nói của vạn vật” (Thơ 4 chữ và 5 chữ). Rõ ràng “Thơ 4 chữ và 5 chữ” khác với “Tiếng nói của vạn vật” và ngược lại. Mục đích của bài là “Thơ 4 chữ và 5 chữ” thì viết cụ thể “Thơ 4 chữ và 5 chữ”, tại sao lại viết ‘Tiếng nói của vạn vật’ rồi phải chú thích ngay bên dưới “Thơ 4 chữ và 5 chữ”. Bài 2 đề “Bài học cuộc sống” rồi chú thích “Truyện ngụ ngôn”. “Truyện ngụ ngôn” và “Bài học cuộc sống” là những phạm trù khác nhau.

Bài thứ 3 đề “Những góc nhìn văn chương” (Nghị luận văn học). Mục tiêu của bài là “Nghị luận văn học” thì đi thẳng vào “Nghị luận văn học” cần gì đến ‘Những góc nhìn văn chương” làm dẫn đến hiểu lầm.

Bài thứ 4 có mục đích giới thiệu “Tản văn, tuỳ bút” thì lại đề “Quà tặng thiên nhiên” rồi chú thích “Tản văn, tuỳ bút”.

Các bài tiếp theo đều như vậy. Bài thứ 5 có mục đích dạy về “Văn bản thông tin” lại có tiêu đề: “Từng bước hoàn thiện bản than” (văn bản thông tin).

Bài thứ 6 giới thiệu về “Nghị luận xã hội” lại đặt tiêu đề “Hành trình tri thức” (Nghị luận xã hội).

Bài thứ 7 có mục tiêu là dạy về “Tục ngữ” lại đưa ra tiêu đề “Trí tuệ dân gian” rồi phải chú thích ngay bên dưới là “Tục ngữ”.

Tương tự là Bài 8: “Nét đẹp văn hoá Việt’ (Văn bản thông tin). Còn Bài 9 thì: “Trong thế giới viễn tưởng” (Truyện khoa học viễn tưởng). Và Bài 10 dạy về thơ thì lại đề: “Lắng nghe trái tim mình” (Thơ).

Dạy học sinh, cần đi trực tiếp vào vấn đề – là con đường ngắn nhất để truyền tải kiến thức. Những “sáng tạo lòng vòng” chỉ làm cho người học hiểu nhầm và làm rối rắm quá trình tiếp thu kiến thức. Cách viết này còn làm hại giáo viên. Những giáo viên giỏi sẽ phải bỏ thêm nhiều thời gian để cấu trúc lại hoàn toàn bài giảng.

4. Câu hỏi và câu trả lời kết luận: Có muốn mua hàng không? Không muốn mua hàng

Kết luận cuối cùng là khách hàng không muốn mua hàng. Nhưng tiếc thay, nếu trong thị trường hàng hoá, khách hàng có quyền lựa chọn sản phẩm theo ý mình, thì trong “thị trường giáo dục” Việt Nam, phụ huynh và học sinh buộc phải mua sách giáo khoa dù không ưa thích.

Trên đây là vài nhận xét sơ bộ khi xem qua sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7, bộ Chân trời sáng tạo [2] trong tư cách khách hàng đi mua sách. Bài viết hoàn toàn chưa đề cập đến nội dung của từng bài học. Đề cập hết nội dung từng bài học là việc làm công phu, tốn kém thời gian và trí lực; đồng thời dung lượng bài viết cũng không cho phép, nên phải “khất” ở những bài viết khác.

Nhận xét phản ánh quan điểm cá nhân của người đi mua sách là để nhà sản xuất biết mà có biện pháp phù hợp.

II. Đôi điều về thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Lướt qua sách giáo môn Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống [1] cũng đi đến nhận xét giống như nhận xét đầu tiên về sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 7, bộ Chân trời sáng tạo [2] là chữ nhiều mà ít thông tin mới hữu ích. Có thể điều này phụ thuộc vào khả năng xử lý thông tin và yêu cầu thông tin của từng cá nhân chăng?

Nhưng mục tiêu của phần này là nhận xét về thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống nên sẽ không bàn về các vấn đề khác. Trong Tập 1 và Tập 2 sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 bộ Kết nối trí thức với cuộc sống có 9 bài thơ (không kể ca dao) in riêng biệt, phục vụ cho mục đích “văn bản đọc”. Đọc qua các bài thơ này, như là “văn bản đọc”, “khách hàng tiêu dùng ” xin đưa ra mấy nhận xét sau:

1. Dài

Dù được ghi là “văn bản đọc” thì thực chất cũng là giới thiệu thơ, đưa thơ ra để dạy. Thơ dạy cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở nên ngắn. Càng ít tuổi càng cần dạy thơ ngắn. Trong khi đó thì các bài thơ trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thuộc loại khá dài và dài.

Bài Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh) 32 dòng. Bài Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh) 76 dòng là rất dài. Bài thơ dịch Mây và sóng của Tago 26 dòng. Bài Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông) 27 dòng. Bài Con chào mào (Mai Văn Phấn) 16 dòng. Bài Chuyện cổ nước mình (Lâm Thị Mỹ Dạ) 28 dòng. Bài Hành trình của bầy ong (Nguyễn Đức Mậu) 26 dòng. Bài Cửu Long giang ta ơi (Nguyên Hồng) dù đã cắt bỏ vẫn còn 48 dòng. Trẻ em không mấy ai muốn học thơ dài cả.

2. Khó thuộc

Không nhận thấy thơ dễ thuộc. Bài nào có vần hơi dễ thuộc thì quá dài. Các bài thơ dịch càng khó thuộc. Các bài thơ “lủng củng” xuống dòng càng không thể thuộc. Dù là thơ phục vụ mục đích “đọc văn bản” thì thơ cũng phải “gần với thơ” theo nghĩa thông thường. Tránh đưa các bài thơ dạng văn xuôi, như là “sáng tạo mới, phát hiện mới” để dạy cho thiếu nhi vì sẽ làm cho bộ não của các em lộn xộn; làm hư hỏng khả năng ghi nhớ của bộ não các em. Những bài thơ kiểu đó nên để đến khi các em trưởng thành với nhiều thông tin đa chiều, theo sở thích mà tự tìm đọc. Có biết bao nhiêu thơ hay truyền đời sao không lựa chọn để dạy cho thiếu nhi mà phải dùng đến những bài thơ như vậy?

3. Phân bổ không đều

Các bài thơ nằm trong Tập1, cả tập 2 có thơ dẫn chứng của hai tác giả nằm trong phần “đọc văn bản” là thơ dịch Trái đất của Gam-Da-Tốp, và nhà thơ Lò Ngân Sủn – người con của núi. Như vậy là suốt học kỳ 2 của lớp 6, học sinh hầu như không được học thơ.

4. Không đưa thơ đang tranh cãi về chất lượng vào sách giáo khoa dạy cho trẻ nhỏ

Những bài thơ mà một số khen một số chê tuỳ thuộc vào quan điểm thẩm thấu thơ của từng người là những bài thơ chưa thu phục được số đông. Những bài thơ chưa thu phục được số đông chưa trải qua thử thách thời gian. Cho nên, những bài thơ chưa thu phục được số đông không nên có chỗ đứng trong giáo trình dạy cho trẻ nhỏ. Về mặt giáo dục, không lôi kéo trẻ nhỏ vào các cuộc tranh cãi của người trưởng thành. Và tại sao lại bắt trẻ nhỏ học những bài thơ một bên nói dở một bên khen hay?

5. Không có thơ hay

Không bàn về các bài thơ dịch. Còn lại, các bài thơ tuyển chọn in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối trí thức với cuộc sống không thuộc loại thơ hay, không có bài nào xuất sắc. Có một số bài dở. Bài Bắt nạt là bài thơ dở. Chủ đề “bắt nạt” không có gì vượt trội so với hàng trăm chủ đề khác cần giáo dục cho trẻ nhỏ. Chủ đề “hay” bao nhiêu cũng không thể cứu được thơ dở. Có chủ đề nào đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh phổ thông không phải là chủ đề hay?

6. Câu hỏi và câu trả lời kết luận: Có muốn mua hàng không? Không muốn mua hàng

Với các bài thơ trong sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 bộ Kết nối trí thức với cuộc sống sẽ không mang đến cho học sinh sự thích thú học thơ. Học xong không tài nào nhớ được thơ. Thơ, thay vì tạo nên niềm hưng phấn, lại trở thành gánh nặng và nỗi khổ sở. Có rất nhiều thơ hay truyền đời và thơ hay đương đại sao không tuyển chọn lại đưa những bài thơ dở, những bài thơ “lưỡng tính” vào sách giáo khoa? Giới thiệu thơ như thế chỉ có hại cho thơ và cho người đọc thơ.

Tóm lại, không mấy khách hàng tiêu dùng muốn lựa chọn sản phẩm như thế để mua. Ngoại trừ sự áp đặt bắt buộc.

Ai phải lên tiếng?

“Độ chật chội” và “độ trong sạch” của bộ nhớ con người phụ thuộc vào tuổi tác. Khi mới chào đời, bộ nhớ của trẻ nhỏ trống trơn và trắng tinh. Theo thời gian bộ nhớ mỗi ngày càng phải chất tải thông tin. Thông tin làm cho bộ nhớ chật chội dần. Và thông tin mang đến sự “ô nhiễm”.

Nhiệm vụ của sách giáo khoa là chuyển tải vào bộ nhớ học sinh những thông tin hữu ích, dung lượng phải chứa thì ít mà sự ích lợi mang lại thì nhiều. Nhiệm vụ khác nữa không kém phần quan trọng của sách giáo khoa là chuyển tải vào bộ nhớ học sinh những thông tin ít gây độc hại, làm cho bộ nhớ của học sinh ít bị ô nhiễm.

Thông tin thu nhận khi còn thơ trẻ vô cùng quan trọng, nhớ lâu và tác động mạnh. Giống như cơ thể trẻ thơ phải được chăm sóc bởi những thực phẩm bổ ngon nhất để không còi cọc, bệnh tật, thì sách giáo khoa Ngữ văn cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở phải chứa đựng những áng văn hay, những vần thơ đẹp nhất được tuyển chọn kỹ càng. Người viết sách giáo khoa môn Ngữ văn cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải thực sự tài năng.

Chúng ta đang đối mặt với trào lưu thương mại hoá và lợi ích nhóm hoá trong viết và lưu thông sách giáo khoa. Không phải ai cũng có quyền tham gia viết và xuất bản sách giáo khoa. Không phải ai mong muốn cũng được chọn viết sách giáo khoa. Và không phải ai được chọn viết sách giáo khoa là phương án lựa chọn tối ưu nhất.

Vì sự cạnh tranh trong mỗi nhóm tác giả các bộ sách giáo khoa mà nội dung được giấu kín nội bộ. Sự dấu kín nội bộ này đã làm tổn hại đến tính đúng đắn của nội dung. Thêm vào đó là sự tự tiện đưa vào sách giáo khoa những nội dung do tác giả tự viết mà chưa được công nhận rộng rãi. Nếu nội dung mỗi bài học có được sự thảo luận của chuyên gia và khách hàng thì khuyết tật đã được cực tiểu hoá.

Các tác giả các bộ sách giáo khoa có thể ví như các đầu bếp. Họ chuẩn bị cho chúng ta bữa ăn bằng thực phẩm họ tự mua, cùng thực phẩm họ tự làm, bằng tài năng của họ. Mà thực phẩm họ tự làm lại chưa được kiểm duyệt. Điều thảm hoạ là chúng ta không được lựa chọn mà phải mua và phải ăn bữa ăn do họ chuẩn bị.

Cuối cùng là chúng ta phải mua những sản phẩm không mong muốn. Con em chúng ta phải học những cuốn sách khuyết tật. Giáo viên phải dạy những giáo trình không hứng thú cùng với sự trả giá nhiều giờ lao động mệt mỏi phụ thêm để giáo trình bớt khuyết tật.

Không phải sạn, mà sai về chủ thuyết. Bộ khung thiết kế sai. Thiết kế chi tiết cũng không ít khuyết tật.

Giải pháp ư? Thì trước tiên, những người có trách nhiệm cao nhất cần lên tiếng trước.

Tài liệu dẫn

[1] Ngữ văn 6, tập 1, tập 2, Kết nối tri thức với cuộc sống, Các tác giả: Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên), Nguyễn Linh Chi, Nguyễn Thị Mai Liên, Lê Trà My, Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Hải Phương.

[2] Ngữ văn 7, tập 1, tập 2, Chân trời sáng tạo, Các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nam – Nguyễn Thành Thi (đồng Chủ biên), Trần Lê Duy, Phan Mạnh Hùng, Tăng Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phan Thu Vân.

Bài đã đăng trong Đặc san KHXH@NV Nghệ An, số 10, 2023, khxhnvnghean.gov.vn

Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của người đi mua sách. Điều gì thấy tiếp thu được thì tiếp thu. Điều chưa phù hợp thì bỏ qua. Các nhận xét không mang tính áp đặt và không kiên trì bảo vệ tính đúng đắn.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục, Nguyễn Ngọc Chu, Sách giáo khoa Ngữ văn. Bookmark the permalink.