Không thể chấn hưng văn hoá nếu không hiểu điều này!

Đoàn Bảo Châu 

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trả lời phỏng vấn: “Việt Nam hiện nay hầu như vắng bóng tác phẩm tầm khu vực và thế giới. Ngành Văn hóa mong muốn đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa. Nội dung này cần nguồn lực lớn, đầu tư nhiều năm chứ không đơn giản là tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến thực tế hay trại viết trong vài tuần, vài tháng”.

Việc quan trọng để chấn hưng được văn hoá là các vị phải có cái nhìn thẳng thắn, công bằng với lịch sử. 

Văn học là một mảng lớn, quan trọng để giới thiệu văn hoá ra thế giới, vậy để có được một tác phẩm văn học lớn, ta phải cần những điều kiện gì? 

Một tác phẩm văn học lớn, sâu sắc, có sức mạnh lay động con tim và khối óc của hàng triệu con người không thể được xây dựng hoàn toàn bằng trí tưởng tượng, kể cả những tác phẩm được viết về ma thuật, phép lạ thì nó vẫn có nguồn gốc từ văn hoá lâu đời, những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của một dân tộc. Những cung điện, những lâu đài kì bí, những khu rừng ẩn chứa đầy nguy hiểm và những điều kì lạ, những truyện cổ, thần thoại…

Các vị muốn phát triển văn hoá, muốn có tác phẩm lớn nhưng các vị sợ hãi khi phải đối mặt với lịch sử. Những sự kiện lớn như Cải cách Ruộng Đất, Cải tạo Công Thương nghiệp, Nhân Văn Giai Phẩm, Thuyền Nhân, việc đốt sách sau năm 1975 không dám cho văn học động đến. 

Một quốc gia, một dân tộc, cũng như một cá nhân, trên hành trình phát triển sẽ có những thành công, thất bại, quyết định đúng và sai, chỉ khi nhìn với con mắt công bằng, đối mặt thẳng thắn với lịch sử thì ta mới có được chiều sâu, bề dày văn hoá cần thiết. 

Điều này tạo ra một nền tảng cần thiết để có được những tác phẩm lớn. 

Không có nền tảng, bề dày ấy, các tác phẩm chỉ là những tiếng kêu rời rạc, nhỏ lẻ theo chỉ đạo và định hướng. Nó mất sức sống mạnh mẽ đáng phải có của một sản phẩm văn hoá. 

Tôi có một cuốn sách viết về cải cách ruộng đất, đưa tới 5 nhà xuất bản, đều bị từ chối mặc dù họ đều công nhận chất lượng tốt nhưng không dám xuất bản bởi “nhạy cảm”. 

Vậy những tác phẩm “lớn” mà các vị muốn có sẽ nói về cái gì? Những gì khốc liệt nhất, là chất liệu tốt cho tác phẩm mà không được viết thì nhà văn cần có phép thần thông nào để biến tác phẩm của mình thành “tác phẩm lớn”? 

Các vị định xuất khẩu ra thế giới những tác phẩm tuyên truyền, ca ngợi một chiều sao? Và rồi các vị mong đợi cả thế giới ngả mũ, vỗ tay, tán thưởng sự tuyên truyền đặc biệt của các vị ư? 

Tôi sợ rằng với tư duy về văn hoá không chuẩn, không sâu sắc, số tiền sẽ biến thành những bảo tàng bỏ hoang, những tượng đài hoang phế, những cổng chào “Làng Văn Hoá” rất to nhưng bên trong là rỗng tuếch, nhợt nhạt, gượng ép và rất phi văn hoá. 

Việc làm đầu tiên là hãy chấn hưng nhận thức của các vị.

Đ.B.C.

Nguồn: FB Chau Doan

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.