Giải cứu giáo viên…

Thái Hạo 

Đầu năm học, dường như cả xã hội đang dồn sự quan tâm đến học sinh và kêu đòi “giải cứu” các em khỏi những buổi học thêm khổ ải do động cơ lợi ích của một số người gây ra, cũng tức là giải cứu cho phụ huynh khỏi gánh nặng tiền bạc và sự móc túi từ đủ chiêu trò. Và trong tinh thần ấy, đã tất yếu dẫn đến không ít những phê phán dành cho giáo viên, những người đã trực tiếp thi hành cái động cơ xấu xa kia.

Đối với một số giáo viên, sự phê phán kia là không oan. Nhưng nếu dùng từ “giáo viên” như một danh từ chung để chỉ tất cả những người đang đứng trên bục giảng, thì chắc chắn sẽ có không ít sự bất công đối với họ. Giáo viên rất khổ.

Cái khổ đầu tiên ai cũng thấy ngay được, là thu nhập thấp. Đồng lương chỉ đủ sống tằn tiện và giỏi chi tiêu.

Thứ hai là công việc không những quá nhiều mà còn đầy áp lực. Nhiều người cứ nghĩ làm giáo viên tuy nghèo nhưng nhàn. Lầm. Giáo viên làm việc như trâu, không những trực tiếp nói rát hơi phỏng cổ cả ngày ở lớp mà còn đủ thứ việc hầm bà lằng trên trời dưới đất, từ họp hành liên miên đến giấy tờ hồ sơ nhiêu khê vô bổ chất cao quá đầu. 

Giáo viên (Việt Nam) nhìn bề ngoài có vẻ nhàn vì áo dài, cà vạt, giày da, nhưng phải luôn tha việc về nhà. Nếu công nhân hùng hục làm việc trong nhà máy mỗi ngày 8, 9 tiếng nhưng ra khỏi cổng là bỏ lại tất cả thì giáo viên phải tha lôi bao nhiêu thứ về nhà và đánh vật với nó. Nào là soạn bài, chấm bài, lên điểm, hồ sơ, liên lạc với phụ huynh…, làm hoàn thành những thứ ấy, mỗi đêm phải thức tới nửa khuya, ai mà nghiêm túc thì có khi còn nghe được cả tiếng gà gáy.

Không những thế, họ thường phải sống trong một môi trường mà ở đó sự mất dân chủ càng ngày càng trầm trọng: bị coi thường, chỉ trích, thậm chí bị sỉ nhục trước đồng nghiệp mà không biết kêu ai. Bất công đối với nhà giáo ngày càng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều trường hợp chỉ cần trái ý lãnh đạo (hiệu trưởng) là bị trù dập tơi bời. Từ sự bất công này, mối quan hệ đồng nghiệp cũng dần bị thoái hóa làm rạn nứt và tan vỡ tình đồng nghiệp, biến nó trở thành một nơi đầy sự cảnh giác, nghi kỵ, đề phòng…

Sự mất giá và sa sút của địa vị của người thầy dần biến họ thành thân phận những lao động làm thuê, và hai chữ “thợ dạy” càng ngày càng trở nên đúng với thực tế hơn bao giờ hết.

Căn bệnh thành tích trong giáo dục cộng với những nhiêu khê và bất công đè nặng đã tước đi niềm vui làm nghề chân chính của giáo viên. Bộ áp xuống sở, sở áp xuống trường, trường áp xuống giáo viên. Trong một hệ thống thi cử coi điểm chác là tối hậu và gần như duy nhất thì giáo viên dù có thông minh, sáng tạo và tiến bộ tới đâu cũng khó mà làm khác được. Họ đành phải chấp nhận làm thợ dạy, nói đi nói lại những điều cũ rích, và lắm khi nói cả những điều mà mình không tin, không thích. 

Kể ra thì nhiều lắm, cả ngày không hết. 

Trở lại với sự chỉ trích dành cho giáo viên từ tình trạng “loạn thu” và nạn dịch dạy thêm. Trong việc thu tiền nơi các nhà trường đang khiến xã hội oán thán này, trên thực tế giáo viên không được lợi lộc gì cả, ngoài sự yên thân. Dù nhà trường có kế toán, thủ quỹ nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn bị giao nhiệm vụ đứng ra kêu gọi, trực tiếp thu tiền, được càng nhiều càng tốt. Và nếu thu không đạt chỉ tiêu (dù là tiền tự nguyện) thì sẽ bị hiệu trưởng phê bình, thậm chí hạ thi đua. Họ bị kẹt giữa hai đầu: lãnh đạo và dân. Điều đó đối với những giáo viên có tự trọng thì khổ không nói hết.

Dạy thêm ở trường: không phải giáo viên nào cũng có phần, chỉ một số “môn chính” là được dạy mà thôi. Mà trong những người dạy môn chính ấy, cũng không phải ai cũng muốn dạy, nhưng lắm lúc không dạy không được. Vì uy tín của những “giáo viên giỏi” sẽ giúp đảm bảo tính thuyết phục cho việc dạy thêm đối với học sinh và phụ huynh, từ đó tăng nguồn thu, cũng tức là tăng % cho những người đang “ngồi mát”.

Thiếu thốn và bất công đang dần bào mòn nhân cách thầy cô, hoặc đẩy họ vào những cảnh huống bi kịch. Cả hai trường hợp, dù ý thức được hay không, thì chung quy cũng là nỗi khổ, một đằng do vô minh, đằng kia do lương tâm dày vò.

Muốn có học sinh hạnh phúc thì trước hết giáo viên phải hạnh phúc, chứ không phải ngược lại. Hô hào “trường học hạnh phúc” mà không làm cho giáo viên thấy được an toàn và hạnh phúc thì chỉ là khẩu hiệu suông.

Giáo viên cũng như tất cả mọi người, họ có gia đình, chồng vợ, con cái, họ cũng có đời sống nội tại cần được chăm sóc thương yêu; nhưng gánh nặng công việc, mà trong đó nhiều việc vốn không thuộc trách nhiệm theo quy định và lắm thứ việc vô bổ tào lao cộng với bất công lan tràn đang ghì chặt lấy họ, gây ra sự mệt mỏi, thất vọng, chán nản, bi kịch. Đã có nhiều cách phản ứng được lựa chọn, như thích nghi (thường dẫn đến tha hóa), chống lại (thường dẫn đến sự đàn áp), bỏ việc…

Không chỉ học sinh mới cần “giải cứu”, mà giáo viên phải được giải cứu trước hoặc ít nhất là song song. Giải cứu khỏi gánh nặng áo cơm, giải cứu khỏi những việc không thuộc trách nhiệm, giải cứu khỏi những thứ hành chính vô bổ, giải cứu khỏi những bàn tay thô bạo của lãnh chúa nhà trường, giải cứu khỏi căn bệnh thành tích quái dị…

Nhưng ai sẽ làm việc đó? Tất nhiên là “ngành giáo dục”, và bên trên. Nhưng trong khi chờ đợi ơn mưa móc từ phía ấy, chính giáo viên phải tự giải cứu lấy mình, bằng cách bỏ thời gian đọc và nắm luật, để biết được các quy định của ngành, hiểu được quyền của mình từ cả tư cách nhà giáo, tư cách công dân đến tư cách con người, từ đó mà biết cách tự bảo vệ mình và lên tiếng bảo vệ nhau.

Là trí thức, giáo viên không chủ động tham dự vào sự canh tân, trong đó có việc canh tân chính môi trường làm việc của mình, thì không chỉ đáng buồn mà còn đáng trách. Nếu cứ “thích nghi” và chịu đựng vô điều kiện như hiện nay thì chẳng có tương lai nào đợi ở phía trước cả. 

Nhà giáo phải là vầng trán của xã hội, là lương tri của thời đại, chẳng lẽ lại kêu công nhân và nông dân ra giải cứu?

T.H.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam, Giáo viên. Bookmark the permalink.