Diễm Thi – RFA
2023.09.05
Bên ngoài một nhà tù ở tỉnh Hải Dương. Ảnh minh họa. AFP
Với hầu hết những người bị kết án tử hình ở Việt Nam, họ mặc định bị cùm một chân trong thời gian bị tạm giam chờ thi hành án. Điều này được chính thân nhân tử tù, luật sư, cựu tù nhân xác nhận với RFA. Theo lời ông Nguyễn Trường Chinh, thân nhân của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA hôm 5 tháng 9 năm 2023, thì ông tin đây là luật:
“Từ xưa đến giờ vẫn bị cùm một chân 24/24. Không có gì thay đổi cả. Năm nọ sang năm kia. 17 năm bị cùm như thế rồi. Năm 2015, 2016 còn bị cùm treo chân trái. Khi tôi phản đối thì họ mới thêm một đoạn xích vô cái xiềng để đưa chân xuống dưới bệ xi măng cho khỏi giơ chân lên nó teo chân. Trước chân trái bị teo. Bên 10, bên 7. Giờ họ cải thiện cái xiềng, thêm một đoạn xích thành thử chân của cháu cũng đỡ rồi, trở lại gần như bình thường. Luật của Việt Nam là người bị kết án tử hình đều bị cùm chân. Một tuần chỉ được đổi chân một lần. Nếu gặp quản giáo nhân đạo thì ba, bốn ngày họ đổi cho một lần”.
Từ xưa đến giờ vẫn bị cùm một chân 24/24. Không có gì thay đổi cả. Năm nọ sang năm kia. 17 năm bị cùm như thế rồi. Năm 2015, 2016 còn bị cùm treo chân trái. Khi tôi phản đối thì họ mới thêm một đoạn xích vô cái xiềng để đưa chân xuống dưới bệ xi măng cho khỏi giơ chân lên nó teo chân. – ông Nguyễn Trường Chinh
Cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) nói với RFA:
“Khi có án rồi là họ sẽ giam trong khu tử hình. Khu này thì buồng giam rất nhỏ và họ bị cùm một chân 24/24 cho đến khi thi hành án. Nếu họ thấy tù nguy hiểm thì họ cùm hai chân luôn. Ban ngày thì những người tù này ngủ. Ban đêm họ thức vì thường họ bị đưa đi thi hành án vào nửa đêm về sáng. Khi quản giáo vào mở cửa khu tử hình thì cả khu thức dậy hết rồi chào nhau. Người đi chúc anh em ở lại mạnh khỏe. Người ở lại chúc người đi thanh thản.
Còn tù thường khi bị kỷ luật thì bị đưa vào khu kỷ luật biệt giam. Mà theo quy định của luật thi hành hình sự thì họ bị giam 10 ngày và có thể bị cùm trong khu kỷ luật. Nhưng hiện nay Việt Nam có Thông tư 37 của Bộ công an cho phép biệt giam tới ba tháng”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho RFA biết:
“Tôi thì không nghiên cứu kỹ về luật thi hành án, nhưng mấy thân chủ của tôi khi bị tuyên án tử hình trong phiên sơ thẩm thì kể từ thời điểm đó họ bị cùm chân. Đến khi án có hiệu lực pháp luật thì họ tiếp tục bị cùm đến khi thi hành án”.
RFA gọi điện thoại đến Trại tạm giam Hải Phòng, nơi tử tù Nguyễn Văn Chưởng đang bị tạm giam chờ thi hành án, thì người nghe máy không trả lời thắc mắc của chúng tôi mà yêu cầu chúng tôi gọi lại một số khác. Sau đó không ai bắt máy nữa.
“Cái này chị phải gọi lên Đội hồ sơ thì họ mới nắm rõ. Mà chị chờ để tôi hỏi xem bên đó họ có cho số không thì tôi mới cho được. Tôi không trả lời chị được”.
Ông Nguyễn Trường Chinh lặn lội từ Hải Dương lên Hà Nội để kêu cứu cho con trai là tử tù Nguyễn Văn Chưởng hôm 7 tháng 8 năm 2023
Theo Điều 37 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người bị kết án tử hình bị tạm giam chờ thi hành án được hưởng chế độ ăn, mặc, sinh hoạt, chăm sóc y tế, nhận quà, gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu như người bị tạm giam khác. Trại tạm giam phải tổ chức buồng riêng hoặc khu riêng để giam giữ người bị kết án tử hình. Trong quá trình quản lý tạm giam người bị kết án tử hình, nếu xét thấy họ có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định việc cùm một chân và tổ chức theo dõi, quản lý, ngăn ngừa.
Còn theo Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình, trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.
Buồng biệt giam bị theo dõi 24/24 giờ, mỗi ngày tử tù được mở cùm chân không quá 15 phút để làm vệ sinh cá nhân. Mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình được thực hiện trong buồng giam. Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm. Mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần. Mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá 15 phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân.
Như vậy, người bị kết án tử hình trong thời gian bị giam giữ thì chỉ bị giam giữ ở buồng riêng, chỉ khi người đó có biểu hiện bỏ trốn, tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì thủ trưởng cơ sở giam giữ mới quyết định việc cùm một chân.
Nghịch lý khi mà hình phạt tử hình được tuyên bởi tòa án, thế nhưng, hình phạt khủng khiếp về thể chất và tinh thần trong thời gian chờ thi hành tử hình dù không được tuyên bằng tòa án nào cả, nhưng hàng ngày vẫn hành hạ theo cách nặng nề nhất đối với tử tù. – Luật sư Đặng Đình Mạnh
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, ngay sau phiên tòa cấp sơ thẩm bị tuyên hình phạt tử hình, cho dù họ có kháng cáo hay không, thì chế độ giam giữ tử tù đã được kích hoạt để áp dụng ngay với họ khi bước chân từ tòa án về đến trại tạm giam. Ông nói tiếp:
“Gần 30 năm hành nghề luật sư, tôi bào chữa án hình sự khá nhiều, trong đó, không ít vụ án bị tuyên hình phạt đến mức tử hình. Điều đó đủ để tôi biết về sự khủng khiếp mà các tử tù phải gánh chịu cho đến trước khi bị mang ra tử hình. Đến mức, ngay cả sự tử hình cũng vẫn có vẻ dễ chịu và dễ chấp nhận hơn hoàn cảnh chờ đợi thực hiện tử hình.
Thay vì phòng giam chung với những người khác để còn có thể tán gẫu, chăm sóc nhau khi đau ốm thì họ phải bắt đầu chịu đựng cảnh biệt giam trong một phòng giam nhỏ bé, chân bị cùm suốt 24/7. Mọi sự sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều thực hiện tại chỗ… Thật ra theo quy định của pháp luật thì điều này là không được phép. Vì vậy, bản thân sự chờ đợi đã là hình phạt khủng khiếp về thể chất lẫn tinh thần mà tử tù phải chịu đựng bên cạnh hình phạt tử hình.
Nghịch lý khi mà hình phạt tử hình được tuyên bởi tòa án, thế nhưng, hình phạt khủng khiếp về thể chất và tinh thần trong thời gian chờ thi hành tử hình dù không được tuyên bằng tòa án nào cả, nhưng hàng ngày vẫn hành hạ theo cách nặng nề nhất đối với tử tù”.
Bộ Luật Hình sự Việt Nam hiện vẫn duy trì hình phạt tử hình với diễn giải đây là hình phạt rất cần thiết, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Luật Hình sự là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy vậy, một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp cho rằng, Việt Nam nên bỏ án tử hình bởi nền tư pháp không độc lập và đầy những bản án oan, sai. Nếu tử hình oan một con người thì sẽ không còn cơ hội để sửa sai.
Ngoài những bản án tử hình được minh oan sau hàng chục năm bị kết án như vụ ông Hàn Đức Long, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh văn Nén… Nhiều bản án tử hình oan khác được báo chí nhà nước loan tải như vụ ba người ở Vĩnh Phúc gồm ông Trần Chung Thám, ông Trần Ngọc Trinh, ông Khổng Văn Đệ mang án oan giết người gần 40 năm; ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh mang thân phận tử tù hơn 40 năm. Họ bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình để nhận tội.
Những tử tù này chỉ được minh oan khi thủ phạm thật sự của vụ án ra đầu thú.
D.T.
Nguồn: RFA Tiếng Việt