Sai một li đi vạn dặm

Nguyễn Thùy Dương

Nguyễn Thanh Long khi còn làm Thứ trưởng Bộ Y tế đã có liên quan tới dịch sởi 2014 khiến nhiều trẻ ở độ tuổi thiếu nhi tử vong. Sau đó, Long qua Tuyên giáo rồi được bế về làm Bộ Trưởng Bộ Y tế trong nhiều tranh cãi. Và người ta nói nhiều về việc một kẻ có liên quan đến những cái chết trẻ thì làm sao có thể gánh sinh mệnh dân tộc trên vai. Vậy mà Long vẫn thành Bộ trưởng.

Dịch [và chống dịch]

Thủ tướng, Công an, Công thương, Nông nghiệp cho đến Giáo dục đều chờ Y tế. Cho nên vận mệnh về nhân mạng, kinh tế, chính trị, giáo dục đều nằm ở sự quyết định của Tư lệnh ngành Y. Chọn sai nhân sự này, tất cả đều phải trả giá.

Và hiện nay, kinh tế đang ngấm đòn của đợt dịch vừa rồi. Ngấm đòn giai đoạn đầu. Cá nhân tôi nhận xét, đòn này sẽ còn ngấm sâu nữa, vực thẳm của nó sẽ là sau Tết Nguyên đán 2024. Các doanh nghiệp nước ngoài dù đã rút ra khỏi Trung Quốc không ít, nhưng họ lại rẽ quẹo qua Ấn Độ, Bangladesh, các quốc gia Nam Á khác. Dĩ nhiên Chính phủ sẽ có các gói hỗ trợ nhưng để giải ngân thì lại là một câu chuyện khác. Đôi khi câu chuyện đó dài không kém chuyện Cát Linh – Hà Đông.

Khi kinh tế bất ổn, trật tự trị an cũng khó bền vững kéo theo những nguy cơ khác.

Để có thể vượt qua hoàn cảnh hiện tại, có lẽ phải chờ vào yếu tố may mắn của ngoại lực. Tức là các doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề để thu hút ngoại lực lại cần những chính sách dài hơi ra sao chứ không chỉ là Thuế và khe hở để doanh nghiệp nước ngoài trốn thuế. Cần hỗ trợ và bảo đảm của Chính phủ mang tính toàn cầu nhất quán chứ không phải thay đổi liên tục vui thì cho, nghĩ lại thì cấm…

Về nội lực, phải có đủ lực lượng công nhân kỹ thuật cao. Các chính sách dài hơi về giáo dục, thay đổi triết lý giáo dục. Hay nói đúng hơn là xây dựng triết lý giáo dục. Vì hiện nay chúng ta có triết lý giáo dục gì đâu? Bao nhiêu đời Bộ trưởng, thử hỏi một mớ học sinh coi Triết lý giáo dục của chúng ta là gì? Định hướng sai Triết lý giáo dục khiến chúng ta thừa thầy chạy Grab còn thợ tay nghề cao thì thiếu. Mà mục tiêu của cuộc sống là ổn định định hướng nghề nghiệp và hạnh phúc.

Để làm được chuyện này, vai trò của Tuyên giáo là rất lớn. Phải tuyên truyền làm sao cho cả phụ huynh và học sinh cùng hiểu rằng Đại học hay học nghề chất lượng cao cũng đều hướng tới cuộc sống hạnh phúc, không nhất thiết phải có bằng đại học rồi vào khu công nghiệp làm công nhân tập sự. Hiện nay, chúng ta có hàng trăm trường đại học lớn nhỏ nhưng chỉ có khoảng 10 trường nghề được doanh nghiệp nước ngoài săn đón thợ nghề để đưa đi xuất khẩu lao động.

Phải thật sự mở trong chính sách để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn hỗ trợ. Doanh nghiệp phải được hướng dẫn cụ thể chi tiết làm sao tiếp cận nguồn hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ phải được công khai tránh việc doanh nghiệp đi hỏi phải có “bánh mì”.

Vấn đề nhỏ hơn nhưng cũng đầy nan giải là kêu gọi công nhân về làm việc sau một thời gian dài chịu cảnh bấp bênh phải bỏ khu công nghiệp về quê. Nhất định phải có chính sách cụ thể. Nhà trọ ra sao? Ăn uống thế nào trong những ngày chưa có lương? Con cái của họ?… Chứ không phải như hiện nay chỉ có chuyện rút Bảo hiểm Xã hội cũng gây tranh cãi và bất an.

Lãnh đạo phải là người dẫn đường cụ thể chứ không phải là kẻ chỉ tay về đỉnh núi mà không biết hướng nào lành dữ cứ kêu người ta lên núi. Để vực dậy một nền kinh tế cần sự đồng lòng của trên dưới chứ không phải sự trông chờ của người dân và những bài phát biểu của lãnh đạo.

N.T.D.

Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương

This entry was posted in Tham nhũng Y tế. Bookmark the permalink.