Tôi cũng không hiểu nổi

Chu Mộng Long

Trong cuộc “gặp gỡ” với gần 2 triệu nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói lời “nhận lỗi vì chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục”. Thú thật, tôi, gần 35 năm trong ngành, nghĩ mãi mà còn chưa hiểu nổi, huống hồ là cả xã hội?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao đã gọi là “giáo dục phổ thông” mà không miễn học phí cho toàn dân, ngược lại hàng năm lại tăng học phí và thu đủ các loại phí, chồng chất thêm gánh nặng cho dân?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao luật miễn học phí cho ngành sư phạm, nhưng chỉ cho hệ đào tạo chính quy, trong khi lại đẻ ra hệ vừa làm vừa học tràn lan, cũng là sư phạm, nhưng lại thu học phí trên trời? Miễn học phí cho sinh viên sư phạm chính quy, nhưng mỗi sinh viên chính quy ra trường như đứa con bị bỏ chợ, trong khi hệ vừa làm vừa học thì đã hợp thức hóa bằng cấp và chiếm hết chỗ làm, buộc sinh viên chính quy phải chạy hàng trăm triệu mới có thể chen chân vào nghề mình được học?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao lương giáo viên ba cọc ba đồng, dù đã có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề vẫn phải vét túi đóng tiền để học thi đủ các loại chứng chỉ, từ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đến tiếng Anh, Tin học, chứng chỉ giữ ngạch, nâng ngạch? Không ai có thể giải thích tại sao nhiều giáo viên có năng lực và tự trọng bỏ nghề hàng loạt, để còn lại và gia tăng trong biên chế lại là thành phần không biết làm gì bèn đi làm giáo viên?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao Bộ càng hô to khẩu hiệu “nói không với bệnh thành tích” thì bệnh càng trầm trọng hơn? Trên đời chẳng có ai phát triển toàn diện nhưng tại sao vẫn duy trì cái gọi là “giáo dục toàn diện” bắt học sinh phải giỏi tất cả các môn, nay là đạt chuẩn 5 phẩm chất, 10 năng lực, từ đó đã và đang thúc đẩy thêm nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, cấy điểm để đạt thành tích toàn diện?

Tôi càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao giáo dục lại như kẻ đi lộn ngược, đầu cắm xuống đất, chân chổng lên trời để không cần giống ai? Chương trình các cấp học phổ thông tại sao lại nặng nề khó nhọc hơn cấp đại học và sau đại học, đến mức trẻ em vào mầm non và thi các cấp khổ sở hơn làm tiến sĩ và giáo sư?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao sau mỗi lần cải cách là mỗi lần chất lượng giáo dục càng xuống cấp và rối loạn? Sách giáo khoa không chỉ càng đổi mới càng sai mà phải chăng còn cố tình đánh đố để gia tăng dạy thêm, học thêm? Tôi càng không hiểu nổi, tại sao Bộ trưởng tuyên bố “chống văn mẫu” mà sách mẫu, không chỉ văn mà toán, lý, hóa, địa, sinh… bán tràn lan, gần như buộc tất cả phải học và làm theo mẫu, kể cả giáo viên cũng dạy theo giáo án mẫu?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao Bộ trưởng nói muốn đổi mới hiệu quả phải bắt đầu từ vai trò “tự đổi mới” tích cực của giáo viên, nhưng chính Bộ lại tạo ra các dự án cải cách có tính áp đặt từ trên xuống, đến lượt các Phòng, Sở cũng áp đặt theo các khuôn mẫu chủ quan, đến mức giáo viên muốn sáng tạo gì, dù một câu, một chữ cũng không thể thoát ra khỏi cái thân phận một cổ hai tròng đó?

Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao đa dạng hoá sách giáo khoa, chủ yếu xuất bản dựa trên vốn ngàn t của dân để cạnh tranh có lợi cho người học, lợi được lựa chọn sách chất lượng tốt, lợi được mua sách giá rẻ, mà sách chỉ có chất lượng kém, giá lại cao gấp nhiều lần so với mặt bằng thu nhập của dân?

Tôi càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao Bộ trưởng kêu gọi “hãy hành động vì một nền giáo dục thực chất” mà kết quả giáo dục ngày một ảo và giả dối hơn? 99% học sinh khá và giỏi, 99% học sinh tốt nghiệp phổ thông, nếu đó là thực chất thì còn cải cách làm gì cho tốn hàng ngàn ngàn t?

Tôi càng không hiểu nổi, tại sao Bộ trưởng nói “mỗi Hiệu trưởng không phải là một ông quan giáo dục” mà các Hiệu trưởng đều gần như trở thành ông vua một cõi, đủ mọi quyền trấn áp giáo viên, làm cho giáo viên sợ hãi đến mức biến thành kẻ câm hoặc nô lệ cho Hiệu trưởng?

Tôi càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao những nhà quản lý, kể cả những người làm chương trình và sách giáo khoa tự hào xây dựng một nền giáo dục tốt nhất mà con dân mới nứt mắt đã phải học phờ phạc, thất thần, trong khi con cháu những người có trọng trách đó toàn chạy ra nước ngoài du học như là chạy đi tnạn?

Ngay cả việc Bộ trưởng tổ chức cuộc “gặp gỡ” gần 2 triệu giáo viên để trao đổi với 6.300 ý kiến đã là rất khó hiểu, trừ phi ngài tự đi tìm kiếm 6.300 ý kiến vuốt đuôi. Nếu muốn nghe ý kiến chân thực từ nhà giáo và xã hội, tại sao Bộ trưởng không duy trì cái trang Facebook mang tên Nguyễn Kim Sơn đã có từ trước khi nhậm chức?

Tóm lại, tôi không thể hiểu tất cả những gì ngành giáo dục đã và đang làm. Đến mức tôi cũng không hiểu nổi tôi, tại sao tôi phải tận tâm, tận lực đào tạo nguồn nhân lực đúng thực chất theo yêu cầu, trong khi xã hội không cần loại nhân lực như vậy?

Tôi vừa đi Châu Âu chỉ có một tháng mà hiểu hết những gì giáo dục Châu Âu đã và đang làm. Họ làm ngược với những điều khó hiểu ở trên, ngài Bộ trưởng thân mến ạ!

Tỏ ra hiểu hết ngành giáo dục đã và đang làm rồi tự hào, tự mãn, không cần phải hỏi gì ngoài nói vuốt đuôi thì chỉ có thể là kẻ vô tâm, ích k. Tôi và cả xã hội không hiểu thì hỏi, càng không hiểu thì càng phải trăn trở dằn vặt, mong không bị quy chụp, trấn áp thô bạo!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

 

 

 

 

 

This entry was posted in Giáo dục Việt Nam, Tản Mạn. Bookmark the permalink.