Những mối hiểm họa của Trung quốc

Brahma Chellanev / The Strategiste (Australia Strategic Policy Institute) – China’s dangerous secrets

Nguyễn-Khoa Thái Anh dịch

Ai cũng biết rằng Trung Quốc có lực lượng hải quân và lực lượng tàu tuần dương lớn nhất thế giới – hệ quả của việc tăng trưởng gấp 10 lần phí tổn quân sự kể từ năm 1995 – khi nước này áp dụng chính sách xét lại nhằm đẩy mạnh sự hiếu chiến của mình. Nhưng cũng có rất nhiều chính sách, dự án, và hoạt động ít được biết đến hơn – thực sự là rất ám muội – đang hỗ trợ chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và đặt toàn bộ thế giới vào tình thế nguy hiểm.

Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc mở rộng bàn đạp chiến lược của mình thông qua các cuộc lấn lướt lén lút mà nước này thẳng thừng phủ nhận. Ví dụ, vào năm 2017, họ đã thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti – một quốc gia nhỏ bé ở vùng Sừng Phi châu, cũng là quốc gia nợ nần chồng chất với Trung Quốc – trong khi khẳng định rằng họ không có kế hoạch như vậy.

Ngày nay, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân ở Campuchia, một quốc gia đã cho Trung Quốc thuê hết 1/5 bờ biển và một số đảo nhỏ của mình.Hải cảng sắp sửa hoàn tất Căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc tài trợ tương tự về kích thước và thiết kế với hải cảng tại căn cứ Djibouti của Trung Quốc. Trung Quốc thừa nhận đầu tư vào cảng này, nhưng tuyên bố rằng chỉ có hải quân Campuchia mới có quyền sử dụng nó.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều sác xuất hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng cơ sở này ít ra là cho hậu cần quân sự. Điều đó sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc nhiều hơn ở Biển Đông, nơi họ đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự tiên phong, giúp họ kiểm soát hiệu quả hành lang quan trọng này giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trung Quốc cũng thao tác một cách hết sức bí hiểm đối với các dự án xây đập khổng lồ của họ trên các con sông quốc tế chảy đến các quốc gia khác từ cao nguyên Tây Tạng nơi đã bị Trung Quốc sáp nhập. Trong khi thế giới biết rằng Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc đã phê chuẩn việc xây dựng con đập lớn nhất thế giới gần biên giới quân sự hóa mạnh mẽ của Trung Quốc với Ấn Độ vào năm 2021, không có thông tin cập nhật công khai nào về dự án từ khi đó.

Con đập này được cho là sẽ tạo ra nguồn năng lượng điện lớn gấp ba so với đập Tam Hiệp, hiện là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, và Trung Quốc đã xây dựng một tuyến đường sắt và đường cao tốc mới để vận chuyển thiết bị hạng nặng, vật liệu và công nhân đến địa điểm dự án xa xôi. Chúng tôi sẽ chỉ tìm hiểu thêm khi quá trình xây dựng đủ xa để con đập không còn bị che khuất khỏi hình ảnh vệ tinh có sẵn trên thị trường. Tại thời điểm đó, nó sẽ là một việc đã rồi.

Trung Quốc đã sử dụng chiến lược này để xây dựng 11 con đập khổng lồ trên sông Mekong, không chỉ đạt được đòn bẩy địa chính trị đối với các nước láng giềng mà còn tàn phá môi trường. Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều đập nhất thế giới, với số lượng đập lớn đang hoạt động nhiều hơn cả những phần còn lại của thế giới cộng lại, và nước này đang xây dựng hoặc lên kế hoạch cho ít nhất tám con đập nữa chỉ riêng trên sông Mekong.

Tính không minh bạch cũng là một đặc điểm nổi bật của việc cho vay vô độ khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ có chủ quyền lớn nhất thế giới đối với các nước đang phát triển. Hầu hết mọi khoản vay của Trung Quốc được phát hành trong thập niên qua đều bao gồm một điều khoản bảo mật sâu rộng buộc quốc gia đi vay không được tiết lộ các điều khoản của món nợ. Nhiều quốc gia châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đã rơi vào bẫy nợ, khiến họ rất dễ bị tổn hại trước áp lực của Trung Quốc trong việc theo đuổi các chính sách thúc đẩy lợi ích kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc. Theo một nghiên cứu, các hợp đồng cho vay mang lại cho Trung Quốc ‘phạm vi rộng để hủy bỏ các khoản vay hoặc đẩy nhanh việc trả nợ nếu nước này không đồng ý với các chính sách của chủ nợ’.

Nhưng không thể có minh chứng nào rõ rệt hơn mối tổn hại toàn cầu do việcTrung Quốc giữ kín bí mật virus trong đại dịch Covid-19. Nếu Chính phủ Trung Quốc phản ứng nhanh chóng trước bằng chứng cho thấy một loại corona virus mới gây chết người đã xuất hiện ở Vũ Hán, cảnh báo công chúng và thực hiện các biện pháp kiểm soát, thì thiệt hại có thể đã được ngăn chặn.

Thay vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc vội vàng trấn áp, lên án, và chối bỏ thông tin khi COVID-19 mới bùng phát, mở đường cho đại dịch hoành hành khắp toàn thế giới, giết chết gần bảy triệu người và làm đảo lộn vô số cuộc sống và sinh kế của loài người. Cho đến nay, sự che giấu của Trung Quốc đã cản trở các nhà khoa học xác nhận nguồn gốc đích thực của Covid-19, mà chúng ta đừng quên, đã xuất hiện tại trung tâm nghiên cứu siêu vi khuẩn chính của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc sẵn sàng vi phạm luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế càng làm trầm trọng thêm vấn đề mờ ám. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần từ bỏ các cam kết quốc tế của mình, kể cả những lời hứa bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông và không quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông. Chính việc Trung Quốc lén lút vi phạm cam kết không đơn phương thay đổi hiện trạng của biên giới Himalaya đang tranh chấp với Ấn Độ đã gây ra một cuộc đối đầu quân sự kéo dài ba năm (và còn tiếp tục) giữa hai nước.

Không có lý do gì để kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm từ bỏ hành vi vi phạm quy tắc, cưỡng chế dựa trên nợ nần hoặc các hoạt động ác ý khác của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người đã củng cố quyền kiểm soát của Đảng CSTQ đối với thông tin, cắt đứt quyền tìm hiểu thông tin của các nhà phân tích nước ngoài ngay cả với dữ liệu kinh tế – hiện đang trên đà nắm giữ quyền lực trọn đời và vẫn mong muốn định hình lại trật tự quốc tế vì lợi ích của Trung Quốc.

Chuyện đáng ngại là dường như Tập Cận Bình đang tăng tốc chọn lựa mạo hiểm của mình. Điều này phần nào phản ảnh áp lực về thời gian: Tập Cận Bình tin rằng Trung Quốc có rất ít cơ hội để đạt được ưu thế toàn cầu trước khi dân tình thế giới sẽ kịp thời có phản ứng bất lợi cho Bắc Kinh vì đường hướng kinh tế và địa chính trị gian xảo của Trung Quốc. Nhưng Tập cũng đang phấn chấn vì sự thất bại toàn bộ của cộng đồng quốc tế trong việc áp đặt những biện pháp trừng phạt xứng đáng đối với các hành vi tác hại của Trung Quốc.

Trong khi Nga phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Trung Quốc lại thích chọn chủ nghĩa chiếm đoạt tiệm tiến, được kích hoạt bằng sự lén lút và lừa dối, nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự theo chủ nghĩa xét lại của mình. Điều đó, cùng với sức mạnh kinh tế áp đảo, ngăn chặn được phản ứng quyết liệt của phương Tây. Đây là lý do tại sao, trừ phi Tập Cận Bình phạm một sai lầm chiến lược lớn, chủ nghĩa bành trướng cắt lát xúc xích Ý của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tồn tại.

B.C.

Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi và là thành viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của Thủy lợi, hòa bình và chiến tranh: đương đầu với cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Bài viết này được trình bày với sự cộng tác của Project Syndicate © 2023. Hình ảnh: Fred Dufour/AFP qua Getty Images.

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.