Tăng tốc bồi đắp đảo ở Trường Sa, Việt Nam củng cố năng lực răn đe

Dư Lan (RFA)

2025.03.27

Ảnh vệ tinh đảo Nam Yết thuộc Quần đảo Trường Sa được Việt Nam bồi lấp (CSIS/MTI) 

Việt Nam vẫn tiếp tục bồi đắp nhanh chóng các tiền đồn của mình tại quần đảo Trường Sa trong 10 tháng qua. Hôm 21 tháng Ba, 2025, Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố báo cáo khẳng định thông tin này. 

Tăng tốc bồi đắp đảo 

Trong lần cập nhật thông tin vào tháng Sáu năm 2024, AMTI cho biết Việt Nam đã bồi đắp khoảng 2.360 mẫu Anh (tương đương 955 hectar) ở Trường Sa.

Kể từ đó đến nay, trong khoảng 10 tháng, Việt Nam đã bồi đắp thêm 259 ha đất mới ở Trường Sa. Để so sánh, từ tháng Mười Một năm 2023 đến tháng Sáu năm 2024, Việt Nam bồi đắp được 280 ha. Như vậy, tốc độ bồi đắp đảo nhân tạo của Việt Nam ở Trường Sa không suy giảm trong hai năm qua. 

Chiến dịch bồi đắp này giúp Việt Nam hiện có khoảng 1343 ha đất ở Trường Sa. Diện tích này tương đương khoảng 2000 sân bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế. Và tương đương 71% tổng diện tích Trung Quốc đã bồi đắp (1882 ha).

Cùng với việc mở rộng diện tích đảo, Việt Nam còn nâng cao năng lực quân sự cho các đảo. 

Việt Nam theo đuổi sức mạnh thực tế?

Có phải Việt Nam theo đuổi “chủ nghĩa hiện thực” nhiều hơn, sau khi phán quyết của Tòa PCA năm 2016 bị Trung Quốc phớt lờ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực mạnh mẽ lên Philippines ở Bãi Cỏ Mây? Nói cách khác, hành xử của Trung Quốc làm cho Việt Nam tin rằng sức mạnh trên thực địa quyết định thắng và thua chứ không phải là Luật pháp quốc tế? 

Trao đổi với RFA, ông Harrison Pretat, Phó giám đốc AMTI, nơi công bố bản báo cáo, và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học New South Wales, Úc, đều cho rằng Việt Nam từ lâu đã nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sức mạnh quân sự ở Biển Đông. 

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Việt Nam đã tính đến việc cải tạo đảo, nâng cấp năng lực quân sự ở Trường Sa từ năm 2014, sau khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp đảo ở Trường Sa từ năm 2013 và đặc biệt là sau vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế nước này năm 2014. 

Khi đó, Việt Nam chỉ có thể đưa tàu ra từ đất liền mà không có cơ sở hậu cần trên biển. Việc tàu chạy từ bờ ra biển rồi phải quay về không phải là phương án tối ưu. Đến sau năm 2016, việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa PCA 2016 càng củng cố ý định này của Việt Nam. Bởi vì nó cho thấy đối với một nước nhỏ khi đối diện với nước lớn như Trung Quốc, luật pháp quốc tế không có khả năng tác động lên nước lớn như Trung Quốc. Nước nhỏ phải tăng cường năng lực quân sự và bán quân sự thì mới kiểm soát tốt hơn những gì mình đang có. 

Ở thời điểm hiện nay, để bảo vệ lợi ích tại Biển Đông, Việt Nam trông cậy nhiều hơn vào sức mạnh cứng trên biển, kết hợp với các yếu tố khác là ngoại giao và luật pháp quốc tế. Ông phân tích cụ thể về chiến lược này của Việt Nam: 

“Đó là sự phối hợp ba yếu tố là ngoại giao, quân sự và luật pháp quốc tế. Trong từng giai đoạn cụ thể và từng trường hợp cụ thể thì có những yếu tố sẽ được nhấn mạnh hơn. Ví dụ đối với vấn đề Vịnh Bắc Bộ gần đây thì yếu tố luật pháp quốc tế được sử dụng nhiều hơn. Nhưng đối với Trường Sa thì hiện nay dùng sức mạnh cứng nhiều hơn. Tùy thời điểm và địa điểm mà đưa quân bài nào ra nhiều hơn. Thực ra một nước nhỏ thì không thể chỉ dùng sức mạnh quân sự để đối phó mà vẫn phải có luật pháp và thể chế quốc tế đằng sau. Đó là ba yếu tố song hành”.

Có thể Việt Nam hiện nay đang nghiêng về quân bài tăng cường sức mạnh thực tiễn hơn, nhưng theo ông Harrison Pretat, trong tương lai, các cuộc chiến pháp lý và nỗ lực tập hợp sự ủng hộ của quốc tế sẽ tiếp tục đóng vai trò chính trong việc giải quyết các tranh chấp này.

Nâng cao năng lực hậu cần trên biển 

Từ tháng Sáu năm 2024 đến nay, Việt Nam tập trung bồi đắp đảo nhân tạo ở những khu vực nào? Những khu vực này được sử dụng cho mục đích gì? 

Các khu vực mới được bồi đắp gần đây bao gồm 58 ha mới tại bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), 48 ha mới tại bãi đá Lớn (Discovery Great Reef), 51 ha mới tại đá Lát (Ladd Reef), và 49 ha mới tại đá Nam (South Reef). 

Đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca (Sand Cay) hiện có vẻ như đã ít nhiều hoàn thành bồi đắp. Ở phía bên kia của nhóm đảo này, hoạt động bồi đắp mới đã bắt đầu thực hiện ở đầu phía bắc của đá Núi Le (Cornwallis South Reef). Điều này giúp mở rộng mấy cấu trúc lô cốt đã có từ trước. 

Những nỗ lực bồi đắp đảo nhân tạo của Việt Nam ở Trường Sa không chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích đất của các đảo mà còn nâng cao năng lực của lực lượng quân sự và hàng hải của mình tại đây. 

Đảo nhân tạo được bồi đắp để dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Theo ghi nhn của AMTI, trong số 10 thực thể địa lý mà Việt Nam bồi đắp, mở rộng khoảng 1343 ha đất ở Trường Sa cho đến nay, có đến một phần ba (khoảng 437 ha) được dùng để xây dựng 8 bến cảng mới trên 8 đảo tiền tiêu của mình. Đó là các bãi Thuyền Chài, đá Lát, đá Trường Sa Đông (Central Reef), đảo Nam Yết, đá Phan Vinh (Pearson Reef), đảo Sơn Ca, đá Nam và đá Tiên Nữ (Tennent Reef).

Điều đó cho thấy Việt Nam thực sự quan tâm tăng cường năng lực hậu cần trên biển. Phó giám đốc AMTI Harrison Pretat cho rằng các cảng mới bổ sung sẽ cho phép tàu Việt Nam hoạt động tại quần đảo Trường Sa trong thời gian dài hơn nhiều mà không cần quay trở lại bờ, giúp Hà Nội giám sát tốt hơn các tiền đồn và hoạt động dầu khí ngoài khơi của mình.

Từ góc độ quân sự, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho biết các cảng Việt Nam đang xây dựng ở Trường Sa có chức năng phá cái thế bao vây theo hình tam giác của ba căn cứ quân sự khổng lồ mà Trung Quốc đã xây dựng ở đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. Ba căn cứ này bọc các đảo và đá mà Việt Nam đóng quân vào giữa. Trước năm 2021, Việt Nam chỉ có các đảo có bến cảng là đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), đảo Trường Sa (Spratly Island) và đá Tây (West Reef). Nếu xảy ra xung đột, các căn cứ này sẽ ở vào thế kẹt nếu không có đủ năng lực phòng thủ. Việc xây mới 8 cảng trên các căn cứ có sẵn ở Trường Sa giúp Việt Nam tăng cường khả năng răn đe trước thế bao vây của Trung Quốc. 

Về không quân, cho đến gần đây, Việt Nam chỉ có một đường băng tại đảo Trường Sa. Đường băng này quá ngắn, hầu hết các máy bay quân sự không thể hạ cánh. 

Khó khăn này đã kết thúc khi hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành một đường băng mới, dài 2438 mét tại bãi Thuyền Chài vào mùa thu năm ngoái. Ngoài ra, theo AMTI, Việt Nam có thể đang xây dựng thêm một số đường băng nữa tại các khu đất đang bồi đắp khác như đá Lát, đá Phan Vinh và đá Tiên Nữ. ông Harrison Pretat cho RFA biết hiện đây vẫn là đường băng duy nhất được ghi nhận trong chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo này. Theo ông Nguyễn Thế Phương, đường băng này có thể liên quan tới việc Việt Nam mua máy ba vận tải C-130 của Mỹ. Đường băng lớn giúp các máy bay vận tải cỡ lớn và máy bay chiến đấu hạ cánh dễ dàng.

D.L.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

*

Đọc thêm:

Việt Nam vẫn mở rộng thêm đảo và bến cảng ở Trường Sa

Người Việt – March 22, 2025 

WASHINGTON, Mỹ (NV) – Việt Nam vẫn bồi đắp, cơi nới các đảo và bãi đá ngầm đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa mà một số khu vực gần hoàn tất trong thời gian kỷ lục của năm 2024.

Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (Asia Maritime Transparency Initiative – AMTI) ở Washington cho hay như vậy trong một bài phân tích ngày Thứ Sáu 21 Tháng Ba. Không những mở rộng diện tích bồi đắp, Việt Nam cũng làm thêm một số bến cảng, và dấu hiệu của mấy phi đạo.

Đảo nhân tạo Đá Lát (Ladd Reef) vẫn được Việt Nam tiếp tục bồi đắp thời gian gần đây. (Hình: Maxar/AMTI)

Sau khi đọc thông tin và nhìn các tấm không ảnh của AMTI, phân tích gia Derek Grossman tại trung tâm nghiên cứu Rand Corporation, California, nhận xét rằng “Những gì người ta thấy đây không tốt đẹp gì cho Hà Nội”.

Tổ chức AMTI cho hay, kể từ lần cập nhật thông tin công bố hồi Tháng Sáu 2024, người ta thấy Việt Nam đã bồi đắp thêm 641 mẫu (acres) đất mới với tốc độ nhanh chóng mặt tại nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa mà họ trấn giữ giữa khoảng Tháng Mười Một 2023 đến Tháng Sáu 2024 khi họ bồi đắp được 692 mẫu. Như vậy đã đưa tổng số diện tích nạo hút và bồi đắp (gồm cả diện tích đất và nạo vét bến cảng) tại các khu vực biển đảo tranh chấp với các nước khác ở Biển Đông lên thành 3.319 mẫu (acres). Diện tích này so ra đã bằng khoảng 71% của diện tích Trung Quốc đã bồi đắp ở khu vực quần đảo Trường Sa với 4.650 mẫu.

Khi kể tổng số diện tích đảo nhân tạo đã được bồi đắp, Bắc Kinh vẫn dẫn đầu so với Hà Nội tại Trường Sa. Tổng số diện tích mặt đất tại các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp được là hơn 3.500 mẫu so với 2.360 mẫu của Hà Nội. Tuy nhiên có khoảng 1.081 mẫu trong các hoạt động bồi đắp và nạo vét của Hà Nội lại hướng đến việc tạo ra thêm 8 bến cảng mới cho các tiền đồn trấn giữ của mình. Điều này cho người ta nghĩ rằng Hà Nội muốn tăng cường khả năng tiếp vận bằng đường biển cho các thực thể mà đây mới là một trong những mục đích chính của Hà Nội khi mở rộng diện tích nạo vét và bồi đắp.

Tiếp tục bồi đắp

Các hoạt động mở mang thêm của phía Việt Nam ở nửa sau của năm 2024 tập trung vào việc hoàn tất các dự án mở rộng diện tích bồi đắp tại các thực thể đang tiến hành trước đó. Trong đó, bao gồm cả 143 mẫu mới tại đảo Thuyền Chài (Barque Canada Reef), 118 mẫu tại đảo Đá Lớn (Discovery Great reef), 125 mẫu tại đảo Đá Lát (Ladd reef), và 121 mẫu tại đảo Đá Nam (South reef). Trước kia, những thực thể này chỉ là những rạn san hô (reef) chìm dưới mặt nước, nay đã thành những đảo nhân tạo.

Một số thực thể như đảo Nam Yết (Namyit island) và đảo Sơn Ca (Sand cay) bây giờ có vẻ như các hoạt động nạo vét và bồi đắp đã hoàn tất. Nhìn sang một số thực thể khác, hoạt động nạo vét đã bắt đầu ở mặt phía bắc của Đá Núi Le (Cornwallis South reef) nhằm mở rộng diện tích đất chung quanh các tiền đồn đã có từ trước. AMTI trước đây đã tường trình về việc xây dựng sơ khởi các cơ sở phòng thủ tại một số thực thể, tuy nhiên, người ta không thấy có bao nhiêu cơ sở mới được tiến hành từ cuối năm 2024 sang đến đầu năm 2025.

Nhìn về viễn ảnh năng lực

Những nỗ lực mở rộng của Việt Nam tại Trường Sa từ năm 2021 không phải chỉ chú trọng mở rộng diện tích đất chung quanh các tiền đồn, mà còn cung cấp những năng lực mới cho các lực lượng quân sự và hàng hải của họ. Chỉ dấu rõ rệt trên thực tế là có 8 trong 10 thực thể được mở rộng gần đây đang được nạo vét để lập các bến cảng mới.

Trước năm 2021, Việt Nam chỉ có 4 tiền đồn có bến cảng. Đó là đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), đảo Trường Sa Lớn (Spratly Island) và đảo Đá Tây (West Reef). Từ đó đến nay, Việt Nam đã gia tăng gấp ba lần số thực thể có bến cảng nhờ nạo vét thêm bến cảng mới tại 8 thực thể gồm đảo Thuyền Chài (Barque Canada Reef ), Đá Lát (Ladd Reef ), đảo Trường Sa Đông (Central London Reef), đảo Nam Yết (Namyit Island), đảo Phan Vinh (Pearson Reef), đảo Sơn Ca (Sand Cay), Đá Nam (South Reef, và gần đây nhất là đá Tiên Nữ (Tennent Reef), nơi một bến tàu được xây dựng giữa lúc có các hoạt động nạo vét bên trong đang diễn ra bên trong đầm nước của bãi san hô.

Sự gia tăng đáng kể này về bến cảng cho lực lượng quân sự và thực thi pháp luật của Việt Nam hoạt động với số lượng lớn hơn và trong thời gian dài hơn trước khi phải quay trở lại đất liền. Đây là lợi thế tiếp vận mà Trung Quốc đang sử dụng để tuần tra quanh năm ở khu vực Trường Sa.

Không ảnh được tổ chức nghiên cứu Biển Đông ở Bắc Kinh (SCSPI) nêu ra đầu Tháng Ba 2025 nhằm tố cáo các hoạt động bồi đắp của Việt Nam tại Đá Lát (Ladd Reef). Điều này chứng tỏ họ vẫn theo dõi sát nhưng chưa thấy có phản ứng ngoại giao hay quân sự. (Hình: SCSPI)

Có vẻ sự mở rộng của Hà Nội nhắm cả việc nâng cao khả năng (chiến đấu) ở quần đảo Trường Sa mà cho đến gần đây họ chỉ có một phi đạo duy nhất tại đảo Trường Sa lớn vốn quá ngắn chỉ để cho máy bay quân sự cỡ nhỏ lên xuống. Khiếm khuyết này được gỡ bỏ với phi đạo dài khoảng 2.700 mét đang được xây dựng ở đảo nhân tạo Thuyền Chài từ mùa thu năm ngoái. Hơn nữa, với chiều dài khá dài tại các đảo nhân tạo đã được bồi đắp như Đá Lát (Ladd Reef), đảo Phan Vinh (Pearson Reef) và Đá Tiên Nữ (Tennent Reef), những nơi này rất có thể cũng được làm phi đạo.

Thêm nữa, vẫn theo AMTI, có vẻ việc Việt Nam sẽ sử dụng các đảo nhân tạo được bồi đắp gấp rút thời gian gần đây như thế nào, nhiều phần người ta có thể biết vào thời gian tới đây. Khi vấn đề bồi đắp đã gần hoàn tất tại nhiều thực thể, giai đoạn tiếp theo của kế hoạch mở rộng của Việt Nam tại Trường Sa sẽ phải gồm cả việc xây dựng các cơ sở. Do vậy, chúng sẽ cho giới quan sát viên những chỉ dấu rõ rệt hơn các khả năng phòng vệ nào Hà Nội sẽ mang đến khu vực này.

Bắc Kinh tuy vẫn lặng thinh trước các hoạt động nạo vét và bồi đắp của Hà Nội, nhưng đến Tháng Hai mới đây, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) lên tiếng phản đối việc Việt Nam xây dựng phi đạo tại đảo nhân tạo Thuyền Chài. Với việc Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng thêm nhiều cơ sở phòng thủ nữa trên các đảo bé nhỏ được mở rộng, tương lai có thêm các phản ứng công khai của Bắc Kinh khó tránh khỏi.

Nguồn: Người Việt

 

 

This entry was posted in Biển Đông, Dư Lan. Bookmark the permalink.