Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Trong cuốn sách L’Empereur et les milliardaires rouges [Hoàng đế và các tỷ phú đỏ], Christine Ockrent đã vẽ nên một bức hoạ nhiều ấn tượng về thế giới Promethean và tàn nhẫn của các doanh nhân lớn của Trung Quốc và mối quan hệ đầy sóng gió của họ với chế độ cộng sản dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. “Thuyết Darwin kép” của một thị trường cạnh tranh khốc liệt và một chế độ có tính khí thất thường sẵn sàng tiêu diệt hoặc khuất phục các tỷ phú Trung Quốc bất cứ lúc nào khiến Trung Quốc trở thành một thế giới khác biệt cần được hiểu rõ hơn.
Cuốn L’empereur et les milliardaires rouges giống như một cuốn tiểu thuyết. Nó bắt đầu với sự đăng quang của Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX vào tháng 11 năm 2022 cho nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm, và có lẽ không phải là nhiệm kỳ cuối cùng. Một nghi lễ “bất biến và hoành tráng”, nơi mọi thứ đều được trang hoàng bằng màu đỏ, ngoại trừ các bộ vest màu đen của 2.296 đại biểu.
Kế đến, Christine Ockrent đưa chúng ta trở lại những thời kỳ đầu của sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc và của các doanh nhân Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm Đặng. Những câu chuyện cá nhân có rất nhiều điểm chung. Đối với phần lớn các doanh nhân, thuở ban đầu của họ thường là tăm tối và trong cảnh nghèo đói cùng cực. Nhà vua bất động sản cao cấp, Pan Shiyi [Phan Thạch Ngật], ông chủ tập đoàn Soho, khi còn nhỏ sống trong một túp lều và đi chân không đến trường trong quận của mình. Yu Minhong [Du Mẫn Hồng], người sáng lập New Oriental, công ty giáo dục tư nhân đầu tiên của Trung Quốc, là con trai của một nông dân nghèo mù chữ và mẹ là một công nhân. Xu Jiayin [Hứa Gia Ấn], ông chủ của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande, hiện đang trên bờ vực phá sản, là con trai của một nông dân nghèo ở Hà Nam và bị suy dinh dưỡng khi còn nhỏ. Yang Guoqiang [Dương Quốc Cường], nhà sáng lập Country Gardens, một tập đoàn bất động sản lớn khác, cũng là thành viên một gia đình nông dân nghèo cùng cực ở Quảng Đông.
Tuy nhiên, các doanh nhân lớn khác, ngay từ đầu, lại xuất thân từ những gia đình giàu có hơn và có mối quan hệ kết nối tốt hơn. Đây là điều đặc biệt đúng đối với thế hệ của giới người trẻ tuổi hơn, sinh vào những năm 1970 hoặc 1980, chẳng hạn như Wang Xing [Vương Hưng], ông chủ của Meituan, một chuyên gia bán hàng trực tuyến, hay Zhang Yiming [Trương Nhất Minh], người sáng lập Bytedance, công ty mẹ của TikTok. Cả hai đều là “fuerdai [Phú nhị đại]” (富二代), có nghĩa là những người giàu có thuộc thế hệ thứ hai.
Sự thành đạt của các doanh nhân này, thường diễn ra nhanh như chớp sau thời gian thử và sai của những năm đầu, ở quy mô một quốc gia – lục địa là Trung Quốc. Điều đó phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và thuyết Darwin cực đoan, đặc trưng cho “chủ nghĩa xã hội thị trường với đặc điểm Trung Quốc”. Mọi thủ đoạn đều được phép sử dụng, và Christine Ockrent lấy ví dụ về sự cạnh tranh phong cách Homer giữa hai tập đoàn nước khoáng lớn: Nongfu Spring và Wahaha. Mọi thứ cũng đều diễn ra với sự cho phép của Đảng Cộng sản và với sự hợp tác tích cực của hệ thống tầng tầng lớp lớp các chính quyền địa phương. Ban đầu có rất ít quy định, và các cáo buộc về cạnh tranh không lành mạnh hoặc gây hại cho môi trường là vô số. Các doanh nghiệp nước ngoài đôi khi bị loại khỏi thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như trường hợp của Danone bị Wahaba loại vào năm 2009, sau một cuộc chiến pháp lý không công bằng.
Những lĩnh vực kinh doanh làm giàu chính bao gồm từ bất động sản đến thế giới công nghệ kỹ thuật số và công nghệ cao, đến ngành sản xuất thực phẩm, dược phẩm, ô tô và năng lượng mới. Các tỉnh vùng duyên hải nằm ở trung tâm các mạng lưới kinh doanh của các tỷ phú Trung Quốc, với một quy chế đặc biệt cho đảo Hải Nam, mà Christine Ockrent nhắc lại rằng đảo này đã đóng một vai trò đặc biệt trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Quốc vào những năm 1990, khi đảo này trở thành một “đặc khu kinh tế” theo chỉ thị của Đặng Tiểu Bình.
Tập Cận Bình và thuyết Darwin chính trị
Việc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Đảng Cộng sản và giới doanh nhân. Sự kiểm soát khu vực tư nhân vẫn luôn tồn tại, và sự hậu thuẫn cho khu vực công trong các lĩnh vực được coi là chiến lược chưa bao giờ bị từ bỏ. Nhưng sự tin tưởng và khoan dung đặc trưng dưới thời Đặng Tiểu Bình, sau đó là nhiệm kỳ của Chủ tịch Giang Trạch Dân – người mà, với thuyết “Ba đại diện” đã giới thiệu giới chủ doanh nghiệp vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng – đã nhường chỗ cho sự nghi ngờ, thậm chí là sự thù địch hoàn toàn.
Christine Ockrent dành một chương viết về sự xóa bỏ khu vực giáo dục tư nhân, đã tiến hành hoàn tất trong vài tháng vào năm 2021 nhân danh “sự thịnh vượng chung”. Điều này nhằm chấm dứt một ngành công nghiệp rất béo bở là các khóa học bổ túc, cho phép tầng lớp trung lưu có cơ hội thành công cao nhất trong các kỳ thi tuyển sinh đại học – kỳ thi gaokao [cao khảo] (高考) nổi tiếng. Giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của công ty dẫn đầu ngành giáo dục tư nhân này, New Oriental, đã mất 80% giá trị trong vòng chưa đầy một năm.
Một chương khác trong cuốn sách viết về “chiến dịch chấn chỉnh” nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc. Chiến dịch bắt đầu bằng việc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông của Ant Financial, công ty con tài chính của tập đoàn Alibaba, vào tháng 11 năm 2020. Sau đó là hai năm trừng phạt liên quan đến các tình huống nắm giữ những vị thế khống chế, các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng xã hội, đặc biệt là nạn làm việc quá giờ quy định. “Chiến dịch chấn chỉnh” này có những mục tiêu chính thức có vẻ hợp pháp. Nhưng tham vọng thực sự của nó, theo logic của chủ nghĩa Mác được xem xét lại, là sự mở rộng phạm vi chiếm hữu công các tư liệu sản xuất, cũng như liên quan đến hai lĩnh vực mới là công nghệ và dữ liệu. Tác động kinh tế và xã hội của nó là rất lớn: giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của lĩnh vực này đã giảm hơn 1.000 tỷ đô la trong hai năm, và tình trạng sa thải nhân công tăng lên gấp bội. Chiến dịch này chính thức kết thúc vào đầu năm 2023, nhưng dường như không đúng đối với tất cả mọi người: Bao Fan [Bao Phàm], chủ tịch quỹ đầu tư Renaissance, một trong những nhà tài phiệt lớn của ngành công nghệ Trung Quốc, đã mất tích từ ngày 16 tháng 2 vừa qua.
Một chương khác nữa, có tựa là “Ruồi, hổ và cáo”, đề cập đến cuộc chiến chống tham nhũng. Tham nhũng đã khoác lên một chiều kích vừa mang tính khổng lồ – hơn hai triệu công chức bị truy tố trong mười năm – vừa mang tính chính trị rất lớn. Tham nhũng trong giới quan chức của các công ty tư nhân luôn là động lực chính của hệ thống. Tầm vóc các vụ án tham nhũng đó không có thước đo chung với những gì có thể thấy trong các cuộc điều tra tư pháp ở Pháp. Hồ sơ tham ô được trích dẫn trong cuốn sách là trường hợp của Wu Xiaohui [Ngô Tiểu Huy], ông chủ tập đoàn bảo hiểm Anbang, người đã kết hôn với cháu gái của Đặng Tiểu Bình. Ngô Tiểu Huy bị kết án 18 năm tù vì biển thủ tới 12 tỷ đô-la. Một nhà lãnh đạo khác của một tập đoàn tài chính công lần này, tập đoàn Huarong, bị kết án tử hình và bị xử tử vào tháng 1 năm 2021 vì đã nhận hối lộ 215 triệu đô la.
Các phương pháp trừng phạt của Đảng Cộng sản đôi khi rất “sáng tạo”. Giống như các vụ bắt cóc, mà sau đó dẫn đến các phiên tòa hoặc tuyên bố phục tùng các định hướng của Đảng. Các vụ bắt cóc này có thể diễn ra trong thời gian rất ngắn (ba ngày đối với ông chủ tập đoàn Fosun vào tháng 12 năm 2015), hoặc đặc biệt dài (năm năm rưỡi đối với Xiao Jianhua [Tiêu Kiến Hoa], ông chủ tập đoàn tài chính Tomorrow). Họ có thể can thiệp vào các vụ bắt cóc vượt ra ngoài biên giới của đất nước.
Một phương pháp khác: buộc những người phạm tội kinh tế hoặc đối thủ chính trị trở về Trung Quốc. Đây là chiến dịch “Sky Net” [theo dõi những quan chức chạy trốn – ND], được triển khai vào năm 2015: nó giúp hồi hương hơn 10.000 người cư trú tại 120 quốc gia trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2021.
Các doanh nhân Trung Quốc thích nghi trong chừng mực tốt nhất có thể. Các hoạt động đầu tư tài chính bên ngoài Trung Quốc đang nhân rộng lên. Christine Ockrent đặc biệt đề cập đến vai trò trung tâm của Singapore, nơi các doanh nghiệp theo kiểu “cơ sở kinh doanh gia đình” Trung Quốc phát triển mạnh. Một số người đã gửi gia đình ra nước ngoài sinh sống với một phần khối tài sản của gia đình, và trở thành cái được gọi là “người trần trụi”. Việc sở hữu các hộ chiếu và quốc tịch nước ngoài cũng đã phát triển, nhưng đó không phải là một biện pháp tự bảo vệ an toàn – Xiao Jianhua [Tiêu Kiến Hoa] đã có hộ chiếu Canada.
Mọi người đều làm những gì có thể để phù hợp với các mục tiêu của chế độ. Các cơ sở kinh doanh tư nhân đã trải nghiệm một thời kỳ phát triển rất to lớn trong những năm gần đây. Họ tập trung vào các mục tiêu ưu tiên của Đảng: giáo dục ở nông thôn, nghiên cứu khoa học, chống nạn ô nhiễm… Nhưng không ai ảo tưởng về khả năng lường trước những cú sốc. Tảng đá Tarpeian [nơi diễn ra các vụ hành quyết – ND] đặc biệt nằm ở gần thủ đô Trung Quốc. Như Jack Ma đã nói ở phần kết của chương viết về ông, “không có nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc nào có một kết thúc có hậu”.
Cạnh tranh giữa hai cường quốc/hai nền kinh tế Trung – Mỹ
Christine Ockrent đã có một ghi nhận khác được suy ra từ bộ sưu tập các chân dung: sự hiện diện khắp nơi của Hoa Kỳ và đôi khi của Canada. Cho dù là một thương vụ mua lại bất động sản hoặc đất đai, nuôi dạy con cái (bản thân con gái Tập Cận Bình có bằng triết học tại Đại học Harvard), xin cấp thị thực dài hạn, thậm chí là sở hữu một quốc tịch thứ hai, sử dụng các quỹ đầu tư, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, hay lấy cảm hứng từ các mô hình kinh tế trong sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở Trung Quốc, điều cốt yếu vẫn là sự giao thương với khu vực Bắc Mỹ. Goldman Sachs và Fidelity đã tham gia sáng lập Alibaba vào năm 1999 – cùng với Softbank của Nhật Bản. Trong trường hợp của Tencent, đó là công ty Naspers của Nam Phi, nắm giữ 46% cổ phần vốn ngay từ năm 2001, và vẫn còn nắm giữ 35% cổ phần cho đến ngày nay. Tập đoàn giáo dục tư nhân New Oriental đã niêm yết trên thị trường chứng khoán New York vào năm 2006, mười ba năm sau khi được thành lập. Trong số các nhà đầu tư quốc tế hàng đầu của TikTok là các quỹ đầu tư của Mỹ, Sequoia Capital và Susquehanna International Group. Ông chủ của Meituan, Wang Xing [Vương Hưng], có bằng thạc sĩ về kỹ thuật công nghệ thông tin tại Đại học Delaware, và Sequoia Capital đã mua 12,5% cổ phần của tập đoàn khi công ty này niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hong Kong vào năm 2018, trước khi cắt giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần theo từng giai đoạn do “chiến dịch chấn chỉnh” của chính phủ Trung Quốc. Huang Zheng [Hoàng Tranh] nhà sáng lập Pinduoduo, công ty thương mại trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc, là một cựu sinh viên của Đại học Wisconsin và đã từng khởi nghiệp tại Google Trung Quốc. Didi, được mệnh danh là “Uber Trung Quốc”, công ty đã mua lại Uber Trung Quốc vào năm 2016, đã có màn ra mắt đáng chú ý trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào tháng 6 năm 2021, trước khi rút khỏi thị trường này một năm sau đó dưới áp lực từ các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc. Thế giới tiền mã hoá là sự cạnh tranh giữa các doanh nhân Trung Quốc và Mỹ.
Mức độ đan xen này giữa các đại gia kinh doanh Mỹ và Trung Quốc, ngày nay, đang bị đặt lại vấn đề bởi cường độ cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, mong muốn “tách rời” được thúc đẩy bởi giới chức trách ở Washington, và sự ám ảnh về quyền kiểm soát đang chiếm ưu thế, với quy mô chưa từng có, ở Bắc Kinh. Những bức chân dung do Christine Ockrent phác thảo cho thấy mức độ khó khăn của một sự tách rời như thế, và chắc chắn là một phần phản tác dụng đối với cả hai cường quốc.
Châu Âu sẽ phải tinh chỉnh chiến lược của riêng mình, không phải là chiến lược tách rời, mà là chiến lược giảm thiểu rủi ro (“xử lý rủi ro” theo công thức được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen sử dụng trong thời gian gần đây). Như Christine Ockrent đã chỉ ra, ở phần kết cuốn sách của bà, “Người châu Âu sẽ không thoát khỏi những lựa chọn ngày càng khó khăn để bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược của chính chúng ta. Hơn thế nữa, chúng ta cần hiểu rõ chúng ta đang đối mặt với ai”.
H. T.
—
Bà Christine Ockrentđược mệnh danh là “Nữ hoàng Christine”, ngôi sao dẫn chương trình bản tin 20h trên đài Antenne 2 vào những năm 1980, nữ nhà báo người Bỉ sau đó đã đảm nhận nhiều trọng trách trong ngành báo viết và nghe nhìn của Pháp, là nữ tổng biên tập tờ L’Express (1994-96) rồi phó tổng giám đốc phụ trách chương trình Nghe nhìn ở nước Pháp hải ngoại, AEF (tên cũ của France Médias Monde, công ty cổ phần giám sát các nhà đài France 24, RFI và Monte-Carlo Doulayia), từ 2008 đến 2011. Kể từ năm 2013, bà dẫn chương trình hàng tuần “Affaires internationales [Các vấn đề quốc tế]” trên đài France Culture. Bà Christine Ockrent cũng là tác giả khoảng 20 cuốn sách viết về nhiều vấn đề xã hội, thách thức quốc tế hoặc địa chính trị. Cuốn sách mới nhất của bà, L’empereur et les milliardaires rouges, được Editions de l’Observatoire xuất bản vào tháng 3 năm 2023, đề cập đến một quốc gia mà nhà báo này đã dõi theo và cố gắng tìm hiểu trong một thời gian dài.
*
Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm cho các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Ông đang giảng dạy từ tám năm nay tại Trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông là tác giả cuốn sách có tựa là “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, được Éditions de l’Aube xuất bản vào tháng 3 năm 2021, và ông đã viết bài cho số báo tháng 12 năm 2022 của tạp chí tam cá nguyệt “Revue économique et financière”, chuyên về các hậu quả kinh tế và tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.
Nguồn bản gốc: Livre: “L’Empereur et les milliardaires rouges” de Christine Ockrent, ou le “double darwinisme” en Chine, Asialyst, ngày 20/05/2023.
Nguồn bản dịch: Phantichkinhte123.com