Lòng yêu nước thời kỳ Cộng sản

Nguyễn Đình Cống

Kỳ 1

2-8-2023

1- Điểm qua về lòng yêu nước

Trong hơn một thế kỷ vừa qua, LÒNG YÊU NƯỚC của người dân Việt được phát triển rất cao, được thử thách rất khắc nghiệt, được nhào nặn và biến đổi rất đa dạng. Một số bị lợi dụng và bị chà đạp từ tinh vi đến thô bạo, mang lại nhiều kết quả rất khác nhau, nhiều nhận thức rất khác nhau.

Yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, cao cả. Tôi không có tham vọng và không đủ trình độ để nghiên cứu vấn đề này, chỉ dám trình bày một vài cảm nhận cá nhân để trao đổi với bè bạn.

Dưới thời bình trị trong các triều đại phong kiến, từ vua đến dân, ít nói đến yêu nước. Sau khi đất nước bị Pháp xâm chiếm, các phong trào và cá nhân đấu tranh giành độc lập bị đàn áp, thì tình yêu nước mới thể hiện rõ ràng.

Từ năm 1930, Đảng Cộng sản tuyên truyền là đã đưa tình yêu nước của nhân dân lên tầm cao mới, bằng cách kết hợp với tinh thần Quốc tế vô sản. Hồi trẻ tôi nghe, tôi tin và sung sướng vô cùng vì có được như vậy. Nhưng gần đây, khi đã đến mức U90, do được chiêm nghiệm nhiều, cũng do thực tế phủ phàng của xã hội tác động mà tôi cảm nhận thấy rất khác, không giống như sự tuyên truyền đã được biết mà nhiều khi còn ngược lại.

Điểm qua các nước đã hoặc đang do Đảng Cộng sản cầm quyền, tôi cảm nhận cách mạng vô sản ở Nga, Trung quốc, Cuba chủ yếu là nội chiến, kết thúc bởi thắng lợi của phe cộng sản. Sự thành lập chế độ XHCN ở các nước Đông Âu, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên chủ yếu là do tác động của Liên Xô. Trong sự thành lập tất cả các nước này, rất ít khi nghe nói đến lòng yêu nước. Thỉnh thoảng ở một vài quốc gia (Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan…) có phong trào với khẩu hiệu yêu nước thì đó là việc chống lại sự độc tài cộng sản (đây là tình hình trước khi Liên Xô sụp đổ).

Tình hình Việt Nam khác với các nước nói trên. Phần lớn những người làm cách mạng ở Việt Nam bắt đầu bằng lòng yêu nước, chống lại sự thống trị của thực dân Pháp, đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Sau thất bại của phong trào Cần Vương, lòng yêu nước của dân Việt được thể hiện rõ bởi hoạt động của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học và nhiều chiến sĩ cách mạng khác. Những hoạt động của họ tuy chưa đạt được thắng lợi quyết định nhưng đã khơi dậy và hun đúc lòng yêu nước của hàng triệu con người.

Rồi chủ nghĩa Mác được truyền vào. Thực chất của chủ nghĩa Mác là đấu tranh giai cấp để thiết lập nền chuyên chính vô sản và công hữu hóa nền kinh tế chứ không phải đấu tranh giành độc lập. Chỉ sau khi Lê Nin thành lập Đệ tam Quốc tế thì việc làm cách mạng giải phóng dân tộc mới được nhắc đến. Vì thế Nguyễn Ái Quốc khi đọc luận cương của Lê Nin mới reo lên là đã tìm thấy con đường cứu nước và tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê Nin (CNML). Như vậy CNML vào Việt Nam chủ yếu không phải bằng con đường đấu tranh giai cấp, mà bằng lòng yêu nước của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng.

Trong mọi công việc của loài người, có hai loại động lực rất mạnh, đó là lòng thù hận và lòng mong ước. Cộng sản đã khôn khéo lợi dụng hai động lực này. Đó là khơi dậy rất mãnh liệt lòng thù hận giai cấp và lòng mong ước khát khao đạt được độc lập. Mặc dầu ngay từ đầu CNML đã được nhiều cá nhân, nhiều dân tộc (có trình độ dân trí cao) phát hiện ra những độc hại tiềm ẩn, nên không những không theo mà còn chống đối, nhưng chính vì cộng sản tác động, kích thích hai động lực này vào đại bộ phận dân chúng có dân trí thấp nên đã thu được thắng lợi tạm thời.

Tuy vậy, dần dần những độc hại phát tác, người ta thấy cuộc đấu tranh giai cấp theo CNML là quá tàn bạo và phạm nhiều tội ác, chuyên chính vô sản có tác dụng tàn phá đạo đức xã hội, dung dưỡng tham nhũng, chế độ cộng sản với hứa hẹn hạnh phúc tràn trề chỉ là ảo tưởng, là cộng sản đã dùng cách toàn trị để đàn áp mọi người và tổ chức bất đồng tư tưởng, là CNML đối với nhân loại có công ít tội nhiều. Vì thế mà chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nước Đức thống nhất trong hòa bình (nhờ Đông Đức chủ động từ bỏ CNXH).

Ở Việt Nam, tình hình có khác, cộng sản còn dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để làm mạnh lên hai động lực nói trên. Đó là lòng mong ước thiết tha về độc lập, thống nhất, là lòng thù hận bọn thực dân cướp nước. Đã từ lâu tôi suy nghĩ xem, ở Việt Nam trong gần một thế kỷ vừa qua, giữa lòng yêu nước và cộng sản có quan hệ như thế nào. Tôi đưa ra hai phán đoán:

A- Cộng sản Việt Nam bắt rễ từ lòng yêu nước, dựa vào đó mà phát triển.

B- Lòng yêu nước Việt Nam nhờ vào cộng sản mà đạt được thắng lợi.

Về hình thức, rõ ràng hai bên dựa vào nhau, nhưng cần phân tích sâu vào bản chất để tìm xem bên nào là gốc, bên nào là dựa. Qua nhiều năm trăn trở, tôi khẳng định, phán đoán A và phủ định phán đoán B.

Tôi cho rằng nếu không dựa vào lòng yêu nước của của một số người tiên tiến thì cộng sản có vào Việt Nam cũng chỉ tồn tại được một cách vật vờ như ở nhiều nước khác mà thôi (Thái Lan, Mianmar, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia, Nhật, Sri Lanka…).

Và nếu không có cộng sản thì những người yêu nước Việt Nam sẽ đi con đường khác nhưng chắc chắn vẫn giành được độc lập, thống nhất (và ít bị thiệt hại hơn).

(Còn tiếp)

Kỳ 2

Nguyễn Đình Cống

3-8-2023

Tiếp theo kỳ 1

2. Cộng sản và yêu nước

Đảng cộng sản, khi mới thành lập đã phát động phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực chất là thực tập cuộc đấu tranh giai cấp, với các khẩu hiệu “Đánh đổ trí phú địa hào, Nước Nga Xô-viết muôn năm, Xây dựng chính quyền Xô-viết công nông”, chứ chủ yếu không nhằm vào việc giành độc lập dân tộc, nghĩa là chưa huy động đến lòng yêu nước.

Sau thất bại của Xô Viết Nghệ Tĩnh, cộng sản mới biết dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để phát triển. Để giành được quyền lãnh đạo, thì CS đã nhào nặn lòng yêu nước theo con đường của mình, phục vụ cho lợi ích của mình, dẫn tới nhiều bi kịch cho những người yêu nước khác. Đầu tiên là sau Cách mạng tháng 8, một số người thuộc Đệ Tứ Quốc tế (Trotskyist), thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim, thuộc Quốc Dân đảng bị giết hại, phần đông trong số họ là người yêu nước.

Trong Cải cách ruộng đất lại có hàng vạn người yêu nước bị giết sau khi chịu nhiều nhục hình, chỉ vì họ có một ít tài sản mà Đảng cần lấy để chia cho bần cố nông hoặc họ bị những phần tử bất hảo vu cáo là Quốc Dân đảng, là phản động (nhiều người khi bị bắn còn hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Việt nam độc lập muôn năm”, họ trở thành những oan hồn rất khó siêu thoát).

Rồi khẩu hiệu: Yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội, là “Trung với Đảng”, (buộc phải thêm “Hiếu với dân” cho khỏi lạc lỏng). Trong hai khẩu hiệu trên người ta đã đồng nhất CNXH với những chính sách, chủ trương của Đảng, qui ước “trung với Đảng” là trung với Tổng bí thư và một số chóp bu trong Bộ chính trị.

Chính vì thế mà những người thực sự yêu nước, thực sự thương dân nhưng có ý kiến khác với chủ trương của Đảng, khác với quan điểm của chóp bu, thì bị qui chụp, bị vu cáo là phản động, là tội phạm muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và lật đổ chính quyền, muốn xóa bỏ chế độ XHCN. Họ bị đàn áp về tư tưởng và thân xác, bị đẩy vào con đường sống dở, chết dở.

Những người như Kim Ngọc, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Ung Văn Khiêm bị trừng phạt, ôm hận mà chết. Những người như Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Nguyễn Hữu Đang, Lê Trọng Nghĩa, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Kiến Giang… và hàng ngàn người khác, tương tự chỉ vì muốn cho dân được thực sự no ấm, thực sự có tự do dân chủ, muốn cho đất nước và Đảng tránh sai lầm và thảm họa mà có ý kiến khác với Bộ Chính trị. Họ là những người không những có công với dân tộc, là những người yêu nước chân chính, nêu cao tấm gương đạo đức, khí tiết. Thế mà bị vu oan là phần tử chống Đảng, họ bị tra tấn, tù đày không xét xử, bị hủy hoại nhân cách và thể xác. Nhiều người trong số họ rất cay đắng rút ra kết luận là, “chính vì lòng yêu nước mà họ bị đày đọa đến chết như vậy”.

Những trí thức lớn như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Đình Diệu, Hoàng Tụy, Chu Hảo, Hà Sĩ Phu, Nguyên Ngọc và nhiều người khác, có lòng yêu nước thiết tha, chỉ vì có vài ý kiến muốn góp với Đảng mà bị trù dập thảm hại.

Rồi cuộc chiến tranh 20 năm. Chúng ta gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, phía bên kia gọi là “cuộc chiến chống xâm lược của cộng sản”, phần đông thế giới cho là cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn (một bên nhận sự can thiệp của Mỹ, một bên nhận sự giúp đỡ của Liên xô và Trung quốc). Có người còn cho rằng, đó còn là cuộc chiến giữa Mỹ và phe cộng sản mà bên thực hiện trực tiếp là miền Bắc Việt Nam.

Trên chiến trường Miền Nam quân đội hai bên đều nêu cao lòng yêu nước mà bắn giết nhau. Một bên cho rằng, yêu nước thì phải chống Mỹ và bè lũ tay sai, bên kia cho rằng yêu nước thì phải ngăn ngừa nạn cộng sản vì chuyên chính vô sản và công hữu hóa nền kinh tế chỉ hạn chế sự phát triển của xã hội và kìm kẹp nhân dân. Mỹ lại cho rằng, họ vào VN tham chiến không phải vì mục đích xâm lược, mà chỉ là giúp đồng minh chống lại sự xâm lăng của cộng sản để bảo vệ thế giới tự do.

Sau khi CS giành thắng lợi trong chiến tranh, thống nhất đất nước, xây dựng hòa bình, lòng yêu nước của dân Việt lại bước vào một thử thách mới. Từ đây lòng yêu nước có nội dung mới là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, là phát triển đất nước và con người về mọi mặt. Trong việc này, lại phát sinh mâu thuẫn giữa chóp bu của Đảng và một số đông những người bất đồng quan điểm.

Chóp bu của Đảng chủ trương thiết lập thể chế độc tài đảng trị, chống lại nền dân chủ tam quyền và xã hội dân sự. Những người bất đồng chủ trương xây dựng thể chế dân chủ với tam quyền phân lập và xã hội dân sự. Đảng tuyên truyền rằng, nhân dân hy sinh xương máu để đuổi ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người bất đồng cho rằng, Đảng có mục đích chính, không nói ra là dùng sự hy sinh của dân để đặt được sự thống trị lên toàn quốc (trước đó chỉ mới thống trị miền Bắc).

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngoài mồm vẫn nói kiên trì CNML nhưng bên trong đã dùng lý luận “mèo trắng, mèo đen”, mà thực chất là từ bỏ những nguyên lý cơ bản cúa Mác, nhờ thế mà Trung Quốc phát triển mạnh. Trong lúc Đảng CSVN hoang mang vì phe XHCN tan rã thì Trung Quốc xui dục họp hội nghị Thành Đô, lừa cho Việt Nam kiên trì CNML để nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc, theo 4 tốt và 16 chữ vàng. Thực ra TQ có ý đồ thâm hiểm là làm cho Việt Nam lâm vào tình trạng bế tắc, không thể có quan hệ thật sự thân thiết với các cường quốc, phải bị lệ thuộc hoàn toàn vào họ.

Trong khi chóp bu của Đảng CSVN mắc mưu Trung Quốc, kiên trì CNML, chủ trương toàn trị của đảng, giữ chắc độc quyền, đẩy xã hội vào cảnh như mọi người đã biết hiện nay (Mặc dầu kinh tế có phát triển, đời sống vật chất của một số dân có tăng, nhưng tham nhũng và dối trá tràn lan, mua quan bán tước công khai, đạo đức và giáo dục xuống cấp, công nông bị cơ cực, trí thức phản biện bị đàn áp, tự do ngôn luận bị cấm đoán, quyền dân chủ bị tước đoạt, dân oan rên xiết khắp nơi v.v…) thì những người bất đồng quan điểm muốn thoát ra khỏi CNML, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, mở rộng tự do, dân chủ, để phát triển đất nước. Họ dựa trên thực tế và kinh nghiệm của nhiều nước văn minh, tiến bộ mà rút ra kết luận rằng: “Để phát triển đúng hướng và bền vững thì tất yếu là phải giải phóng năng lực sáng tạo trên một nền tảng tự do, dân chủ mà tự do tư tưởng, tự do thông tin là quan trọng nhất, với nền chính trị dân chủ thì thực hiện tam quyền phân lập là cơ bản nhất”. Họ cho rằng, họ mới thật sự yêu nước.

Nhưng rồi “lòng yêu nước” của họ bị thử thách nghiêm trọng bởi Bộ Luật Hình sự (cấm lợi dụng quyền tự do dân chủ để truyền bá tư tưởng làm hại tới uy tín của Đảng và Nhà nước). Dựa vào điều đó, chính quyền đã bắt bớ, bỏ tù, trục xuất nhiều người với qui kết là hoạt động chống phá chế độ, chống phá Đảng và nhà nước XHCN.

Mặc dù tự do tư tưởng và thông tin là một trong những điều cơ bản của nhân quyền và đã được ghi trong hiến pháp, nhưng nhà nước vẫn dựa vào luật pháp và quyền lực để vô hiệu các quyền đó. Thế là hàng trăm người hoạt động vì dân chủ bị bắt bớ, bị tra khảo, bị tù đày mà đại diện là các nhân vật như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Quang Lập, Phạm Quế Dương, Nguyễn Kiến Giang, Trần Lâm, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế và nhiều người khác.

Trong số này có các nhà khoa học, nhà văn, nhà doanh nghiệp, các sĩ quan cao cấp trong quân đội và công an, các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước (đang tại chức hoặc đã nghỉ hưu) mà tôi thấy rõ họ là những người có trí tuệ cao, có dũng khí và đạo đức, xứng đáng là những phần tử tiên tiến của dân tộc, những người yêu nước thật sự.

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến, Đảng đặt quyền thống trị trên toàn quốc, đồng nhất Đảng với Nhà nước và Tổ quốc, xem rằng mọi thứ trên đất nước này đều thuộc về Đảng, mọi người phải nhất nhất phục tùng Đảng, không chấp nhận bất kỳ một ý kiến nào khác với lãnh đạo. Đảng đã thần thánh hóa vai trò của mình, thần thánh hóa vai trò của lãnh tụ và không để cho bất kỳ ai dám đụng đến một sợi lông chân.

Người ta gán cho Đảng là một tố chức thiêng liêng, là linh hồn của dân tộc, Đảng đã độc quyền nhiều thứ và độc quyền luôn cả lòng yêu nước. Ngoài cách của mình, là yêu nước thì phải tôn thờ cộng sản, Đảng không cho bất kỳ ai yêu nước theo kiểu khác.

(Còn tiếp)

Kỳ 3

Nguyễn Đình Cống

3-8-2023

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

3. Bản chất của Đảng CSVN

Thực chất thì Đảng CSVN là một tổ chức ngoại nhập, như một cành tầm gửi bám vào cây chủ, là nhân dân, hút nhựa của cây chủ để sống và phát triển, tạo ra cành lá xum xuê, đến nỗi từ ngoài nhìn vào, cây chủ bị tầm gửi che khuất. Đảng sống bám vào dân. Trong thời hoạt động bí mật, đảng viên được dân che chở, nuôi dưỡng. Trong lúc nắm quyền, những chi tiêu của Đảng chủ yếu lấy từ ngân sách do dân đóng thuế (để trả lương cho cán bộ Đảng và tổ chức mọi hoạt động).

Sau khi nắm được quyền thì cành tầm gửi đã hoàn toàn lấn át cây chủ. Trong các nghị quyết Đảng quan tâm đến phát triển kinh tế, với tuyên truyền làm cho dân giàu nước mạnh, nhưng thực chất là để cho cây có nhiều nhựa cung cấp cho tầm gửi. Đảng để cho giáo dục và đạo đức xuống cấp, lại tìm cách hủy hoại trí thức tinh hoa, là nhằm làm ngu dân để dễ bề thống trị. Những ai đã đọc và ngẫm nghĩ kỹ sách Giai cấp mới, Chế độ phát xítThất bại lớn mới thấy rõ bản chất của cộng sản là tàn bạo và dối trá.

Trong lúc có những người yêu nước nhưng có quan điểm khác với chóp bu của Đảng, để rồi bị qui kết là “phản động” thì còn nhiều người tuyên bố là vẫn trung thành với CNML, vẫn một lòng đi theo Đảng, xây dựng CNXH với khẩu hiệu “Còn Đảng còn mình” và cũng tự cho rằng họ mới là người thực sự yêu nước chân chính.

Trong số này, ngoại trừ một số vì sợ, hoặc bị bắt buộc mà phải nói theo, hoặc có quyền lợi liên quan đến chính quyền, thì còn một số vẫn thật tâm tin vào sự tuyên truyền về sự chính nghĩa và sáng suốt của Đảng, về sự tuyệt vời của CNML. Những người sau này thuộc loại cuồng tín, ngu trung, một lòng tin vững chắc vào Đảng, vào Mác Lê mà không chịu dùng thực tế để đối chiếu, để suy nghĩ.

Để đồng nhất nhà nước và Đảng, người ta còn nêu tiêu chuẩn rằng “Yêu nước phải gắn liền với yêu CNXH”. Hình như có một lãnh tụ nào đó cũng nói một câu có ý tương tự. Đó là ngụy biện. Không phải lãnh tụ nói câu gì cũng là chân lý. Dựa vào ý đó người ta suy ra rằng: “Không yêu CNXH đồng nghĩa với không yêu nước”.

Khi nhận xét về Đảng CSVN, nhiều người cho rằng Đảng thời Hồ Chí Minh là tốt, còn Đảng thời Nguyễn Phú Trọng là xấu, và cho rằng đó là hai đảng tuy cùng tên nhưng khác nhau về bản chất. Nhận xét đó chỉ đúng một phần bề ngoài vì rằng người ta thường nhìn vào đảng viên để đánh giá chất lượng đảng. Rõ ràng là phần đông đảng viên thời Hồ Chí Minh tốt hơn thời Nguyễn Phú Trọng, còn bản chất của Đảng thì vẫn thế. Chính cương, điều lệ tuy có sửa chút ít, nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên.

Cái gì tạo ra phẩm chất (tốt hay xấu) của đảng viên?

Phải công nhận ĐCS có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật tương đối nghiêm. Cái đó tạo ra sức mạnh của Đảng. Còn phẩm chất đảng viên chủ yếu được tạo ra từ trước khi gia nhập. Những người như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng văn Thụ, Võ Nguyên Giáp, Phạm văn Đồng đã có phẩm chất tốt từ trước, chứ không phải nhờ vào Đảng mà họ mới có.

Phân tích thật kỹ mới thấy rằng, đạo đức là vốn sẵn có của những người ấy. Đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã không nâng cao được đạo đức của con người mà lại làm cho nó giảm xuống. Một thí dụ rõ ràng là về đạo đức thì Hồ Chí Minh thấy địa chủ Nguyễn Thị Năm không có tội mà còn là ân nhân của một số tổ chức cách mạng, nên trong cải cách ruộng đất ông không muốn đấu tố mà vẫn tôn trọng bà. Thế nhưng, vì áp lực của đấu tranh giai cấp mà Hồ Chí Minh đã tham dự việc người ta làm nhục và xử tử bà, rồi lại còn viết báo lên án bà (bài “Địa chủ ác ghê”). Việc làm này bị nhiều người cho là đã làm vô đạo đức.

Vì đường lối cán bộ sai lầm mà càng ngày Đảng càng kết nạp nhiều phần tử cơ hội, những kẻ có lắm mưu mô, tham lam, độc ác. Tuy ngoài bọn chúng cũng có được một số ít người chính trực vào Đảng, nhưng các đảng viên tốt này thường là thiểu số và bị bọn cơ hội lấn át. Đường lối cán bộ của Đảng phạm sai lầm như thế nào thì tôi đã vạch ra trong một bài trước đây (Phản biện đường lối cán bộ cộng sản) rằng đường lối đó có những điểm phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo đường lối đó, chủ yếu kết nạp dược bọn cơ hội nhiều hơn người chính trực.

Cán bộ cộng sản và những người ủng hộ họ có thói tự kiêu, cho rằng họ luôn luôn đúng, họ không thể nào sai, không chịu tìm xem những người phản biện nói gì, viết gì, mà vội vàng sổ toẹt ngay từ đầu, khi chỉ vừa thấy tên người góp ý.

Nếu theo đúng bản chất cộng sản trong Tuyên ngôn do Mác và Engels công bố năm 1848 thì người cộng sản không có quyền nói về lòng yêu nước. Tuyên ngôn viết rõ ràng là, cộng sản chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo (tam vô) mà đề cao “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Đã vô tổ quốc thì làm gì có lòng yêu nước mà nói.

Một vấn nạn của Cộng sản Việt Nam là cộng sản Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc lộ rõ dã tâm bá quyền, muốn độc chiếm Biển Đông, buộc Việt Nam lệ thuộc, thì trong nước và trên thế giới rộ lên dư luận cho rằng nước Việt Nam, vì chưa đủ sức mạnh trở thành cường quốc để tạo thành một cực trong thế giới đa cực, nên phải chọn lựa một trong hai con đường:

1. Thoát khỏi TQ, hòa nhập với thế giới dân chủ thì sẽ giữ được độc lập, chủ quyền. Nhưng muốn thế, phải từ bỏ con đường cộng sản, từ bỏ việc xây dựng chế độ XHCN.

2. Lệ thuộc vào TQ, giữ chế độ XHCN thì sẽ mất độc lập, mất chủ quyền.

Tương tự, có 2 lựa chọn cho Đảng CSVN.

1. Một số cán bộ chủ chốt thấy rõ sự bế tắc của CNML mà chủ động thực hiện diễn biến hòa bình, trong khi vẫn giữ lại cơ bản tổ chức của đảng thì vận động đổi tên đảng (ví dụ lấy lại tên Đảng Lao động), tuyên bố từ bỏ CNML, mở rộng tự do dân chủ và hòa hợp dân tộc.

2. Vẫn kiên trì CNML, giữ chặt sự độc quyền, toàn trị, thì sẽ càng ngày càng lệ thuộc vào TQ, bị mất chủ quyền.

Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ ổn định Đảng và chế độ. Ông Trọng không nói rõ giữ ổn định kiểu gì, về tổ chức hay về quan điểm, ổn định lâu dài hay tạm thời. Tôi thấy rằng, để giữ được ổn định lâu dài về tổ chức thì cần theo phương án 1, còn theo phương án 2 với biện pháp đàn áp các tiếng nói dân chủ và bất đồng quan điểm thì chỉ có thể giữ được ổn định tạm thời mà thôi.

Lời kết

Ôi, nhờ lòng yêu nước mà các chiến sĩ như Nguyễn Biểu, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi và hàng ngàn hàng vạn người khác hiên ngang, tự hào nhận cái chết vẻ vang. Nhờ dựa vào lòng yêu nước của những người khác mà một số chiếm và giữ được quyền cao chức trọng, vinh thân phì gia.

Cũng vì lòng yêu nước mà những con người đã từng một thời oanh liệt trong khi làm cách mạng đã bị dày vò và chết trong tủi nhục như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh và hàng ngàn người khác. Lại cũng dựa vào lòng yêu nước mà hàng triệu con người cùng dân tộc chia ra hai phe, thù hận và chém giết nhau một cách tàn khốc.

Về việc này Nguyễn Gia Kiểng đã viết quyển sách Tổ quốc ăn năn, Nguyễn Thanh Giang viết Đêm dày lấp lánh, Trần Đĩnh viết Đèn cù, Nguyễn Mạnh Tường viết Người bị ruồng bỏ, Trần Đức Thảo kể Lời trăn trối, Nguyễn Trọng Vĩnh cùng 60 đảng viên kỳ cựu viết thư ngỏ…, còn tôi chỉ biết kêu Trời, kêu xong lại khóc thầm, vận dụng câu trong Chinh phụ ngâm: Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân (Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này).

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cộng sản và lòng yêu nước, Lòng yêu nước. Bookmark the permalink.