Tiên đoán trong tù của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về “Viễn Đông hóa” NATO đang thành hiện thực

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa diễn ra trong 2 ngày, 11-12/7/2013, tại Vilnius, thủ đô Lithuania. Hội nghị đã được liên minh quân sự phương Tây này coi là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. 

Lãnh đạo các nước thành viên NATO chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, ngày 11/7/2023. Nguồn: TTXVN 

Thông cáo của Hội nghị (1) chỉ rõ: “Các tham vọng và chính sách cưỡng ép của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra thách thức đối với lợi ích, an ninh và giá trị của chúng ta. Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và thể hiện sức mạnh của họ, trong khi giữ bí mật về chiến lược, ý đồ và việc xây dựng quân đội của họ. Các hoạt động hỗn hợp và tấn công mạng gây hại của Trung Quốc cùng với lời lẽ đối đầu và thông tin sai lệch nhắm vào các thành viên Liên minh và gây tổn hại đến an ninh của Liên minh. Trung Quốc cố gắng kiểm soát các ngành công nghệ và công nghiệp chủ chốt, cơ sở hạ tầng quan trọng và vật liệu chiến lược và các chuỗi cung ứng. Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và tăng cường ảnh hưởng của họ. Trung Quốc cố gắng lật đổ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, bao gồm tự do hàng hải”.

Thông cáo cũng nhấn mạnh: Mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu rộng giữa Trung Quốc và Nga và những nỗ lực tương trợ nhau để làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là chống lại các giá trị và lợi ích của chúng ta”.

Các quan điểm trên là sự tiếp nối và đào sâu “Khái niệm chiến lược mới” được NATO đưa ra năm 2022, theo đó khối quân sự này cần phải tạo ra các liên minh mới trước “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu – Đại Tây Dương do Trung Quốc và Nga đặt ra. Nhằm triển khai “chiến lược mới” này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất mở một văn phòng liên lạc tại Tokyo để tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản và các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Cũng như vậy, năm nay là năm thứ hai liên tiếp các nguyên thủ quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO. Cho dù chưa được chính thức hóa tại Hội nghị thượng đỉnh Vinius, quyết định mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo sẽ được khối quân sự này hoàn thiện vào cuối năm nay. 

Ngay lập tức, cùng ngày 12/7, phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một tuyên bố (2) đáp lại thông cáo trên của NATO, theo đó Trung Quốc kiên quyết phản đối “sự bành trướng sang phía đông của NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và sẽ cứng rắn đáp trả.

Tóm lại, việc NATO “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” để hóa giải thách thức an ninh từ Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Cũng cần nói thêm rằng để đối phó với thách thức từ Trung Quốc, ngoài việc Mỹ đã xoay trục quân sự về khu vực này từ cuối năm 2011, có hai liên kết an ninh khu vực mới đây đã được tạo ra là AUKUS (Mỹ, Anh, Australia) và QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia). Để nói, “Đông tiến” của NATO cơ bản là thuận lợi. Về phần mình, tôi, Cù Huy Hà Vũ, hoàn toàn hài lòng về bước ngoặt địa - chính trị này của khối quân sự phương Tây, bởi điều này đã được chính tôi tiên đoán trên cơ sở khuyến nghị bằng “giấy trắng mực đen” cách đây đúng 10 năm, 2013. Khi đó tôi đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do có các hoạt động đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trong Trại giam số 5 – Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), ngày 15/6/2013. Nguồn: báo Tuổi trẻ

Cụ thể là giữa tháng 1/2013, tại Trại giam số 5 - Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), tôi viết bài “Vận nước nhìn từ Trường Sa” (3) nhằm tiếp tục kêu gọi chính quyền Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ thành công quần đảo Trường Sa nói riêng, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nói chung, trước một cuộc xâm lược đang được Trung Quốc ráo riết chuẩn bị. Bài viết đã được tôi trao tận tay cho vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, khi vợ tôi đến thăm và làm việc cho việc kháng án theo thủ tục giám đốc thẩm. Vợ tôi đã chuyển ngay bài viết của tôi cho Giáo sư Huệ Chi, chủ biên Bauxite Việt Nam, và “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của Người trí thức Việt Nam” này đã đăng nó vào ngày 22/01/2013. Có một chi tiết là khi đăng bài viết này, Giáo sư Huệ Chi đã thay tên tôi với tư cách tác giả bằng bút hiệu “Sơn Văn”. Ông giải thích với vợ tôi: “Đây là lối chơi chữ của các cụ. “Sơn” là “núi” đối với “Hà” là “sông”; “Văn” là “trí thức” đối với “Vũ” là “sức mạnh”. Vậy “Sơn Văn” là “Hà Vũ”. Ngoài ra, “Sơn Văn” có nghĩa “trí thức ngự trên núi”, tức trí thức tầm cao. Người hiểu biết khắc nhận ra “Sơn Văn” là ai”.

Bài viết có đoạn: 

“Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới, là nước phương Tây duy nhất có Hạm đội ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, với tư cách là nhân tố chủ chốt của NATO, Mỹ hoàn toàn có thể vận dụng sức mạnh của khối quân sự lớn nhất thế giới này để duy trì hòa bình, ổn định ở Tây Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông. Nói cách khác, với Mỹ, NATO hoàn toàn có thể ‘Viễn Đông hóa’!” 

Khi đưa ra quan điểm NATO hoàn toàn có thể Viễn Đông hóa”, tôi đã dựa trên những nhận định và phân tích của bản thân như sau đây:

Thứ nhất, Mỹ hiện đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa - chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21 nên siêu cường này trước sau gì cũng sẽ thuyết phục thế giới phương Tây mà nước này đứng đầu chia sẻ quan ngại chiến lược này của họ.

Thứ hai, Mỹ đã xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương thì Mỹ với tư cách là hạt nhân của NATO chắc chắn sẽ phải tác động NATO để khối này đồng hành với Mỹ trong khu vực.

Thứ ba, NATO lấy Liên Xô trước đây, Nga ngày nay, là đối thủ chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga ngày càng cố kết và hình thành một liên minh trên thực tế với Trung Quốc chống lại phương Tây, Trung Quốc hiện ra như thách thức mới đối với khối quân sự này. Do đó, việc NATO xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương là chuyện chẳng đừng.

Thứ tư, suy cho cùng, khái niệm “phương Tây” không chỉ bó hẹp ở các nước nằm bên bờ Bắc Đại Tây Dương mà còn gồm cả các nước tư bản phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Điều này cho thấy để bảo vệ lợi ích của phương Tây trong tầm nhìn tổng thể, NATO buộc phải có mặt tại Châu Á - Thái Bình Dương trong thế liên kết quân sự với 4 nước này.  

Tóm lại, tiên đoán mà tôi, Cù Huy Hà Vũ, đã đưa ra 10 năm trước về việc NATO “Viễn Đông hóa” hay “Quay trục về châu Á – Thái Bình Dương” để hóa giải mối đe dọa an ninh đến từ Trung Quốc đã đang trở thành hiện thực!

Điều này đến lượt nó chứng minh một cách hùng hồn rằng nhà tù chỉ có thể giam cầm được thể xác chứ không bao giờ giam cầm được trí tuệ và tư tưởng của những con người dấn thân vì lợi ích của quốc gia và hạnh phúc của đồng loại.

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 12/7/2023

C.H.H.V.

Chú thích:

1.     Full text: NATO Vilnius summit communique, Aljazeera, 12/7/2023

2.     Trung Quốc đáp trả chỉ trích của NATO, VTC News, 12/7/2023

3.     Vận nước nhìn từ Trường Sa, Sơn Văn (Cù Huy Hà Vũ), Bauxite Việt Nam, 21/1/2013

Tác giả gửi BVN 

*

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống với phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ.

 

This entry was posted in cù huy hà vũ, NATO, Quan hệ quốc tế. Bookmark the permalink.