Buôn bán ngầm đất hiếm – Kỳ 3: Những cuộc ngã giá bạc tỷ

Quang Thế – Phạm Tuấn

Mấy năm gần đây xuất hiện nhiều ông trùm, bà trùm có khả năng môi giới khoáng sản rất mát tay. Họ có đặc điểm chung là chỉ giao dịch những lô hàng đất hiếm bạc tỷ và nổi tiếng "rắn mặt" khi đàm phán.

Ông D.Thỏ khẳng định một năm có thể cung cấp khoảng 2.500 tấn đất hiếm, trị giá hơn 200 tỷ đồng

Họ khoác lên mình vỏ bọc đại gia khoáng sản, nhưng sự thật tất cả đều là buôn bán ngầm đất hiếm "thổ phỉ" với giá trị giao dịch có khi lên đến hàng ngàn tỷ đồng…


"Hàng thổ phỉ" làm gì có hóa đơn, chứng từ?

Giữa tháng 4-2023, chúng tôi về xã Tề Lễ (huyện Tam Nông, Phú Thọ) tìm gặp ông N.H.H. (ngoài 60 tuổi) hỏi mua đất hiếm. Khi ô tô đến địa phận tỉnh Phú Thọ, ông H. nói mình đang nằm viện và yêu cầu thẳng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để "đàm phán" luôn.

Nằm trên giường bệnh, ông H. dò xét: "Hôm nay anh gửi mẫu chú kiểm tra xem bao nhiêu độ. Mẫu đất anh để ở kho cách Việt Trì mấy chục cây số. Chú cứ uống nước chờ cháu nó mang về nhé".

Nói xong ông H. cầm điện thoại gọi người đi lấy mẫu, sau đó lại lắc đầu nói: "Hỏng rồi. Hôm nay vẫn chưa có mẫu đất đâu. Thôi chú em về đi hôm tới anh gọi lại".

Ít ngày sau, một người đàn ông có tên trên Zalo là D.Thỏ gọi cho chúng tôi giới thiệu: "Tôi ở chỗ ông H. đây. Anh cho địa chỉ để tôi chuyển mẫu đất hiếm về Hà Nội test chất lượng".

Ông D.Thỏ có tên thật là N.V.D. (36 tuổi, ở xã Tề Lễ), là giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ T.D. (trụ sở chính tại khu 6, xã Tề Lễ).                 

Chiều 4-5, ông D. lái xe từ Phú Thọ xuống Hà Nội để gặp chúng tôi bàn bạc "thương vụ đất hiếm". Gặp nhau, ông D. chào hàng ngay: "Hàng tôi có rất nhiều, cam kết về chất lượng như đã gửi mẫu. Nhưng nói thẳng là không có hóa đơn chứng từ gì cả. Ông em hiểu vấn đề không? Nhiều thì không nói, nhưng vài trăm tấn thì đang có". Để khách tin tưởng về "năng lực" của mình, ông D. không ngần ngại tiết lộ: "Nói thật là một mình tôi không thể làm được đâu. Hàng của tôi đào ở Lai Châu, Phú Thọ. Ban đầu cứ lấy 10 tấn đang có ở kho trước đi, giá 90 triệu đồng/tấn. Chuyến đầu trôi thì một năm tôi có thể cung cấp được khoảng 2.500 tấn".

Ông D. cho biết sau khi chuyển tiền cọc vào tài khoản công ty, muốn nhận hàng phải báo trước ba tiếng để ông cung cấp địa chỉ kho.

“Hàng tôi cho công nhân đóng bao cẩn thận rồi. Đã cân, 10 tấn có dư. Nội dung chuyển tiền cọc ghi mua nguyên liệu dùng trong sản xuất nông nghiệp”, ông D. dặn dò. Ông D. còn tiết lộ dù chưa có nhiều mối hàng nhưng ông cũng đã từng bán đất hiếm đi Trung Quốc.

 

Phải cọc 9.600 tỷ đồng mới được đến mỏ

Trong thị trường ngầm, thường người mua rất khó gặp trực tiếp với chủ mỏ "thổ phỉ" mà phải qua các tay môi giới. Trong giới này cũng nổi lên những bà trùm khét tiếng "rắn mặt".

Sáng 12-4, chúng tôi gọi vào số điện thoại của bà trùm N.T.K.T. (40 tuổi, ở xã Minh Tâm, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) dò hỏi nguồn hàng.

Lúc đầu bà T. đề phòng, trả lời nhát gừng. Sau khi tìm hiểu, biết khách "có tiềm lực", chiều cùng ngày bà T. bất ngờ gọi lại: "Tôi sẽ gửi bảng test qua. Nếu bên mình thấy OK thì tôi gửi mẫu để test trực tiếp".

Đến ngày 21-4, bà T. gửi xe khách xuống Hà Nội cho chúng tôi một bọc màu đen chứa hơn 1 kg đất hiếm, kèm tờ giấy ghi ký hiệu 2 trong 17 nguyên tố có trong đất hiếm: Lantan (La) 66,98%, Neodymium (Nd) 37,41%.

Bà T. cho biết đây là loại đất hiếm ở Tây Nguyên, có hàm lượng quặng không bằng Tây Bắc nhưng lại có trữ lượng lớn, dễ khai thác. Bà T. cam kết sẽ kết nối chúng tôi với chủ mỏ ở Đắk Lắk.

"Mỏ ở Tây Nguyên trị giá 48.000 tỷ đồng. Phải có đủ 9.600 tỷ đồng (20% tổng giá trị đơn hàng) để cọc thì mới được đặt chân đến mỏ. Nếu bên em thiện chí thì mình bay ngay vào Buôn Ma Thuột luôn. Chủ mỏ mới thông báo vừa có một đoàn khách Trung Quốc đến xem hàng nên phải quyết nhanh để xuống tiền cọc", bà T. nói.

Thắc mắc về số tiền cọc quá cao, bà T. nói đến khi gặp trực tiếp chủ mỏ, bên mua có thể thương lượng hạ xuống.

Tối 5-5, bà T. gửi qua Zalo cho chúng tôi một giấy yêu cầu đặt cọc do ông T.Q.V., giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Đ.T. (trụ sở ở phường Thiện An, Buôn Hồ, Đắk Lắk) ký, nội dung yêu cầu đặt cọc để mua "đất sét, cát đá độc quyền".

Tờ giấy bà trùm môi giới T. ghi nội dung yêu cầu gửi cho chủ mỏ V. ở Đắk Lắk để soạn thảo hợp đồng đặt cọc 9.600 tỷ đồng

 

Chúng tôi thắc mắc về nội dung đặt cọc, bà T. trả lời: "Đất hiếm nhưng mà pháp lý mỏ, giấy đi đường chỉ là mỏ đất sét, cát đá. Cả Việt Nam làm gì có ai dám ghi trong giấy tờ là mua bán đất hiếm.

Giá thực là 16 triệu đồng/tấn nhưng xuất hóa đơn chỉ ghi 5 triệu đồng thôi, vì giá đất sét không thể ghi cao hơn được".

Trước ngày gặp trực tiếp chủ mỏ để đàm phán, bà T. bất ngờ thông báo: "Tôi đã lên phương án hết rồi nhưng chủ mỏ vừa gọi lại nói phần tiền đặt cọc (9.600 tỷ đồng) phải để nguyên, không ai được xơ múi vào đó.

Chủ mỏ nhận cọc lớn như vậy mà không đưa vào hợp đồng trích thưởng cho tôi thì thôi, tôi không làm nữa. Loại hàng này nhạy cảm, nếu không theo quy trình của mình đưa ra thì dính đòn ngay".

Một "bà trùm" khác cũng khét tiếng không kém là T.T.M. (56 tuổi, ở phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An). Sau nhiều lần trao đổi, bà M. cho biết: "Khu mỏ đất hiếm ở Tây Nguyên rộng mênh mông bát ngát, đào 10 năm cũng không hết. Tuy nhiên trên giấy tờ pháp lý cũng chỉ là mỏ đất sét".

Chúng tôi hỏi khai đất hiếm là đất sét có hợp lý không? Bà M. trả lời ngắn ngọn: "Nó khai là gì kệ mẹ chúng nó. Sai chúng nó chịu mà. Mình cứ nhận được hàng là OK".

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị 5 địa phương vào cuộc

Chiều 29-6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết đã chỉ đạo Cục Khoáng sản Việt Nam vào cuộc, đồng thời ông đã có văn bản gửi các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa xác minh thông tin báo Tuổi Trẻ nêu.

Chiều cùng ngày, ông Sùng Lử Páo, chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu), cho hay Công an huyện Tam Đường phối hợp với Công an TP Lai Châu đã vào cuộc xác minh.

Bước đầu cơ quan công an đã làm việc với một số người ở xã Bản Hon (huyện Tam Đường) và TP Lai Châu mà báo nêu.

"Kho cất giữ đất hiếm ở TP Lai Châu mà Tuổi Trẻ nêu đã bị công an lập biên bản, tạm giữ tang vật. Hiện cơ quan công an vẫn đang khẩn trương điều tra", ông Páo nói.

Hơn 10 tấn đất hiếm đã được ông Dũng nghiền nhỏ, cho công nhân đóng bao cẩn thận

 

Có bảo kê cho khai thác, buôn bán đất hiếm không?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói ông cảm thấy khá bất ngờ khi tình trạng đất hiếm – loại khoáng sản chiến lược, tạo lợi thế phát triển của quốc gia – đang bị đào trộm, rao bán ngầm qua chợ đen.

Bởi từ năm 2012 đã có chỉ thị 02 yêu cầu việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, mọi hành vi buôn bán ngầm đất hiếm là bất hợp pháp.

Ông đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ vì sao các mỏ được cấp phép thì gặp khó khăn, hoặc được cấp phép rồi còn chưa khai thác được mà thị trường ngầm lại sôi động đến như vậy.

"Vậy liệu có ai đằng sau tiếp tay cho những đối tượng trộm cắp khoáng sản quý giá này không? Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai", ông Hòa đề nghị.

Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết nếu tính trữ lượng, đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, thông tin ông biết thì mới có một mỏ khai thác được cấp phép khai thác chính thức ở Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu).

Còn lại một số mỏ cũng được cấp phép như ở Yên Bái nhưng chưa được khai thác.

Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng vào việc quản lý sơ hở của chính quyền địa phương để khai thác theo kiểu "thổ phỉ", sau đó mang bán sang Trung Quốc. Thậm chí, trước đây có trường hợp người dân còn khoác ba lô chứa quặng đất hiếm bán sang biên giới.

Phó Ban Dân nguyện cũng đề nghị sau loạt bài của báo Tuổi Trẻ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ.

"Việc khai thác, buôn bán đất hiếm trái phép như vậy thể hiện sự yếu kém trong quản lý của địa phương.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ xem có tình trạng bảo kê cho các đối tượng khai thác theo kiểu "thổ phỉ" không? Hay có vấn đề lợi ích nhóm, cùng ăn chia? Cần vào cuộc càng sớm càng tốt để chấm dứt ngay nạn chảy máu tài nguyên này", ông Nhưỡng nói.

Thành Chung "Times New Roman"

Nguồn: Tuổi Trẻ

This entry was posted in Quản lý nhà nước, đất hiếm. Bookmark the permalink.