Quang Thế – Phạm Tuấn
Những người buôn bán, môi giới ngầm đất hiếm ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và Tây Nguyên hoạt động rất chuyên nghiệp, không khác gì “bão ngầm”. Từ manh mối nhỏ ban đầu, phóng viên Tuổi Trẻ đã lần ra nhiều đường dây buôn bán ngầm đất hiếm.
Ông Nguyễn Đức Thành (35 tuổi, ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) “gợi ý” trả tiền mua đất bằng vàng miếng, bất động sản – Ảnh: T.T.
Vì là hàng đào trộm, buôn bán bất hợp pháp nên hầu hết các cuộc giao dịch đều được các tay trùm khoáng sản mua bán đất hiếm yêu cầu phải trả bằng tiền mặt, đô la Mỹ hoặc bằng vàng và thậm chí cả… bất động sản.
Bán mỏ đất hiếm trữ lượng… 4 quả đồi
Thông qua một số “người bảo lãnh”, chúng tôi (trong vai người mua) tiếp cận một người đàn ông có tên trên Zalo là Quách Tuấn Du. Người này có tên thật là Nguyễn Đức Thành (35 tuổi, ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng). Cũng như những người buôn đất hiếm khác, ông Thành rất kín tiếng, tuyệt đối không bàn chuyện “làm ăn” qua điện thoại.
Trưa 19-4, ông Thành hẹn chúng tôi tới đường Hạ Lý (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) rồi đưa đến một quán ăn. Trong phòng kín, ông Thành cho chúng tôi xem hình ảnh trên điện thoại và nói: “Tôi hiện có loại đã tuyển dạng miếng tầm 8.000 tấn, vẫn còn nguyên trong kho gần cảng. Giá 120 USD/kg, tức 120.000 USD/tấn. Bốc hàng tại kho”.
Ông Thành yêu cầu: “Trước khi đặt cọc sẽ cung cấp mẫu để bên mua test trước, chứ không được phép đặt chân vào kho. Hàng này nó nhạy cảm lắm, kho có mấy lớp bảo vệ, người lạ không thể lọt được vào”.
Sau một hồi trao đổi, ông Thành dặn dò: “Khi nào lấy hàng tôi sẽ gửi định vị kho chứa, bên mua chủ động vận chuyển. Để an toàn thì nên bốc hàng vào bảy, tám giờ tối. Thanh toán hàng tốt nhất là dùng bất động sản đã được đơn vị độc lập định giá, vàng miếng hoặc đô la Mỹ. Tuyệt đối không được chuyển khoản. Dùng sổ đỏ để giao dịch sang tên rất thuận tiện, nhanh gọn”.
Gần một tuần sau, thấy chúng tôi vẫn chưa cọc tiền, ông Thành tiếp tục gửi mẫu đất hiếm ở Yên Bái và giới thiệu đây là hàng chưa được chiết tách nên giá mềm hơn, chỉ 11.000 USD/tấn.
Ngày 8-5, một thùng hàng khác được ông Thành gửi từ bến xe Vĩnh Niệm (TP Hải Phòng) lên Hà Nội, bên trong có một cốc nhựa chứa gần nửa ký đất hiếm, lận vào trong đó là một mẩu giấy gấp nhỏ ghi nội dung: “Giao hàng tại Phú Thọ, trữ lượng là 4 quả đồi chưa khai thác”.
Đến ngày 20-5, ông Thành tiếp tục gửi cho chúng tôi một bản cam kết với nội dung ông được ông P.T.T. (48 tuổi, quê Hải Dương) ủy quyền bán mỏ đất hiếm với trữ lượng là 4 quả đồi nói trên. Giá bán 24 triệu đồng/tấn và giao hàng tại Phú Thọ.
Chiều 8-5, một thùng hàng ông Thành gửi từ bến xe Vĩnh Niệm (TP Hải Phòng) lên Hà Nội, bên trong có một cốc nhựa chứa gần nửa ký đất hiếm – Ảnh: T.T.
Muốn có hàng phải đặt cọc 25.000 USD
Qua một đầu mối ở Lai Châu, ngày 12-4 chúng tôi tiếp cận ông Trịnh Minh Đức (31 tuổi, ở thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, Hải Dương) – người giới thiệu có lõi đất hiếm số lượng lớn.
9h sáng 19-4, ông Đức hẹn chúng tôi đến một quán cà phê ở khu biệt thự phía bắc huyện Ninh Giang để gặp trực tiếp bàn chuyện làm ăn. Ngoài ông Đức còn có ông Kiên (41 tuổi), ông Trắc (38 tuổi) và ông Tuấn (44 tuổi, cùng ở huyện Ninh Giang).
Ngồi chưa ấm chỗ, ông Đức lấy ra một túi nilông giới thiệu: “Loại hàng lõi này bên tôi số 2 thì không có chỗ nào dám nhận số 1. Nói thật với ông, hàng Lai Châu không phải ai cũng vào được mỏ đâu. Muốn làm nam châm thì chỉ hàng lõi này mới đủ lượng quặng. Mỏ này có cả đời đào cũng không hết được”. Lõi đất hiếm ông Đức chào hàng nặng hơn 1 kg, có màu nâu sẫm, óng ánh như than đá.
Lõi đất hiếm ông Đức “chào hàng” nặng hơn 1kg, có màu nâu sẫm – Ảnh: T.T.
“Trước khi làm, hai bên phải ký hợp đồng. Ví dụ mỗi tháng bên tôi cam kết cung cấp 30 – 50 tấn lõi. Để an toàn thì theo tôi khai thác đến đâu vận chuyển ra container đặt sẵn ở đầu Lào Cai đến đó. Đất Lai Châu bọn tôi là mạnh nhất rồi, bất cứ chuyện gì xảy ra cũng có thể xử lý được”, ông Đức cho hay.
Ông Đức chưa dứt lời, ông Kiên tiếp lời: “Tôi chỉ có lăn tăn chỗ thanh toán thôi, hàng thì nó như thế rồi, mang về mà test. Nếu mỏ có giấy tờ thì cọc tiền ở ngân hàng, thích ngân hàng bảo lãnh cũng được, nhưng hàng này đào từ mỏ không có giấy tờ gì cả. Như thằng Đức nó biết chẳng có giấy tờ gì, chở từ Lai Châu về đến đây, chú hiểu câu chuyện không? Hàng này chúng tôi bán cho đầu Hải Phòng 20.000 USD/tấn”, ông Kiên nói.
Sau cuộc gặp tại Hải Dương, đến sáng 28-4, ông Đức lên Hà Nội gặp chúng tôi tiếp tục đàm phán và khoe về tiềm năng nguồn hàng: “Tùy vào nguồn lực của bên ông bơm cho bên tôi như thế nào, ví dụ các ông đặt cọc tầm 300 triệu đồng thì mỗi tháng bọn tôi chỉ cung cấp được 30 – 100 tấn. Nhưng nếu các ông bơm cho bọn tôi 1 tỷ đồng thì số lượng nó lại khác. Nói chung là muốn có hàng phải đặt cọc trước ít nhất 25.000 đô la Mỹ”.
Bị bắt cũng không được nhắc đến đất hiếm
Ông Đức liên tục trấn an chúng tôi: “Nếu có bị bắt thì cùng lắm thu mất hàng và phạt hành chính. Cái này nó không liên đới đến án hình sự, ông hiểu không? Tôi có thể cãi trắng luôn không biết nó là đất gì. Vì trong loại đất này có lẫn cả quặng đồng, sắt, tạp chất. Nói chung là khi bị bắt thì không được nhắc đến hai từ đất hiếm”.
Vài tiếng sau cuộc gặp ngày 28-4, ông Đức gửi một hợp đồng qua Zalo cho chúng tôi do ông Hà Trung Kiên (giám đốc Công ty TNHH khí đặc biệt Vinagas) ký với nội dung đề nghị bên mua đặt cọc 25.000 USD.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy Công ty TNHH khí đặc biệt Vinagas (có trụ sở chính tại khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã tạm dừng kinh doanh.
“Tôi khuyên thật là đừng bao giờ chuyển vào tài khoản công ty vì liên quan đến truy xuất nguồn tiền. Nếu bắt buộc phải chuyển thì chỉ cần ghi là cọc mua đất thôi. Trong hợp đồng tôi cũng chỉ ghi là đất thôi chứ không ghi rõ đất hiếm. Dự kiến sau khi nhận được tiền cọc, đến ngày 10-5 sẽ giao chuyến hàng đầu tiên”, ông Kiên nói.
Không chỉ làm ăn chung với nhóm của ông Đức, ông Kiên còn cho biết hiện đang có nguồn hàng đất hiếm ở Thanh Hóa với trữ lượng rất lớn. “Tôi cam kết cung cấp quặng đất hiếm số lượng từ 300 – 1.000 tấn/tháng…”, ông Kiên chào hàng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan vào cuộc
Chiều 28-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Thạch – giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu – cho biết lãnh đạo UBND tỉnh đã giao sở này phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu và các cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh nội dung báo Tuổi Trẻ phản ánh trong phóng sự điều tra “Buôn bán ngầm đất hiếm”.
Theo ông Thạch, nội dung đăng trên báo Tuổi Trẻ cho thấy tình trạng buôn bán ngầm đất hiếm diễn ra ở nhiều tỉnh (Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ) nên phải cần cơ quan công an vào cuộc để xác minh.
Cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Tam Đường và lãnh đạo Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu cũng cho biết đang vào cuộc kiểm tra sau bài phóng sự điều tra của Tuổi Trẻ.
Trước đó, sau khi Tuổi Trẻ cung cấp thông tin rao bán đất hiếm số lượng lớn tại xã Đông Cửu, ông Đào Quang Tuấn – chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) – cho biết sẽ chỉ đạo các lực lượng trong huyện kiểm tra ngay.
Một nhân viên văn phòng UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết chủ tịch UBND huyện này đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra tình trạng rao bán đất hiếm tại xã Tân Thanh sau khi Tuổi Trẻ nêu.
Ông Phạm Văn Quang – giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ – cho biết ông chưa từng nghe nói có người buôn bán đất hiếm ở huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. “Nội dung Tuổi Trẻ cung cấp tôi sẽ trao đổi với Công an tỉnh Phú Thọ để nắm bắt, tìm hiểu vụ việc”, ông Quang nói.
Trong khi đó, sau khi Tuổi Trẻ cung cấp thông tin nhiều cá nhân, công ty rao bán đất hiếm tại khu vực làng văn hóa Khuân La (xã Tân Hương), ông Nguyễn Xuân Trường – chủ tịch UBND huyện Yên Bình (Yên Bái) – cho biết sẽ kiểm tra thông tin và phản hồi sau khi có kết quả.
Alô là có, giao hàng ngay Hà Nội
Đất hiếm không chỉ được rao bán rầm rộ ngầm ở nhiều tỉnh thành mà tài nguyên chiến lược quốc gia này cũng được mời chào giao hàng ngay tại Hà Nội. Ông Vũ Văn Nhân (35 tuổi, ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) mời chào: “Công ty tôi đang có mỏ đất hiếm trữ lượng khoảng 3 triệu tấn và có sẵn hàng tại kho ở Tây Nguyên với khối lượng lên đến hơn 4.000 tấn, giá tại kho là 15 triệu đồng/tấn. Cam kết mỗi tháng có thể cung cấp được 10.000 tấn”.
“Đối tác muốn đàm phán giá, thỏa thuận hình thức giao dịch thì thông qua bà chị tôi”, ông Nhân nói. Qua tìm hiểu của chúng tôi, người phụ nữ ông Nhân nhắc tới là bà Yến (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 28-4, khi có khách cần mua hàng thì người này nhanh chóng ship mẫu đất hiếm để test chất lượng.
“Hàng bốc lên xe phải thanh toán tiền mặt luôn. Giá 15 triệu đồng/tấn đất hiếm, còn hàng đã nghiền giá 15,5 triệu đồng/tấn. Khách muốn chuyển ra Hà Nội thì cộng thêm cước xe tải. Ngồi ở Hà Nội chỉ cần alô là có hàng nhưng trong hóa đơn vận chuyển chỉ ghi là đất thương mại dịch vụ thôi đấy”, bà Yến nói.
Rao bán cả ruộng vườn, đồi quế sắp thu hoạch
Trước “cơn sốt” đất hiếm, người dân một số nơi ở Lào Cai, Yên Bái còn rao bán cả đất ruộng, đồi trồng quế sắp thu hoạch. Bà Hương (thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) có đồi quế rộng hơn 3 ha cạnh mỏ đất hiếm cho biết có nhiều người đến hỏi mua để khai thác quặng. Để việc mua bán trót lọt, họ chỉ nói đi “mua thổ” (mua đất) và không được nhắc đến đất hiếm.
“Khu đất này từ mấy năm trước họ thăm dò nói là nhiều đất hiếm lắm, lượng quặng cao. Có người đến hỏi mua hết cả khu đồi quế của gia đình nhưng tôi chưa bán vì lo sợ bụi tấn công, hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu người mua chỉ múc đất đi xong trả lại mặt bằng thì tôi đồng ý, nhưng quả đồi này hơn 3 ha, nhiều đất lắm, giá phải 7 tỷ đồng mới bán được”.
Bà Vân (thôn Yên Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, Yên Bái, cạnh mỏ đất hiếm Yên Phú) cho biết từ cuối năm 2022 đã có nhiều người ở nơi khác về tận thôn hỏi mua đất ruộng nhưng chỉ trả giá 70 triệu đồng/sào nên người dân chưa bán. “Ban đầu họ nói mua làm trang trại, trồng cỏ để chăn nuôi, nhưng tôi nghĩ không phải. Nuôi bò sao họ không mua nơi khác mà mua làm gì chỗ trũng này. Nghe rất vô lý. Mãi sau họ mới thừa nhận là mua để khai thác quặng đất hiếm”, bà Vân nói.
Không thể cản nổi cơn sốt đất hiếm, bà Vân cùng nhiều người dân ở thôn Yên Sơn vẫn đang săn đón khách để bán khu ruộng cạnh mỏ Yên Phú.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Minh Phượng – chủ tịch UBND xã Yên Phú – cho biết sẽ cử cán bộ nắm bắt thông tin, kiểm tra hiện tượng người dân rao bán ruộng, đồi quế như phản ánh của Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Uyên – chủ tịch UBND xã Sơn Hải – cho biết hiện nay mỏ đất hiếm trên địa bàn vẫn đang chờ xin giấy phép để khai thác. Sau khi nhận được phản ánh của Tuổi Trẻ về tình trạng buôn bán đất cạnh mỏ đất hiếm, ông Uyên nói sẽ cử cán bộ nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, theo ông Uyên: “Dù có mua đất nhưng để khai thác được mỏ đất hiếm là một vấn đề vì phải qua rất nhiều quy trình, thủ tục cấp phép”.
Q.T. – P.T.
Nguồn: Tuổi Trẻ