Trong khi có nhiều cuốn sách, bộ sách bìa cứng dày cộp của nhiều vị lãnh đạo in hàng vạn bản chỉ để trưng bày thì cuốn hồi ký Chuyện của chúng tôi của ông Võ Hồng Phúc, mặc dù khó và không được quảng cáo ầm ĩ, lại được bán chạy hơn tôm tươi, lại được í ới chuyền tay nhau đọc.
Cuốn hồi ký của ông cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cựu Ủy viên Trung ương đảng này không chỉ hấp dẫn bởi tính chân thật, tính nhân văn, tấm lòng nhiệt thành yêu nước và với nhiều chuyện tinh tế, nhạy cảm hàng thâm cung bí sử, mà còn và trước hết, cuốn hút bất cứ ai thực tâm khát vọng trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, dấn thân cho Dân tộc, học được những bài học đắt giá nhất.
Ông Võ Hồng Phúc thông qua các mảng ký ức, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, các câu chuyện của mình với nhiều chính khách hàng đầu thế giới và Việt Nam như Thủ tướng Lý Quang Diệu, nhiều đời Thủ tướng, Phó thủ tướng Nhật… đã đúc kết những bài học sâu sắc nhất, bổ ích nhất để thiết kế phẩm chất nhà kỹ trị dẫn dắt Quốc gia mà Việt Nam cần có.
Đọc, dừng, chiêm nghiệm, suy ngẫm, đối chất, đào sâu những câu chuyện không phải tự dưng ông Phúc kể, để thấy hết ẩn ý, khát vọng của ông cùng một nhóm tinh hoa kỹ trị một thời của Việt Nam, mong muốn các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay nên làm gì để kế tục và phát triển các tinh hoa một thời ấy.
Đọc từng câu chuyện của ông Võ Hồng Phúc hiện lên vô cùng sinh động chân dung một giai đoạn lịch sử – giai đoạn bước ngoặt Việt Nam bước ra thế giới, Việt Nam từ cựa quậy đến quẫy đạp giải phóng mình khỏi những lạc hậu, trói buộc hệ tư tưởng để trở dạ đau đớn đến các thước đo giá trị mới.
Qua hồi ký của ông Võ Hồng Phúc cả một thế hệ kỹ trị tài năng hiện rõ phẩm chất, cá tính, nhân cách đã là nòng cốt cho Việt Nam đổi mới và phát triển. Đó là các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Đỗ Quốc Sam cùng các ông Nguyễn Văn An, Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Khoan…
Khi gặp ông Phúc tại nhà riêng của ông ven hồ Tây Hà Nội, gã nói đến nhóm tinh hoa này với sự nuối tiếc, họ đã lần lượt rơi rụng hoặc về hưu mà không ai có thể vươn tới đỉnh cao quyền lực nhất đủ sức tập họp tinh hoa kỹ trị làm thay đổi toàn diện đất nước như nước Nhật đã thay đổi.
Ông Phúc im lặng, nhìn ra hồ Tây mùa sen chưa về.
Thế rồi ông kể, ông đã bị một thế lực muốn đưa đất nước vào cái bẫy của lợi ích nhóm mà đứng sau là một anh “bạn xấu chơi” định hãm hại thế nào. Có một nhà đầu tư bị tịch thu toàn bộ tài sản được hứa hẹn sẽ trả lại tài sản nếu khai ông Phúc có dính quan hệ với ông ta. Rất may, nhà đầu tư này đã trung thực thà mất tài sản chứ không chịu làm điều thất đức.
Đọc hồi ký của ông Phúc sẽ thấy rõ những ẩn ý của ông về “trị quốc” và “phát triển quốc gia”, khi ông kể lại những lời tâm huyết của Thủ tướng Lý Quang Diệu, qua ông, gửi đến các nhà lãnh đạo Việt Nam, về: Chọn bạn mà chơi. Về sử dụng đãi ngộ nhân tài. Về loại bỏ tấm áo trùm chính trị tư tưởng lên nền kinh tế. Từng câu chuyện ông Phúc kể khi làm việc với lãnh đạo, chuyên gia Nhật họ đều toát lên phẩm chất của một dân tộc cần có để vươn tới đỉnh cao phát triển văn minh.
Nhiều sự kiện lịch sử giai đoạn đất nước đổi mới qua lời kể không khoa trương, màu mè của ông Phúc, hiện lên Bi kịch kẻ sĩ, nhân tài lần lượt bị rời chiến địa hoặc tự mình nhận là hèn, tự bỏ cuộc. Và cũng hiện lên cuộc đấu giằng co giữa mới và cũ, tiến bộ và bảo thủ.
Và điều đọng lại vô cùng chua chát sau khi gấp lại hơn 320 trang sách khổ lớn không hề như cụ Nguyễn Du nói: mua vui được một vài trống canh, là cảm giác phẫn nộ với những thế lực ngầm nhiều lúc ngạo nghễ thắng thế đưa đất nước dậm chân trong khi nhiều quốc gia khác cất cánh, làm cho chính Thủ tướng Lý Quang Diệu cuối đời không còn hy vọng một Việt Nam trở thành cường quốc số một Đông Nam Á.
Câu hỏi “tại sao” trong hồi ký của mình ông Võ Hồng Phúc không đặt ra, nhưng trong từng câu chuyện của ông luôn ẩn giấu câu trả lời.
Nhà lãnh đạo kỹ trị đồng nghĩa với Kẻ sĩ. Mà Kẻ sĩ thì luôn sĩ nên không ủ mưu, không gian manh thủ đoạn. Kẻ sĩ thì tự trọng không tham. Không tham thì không giành.
Chính vì vậy ông Vũ Khoan – một nhà kỹ trị tài năng, một Kẻ sĩ đã thừa nhận mình có lúc… hèn.
Còn một Kẻ sĩ như ông Võ Hồng Phúc đã mượn lời của một ông cán bộ dân tộc Mông để có lúc buồn, an ủi mình: đồng bào tao bảo nhìn cái mặt đẹp chưa chắc đã là người tốt, nghe lời nói hay chưa chắc là người tốt. Nhìn cái mặt đẹp, nói lời nói hay mà làm việc xấu thì dân tao thà nhìn mặt con trâu còn sướng hơn.
L.T.V.
Tác giả gửi BVN