Tạ Duy Anh
Vài lời rào đón: Bài viết này tôi viết từ 10 năm trước, đăng trên báo Công lý và Xã hội, sau đó in trong cuốn Làng quê đang biến mất – NXB Hội Nhà văn 2014. Bối cảnh của bài viết là báo chí hồi đó đưa tin về việc ngành điện đầu tư ngoài ngành khiến thua lỗ nặng, nhưng lương bổng của lãnh đạo ngành điện thì cao ngất ngưởng, nhiều người rất giầu, cùng với việc giá điện tăng không ngừng. Giờ đọc lại thì thấy, hóa ra sau 10 năm, tư duy độc quyền của ngành điện vẫn không thay đổi mảy may. Và chuyện thiếu điện, dù có thể đổ lỗi cho quy hoạch, như bài của nhà báo Truong Huy San, nhưng ngành điện không thể bám vào đó để rũ trách nhiệm.
Lần ấy tôi về quê và lúc chập tối tranh thủ đến thăm một người bà con nghèo. Tôi đến trước ngõ, tần ngần nhìn vào phía bên trong cổng tối om. Đã định quay ra thì nghe tiếng gọi. Lát sau mới thấy có ánh đèn điện. Hóa ra bà cụ già với một đứa cháu ngoại đang ăn cơm nhờ ánh sáng của nhà bên cạnh hắt sang! Tôi hỏi sao không thắp đèn lên, thì bà trả lời: “Hồi chưa có điện thì cứ mong đứng mong ngồi. Giờ có điện thì lại không dám dùng vì không có tiền”. Tôi hỏi mỗi tháng bà phải trả hết bao nhiêu tiền điện. Trả lời: 15 ngàn đồng. Bà tiết kiệm bằng cách khi xem ti vi thì tắt hết đèn. Cũng thấy có cả quạt nhưng chúng để làm cảnh là chính. Chỉ khi nào có khách hoặc khi đứa cháu gái học bài thì bà mới dùng tí chút và bật chiếc bóng điện duy nhất. Thời gian bình thường hai bà cháu hầu như sống trong bóng tối.
Giả dụ tôi kể lại chuyện này với bất cứ ông cán bộ điện lực nào, họ sẽ bảo tôi bịa. Làm gì có chuyện chỉ mấy chục ngàn bạc mà vẫn không có để mua điện. Dân ta bây giờ có đói ăn nữa đâu, nói thế chả khác nào bôi xấu chế độ? Họ không tin cũng có lý. Với mức thu nhập trên sổ sách, cộng lương thưởng, bổng lộc như mọi người vừa biết qua báo chí, toàn chục, trăm triệu, thậm chí đến cả con số tỷ nọ, tỷ kia, thì 15 ngàn còn thua xa một tờ giấy lộn nếu chẳng may nó vướng vào chân ông bà ngành điện nào đó. Của trời đất thì có hạn, khi anh làm ít hưởng nhiều thì nhất định sẽ có người làm nhiều nhưng hưởng chẳng được bao nhiêu. Còn khi người này hưởng quá nhiều thì người khác nghèo có gì là lạ. Với bà cụ già vừa nhắc đến, nếu tôi đọc cho bà nghe con số lương tháng của quan chức điện lực, hẳn bà sẽ cười như vừa nghe chuyện cổ tích. Trong mơ chả nói chứ làm gì trên đời lại có thứ ngành nghề kiếm bộn tiền dễ thế.
Khổ thân bà già, bà không tin cũng lại có lý. May mà do sống như ở u tì quốc nên bà không bao giờ biết, trong 15 ngàn đồng, số tiền bà cóp nhặt từng hào và phải lận rất sâu trong bao, nhịn ăn nhịn mặc để dành, chỉ giở ra mỗi khi lấy tiền để thanh toán hóa đơn điện, đã có cả một phần tiền mà bà phải trả cho việc ăn chơi, đua đòi, sĩ diện, hư hỏng của các quan chức ngành điện. (Những người chưa kịp hư hỏng xin đừng chạnh lòng). Thêm một phần nữa của số tiền còm cõi đó là bù vào những thua lỗ mà ngành điện định bí mật làm giàu để chia nhau nhưng không thành. Chưa hết, những trăm những ngàn tỷ ngành điện đầu tư sân tenis, xây bể bơi, mua ô tô… để cán bộ nâng đẳng cấp mình lên cho bằng khu vực và thế giới, cũng có phần lấy từ cái bao nhăn nheo, rách nát, cáu bẩn của bà già khốn khó kia.
Giá kể không bị thất thoát, không bị móc túi một cách hợp pháp, có thể bóng đèn nhà bà đã sáng nhiều hơn, hoặc số tiền mỗi tháng bà phải cắn răng moi hầu bao đã rút đi tới vài ngàn! Vài ngàn với bà đủ là một món để dành phòng khi đau ốm! Bòn mót của dân dễ thế thảo nào mà khi Nhà nước có chủ trương phá độc quyền cung cấp điện, ngành điện giãy lên như đỉa phải vôi, tìm cách làm mình làm mẩy.
Độc quyền để tha hồ móc túi khách hàng thì ai chả muốn độc quyền mãi mãi, ai chả muốn hô độc quyền muôn năm!
Có lẽ trên thế giới chỉ ở nước ta mới có loại doanh nghiệp nửa ông nửa thằng như ngành điện lực. Lịch sự mà không được việc là giở thói cùn! Ở vị trí nào họ cũng là thượng đế. Những thượng đế thực sự của các ngành khác thì với ngành điện thật sự chỉ là đám ăn xin. Là khách nhưng đừng hòng có bất cứ quyền gì mà lên mặt tinh tướng đòi hỏi người bán. Muốn làm thượng đế thì lên giời! Cho ba ngày mất điện thì có mà van xin chí chết. Vừa mới thay công-tơ, nay do yêu cầu đồng bộ, hiện đại nên phải thay lại, khách hàng chỉ biết cắn răng móc tiền trả. Mỗi nhân viên ngành điện là một ông quan con, quyền lực chả thua kém gì quan lớn. Họ thích cắt điện, thích đóng điện lúc nào là quyền của họ, cấm hỏi. Nếu làm căng, đòi truy đến gốc thì họ luôn có cả trăm ngàn cái cớ cho họ đổ lỗi. Khách hàng thua toàn diện. Mà nói thế chứ cũng chẳng biết hỏi ai. Cả một nhà máy đang chạy ầm ầm, bụp cái mất điện. Hàng tỷ đồng cũng mất theo nhưng không biết kiện ai. Cũng chẳng thể kiện được ai vì mất điện vẫn được mặc nhiên coi là là tình huống bất khả kháng.
Điệp khúc thiếu điện có lẽ là điệp khúc nhàm chán nhất trong hàng chục năm qua. Năm nào trước mùa khô ngành điện cũng nặn ra được những lời kêu gọi thống thiết mong mọi người hãy chia sẻ với khó khăn của họ. Khó khăn nhất là ít nguồn cung. Vì thế mà bài thuốc cũng rất nhàm là cắt điện luân phiên. Thôi thì đủ thứ lý do. Nào là lũ về muộn, nào là quá tải, nào là hạ tầng phải sửa chữa, sửa chữa quanh năm và không ai có thể biết đến bao giờ, cấm hỏi. Cứ tưởng thế thì nhu cầu mua hàng của ngành điện phải rất nhiều. Cứ nghĩ họ phải chạy theo luỵ lại những người cung cấp hàng cho mình. Nhưng còn lâu nhé. Còn khuya! Độc quyền nhé!
Độc quyền là thế nào? Là anh không mua điện của tôi thì cũng chẳng mua được ở đâu, là anh có điện nhưng tôi biết anh không bán cho tôi thì cũng chả bán cho ai được. Thật là lưỡng lợi! Anh bỏ tiền đầu tư để sản xuất ra điện là việc của anh. Việc không bán được điện ảnh hưởng đến đầu tư tạo nguồn điện mới cũng thây mặc anh. Chả mua chỗ này thì sang chỗ khác, Trung Quốc đang thừa đầy! Khách hàng của tôi đang khát điện là việc của họ. Cả hai đối tượng đều cứ phải bám lấy tôi như bám vào phao cứu sinh. Một đằng mà bực mình buông ra là vỡ nợ, bán nghiệp. Còn một đằng buông ra thì về thời tiền sử! Tôi ở giữa, cái số được thời cuộc cho ăn cả hai phía. Phía có hàng bán thì tôi dìm giá tới bến. Không bán thì cứ để đó mà ôm lỗ! Phía mua điện của tôi thì tôi tha hồ nâng giá. Nâng bao nhiêu họ cũng phải chịu, vì có ai cai điện được đâu. Bằng chứng là qua bảy lần tăng mà tất cả cứ đành phải ngậm bồ hòn khen ngọt sau vài câu eo sèo mình kêu mình tự nghe? Không nâng lấy tiền đâu mà bù lỗ cho những đầu tư ngoài nghề, đầu tư liên doanh với nước ngoài lỗ tới gần 2.200 tỷ đồng. Không nâng giá lấy đâu tiền mà chia nhau… bù vào những vụ hỏng hóc không lấp liếm được nên phải đền.
Nếu có ngành nào cứ muốn duy trì nền kinh tế mệnh lệnh, tức là kéo xã hội về thời bao cấp, thì giơ tay OK đầu tiên chắc chắn là ngành điện. Bằng chứng là năm nào ngành điện cũng kêu lỗ. Nhưng năm nào ngành điện cũng đòi thưởng, còn đòi thưởng to nữa cơ. Sao lại có cái ngành đặc quyền trắng trợn đến thế mà chả bị bất cứ áp lực nào khiến họ phải có chút trách nhiệm với cộng đồng, với những quy định do chính họ đặt ra và với luật pháp?
Trường hợp của bà cụ già nghèo ở quê tôi chưa phải là thê thảm nhất trong số hàng chục triệu khách hàng chung thân của ngành điện lực. Họ đã cắn răng chịu đựng biết bao thiệt thòi để sống với những quy định oái oăm của ngành điện, chỉ vì họ không được lựa chọn.
Liệu trong số những vị đang làm xiếc giá, đang lừa dối nhà nước và nhân dân, thậm thụt lấp liếm những việc khuất tất… của ngành điện, có vị nào từ tâm, tự trọng để một lần tự hỏi: Làm như vậy có nhẫn tâm, độc ác quá với đồng bào của mình?
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta