Nguyễn Hải Hoành
Chế độ dân chủ đa đảng nhưng thực chất là một đảng lãnh đạo – mô hình chính trị sáng tạo độc đáo này của Singapore đang được nhiều nhà chính trị chú ý. Cơ chế nhiều đảng tranh cử vào Quốc hội và chế độ bầu cử trực tiếp để dân chúng dùng lá phiếu của mình bầu đại biểu Quốc hội, qua đó quyết định đảng nào được quyền lãnh đạo đất nước là phương thức tốt nhất để bắt buộc đảng cầm quyền luôn luôn phải thực sự là đội ngũ tiên phong, tiên tiến nhất của xã hội. Hơn nửa thế kỷ đứng vững trong sự thử thách khắc nghiệt của cơ chế này, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã chứng tỏ là đảng cầm quyền tốt nhất thế giới.
|
Máy bay hạ độ cao liệng một vòng qua eo biển xanh thẫm đầy những tàu thuyền rồi hạ cánh xuống sân bay Changi. Đảo quốc Singapore đây rồi! Không ít bà con ta đã có dịp đến thăm quốc gia – thành phố du lịch tuyệt vời cách Hà Nội có hơn 2 giờ bay này. Chắc hẳn ai cũng ưa thích đất nước và con người Singapore.
Trong toán chúng tôi đi có một chị đau chân, tại Nội Bài đã được tiếp viên Hàng không Việt Nam dùng xe lăn đưa lên máy bay và báo cho sân bay Changi biết. Khi ra tới cửa máy bay chúng tôi đã thấy một phụ nữ mặc áo khoác trắng của ngành y đẩy xe lăn lên tận nơi và tự giới thiệu bằng tiếng Anh: “Tôi là Hamidal Salim ở Công ty Dịch vụ Đặc biệt của sân bay đến đón một hành khách Việt Nam đau chân”. Thì ra bên này người ta thuê nhân viên y tế của SATS (Singapore Airport Terminal Services) đưa đón khách cần giúp đỡ chứ không dùng tiếp viên hàng không như ở ta. Chắc vì họ giàu nên mới làm thế được.
Nhìn khuôn mặt chị, tôi hỏi: “Chị là người A Rập?”; “Vâng, tôi là người A Rập Xê út, nước sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới, nhưng tôi thì nghèo và phải sang đây lao động kiếm sống nhiều năm nay!”.
Hamidal làm việc rất chuyên nghiệp và vui vẻ luôn miệng giới thiệu về xứ sở này. Chị dẫn chúng tôi đi ra theo lối tắt, các nhân viên sân bay đều quen biết chị cho nên họ làm thủ tục nhập cảnh cho chúng tôi rất nhanh. Nhân viên sân bay đều là người gốc Hoa hoặc Ấn Độ, rất lễ phép và thân thiện.
Trên đoạn đường đẩy xe ra cổng sân bay, Hamidal vui vẻ kể: Chị có căn hộ riêng, tuy chồng ốm chết cách đây dăm năm nhưng cả 4 con chị hiện đều đi học, con lớn học đại học. Chị giơ 4 ngón tay vẻ hãnh diện: “Bốn đứa con đi học nhé!”. Một bà mẹ làm nghề không cần chuyên môn cao như thế này mà nuôi được 4 con đi học, chắc hẳn lương bổng phải rất khá, phúc lợi xã hội phải rất tốt.
Quả thật đây là đất nước giàu có nhất nhì châu Á: GDP đầu người của Singapore năm 2011 là 50.714 USD, cao thứ 11 trên thế giới, hơn hẳn A Rập Xê út (19.890, thứ 39; số liệu của IMF). (Xin bổ sung: GDP đầu người của Singapore năm 2020 là 93.400 USD, cao thứ 4 thế giới, chỉ sau 3 nước Liechtenstein, Monaco, Luxemburg – theo The World Factbook).
Khi lên taxi từ sân bay Changi, tôi dùng tiếng Trung Quốc hỏi ông lái xe: “Chắc ông là người Trung Quốc?”, ông ta nói ngay: “Tôi người Hoa, không phải người Trung Quốc”. Tôi chữa ngượng: “Nhưng người Hoa và người Trung Quốc trong tiếng Anh đều là Chinese cả thôi mà!”.
Thành phố được quy hoạch tốt, đường sạch bong, rợp bóng cây. Hai bên đường có rất nhiều chung cư cao ốc xây dựng xa nhau, xen lẫn rất nhiều bãi trống đầy cây xanh gây cảm giác thoáng mát. Tàu điện ngầm, xe bus, taxi là phương tiện giao thông chủ yếu. Rất ít thấy ô tô cá nhân, vì ở đây đánh thuế xe riêng cực cao. Do đó chẳng cần đường vượt, cầu vượt chỉ làm xấu, vướng tầm nhìn và nóng thành phố nhiệt đới này (Singapore ở ngay cạnh đường xích đạo). Đi taxi cũng không đắt lắm, trừ khi đi vào giờ cao điểm thì giá tăng 35%, nhằm hạn chế đi lại bằng xe con. Kilômet đầu tiên phải trả 2,5~2,8 SGD (1 SGD tương đương 14 nghìn VNĐ); sau đó cứ mỗi 210 mét phải trả 0,1 SGD. Đường vắng xe và khách bộ hành, vì thế taxi chạy rất nhanh, sau 20 phút chúng tôi đã tới trung tâm thành phố cách sân bay khoảng 20 km.
Singapore có mấy sắc tộc: người Hoa chiếm 77%, người Malay 14% và người Ấn Độ 8%. Ngoài tiếng mẹ đẻ ra, ở đây ai cũng biết tiếng Anh, được quy định là ngôn ngữ hành chính chính thức của Singapore. Ngay từ ngày mới độc lập, lãnh tụ Lý Quang Diệu đã đưa ra quy định công dân nước này phải biết hai thứ tiếng (2 ngôn ngữ chính thức). Cho đến bây giờ vẫn có một số ít người chê bai ông Lý làm thế là đã “tiêu diệt văn hóa dân tộc”. Thực tế cho thấy đây là quyết sách khôn ngoan, có tầm nhìn xa. Thạo tiếng Anh trở thành ưu thế rất lớn của người Singapore trong học hỏi khoa học kỹ thuật cùng văn minh phương Tây, bớt chịu ảnh hưởng của văn hoá Nho giáo, và thu hút đầu tư cùng khách du lịch nước ngoài, bảo đảm sự giao lưu, đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước. Ở châu Á có lẽ đây là nơi có nhiều nét văn minh Âu Mỹ nhất. Mới đây ông Lý Quang Diệu từng nói nước Mỹ có một ưu thế mà Trung Quốc không bao giờ đuổi kịp, đó là người Mỹ dùng tiếng Anh còn người Trung Quốc thi không.
Dường như người Hoa ở đây chỉ thể hiện toàn những mặt tốt đẹp mà chẳng thấy những mặt không đẹp của một dân tộc rất quen biết với người Việt. Chẳng hạn người Singapore không bao giờ vứt rác hoặc nhổ bậy tại các nơi công cộng. Không ai nói to, làm ồn trên tàu xe hoặc tại quán ăn. Một biểu hiện văn minh nữa là hầu như chẳng bao giờ thấy bóng cảnh sát, cho dù bạn có ở đây cả tuần và dạo chơi khắp nơi. Và không bao giờ họ nói thách, kể từ bà bán hoa quả trong chợ. Nếu khách mua mặc cả thì sẽ nhận được câu trả lời: “Người Hoa chúng tôi không bao giờ nói sai giá!”.
Đi taxi ở đây không sợ bị lừa. Người Hoa ngày xưa từng nổi tiếng thành thật, nhưng ngày nay đến Bắc Kinh, Quảng Châu bạn vẫn rất dễ bị hớ nếu không chịu mặc cả.
Trên trang mạng tianya.cn một nhà báo Trung Quốc từng viết: “Giới tinh hoa Singapore tự cho mình là người Hoa đẳng cấp cao, thực ra họ chỉ là quả chuối vỏ vàng ruột trắng, có bộ dạng người Hoa nhưng trong bụng lại coi khinh văn hóa và người Trung Quốc”. Cách đây không lâu một giáo sư Đại học Bắc Kinh, hậu duệ Khổng Tử từng chửi người Hồng Công là “đồ chó” cũng vì nỗi tức giận với dân Hồng Công tự coi mình là người Hoa đẳng cấp cao, dám phê bình hai mẹ con du khách Trung Quốc ăn uống trên tàu.
Quả thật, trên tàu điện ngầm ở Singapore tôi thấy có gắn biển ghi: Cấm ăn uống; phạt 500 SGD (7 triệu VNĐ). Cấm hút thuốc lá; phạt 1000 SGD (14 triệu VNĐ). Cấm mang chất lỏng dễ cháy hoặc gas; phạt 5000 SGD (70 triệu VNĐ). Trên đường phố cũng thấy biển “Cấm nhổ bậy” hoặc “Cấm vứt rác”, phạt 500 SGD (7 triệu VNĐ). Mọi người chấp hành các lệnh cấm ấy rất nghiêm chỉnh, kể cả du khách người Việt Nam. Đường phố và tất cả các nơi công cộng đều sạch sẽ.
Có điều khó hiểu: Vậy ai là người thi hành lệnh phạt? Vì ở Singapore cả tuần tôi chưa hề thấy bóng dáng cảnh sát nào cả. Tất cả dựa vào sự tự giác. Bao giờ người Việt mới có được sự tự giác ấy nhỉ?
Mức sống cao là điều dễ nhận thấy ở đây, thu nhập đầu người Singapore thuộc loại cao nhất thế giới. Giờ đây Singapore đã là một nước phát triển chứ không còn là một nước thuộc “Thế giới thứ ba” hoặc “Nước đang phát triển” nữa tuy họ phải nhập khẩu toàn bộ lương thực thực phẩm, cả đến chiếc bánh mỳ gối cũng thấy dãn nhãn Malaysia sản xuất cùng ngày. Rau quả tươi ngon ê hề nhưng rất đắt – dĩ nhiên so với túi tiền của người Việt. Xứ này không có nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp làm ra 74 và 26% GDP.
Singapore là trung tâm tài chính lớn thứ 4 thế giới, cũng là trung tâm trung chuyển giao thông hàng hải và hàng không lớn hàng đầu toàn cầu. Các dịch vụ này mang lại nguồn thu cực lớn cho nhà nước. Mới đây Singapore lại khánh thành một Trung tâm sòng bạc-giải trí cực kỳ hiện đại trên vịnh Marina.
Tại khách sạn, ông già dọn phòng cho tôi biết mỗi tối làm việc ở đây ông được trả 100 SGD (1,4 triệu VNĐ). Dĩ nhiên giá sinh hoạt đắt hơn ở Việt Nam. Khách sạn loại xoàng phòng 12 mét vuông chúng tôi trọ mỗi phòng đôi có giá 50 SGD (0,7 triệu VNĐ/ một ngày đêm).
Hiện có chừng hơn 1 triệu người nước ngoài như Philippines, Thái Lan, Trung Quốc đến kiếm sống tại Singapore (có hơn 5 triệu dân), vì thế dịch vụ khách sạn và căn hộ cho thuê rất ăn nên làm ra. Mỗi lần ra đường gặp các cô gái Trung Quốc trẻ ăn mặc rất “mát mẻ”, tôi lại nhớ tới tiểu thuyết “Lũ quạ” của nhà văn nữ Trung Quốc Cửu Đan nói về thân phận các cô gái sang đây bán thân kiếm tiền. Một số người Việt cũng sang đây kinh doanh, chủ yếu là mua căn hộ rồi cho du khách hoặc khách chữa bệnh thuê. Nhiều người giàu Việt Nam sang đây chữa bệnh, phải mang theo người phục vụ hoặc phiên dịch, họ phải thuê chỗ trọ hàng tháng.
Dịch vụ du lịch, giáo dục và chữa bệnh là mấy nghề hốt bạc của xứ này. Và họ làm rất tốt các dịch vụ ấy. Giáo dục rất phát triển, trường Đại học quốc gia Singapore nổi tiếng chất lượng tốt. Trường nào cũng xây dựng hiện đại. Sinh viên học sinh phổ thông VN sang đây học khá đông. Chúng tôi vào thăm trường phổ thông trung học nội trú Anh-Hoa (Anglo-Chinese Boarding School), nơi cháu tôi đang học. Tôi có trò chuyện qua loa với thầy chủ nhiệm lớp, một ông trung niên người CH Nam Phi. Trường khá rộng, có 2 bể bơi và 1 sân bóng đá, dù chỉ có chừng 400 học sinh. Được học bổng vào đây học là một vinh dự. Nếu tốt nghiệp thì sẽ có thể được nhà trường cho đi học đại học ở Âu Mỹ. Nhà trường lo toàn bộ việc ăn ở, kể cả giặt quần áo cho học sinh. Ra bài, trả bài đều dùng máy tính, e-mail. Học sinh nào cũng có laptop. Chỉ học sinh nước ngoài mới được nội trú. Mấy tòa nhà ký túc xá nho nhỏ xây trên cột cao, tầng dưới chỉ là lối đi hoặc trồng cây cỏ. Nhiều chung cư ở Singapore xây dựng như vậy, gió không bị cản đường, không gian thoáng đãng.
Đi lại rẻ, thuận tiện nhanh chóng. Tàu điện ngầm ở đây gọi là MRT (Mass Rapid Transit), chạy nhanh, êm, toa tàu đẹp, lịch sự. Ngoài ra còn hệ thống đường sắt nhẹ LRT (Light Railway Transit). Mạng lưới MRT và LRT tỏa khắp nơi, khá tiện lợi. Khách đông nhưng không chen chúc. Công nghệ tin học và tự động hóa được áp dụng triệt để trong mọi khâu phục vụ hành khách; mọi thủ tục mua vé, soát vé đều rất thuận tiện dễ dàng, hơn cả metro ở Paris, Berlin, Rome tôi đã đi năm 2002. Bản đồ thành phố, bản đồ giao thông đều miễn phí cho không, cứ theo bản đồ mà đi không bao giờ lạc. Trên tàu có loa phóng thanh hướng dẫn bằng 3 thứ tiếng Anh, Hoa, Malay. Máy lạnh chạy suốt ngày đêm trên toa tàu và nhà ga, vì đây là xứ nhiệt đới. Tàu xe, nhà ga, nhà công cộng nào cũng mát lạnh, dễ chịu.
So với Hà Nội thì Singapore có số dân bằng 0,80 mà diện tích chỉ bằng 0,212. Không gian sống chật hẹp. Vấn đề nhà ở của dân từng có thời ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội, vì thế chính phủ coi việc giải quyết nhà ở là nhiệm vụ ưu tiên số một. Từ ngày mới độc lập đã chủ trương xây dựng chung cư giá rẻ ưu tiên bán cho hộ nghèo. Họ đã thực hiện 100% dân có nhà ở; 85% dân sống trong các căn hộ giá rẻ, 90% số này là chủ sở hữu căn hộ, chỉ có 10% ở thuê. Gia đình nào cũng có nhà ở riêng của mình, nghĩa là người người đều hữu sản. Nhà riêng được coi là một “cổ phần” của họ trong cái công ty lớn là nhà nước. Năm 2008, Singapore được Liên Hợp Quốc biểu dương về thành tích làm nhà cho dân ở.
Đúng là Singapore có rất nhiều cái hay cái tốt để chúng ta học tập.
Nhưng có lẽ điều đáng học hỏi hơn cả là sự khôn ngoan trong đường lối đối nội đối ngoại của họ.
Biết nước mình đã nhỏ lại nghèo tài nguyên, phải nhập toàn nhu yếu phẩm về ăn uống, người Singapore luôn luôn lo cho sự an ninh của họ. Từ ngày độc lập (9/8/1965) đến nay, nước này đã khôn khéo lựa chọn chính sách ngoại giao lợi dụng được sự cân bằng sức mạnh của các cường quốc để giữ gìn nền độc lập tự chủ của mình. Lãnh tụ Singapore – Lý Quang Diệu từng nói nước ông phải khác với các nước xung quanh, có như vậy mới vượt qua được sự hạn chế về địa lý và tài nguyên thiên nhiên.
Về kinh tế, Singapore tận sức khai thác ưu thế cửa ngõ eo biển Malacca, nơi hầu hết lượng tàu biển thông thương giữa Đông bán cầu với Tây bán cầu phải đi qua. Họ rất chú ý phát triển dịch vụ vận chuyển quá cảnh Âu-Á. Singapore quyết tâm xây dựng thành một trung tâm thế giới về vận chuyển đường biển và trung chuyển hàng không, một trung tâm tài chính của châu Á. Họ dẫn đầu châu Á về tài thu hút đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, một tập đoàn đầu tư của Mỹ đã hoàn thành xây dựng lâu đài sòng bạc lớn nhất thế giới ở đây, có thể đem lại nhiều ngoại tệ cho đảo quốc này.
Về đối ngoại, Singapore chọn đường lối trung lập, mở rộng quan hệ với tất cả các nước khác, trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, tranh thủ mối quan hệ như nhau với các nước lớn. Họ quan tâm nhiều đến mối quan hệ với Mỹ. Đầu năm nay có tin họ cho hải quân Mỹ sử dụng cảng ở Singapore để tiếp tế hậu cần, khiến Trung Quốc rất tức giận. Nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long lập tức xoa dịu: Singapore không phải là đồng minh của Mỹ!
Singapore có hiệp ước liên minh phòng thủ 5 nước (Hiệp ước FPDA) với Anh, Australia, New Zealand, Malaysia. Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Lý Quang Diệu tỏ ra rất khôn khéo. Ông có quan hệ cá nhân thân mật với các nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, nhưng không ngờ, Singapore lại là quốc gia ASEAN cuối cùng lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (3/10/1990), tức 17 năm sau ngày lập quan hệ với Việt Nam (01/8/1973). Là người Hoa nên ông Lý quá hiểu suy nghĩ của người Hoa ở đại lục!
Dư luận Trung Quốc cho rằng Singapore quá khôn ngoan, biết lợi dụng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc để làm lợi cho mình, đồng thời lại rất “cứng rắn” phê phán Bắc Kinh. Vị trí địa lý cửa ngõ eo biển Malacca đem lại ưu thế chính trị cho Singapore. Eo biển dài 805 km này là tuyến hàng hải quan trọng số 1 thế giới, khoảng 1/4 lượng buôn bán quốc tế đi qua đây, trong đó có phần lớn dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu và hàng hóa Trung Quốc xuất đi châu Âu và thế giới. Mỗi năm khoảng 90 nghìn tàu biển qua lại eo biển này đều phải vào cảng Singapore tiếp tế hậu cần. Vì thế Bắc Kinh chẳng dại gì gây sự với Singapore, cho dù có nhà báo Trung Quốc nói Singapore là nước hăng hái chống Trung Quốc nhất. Bắc Kinh từng trông mong vào việc đổ tiền vào việc mở tuyến đường bộ qua Myanmar ra thẳng Ấn Độ Dương, hoặc làm kênh đào KRA cắt ngang một giải đất hẹp ở Thái Lan để tàu bè không cần đi qua eo biển Malacca nữa, qua đó gây khó cho kinh tế Singapore. Nhưng hai việc này lâu nay đều bị xếp xó. Thái Lan chẳng muốn gây sự với láng giềng Singapore. Myanmar thì bắt đầu xa dần Trung Quốc.
Singapore còn rất chú ý tăng cường sức mạnh quân sự. Là nước diện tích nhỏ nhất, tài nguyên thiên nhiên nghèo nhất trong 10 nước ASEAN, nhưng Singapore lại có lực lượng hải quân mạnh nhất. Nhập khẩu vũ khí của Singapore chiếm 4% tổng chi tiêu nhập khẩu vũ khí của thế giới. Chi tiêu quốc phòng trên đầu người cao chỉ sau Mỹ, Israel và Kuwait. Năm ngoái Singapore chi cho quốc phòng 9,7 tỷ USD, chiếm 24% ngân sách hoặc 6% GDP. Ít dân nhưng họ thi hành chính sách giáo dục quốc phòng rất tốt và chế độ nghĩa vụ quân sự nghiêm ngặt, tất cả thanh niên từ 16 tới 20 tuổi đều đi lính nghĩa vụ 2-3 năm, nhờ thế lực lượng quân dự bị rất đông. Hiện nay quân đội Singapore có gần 72 nghìn lính, gồm lục quân 50 nghìn, hải quân 9 nghìn và không quân 13,5 nghìn. Toàn bộ được huấn luyện ở nước ngoài. Singapore có 35 tàu chiến hiện đại, hơn 210 máy bay tối tân nhập của Mỹ, châu Âu. Họ thường tổ chức tập trận chung với Mỹ, Anh, Australia và các nước khác.
Đối nội, lãnh tụ Lý Quang Diệu chủ trương khôn ngoan, mềm dẻo, khi cần lại khá cứng rắn, tới mức trước đây bị phương Tây chê là độc tài. Đảng Hành động của Nhân dân (People’s Action Party, PAP, do ông Lý sáng lập và lãnh đạo từ năm 1954) luôn luôn thi hành đường lối sáng suốt, đã nhanh chóng đưa Singapore trở thành quốc gia giàu có, liêm khiết, mức sống tốt nhất nhì châu Á, nhờ thế PAP có uy tín rất cao trong dân chúng và thắng tuyệt đối tất cả 12 kỳ bầu Quốc hội từ ngày độc lập tới nay.
Vì vậy tuy Singapore theo thể chế dân chủ đa đảng, có khoảng hai chục chính đảng tranh cử Quốc hội nhưng thực tế xưa nay đều do một đảng PAP nắm chính quyền. Thời báo New York gọi chế độ chính trị ở Singapore là “chế độ độc tài nhân từ” (benevolent dictatorship).
Trong kỳ bầu Quốc hội khóa XII tháng 5/2011, PAP được có 60% tổng số phiếu, thấp nhất từ xưa tới nay, nhưng vẫn chiếm 81 ghế. Các đảng khác chiếm 6 ghế; ngoài ra còn 9 nghị sĩ chỉ định, đều là lãnh tụ các đảng đối lập. Kỳ bầu cử này đánh dấu một thất bại của PAP, phản ánh một thực tế là dân chúng bắt đầu có bất mãn với sự lãnh đạo của PAP. Sau đó PAP đã lập tức họp bàn chấn chỉnh đảng.
Nguyên phó Thủ tướng Tony Tan Keng Yam từng là đảng viên PAP cho tới tháng 6/2011 khi nhậm chức Tổng thống thì tự ra Đảng để giữ vai trò trung lập, Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), Chủ tịch Quốc hội Michael Palmer đều thuộc PAP.
Nhưng công chức nhà nước xứ này thì lại không được phép tham gia bất cứ đảng phái nào.Tách chính trị ra khỏi bộ máy hành xử quyền lực là một biện pháp rất thông minh. Đảng chỉ làm phận sự xây dựng đảng, không được dùng quyền lực nhà nước để phục vụ lợi ích của đảng. Chỉ chính quyền mới được sử dụng quyền lực. Đọc báo Singapore, chưa bao giờ thấy quan chức chính phủ nào phát biểu với danh nghĩa thay mặt đảng. Chưa thấy báo đài nào tuyên truyền cho đảng. Các chính đảng chỉ hoạt động sôi nổi mỗi khi sắp tới kỳ bầu cử Quốc hội, nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri.
Chế độ dân chủ đa đảng nhưng thực chất là một đảng lãnh đạo – mô hình chính trị sáng tạo độc đáo này của Singapore đang được nhiều nhà chính trị chú ý. Cơ chế nhiều đảng tranh cử vào Quốc hội và chế độ bầu cử trực tiếp để dân chúng dùng lá phiếu của mình bầu đại biểu Quốc hội, qua đó quyết định đảng nào được quyền lãnh đạo đất nước là phương thức tốt nhất để bắt buộc đảng cầm quyền luôn luôn phải thực sự là đội ngũ tiên phong, tiến tiến nhất của xã hội. Hơn nửa thế kỷ đứng vững trong sự thử thách khắc nghiệt của cơ chế này, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã chứng tỏ là đảng cầm quyền tốt nhất thế giới. Trước đây từng là thuộc địa của Anh Quốc nhưng Singapore hiện nay có thu nhập đầu người cao gấp đôi nước Anh.
Dư luận phương Tây trước đây thường phê phán chế độ chính trị của Singapore dưới sự lãnh đạo của PAP là chế độ độc tài, nhưng trước sự tiến bộ vượt trội có một không hai của xứ này, họ không thể không bắt đầu ca ngợi mô hình Singapore và cá nhân lãnh tụ Lý Quang Diệu. Năm 1973 Tổng thống Mỹ Nixon từng nói đại ý: Singapore là quốc gia được quản lý tốt nhất thế giới và Lý Quang Diệu là người lãnh đạo quốc gia đó. Tổng thống Obama thì ca ngợi Lý Quang Diệu là một trong số những nhân vật huyền thoại của châu Á trong thế kỷ XX và XXI.
Trong bài phát biểu hôm 9/5/2011 tại Viện Broockings (Mỹ), Tiến sĩ Du Khả Bình, Phó Giám đốc Cục Biên dịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Central Compilation & Translation Bureau) một trong những think-tank quan trọng nhất của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, có nói Trung Quốc quan tâm tới mô hình Singapore vì nó vừa bảo đảm kinh tế tăng trưởng bền vững mà về chính trị lại vẫn thực hiện một đảng cầm quyền.
N.H.H.