Cổ thư bị mất, bị hủy hoại, Bộ Văn hóa cũng phải có trách nhiệm!

Chu Mộng Long

Không phải Bộ Văn hóa mà còn nhiều cơ quan nhà nước liên quan đến văn hóa, giáo dục cần có trách nhiệm nghiêm túc về việc mất mát khủng khiếp này. Ngoài cái ý nghĩa quan trọng “di chiếu của tổ tiên” như anh Chu Mộng Long nói, tôi nghĩ, không thể quên rằng kho sách Hán Nôm hiện nay vốn do người Pháp xây dựng nên từ đầu thế kỷ XX sau khi Viện Hàn lâm văn khắc Pháp được chính quyền Pháp ở Đông Dương tán thành cho thành lập Trường Viễn Đông bác cổ Pháp năm 1900 và chính thức đặt trụ sở tại Hà Nội năm 1902 (Thư viện Viễn Đông bác cổ Pháp Hà Nội ra đời năm 1903). Trong gần suốt 45 năm – nếu tính đến cuộc cách mạng tháng Tám 1945 – hoặc 68 năm – nếu tính đến năm 1968 thời điểm Trường này chính thức chuyển từ Pnompenh về Paris – rất nhiều thế hệ trí thức Pháp và Nam trong đó có nhiều nhà lãnh đạo khoa học tên tuổi như Louis Finot, George Cœdès…, nhiều nhà Hán học và Đông phương học nổi tiếng như Paul Pelliot, Henri Maspéro, Paul Demiéville,  Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên…, đã lo thu thập, giữ gìn, bồi đắp cho kho sách Hán Nôm ngày một thêm dồi dào cũng như từ kho sách này đã góp phần giải mã, làm sáng tỏ truyền thống lâu dài của nền văn hóa Việt Nam. Mãi đến năm 1957, sau khi chính quyền VNDCCH về tiếp quản Hà Nội được 2 năm, theo một thỏa thuận giữa hai nhà nước Pháp và Việt lúc bấy giờ, Trường Viễn Đông bác cổ Pháp chấp nhận giao lại khối lượng sách Hán Nôm cho người Việt quản lý và về phía Việt Nam, Bộ Giáo dục do Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng đã thành lập một đội ngũ tiếp quản trong đó có ba trí thức Hán học là Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Hoa Bằng, làm việc ròng rã trong hai năm để tiếp nhận  khối lượng sách Hán Nôm từ trong tay người Pháp, và đó là tiền thân của Viện nghiên cứu Hán Nôm sau này. Trường Viễn Đông bác cổ Pháp hiện tại là một trung tâm quốc tế về Đông phương học lừng lẫy trực thuộc Đại học Pháp, ngoài trụ sở lớn nhất đóng tại Paris còn có đến 18 trung tâm khác ở 13 quốc gia trên thế giới.

Thông tin về việc Viện nghiên cứu Hán Nôm để mất đi hàng trăm bộ sách Hán Nôm quý do mình có trách nhiệm gìn giữ chắc chắn sẽ được truyền báo nhanh chóng đến 18 trung tâm nói trên đây cũng như đến nhiều trung tâm Việt học và Đông phương học khác trên thế giới như một hiện tượng hết sức bất bình thường, đáng nhục nhã hổ thẹn cho cả cộng đồng dân tộc Việt – là phía đã được trao lại cả một kho báu tinh thần vô giá mà vì ngu dốt, kém cỏi nên không đủ trình độ chăm sóc giữ gìn, thậm chí không biết đấy là báu vật; là phía đã phụ lòng rất lớn đối với giới nghiên cứu khoa học Pháp vốn từng lo tìm tòi cất trữ báu vật này giúp mình trong hơn một thế kỷ trước để rồi lúc trao vào tay thì thờ ơ vứt đi; hơn thế nữa, xét đến cùng thì cũng là phía đã vi phạm một luật lệ bất thành văn mà khoa học quốc tế vẫn tuân thủ một cách nghiêm minh, bởi khối lượng sách vở mà mình đánh mất đó thực chất đã được đăng ký trong Thư viện Viễn Đông bác cổ, là tài sản khoa học quốc tế của nhân loại từ rất lâu, mình được giao cho để coi giữ và khai thác thì trước sau mình cũng chỉ là người quản lý mà thôi chứ hoàn toàn không có quyền phá hủy hay đánh mất. Chừng ấy lý do tưởng cũng đủ là bài học cho các nhà quản lý khoa học Việt Nam tìm mọi cách khắc phục sao cho triệt để và… nhớ lấy làm lòng.

Bauxite Việt Nam

Tôi thật sự bàng hoàng khi ông Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Hán Nôm, và trên nhiều báo chí chính thống loan tin: gần cả ngàn cổ thư lưu trữ tại Viện Hán Nôm bị mất và bị hủy hoại!

Tin này khủng khiếp hơn tin nhà chung cư bị cháy, ngang động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và chiến tranh ở Ukraine!

Cổ thư không giống như những tập sách của Hội Nhà văn. Sách kém chất lượng có thể thanh lý hoặc bán giấy lộn, không ai luyến tiếc. Nhưng cổ thư lưu trữ đến ngày hôm nay là linh hồn của cha ông, trong đó không chỉ là văn chương mà còn là triết luận, lịch sử, địa chí, phong tục tập quán, nói gọn là di chiếu của tổ tiên, chứng tích của chủ quyền. Để lưu trữ đến ngày hôm nay sau mấy cuộc chiến tranh tàn phá, còn là mồ hôi nước mắt của không biết bao nhiêu người yêu giống nòi sưu tầm, gom tụ lại. Sách vở hiện đại mất có thể làm lại bằng phương tiện hiện đại. Cổ thư là di sản, mất bản gốc là mất vĩnh viễn, không thể phục hồi, ngang bằng một dân tộc bị mất gốc!

Vô trách nhiệm với di sản chữ nghĩa của cha ông là tội ác tày đình!

Tôi thật ngạc nhiên khi thấy lãnh đạo Viện Hán Nôm xem sự mất mát hư hỏng di sản như là không liên quan đến tài sản của mình, lại xem người chia sẻ thông tin ra ngoài như là tội phạm! Cần xem lại lãnh đạo Viện có phải là người Việt không?

Bài trước, tôi nói trách nhiệm đầu tiên thuộc về Viện trưởng Viện Hán Nôm. Bài này tôi nói thêm, đây còn là trách nhiệm của Bộ Văn hóa. Bộ Văn hóa có trách nhiệm bảo tồn di sản, không thể làm ngơ trước sự mất mát, hủy hoại của di sản.

Lẽ nào chùa chiền mới xây mới toanh trên xác chết của núi rừng đã vội vàng xếp hạng di sản, trong khi cổ thư là di sản đích thực của cha ông thì lại để thất tán một cách vô trách nhiệm?

Chùa chiền thu được tiền thì mới bảo tồn, còn cổ thư không thu được đồng nào thì… kệ xác cha ông chúng mày?

clip_image002

clip_image004

clip_image005

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Chu Mộng Long, Di sản văn hóa, Sách Hán Nôm. Bookmark the permalink.