Trung Quốc và chiến lược ‘chiến tranh hỗn hợp’ toàn cầu

Kevin AndrewsEpoch Times

Thanh Hải biên dịch

Chúng ta từng được cảnh báo rằng chiến tranh sẽ nổ ra trong vài năm tới.

clip_image002

Một màn hình ngoài trời chiếu bản tin trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên khai mạc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân, dọc theo một con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 5/3/2023.(Ảnh: Jade Gao/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, cảnh báo trên không đến từ Thủ tướng Úc, cũng không phải từ Bộ trưởng Quốc phòng hay Tổng tư lệnh lực lượng quốc phòng Úc. Cảnh báo đó cũng không đến từ Tổng thống Mỹ.

Chính lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại trên.

Theo tờ Nhân dân nhật báo, vào tháng 11/2022, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) "tập trung toàn lực tác chiến" để chuẩn bị cho chiến tranh.

Xuất hiện trong bộ quân phục trong chuyến thăm trụ sở chỉ huy PLA, ông Tập tuyên bố quân đội nước này phải "cải thiện toàn diện việc huấn luyện quân sự để sẵn sàng cho xung đột".

"Hãy tập trung toàn lực [của bạn] vào cuộc chiến, chiến đấu hết mình và cải thiện khả năng chiến thắng của [bạn]", ông nói. Quân đội cũng phải "kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc gia" khi đất nước phải đối mặt với một "tương lai bất ổn và không chắc chắn".

Hôm 5/3, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường cũng củng cố những cảnh báo của ông Tập trong báo cáo công tác chính phủ cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình trước cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.

“Những nỗ lực từ bên ngoài nhằm trấn áp và kiềm chế Trung Quốc đang leo thang. Các lực lượng vũ trang nên tăng cường huấn luyện quân sự và sẵn sàng chiến đấu", báo cáo cho biết.

“Lực lượng vũ trang Trung Quốc nên dành nhiều năng lượng hơn cho việc huấn luyện trong điều kiện chiến đấu và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu”.

“Các lực lượng vũ trang của chúng ta, tập trung vào các mục tiêu kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2027, nên nỗ lực tiến hành các hoạt động quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và xây dựng năng lực quân sự”.

Nhận xét của ông được đưa ra trong bối cảnh ĐCSTQ tuyên bố tăng 7,2% chi tiêu quân sự.

Mối đe dọa của đạo đức giả

Sau những nhận xét của ông Lý Khắc Cường là lời đe dọa từ tân Ngoại trưởng Tần Cương. Ông cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ không “hãm phanh” thì sẽ có những "xung đột và đối đầu". Đồng thời, tân Ngoại trưởng Trung Quốc cũng ca ngợi mối bang giao của Bắc Kinh với Moscow.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đã mô tả các cụm từ như "bẫy nợ của Trung Quốc", "các quy tắc của trật tự quốc tế" và "dân chủ so với chủ nghĩa độc tài" là "những chiếc bẫy tường thuật" do Washington dựng lên để đáp trả nhận xét của ông Tần Cương. Tuy nhiên, trên thực tế chính ông Tập đã đề cập đến một cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa chế độ độc tài và dân chủ, trong đó ông khẳng định rằng Trung Quốc sẽ thắng thế.

Năm ngoái, ông Tập nói với đại hội đảng rằng ông sẽ không bao giờ loại trừ việc sử dụng vũ lực để hoàn thành mục tiêu "thống nhất" Đài Loan.

Giới quan sát có thể kết luận rằng những luận điệu này chỉ là một ví dụ khác của chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến mà ông Tập và nhóm của ông thỉnh thoảng thốt ra.

Và đương nhiên đó cũng không phải là lần đầu tiên Tổng Bí thư ĐCSTQ yêu cầu các quan chức PLA tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Cũng cần nhấn mạnh đến sự lố bịch của quan điểm cho rằng “những nỗ lực từ bên ngoài nhằm đàn áp và kiềm chế Trung Quốc đang leo thang”, bởi vì chính ĐCSTQ đang tiến hành các hành động thù địch trắng trợn với các nước láng giềng.

Danh sách các cuộc ‘chiến tranh không giới hạn’ của ĐCSTQ

Trung Quốc có thể không tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu cộng đồng quốc tế không coi các hành động của ĐCSTQ là một cuộc chiến hỗn hợp để đối đầu với phương Tây.

  1. Thứ nhất là hành vi gây hấn, bao gồm các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ ở dãy Himalaya; quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông; đánh chặn máy bay và tàu thuyền nước ngoài ở vùng biển quốc tế; thậm chí phóng tên lửa qua Đài Loan và hạ cánh xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trong tất cả các trường hợp kể trên, ĐCSTQ đều là kẻ xâm lược.
  2. Thứ hai, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động trong “vùng xám”, đặc biệt là ở Biển Đông gần các đảo của Philippines.
  3. Thứ ba, ĐCSTQ đang tiến hành một cuộc tấn công mạng quy mô lớn chống lại phương Tây, bao gồm cả Úc.
  4. Thứ tư, ĐCSTQ có nhiều tiện ích giám sát thu thập thông tin, từ ứng dụng Tik Tok cho đến camera giám sát có khả năng truyền tin về Trung Quốc.
  5. Thứ năm, có nhiều nguồn tin đáng tin cậy về việc Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử ở Canada và Quần đảo Solomons.
  6. Thứ sáu, ĐCSTQ đã và đang xây dựng cảng và các căn cứ khác cho cả tàu thương mại và tàu quân sự ở những vị trí chiến lược.
  7. Thứ bảy, ĐCSTQ đã tham gia vào một hoạt động lâu dài nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ từ phương Tây và có một số cá nhân đã bị kết án về hành vi này.
  8. Thứ tám, các đặc vụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương ĐCSTQ hoạt động trong cộng đồng người Hoa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Họ đã và đang do thám người Hoa ở hải ngoại và tuyên truyền chương trình nghị sự của ĐCSTQ.
  9. Thứ chín, các Viện Khổng Tử của ĐCSTQ đã phổ biến tuyên truyền ủng hộ ĐCSTQ ở các quốc gia phương Tây, trong đó có Úc.
  10. Thứ mười, ĐCSTQ bác bỏ luật pháp quốc tế, sử dụng các biện pháp cưỡng chế kinh tế như một công cụ chiến lược và cố tình phá vỡ các thỏa thuận không còn phù hợp với mục đích của họ.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn thực hiện nhiều hoạt động khác, từ chính sách ngoại giao “chiến lang” cho đến tuồn ma túy fentanyl bất hợp pháp vào Hoa Kỳ và ủng hộ các chế độ độc tài khác, tiêu biểu là Nga.

Tuy nhiên, tất cả những hành động trên không có nghĩa là ĐCSTQ sắp xâm chiếm Đài Loan, vì họ còn nhiều lý do để cân nhắc một cách thận trọng. Nhưng nếu cộng đồng quốc tế bỏ qua cuộc chiến hỗn hợp mà ĐCSTQ đang tiến hành thì chính là một hành động thiếu khôn ngoan.

Hôm 13/3, Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên AUKUS (gồm Anh, Úc và Mỹ) đã công bố chi tiết thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sau cuộc gặp 3 bên diễn ra tại San Diego (tiểu bang California, Mỹ). Hiệp định này nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đây được cho là một phản ứng cần thiết đối với các thách thức an ninh trong khu vực, đồng thời trở thành một phần của chiến lược rộng lớn hơn để ngăn chặn cuộc chiến hỗn hợp của ĐCSTQ.

K.A.

Ngài Kevin Andrews phục vụ trong Quốc hội Úc từ năm 1991 đến năm 2022 và từng giữ nhiều chức vụ trong nội các, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nguồn: NTDVN.net

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.