Dương Tường (1932-2023): Người nghệ sĩ chọn cái đẹp để đứng thẳng trong cuộc đời ‘bất an’

25 tháng 2 2023

Cập nhật 26 tháng 2 2023

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Dương Tường trong hình bìa một cuốn sách của ông

ẢNH: CODET HANOI. Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Dương Tường trong hình bìa một cuốn sách của ông

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (sinh năm 1932), vừa qua đời ở Hà Nội, để lại niềm thương tiếc lớn cho bạn bè văn nghệ sĩ Việt Nam.

Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội tiếng Việt từ hôm 24/02/2023 ca ngợi tài năng, và quan trọng hơn cả là nhân cách của ông Dương Tường, người đã sống qua những giai đoạn khó khăn nhất của văn nghệ sĩ tại miền Bắc Việt Nam sau Kháng chiến chống Pháp, và thời kỳ sau này.

Nhà báo Phạm Tường Vân, người từng phỏng vấn ông Dương Tường năm 2002 để ghi lại chân dung của một thế hệ đang dần mất đi, vừa viết trên Facebook cá nhân:

"Dương Tường là nhân chứng sống của một thời đại đầy biến động trong sử Việt. Ông từng cầm súng thời kháng chiến chống Pháp với biết bao lý tưởng, lại có bạn bè là tầng lớp tinh hoa của Hà Nội những năm chiến tranh và Đổi mới.

Những trí thức tinh hoa thập niên 1950- 1960 ngày ấy đều tài hoa, đam mê và trong sáng. Những người ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đề cao tự do sáng tác, phản tỉnh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại đều nhận về biết bao oan khuất – những bi kịch mà thời nay không thể nào hình dung nổi: người chịu mấy năm tù không án người phải bán máu nuôi gia đình. Ông Tường ngồi đó, chứng kiến bạn bè lần lượt bị người ta đến, mang đi."

Nỗi sợ bị đàn áp ở những người như Dương Tường là thường trực, và "những ngày u tối đó, ông Tường luôn chuẩn bị sẵn một tay nải. Nhưng ngày ấy chưa bao giờ đến. Ông đã đón chờ nhưng nó không đến", bà Phạm Tường Vân viết.

Có vẻ như vì không bị tù đày, cái "án thân thế, lý lịch" một thời hóa ra vẫn còn gắn với số phận dịch giả tài hoa cho đến khi ông tạ thế tuần qua:

"Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Từ tuổi thanh xuân cho đến nay, ông đã ở tuổi 92. Bởi vậy, khi bạn bè đã "mãn hạn", đã được trả lại tự do, được phục hồi danh dự thì ông vẫn chưa. Đó chính là tảng đá đè nặng trong tim – điều ông luôn cảm thấy day dứt so với những bạn bè từng trải qua kiếp nạn của mình. Nỗi day dứt của một người tử tế."

Di sản đồ sộ hiếm có với một cây bút ở Việt Nam cả đời mà ông Dương Tường để lại đã bao trùm cả mảng sáng tác tự do về thơ, họa, dịch văn chương nước ngoài, phê bình văn học và truyện ký.Ông làm những việc đó trong khi không gian nghệ thuật – tư tưởng của gần 100 triệu người vẫn tiếp tục cần được mở ra để làm mới, tìm cái đẹp của riêng mình, đồng thời vẫn luôn giằng co, đối thoại với xu thế giám sát, áp chế chặt chẽ ở Thế kỷ 21.

Dương Tường chọn sự im lặng như một thủ pháp sống và chọn cái đẹp như nhãn quan riêng khi đối thoại với những điều xấu, nặng nề.

BBC News Tiếng Việt đăng lại bài phỏng vấn nhà báo Phạm Tường Vân thực hiện từ lâu với ông Dương Tường nhưng chỉ mới giới thiệu trên Facebook cá nhân:

Phạm Tường Vân: Ông đọc sách rất nhiều, đọc "Phía Tây không có gì lạ" (Erich Maria Remarque) lấy từ tay lính Pháp từ rất sớm. Điều đó không ngăn ông bước vào cuộc chiến với tư cách người cầm súng?

Dương Tường: Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ –  và vẫn khẳng định – Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ hoàng kim của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống lại thời đó một lần nữa, tôi vẫn hành động như cũ nghĩa là bỏ nhà đi bộ đội. Suốt những năm đi lính, tuyệt nhiên không hề có ý định rời quân ngũ. Có lần ốm trên đường hành quân vào chiến dịch, tụt lai sau cả tuần, đã quyết đuổi theo đơn vị bằng được. Đi bộ hơn 300 cây số từ Đô Lương (Nghệ An) đến Hoà Bình để tìm đơn vị mà không mảy may có ý định rẽ về thăm nhà. Mỗi ngày chạy bộ gần 30 cây đuổi theo đơn vị, bị máy bay rượt suýt chết.

Đến chiến tranh chống Mỹ thì tôi phản tỉnh. Cho đến giờ tôi vẫn thấy chiến tranh chống Pháp là một thời kỳ tuyệt đẹp. Người ta sống với nhau đầy tình người.

Phạm Tường Vân: (Vụ) Nhân Văn là chuyến tàu chở sự vỡ mộng lớn nhất của văn nghệ sĩ- trí thức sau hoà bình lập lại. Nhóm xét lại: Vũ Thư Hiên, Dương Tường Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh, Mạc Lân… là chuyến tàu thứ hai. Có phải vì các ông đi theo kháng chiến nhanh quá, đi vì mỹ cảm chứ không phải…?

Rất thành thật, hoàn toàn vì lý tưởng! Các thế hệ sau khó mà hiểu được cái không khí hồi đó. Say lắm. Không bao giờ có lại thời kỳ dám bỏ tất cả, dám đốt cả Hà Nội mà đi chiến đấu như thế.

Phạm Tường Vân: Thời kỳ ông tự đặt ra với mình nhiều câu hỏi nhất là bao giờ?

Những năm 60, sau vụ Nhân Văn, Xét Lại.

Phạm Tường Vân: Câu trả lời chung là gì?

Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại. Và mọi thứ chủ nghĩa đều là không tưởng, con người bịa ra thứ đó để mà dối lừa nhau mà thôi.

Phạm Tường Vân: Phản ứng của ông?

Tôi gần như bị tâm thần. Tôi phải tự chữa trị bằng nghe nhạc, chủ yếu là nhạc cổ điển. Tôi gọi đó là nhạc liệu pháp (musicotherapy)

Phạm Tường Vân: Thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, bi kịch ập đến với các ông. Trong khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn đã bị gọi tên. Sao ông không bị bắt?

Nếu ở Hải Phòng hay một tỉnh nhỏ nào khác, chắc tôi có kết cục giống Bùi Ngọc Tấn. Thấy Vũ Thư Hiên, Kiến Giang, Vũ Huy Cương "đi", tôi, Mạc Lân, Xuân Khánh cũng khăn gói chuẩn bị đón khả năng xấu nhất. Nhưng chờ mãi không thấy bắt. Có lẽ họ bắt mấy người tiêu biểu. Mà bắt thế đã là quá nhiều rồi!

Phạm Tường Vân:Ông chuẩn bị những gì?

Ba lô, vài bộ quần áo, dăm quyển sách, nếu lọt thì có cái giải khuây.

Phạm Tường Vân: Ông trả lời với chính quyền như thế nào về những người bạn "khả nghi" của mình?

Câu trả lời luôn là: "Đó là những người bạn tốt nhất của tôi, thương tôi nhất. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng không tin họ là người xấu!"

Phạm Tường Vân: Một điều khó hiểu là ông có thể chơi với những người rất "khắc" nhau. Ví dụ như Trần Dần với Văn Cao chẳng hạn, hai người từng chung nhóm Nhân Văn, ở chung một góc phố, vậy mà chẳng bao giờ giáp mặt?

Họ không chơi nhưng rất trọng nhau. Tôi rất thân với cả hai, tôi biết. Lần nào tôi đến chơi, Văn Cao cũng nhắc đến Trần Dần Và ngược lại. Dần bảo: "Thằng Văn nó chưa đẻ nhưng nó là voi, đẻ rất to!" Hôm đám tang Văn Cao, Trần Dần chống gậy đến ngồi như pho tượng. Giữa họ có những vướng mắc do thời cuộc chứ hoàn toàn không phải vấn đề tư tưởng hay quan điểm.

Phạm Tường Vân: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có một câu tổng kết buồn để biện minh cho những thành quả ít ỏi của thế hệ mình: "Thế hệ có tất cả. Vậy mà lại mất tất cả. Một thế hệ trắng tay". Ông nghĩ sao?

Một thế hệ của những tinh hoa bị bỏ phí, bị hắt hủi và làm cho biến dạng. Nhưng bảo là ít đóng góp thì chưa chính xác: một vài người trong số họ cũng đã tạo ra một vài ảnh hưởng có tính tác động trong dòng chảy chung của văn học nước nhà. Và điều này thì gần như chắc chắn: "đó là thế hệ nhiều đam mê và trong trắng nhất".

Phạm Tường Vân: Tôi nói điều này, xin ông đừng giận: có cảm giác: ông chưa vào tù nhưng ông chưa bao giờ được ra tù! Chẳng thà hồi đó người ta bắt ông, nhốt vài năm rồi thả, ông còn được hưởng niềm vui mãn hạn. Đằng này, lúc nào ông cũng sống trong cảm giác của những ngày chờ đợi.

Không đáp, chỉ gật đầu.

Phạm Tường Vân: Và lúc nào cũng "giật mình một cái vỗ vai"?

Dù là những lúc vui nhất, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy yên ổn. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái tâm thái bất an mà tôi gọi là angoisse khi nói chuyện với một nhà báo nước ngoài hồi đầu những năm 1980. Một thứ ám ảnh hồ như pre-apocalyptic, tiền-khải huyền, nơm nớp lo sợ một bất hạnh thình lình ụp xuống. Thấy cháu gái mình thông minh, 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, ngữ điệu rất hay, hạnh phúc lắm nhưng ngay lập tức cái angoisse ấy lại ập đến. Xã hội đầy bất trắc, cái gì chờ nó ngày mai?

Tôi còn có một thói quen xấu: tích trữ giấy một mặt. Xưa kia toàn viết giấy xám xịt, có được tờ giấy trắng (như giấy A 4 bây giờ) hoặc pơ-luya là quý như vàng, bình thường không dám viết, chỉ dành cho dịp nào thật đặc biệt, chẳng hạn khi làm được bài thơ nào thật ưng ý mới dám trịnh trọng chép lên. Tôi giữ lại tất cả giấy loại, cái nào còn trắng một mặt là giữ lại, mặc dầu rất hiếm khi dùng đến. Dù bây giờ viết bằng máy tính nhưng cứ phòng sẵn 5- 6 cái bút mới yên tâm. Và tăm nữa. Trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một cây (ông móc túi lấy ra cây tăm tre!). Hoàn toàn vớ vẩn, những cái đó! Giấy bây giờ đầy, tăm thì đâu chẳng có. Chẳng qua sống trong cùng quẫn quá lâu nên thành một tâm lý lúc nào cũng lo thiếu thốn, sợ khi hữu sự, không có cái mà dùng!

Phạm Tường Vân: Dường như ông trốn vào những lĩnh vực ít phải bày tỏ chính kiến, những lĩnh vực khá khó tiếp cận đối với các nhà chức trách để ít bị bắt bẻ như hội họa. Và lựa chọn khôn ngoan này khiến ông còn "lành lặn" đến bây giờ? Cũng nhờ vậy mà ông cũng góp phần tạo nhiều sân chơi quốc tế cho hội họa đương đại Việt Nam vào cuối thế kỷ 20.

Đúng. Tôi tự bảo mình: kiềm chế đi một tí, và ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên. Mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi.

Phạm Tường Vân: Ở nhà, ông là người thế nào?

Ở nhà tôi luôn bị mắng vì tội ăn dè làm vợ con phát bực. Cả đĩa thịt, tôi chỉ chọn mấy miếng nhỏ. Lúc nào cũng cảm thấy mình có lỗi. Mình nuôi con không bằng người. Chỉ được về mặt văn hóa, còn những cái khác thua kém hết. Đôi lúc thấy cháu mình được nuôi nấng đầy đủ, thấy vui lắm nhưng chỉ một lúc cái angoisse lại đến. Điều này chẳng đứa con nào của tôi hiểu được.

Phạm Tường Vân:Trong cuốn "Rừng xưa xanh lá"ông Bùi Ngọc Tấn "tố" ông là người đầu têu rủ bạn bè văn nghệ sĩ trí thức đi bán máu nuôi gia đình?

Tôi chỉ rủ Mạc Lân và Châu Diên thôi.

Hồi đó tôi được ưu ái cấp cho một cái thẻ cho máu (viết tắt là TCM) tức là được công nhận là cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện. Mỗi lần bán máu, ngoài tiền (50 đồng 100cc), còn được cấp các phiếu đường, thịt, đậu. Tôi mang tất về nộp vợ.

Phạm Tường Vân: Ông đã bán bao nhiêu lít máu tất thảy?

Không thể tính được. Hơn một năm, cứ hai tuần 1 lần, trung bình 250 cc. Lúc cấp bách thì tuần/lần, lần đạt "kỷ lục" nhờ Lê Phát giới thiệu với trưởng phòng huyết bệnh viện Việt-Đức thì được ưu tiên bán 300 cc.

Phạm Tường Vân: Hồi đó ông nặng bao nhiêu?

Hơn 40 kg.

(Lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, ra phố Hàng Bài, ông cân thử, kết quả: 53 kg cả giày lẫn áo bông, thế mà vẫn hơn cái thời bán máu hẳn 12 kg!)

Vụ này, Bùi Ngọc Tấn tưng tửng kể: "Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân. Phái hai vại, Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn khác quay cả lại: «Hôm nay tao uống máu thằng Tường!"

Phạm Tường Vân: Ngoài bán máu ra, ông còn có những cách nào khác để qua cơn bĩ cực?

Cũng có một số cách khác tuy không đàng hoàng lắm nhưng lương thiện: Vợ Mạc Lân là nhân viên mậu dịch bán ở quầy thuốc. Tôi đi khám bệnh, xin đơn, đưa ra vợ Lân ghi hóa đơn từng ấy thứ thuốc rồi đem về cơ quan thanh toán, cộng cả tiền bồi dưỡng ốm. Bệnh thật, chỉ có chữa là giả. Mà với những cơ thể suy dinh dưỡng trầm trọng của chúng tôi hồi đó, chẳng lúc nào thiếu bệnh. Một cách nữa là bán thuốc lá cho căng-tin, tiêu chuẩn công đoàn chia mỗi người được 3-4 bao mỗi tuần theo giá cung cấp, cố nhịn dành được 2 bao đem ra bà hàng nước. Bán cũng không dễ, phải phục cho đến khuya, vắng vẻ mới dám thò thuốc ra.

Tôi nghiện thuốc nặng nhưng chỉ dám hút thuốc lá cuộn, trong gạt tàn chẳng có cái đầu mẩu nào vì tất cả đều được gom gop tích lại, lúc bí đem xé ra vấn đi vấn lại. Cách nữa là tranh thủ nhịn cơm tiêu chuẩn, bớt được bữa nào thì bớt, dư ra phiếu nào bán lại cho nhà bếp lấy tiền đưa vợ đong gạo. Đến nhà người thân tình cứ nhè vào bữa cơm. Chuyện văn chương, triết học cứ đến bữa lại nở như ngô rang, bà chủ bưng cơm lên, mời rơi mình một tiếng. Lấy cớ nói nốt câu chuyện, vừa ăn vừa "làm khách" để giữ sĩ diện nên chỉ dám làm một bát. Thôi thì cầm hơi cho qua ngày, vợ con cũng đỡ được một suất. Nhưng xong rồi thì ngượng lắm!

Phạm Tường Vân: Có khi nào ông ước mình là công dân nước khác?

Khi sang Mỹ, tôi thấy đây quả là một đất nước của tự do và có cảm giác là nếu ở đó, mình sẽ làm được nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi ước mình là công dân một nước khác. Tôi không thể sống được ở một nơi nào ngoài Việt Nam.

Phạm Tường Vân: Đã bao giờ ông có ý định tự sát?

Không bao giờ.

Phạm Tường Vân: Khi cực kỳ phẫn uất hay khinh bỉ, ông hành xử thế nào?

Dương Tường Im lặng.

Phạm Tường Vân: Khi thất vọng về ai đó?

Không chơi nữa. Có những người ngay từ đầu đã không chơi được

Phạm Tường Vân: Cảm giác đỉnh cao của sự "không chơi được"?

Buồn nôn.

Phạm Tường Vân: Ông đã gặp mấy người như thế?

Nhiều. Xin đừng bắt tôi phải nêu tên.

Bài do nhà báo Phạm Tường Vân thực hiện ngày 23 tháng chạp Nhâm Ngọ 2001-2002.

————-

Xem thêm:

Nhà văn Bùi Ngọc TấnNgười chăn kiến

Một đánh giá mới về Nhân Văn – Giai Phẩm

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ

Nhà thơ Hoàng Cầm trả lời BBC

Nhà văn Thuận nói về Trần Dần (video)

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Dương Tường, Văn nghệ sĩ miền Bắc. Bookmark the permalink.