Nguyễn Văn Đáng
Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách
Cuộc gặp gỡ đầu năm nay của mấy anh em “người nhà nước” chúng tôi ngẫu nhiên đi đến một đề tài quen thuộc: kết quả xếp loại lao động năm trước.
Một người trong nhóm kể lại, chị vừa mất danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" vì không đủ phiếu bầu, dù kết quả công việc của chị vượt xa đồng nghiệp, và chị không vi phạm gì. Một số người khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự ở cơ quan họ.
Năm này qua năm khác, tình huống tréo ngoe về những người có thành tích tốt nhưng lại không đạt danh hiệu tương xứng chỉ vì thiếu phiếu bầu, hoặc những người có thành tích mờ nhạt vẫn được vinh danh nhờ đủ số phiếu theo quy định đã không còn là chuyện lạ. Nhưng năm nào chủ đề phiếu bầu thi đua cũng được bàn tán, trong nỗi thắc thỏm biết đâu một ngày mình cũng rơi vào cảnh trớ trêu như vậy.
Chúng tôi đành chấp nhận thực tế, kết quả lao động xuất sắc thôi là chưa đủ. Cá nhân phải đạt được kết quả đó trong sự yêu mến, ghi nhận của tập thể. Vì thế, bên cạnh nỗ lực trong công việc, cần chú ý hơn đến phiếu bầu. Nhưng cũng có người sau nhiều lần trượt danh hiệu, đã cực đoan tuyên bố không quan tâm đến chuyện thi đua nữa.
Những tình huống "trái ngang" liên quan đến phiếu bầu danh hiệu thi đua có thể chỉ là các trường hợp cá biệt, thể hiện sự duy tình của lá phiếu khi nó được trao vai trò quan trọng đối với việc đánh giá quá trình làm việc của công, viên chức. Tâm lý, cảm xúc cá nhân, thậm chí một thông tin lan ra ngay trước ngày bình bầu đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành vi của người bỏ phiếu. Do đó, số phiếu mà cá nhân nhận được có thể là kết quả của vô vàn yếu tố nhất thời chứ không nhất thiết phản ánh chính xác, khách quan về năng lực hay kết quả làm việc trong thời gian dài.
Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định số 262, ban hành năm 2014. Điểm mới thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là nhóm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, là kết quả bỏ phiếu không chỉ dùng để tham khảo, mà còn được sử dụng để làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm, và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ.
Điều khoản số 11 của Quy định 96 rất cụ thể và chặt chẽ: những cán bộ có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp có thể được xem xét cho thôi giữ chức vụ, bố trí công tác khác, đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì có thể bị miễn nhiệm, bố trí công tác khác ở vị trí thấp hơn.
Ưu điểm của việc lấy phiếu tín nhiệm là sẽ buộc mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chú ý hơn đến uy tín, ảnh hưởng, và hình ảnh của mình từ góc nhìn của người khác. Khi biết được tầm quan trọng của kết quả lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cán bộ không chỉ phải nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn phải coi trọng việc xử lý các quan hệ liên cá nhân, cả trong và ngoài đơn vị.
Tuy nhiên, do tính "phi lý tính" của hành vi bỏ phiếu, người đạt tỷ lệ phiếu cao có thể do được thiện cảm nhất thời, chứ không hẳn phản ánh thành tích của họ trong công việc. Nghĩa là, đơn vị đối diện với nguy cơ người tham gia bỏ phiếu phớt lờ năng lực cá nhân và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được bỏ phiếu.
Từ năm 2018, Nghị quyết số 26 khóa XII nhận định "Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến". Bởi thế, Nghị quyết số 28 khóa XIII yêu cầu: "Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều… phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể".
Theo Quy định 96, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như một công cụ cần thiết để điều chỉnh hành vi của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng do mọi cuộc bỏ phiếu đều đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố dẫn đến kết quả sai lệch, Quy định 96 "Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ".
Tuy nhiên, thực hiện được yêu cầu này trên thực tế là việc không hề đơn giản.
Theo tôi, để gia tăng tính khách quan và độ chính xác cho các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, yêu cầu hàng đầu là minh bạch thông tin về kết quả, chất lượng công việc của người được bỏ phiếu. Để kiểm soát nguy cơ bỏ phiếu tùy tiện, duy ý chí, cần hoàn thiện quy định về việc giám sát, điều tra các kết quả bỏ phiếu mỗi khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Và điều quan trọng nhất giúp cải thiện chất lượng các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là cung cấp được hệ tiêu chí cụ thể, lý tính, lượng hóa để đánh giá cán bộ gắn với vị trí và vai trò mà họ đảm nhiệm. Theo đó, căn cứ đối với nhà lãnh đạo là những thay đổi tích cực họ tạo ra cho đơn vị, tổ chức, hoặc địa phương. Kỳ vọng với nhà quản lý là các quyết định để đạt được những mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Một bản kết quả đánh giá theo vai trò cần trả lời được các câu hỏi cụ thể: trong vai trò lãnh đạo, sau thời gian công tác, cá nhân đó đã tạo ra được những thay đổi gì cụ thể, tác động tích cực thể hiện ra sao… Với vai trò quản lý, cá nhân đã đưa ra những quyết định gì, hành động như thế nào để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo.
Sự phát triển của các ngành khoa học quản trị, quản lý hành chính công trên thế giới, tôi tin, đảm bảo cung cấp công cụ để lượng hóa kết quả ở mọi vị trí công việc, giúp gia tăng tính chính xác cho các lá phiếu tín nhiệm.
Vấn đề là lựa chọn của mỗi đơn vị: tìm cách chi tiết hóa và lượng hóa các tiêu chí đánh giá để bỏ phiếu tín nhiệm trở thành hành vi có trách nhiệm hay tiếp tục trao cơ hội cho những lá phiếu duy tình?
N.V.Đ.
Nguồn: VNExpress