Nguyễn Văn Lung
“Trông người mà ngẫm đến ta” Bauxite Việt Nam |
Kỳ 1: Lợi ích chính trị cao hơn khi chỉ tập trung “chống” thay vì “phòng”.
Thấy gì từ một bộ phim tuyên truyền?
Đầu năm 2022, các đài truyền hình Trung Quốc công chiếu Zero Tolerance – một phóng sự năm kỳ với mục tiêu ban đầu là kể về sự thành công “thần kỳ” của chiến dịch chống tham nhũng hơn 10 năm qua tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiệu quả đại chúng của loạt phim này lại không như kỳ vọng, thậm chí có thể nói là rất thất vọng. [1] Hãy cùng xem qua:
“Nhận được những hộp hải sản nhét đầy vào đó 300,000 Mỹ kim mỗi tháng. Vượt đèn đỏ. Sở hữu những căn hộ cấp cao cho đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông như những ông hoàng, bà chúa thời phong kiến.”
Những câu chuyện và lợi ích của việc làm cán bộ tại Trung Quốc được các cựu quan chức ngã ngựa vì tham nhũng kể lại trong một không gian vô cùng… thư giãn, tự tin, và thậm chí là rất vui vẻ.
Không ai tỏ ra lo âu hay hối hận gì cả.
Nhiều người còn vừa kể lại vừa cười tủm tỉm như thể họ đang đóng vai các ông trùm mafia về hưu nhớ lại quá khứ vinh quang, huy hoàng của mình.
Một cảm giác lạ lẫm cho người xem, khi họ kỳ vọng rằng đây sẽ là một bộ phim tư liệu thể hiện sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng, chứ không phải là một nơi tôn vinh và bốc phét lối sống tham nhũng. [2]
Một số tài khoản mạng xã hội đùa rằng thiên phóng sự này giống như là một loạt quảng cáo tuyển dụng cho các vị trí công quyền.
Một số khác thì gọi nó là loạt video hướng dẫn tham nhũng.
Một số tức giận hỏi, chúng tôi đang xem cái quái gì đây? Sản phẩm này để nhắc nhở rằng cuộc đời nhân dân chúng tôi khổ sở và khốn nạn đến thế nào hay sao?
Một số chỉ ra sự thật rằng rất nhiều “hổ” và “ruồi” mà Tập Cận Bình bắt đều là các ngôi sao chính trị nổi tiếng sau khi ông này nhậm chức. Chắc chắn có điều gì sai về hệ thống kiểm tra – giám sát của Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một thứ mà nhiều bên có thể nhận ra tương đối rõ ràng: các tập phim là một cách để chúng ta hình dung ra điểm yếu chết người của chính công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Những tai to mặt lớn bị bắt, những số tiền khổng lồ được sung công quỹ, những con số khổng lồ về chống tham nhũng được công bố, v.v. có thể được dùng để mô tả 10 năm chống tham nhũng tại Trung Quốc như một thành tựu vĩ đại của chính quyền nước này.
Tuy nhiên, cũng giống như cách mà phóng sự “Zero Tolerance” thể hiện, tư duy về quan quyền, hệ thống nhà nước và sự cải tiến từ bên trong của chính quyền Trung Quốc dường như không có thay đổi gì đáng kể.
Liệu công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc đã thành công? Hay cũng giống như loạt phim trên, nó chỉ là một sản phẩm truyền thông lỗi?
Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Sun Lijun kể về hộp “hải sản” chứa 300.000 USD tiền mặt trong phim tài liệu “Zero Tolerance” của đài CCTV. Ảnh: China Central Television.
Vài con số để hình dung
Theo thống kê và đồ thị hóa rất trực quan và thân thiện của trang ChinaFile (dù đã khá cũ vì chỉ được cập nhật đến năm 2018), từ giai đoạn 2013 đến 2018, mỗi năm có hàng trăm ngàn cán bộ, công chức cả “hổ” lẫn “ruồi” ngã ngựa trên chính trường Trung Quốc. [3]
Hay nếu dựa vào số liệu của phóng sự “Zero Tolerance” chúng ta vừa nhắc đến ở trên, tổng số quan chức địa phương lẫn trung ương bị xử lý bằng hình thức này hay hình thức khác lên đến 4,4 triệu người.
Để chúng ta dễ tưởng tượng ra những con số này lớn đến thế nào, có thể liên tưởng đến một thành phố trực thuộc tỉnh tại Việt Nam mới chỉ có mức dân cư bình quân từ 200.000 đến 300.000 người, bằng con số cán bộ bị xử lý kỷ luật hàng năm tại Trung Quốc.
Ngoại trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tất cả các đô thị trực thuộc Trung ương lẫn các tỉnh tại Việt Nam đều có dân số dưới bốn triệu người.
Nói cách khác, tổng số cán bộ Trung Quốc bị kỷ luật, cách chức hay bỏ tù tương đương dân số của khoảng ba đến bốn tỉnh thành miền Tây Nam Bộ gộp lại, đông hơn dân số của các tỉnh lớn như Nghệ An, Thanh Hóa, v.v.
Vài so sánh như thế đủ cho chúng ta thấy quy mô kinh khủng trong mọi diễn biến xoay quanh những thứ mà người Trung Quốc làm tính trên dân số và diện tích khổng lồ của họ.
Nhưng vì sao với những con số như vậy, người ta vẫn cứ hay thắc mắc về “thành công” của chiến dịch này? Liệu họ chỉ đang “chống phá”, hay có những lý do khác đằng sau đó?
“Chống” tham nhũng, nhưng không muốn “phòng” tham nhũng
Trước tiên, cần nhận ra rằng đấu tranh với tham nhũng có cả hai yếu tố: phòng (prevention approach) và chống (enforcement approach).
Theo kinh nghiệm và các nghiên cứu liên quan về tham nhũng cho đến ngày nay, phòng và chống là hai hoạt động có bản chất rất khác nhau, với những biện pháp khác nhau và lợi hại tùy vào không gian, mục tiêu và thước đo ngắn hạn hay dài hạn.
Tổng quan mà nói, sai lầm phổ biến nhất (hoặc cũng có thể là lựa chọn cố ý) của các hoạt động ngăn ngừa tham nhũng tại hầu hết các quốc gia toàn trị hay bán dân chủ là họ nghĩ rằng chỉ cần chống tham nhũng thật mạnh mẽ thì có thể bất chiến tự nhiên thành trong vấn đề phòng tham nhũng. [4]
Chống tham nhũng là một thuật ngữ để gọi chung các quy trình, biện pháp, hay công cụ thể chế để xác định người tham nhũng, điều tra tham nhũng, và xử lý quan chức tham nhũng bằng các biện pháp hành chính và hình sự khác nhau. Chúng ta chỉ cần nhớ ba thuật ngữ tiếng Anh về tham nhũng để hiểu phạm vi của chống tham nhũng bao gồm: investigations (điều tra), sanctions (trừng phạt), và prosecutions (truy tố).
Chống tham nhũng chắc chắn là một công đoạn cần thiết trong chính sách đấu tranh ngăn ngừa tham nhũng nói chung, nhưng nó cần phải có thêm hai thành tố quan trọng không kém: cải cách (reform), và phi chính trị hóa (depoliticization) quá trình chống tham nhũng.
Những điều trên thì thuộc phạm vi của phòng tham nhũng. Các kỹ thuật liên quan đến phòng tham nhũng cần phải được cân nhắc áp dụng tiên phong và triệt để. Tuy nhiên, nhìn quanh thế giới, từ Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên cho đến Iran, Cuba, thậm chí cả các quốc gia Đông Âu vẫn còn chưa thoát khỏi cái bóng của Liên Xô cũ, nhiều chiến dịch đấu tranh phòng chống tham nhũng bao giờ cũng chỉ gói gọn trong câu chuyện “chống”.
Theo lập luận của giới nghiên cứu, một thể chế chính trị mà để cho các hoạt động tham nhũng trở thành hiện tượng phổ biến (như tại Việt Nam và Trung Quốc) thì gốc gác vấn đề đã vượt xa câu chuyện đơn lẻ, cá thể để các công cụ chống tham nhũng có thể ức chế sự phát triển rộng khắp của hành vi tham nhũng.
Vì sao lại như vậy? Họ không tham khảo và vận dụng được gì từ hệ thống nghiên cứu về phòng chống tham nhũng gần một thế kỷ qua hay sao? Rõ ràng là không phải như vậy.
Câu trả lời ngắn nhất người viết có thể đưa ra cho độc giả là: các lãnh đạo nhà nước đấu tranh với tham nhũng luôn nhận được lợi ích chính trị cao hơn khi họ chỉ tập trung vào chống tham nhũng, thay vì phòng tham nhũng.
Còn để giải thích cho rõ ràng và bài bản, nghiên cứu How Not to Fight Corruption: Lessons from China có lẽ sẽ là tư liệu đáng tham khảo mà người viết muốn giới thiệu. [5]
Trong nghiên cứu, tác giả Minxin Pei [Bùi Mẫn Hân] cho rằng các biện pháp chống tham nhũng như điều tra và phát hiện những vụ tham nhũng “trọng điểm”, bắt thóp được những ông quan to bự, trừng trị quan tham thật nặng v.v. đều là những phương pháp cơ bản để đánh vào tâm lý dân túy “ghét quan tham ăn trên ngồi trốc”, “ghét giai cấp thống trị” phổ biến ở hầu hết các quốc gia.
Làm việc này hiệu quả trong con mắt đại chúng, giới lãnh đạo thực hiện các chiến dịch đánh tham nhũng sẽ được báo chí khen ngợi, được người dân nể phục, được quảng bá hình ảnh miễn phí, và quan trọng nhất là triệt tiêu các phe phái đối lập bị nhắm đến (dù vô tình hay hữu ý).
Điều này thật ra rất dễ hiểu, dù một chính quyền có toàn trị ra sao, dù cá nhân người đương chức có độc tài ra sao, thì việc duy trì một hình ảnh thường xuyên trên báo chí với những lời ca ngợi “hợp lý” và “có năng suất” như chống tham nhũng vẫn là một trong những thủ thuật lão luyện của các nhà cầm quyền đầy kinh nghiệm.
Các chiến dịch chống tham nhũng “triệt để”, “quyết liệt”, “không vùng cấm”, “không nể nang” là cơ hội để khắc họa hình tượng những nhà lãnh đạo tài ba, khéo léo, chính trực, không sợ hãi trước cường quyền (dù thật ra họ đang nắm nhiều quyền nhất). Dĩ nhiên, không một chính trị gia nào có thể bỏ qua những cơ hội như thế.
Nhưng vì sao phòng tham nhũng lại không tạo ra được những lợi ích mà các nhà cầm quyền kỳ vọng?
Diễn giải sơ lược điều này cũng không khó.
Các biện pháp phòng tham nhũng yêu cầu những nhà lãnh đạo đi vào những không gian kỹ thuật hơn, cần nhiều tri thức để hiểu hơn. Một điều quan trọng khác là người ta rất khó diễn giải nội hàm của phòng tham nhũng thành những thảo luận cụ thể thu hút được sự chú ý của người dân và làm nên dấu ấn chính trị của nhà lãnh đạo.
Đó có là thể là:
– Nhóm quy định về chống thân hữu (anti-nepotism).
– Nhóm quy định về kê khai và công bố tài sản (asset-disclosure rules).
– Nhóm quy định về xung đột lợi ích (conflict of interest regulations)
– Các yêu cầu về minh bạch ngân sách nhà nước (government budgeting transparency requirements)
– Hay đơn giản là tự do thông tin (freedom of information).
Đây là những thảo luận mà giới bình dân có thể đã nghe qua và biết là nó cần thiết. Tuy nhiên, người đưa ra chính sách tài năng chỗ nào, vì sao chính sách của họ tốt hơn các lãnh đạo tiền nhiệm, hay hiệu quả của các chính sách này đến đâu, v.v. đều là những nội dung nằm ngoài tầm quan tâm của những người không có chuyên môn trong vấn đề thể chế và quản trị nhà nước.
Nhìn thấy một chủ tịch tự tay trấn áp tham ô, một tổng bí thư khiến những ông lớn từng một thời quyền thế phải nối tiếp nhau “vào lò” v.v. thì ai cũng thấy sướng, cũng thấy thuyết phục hơn là một nhóm những tên đeo kính ngồi trong phòng làm việc sửa soạn nội dung của những văn bản không ai… rảnh mà đọc.
Thế nhưng, những công việc sau hậu trường đó mới là nền tảng của một chính thể trong sạch dài hạn và bền vững. Song đáng tiếc nó cũng là lý do khiến cho những thành tựu đấu tranh với tham nhũng thông qua con đường “phòng” luôn ít trống kèn và ít được thế giới quan tâm, kể cả giới nghiên cứu.
Như trường hợp của Hong Kong, một điển hình đáng tuyên dương nhất của toàn châu Á về thiết kế thể chế và ngăn ngừa tham nhũng, lại được rất ít người quan tâm hay xem nó như một mô hình để học tập. [6]
Trong khi đó, người ta thường rất thích kể về Tổng thống Hàn Quốc xử lý quan tham ra sao, Tổng thống Đài Loan đanh thép như thế nào trong quá trình phi tham nhũng hóa quốc gia.
Bởi vì có những lãnh đạo võ biền, những chiến dịch sát phạt quan tham mà chính sách đấu tranh với tham nhũng sẽ luôn theo sau ánh hào quang của hoạt động “chống” tham nhũng.
Kỳ 2- Khi quyền lực tập trung quá mức vào một cơ quan đảng…
Ở kỳ 1, bạn đọc đã có dịp tiếp cận hai nội hàm của một chiến dịch đấu tranh ngăn ngừa tham nhũng: Phòng tham nhũng (prevention) và Chống tham nhũng (enforcement). Theo đó, cuộc chiến chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh từ trước đến nay nói chung, cũng như cuộc chiến mà ông Tập Cận Bình phát động nói riêng, đều chú trọng quy trình “chống”. Việc này mang lại những lợi ích dân túy, xây dựng hình ảnh chính trị, thanh trừng phe phái đối lập, thanh lọc và cải thiện bộ máy nhà nước tức thời.
Tuy nhiên, biện pháp phòng tham nhũng với các công cụ như cải tổ, minh bạch hóa; xây dựng hệ thống thông tin và dân sự mạnh mẽ; bảo đảm một hệ thống quy phạm pháp luật về tài sản, kiểm soát xung đột lợi ích, minh bạch ngân sách nhà nước, v.v. mới là thứ thật sự có thể duy trì sự trong sạch của bộ máy nhà nước trong dài hạn.
Đáng tiếc, vì không mang lại lợi ích gì cho nhà lãnh đạo và quyền lực của những nhóm thực hiện nên phòng tham nhũng rất ít khi được trọng dụng tại các quốc gia có xu hướng toàn trị như Trung Quốc.
Song đó chỉ là một phần của lý thuyết giả định, cũng như các kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia khác nhau.
Tại Trung Quốc, liệu chúng ta còn bằng chứng hay những biểu hiện nào khác cho thấy cuộc đấu tranh với tham nhũng của Tập Cận Bình không thật sự giải quyết được vấn đề?
Trở ngại đầu tiên: Càng chống tham nhũng càng thiếu minh bạch?
Chống tham nhũng tại Trung Quốc cho đến nay không thể nói là không thành công.
Chỉ tính riêng về mặt hình thức thì nhìn vào số lượng cán bộ – công chức bị xử lý, cách mà quan chức Trung Quốc giữ hình ảnh chính trị cũng như tiết chế trong tiêu dùng, hay việc họ không còn dám ngang nhiên ngồi vào ghế lãnh đạo của các công ty, tập đoàn v.v. cũng có thể thấy đây là một thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc chỉ tập trung vào các công cụ chống tham nhũng bằng cách sử dụng quyền lực trong nội bộ đảng càng ngày càng khiến cho hệ thống quản lý và kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc trở thành nơi tích tụ quyền lực, kém minh bạch và dễ có xu hướng lạm quyền.
Tương tự như việc nhà Minh dựng nên “Đông xưởng” rồi sau đó lại phải dựng nên “Tây xưởng” để đối phó “Đông xưởng”, khó mà biết liệu cơ quan kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc sẽ đi về đâu sau thế hệ quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình. [1]
Ví dụ, học giả Samson Yuen [Viên Vĩ Hy袁瑋熙 – BVN chú] trong nghiên cứu của mình trên China Perspective chỉ ra, quá trình kiểm soát tham nhũng tại Trung Quốc đi kèm với việc tập trung hoàn toàn quyền lực quản lý vào Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Communist Party’s Central Commission for Discipline Inspection – CCDI), một cơ quan có thể so sánh với Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. [2]
Bộ máy tổ chức nhà nước của Trung Quốc trước đó vốn đã có các cơ quan kiểm soát và điều tra tham nhũng đặc biệt khác như Cơ quan Phòng chống Hủ bại Quốc gia (National Bureau of Corruption Prevention – NBCP) đặt dưới sự quản lý của Quốc vụ viện (State Council) lẫn Cơ quan Chống tham nhũng (Anti-Corruption Bureau – ACB) thuộc quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp. [3]
Song thay vì hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước này theo hướng gắn kết phù hợp với các cơ quan dân biểu khác như cách mà cơ quan phòng chống tham nhũng của Hong Kong là Independent Commission Against Corruption (ICAC) và của Singapore là Corrupt Practices Investigation Bureau (CPIB) được xây dựng thì các cơ quan kiểm soát tham nhũng trực thuộc bộ máy nhà nước Trung Quốc gần như mất khả năng chủ động.
Thậm chí, tại thời điểm Tập Cận Bình khởi xướng việc sửa đổi Hiến pháp 1982 vào năm 2018, NBCP đã được sáp nhập vào Ủy ban Giám sát Nhà nước (National Supervisory Commission – NSC). [4] [5] NSC trở thành một chế định mới trực thuộc Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tương đương Quốc hội Việt Nam), được bản Hiến pháp sửa đổi này thiết lập từ Điều 123 đến Điều 127. Thẩm quyền và cấu trúc của cơ quan “giám sát”, xét trên ngôn ngữ pháp lý, phản ánh một sự hợp thức hóa cao độ về mặt nhà nước để nó gần như ngang hàng với hệ thống tòa án và viện kiểm sát, thậm chí NSC còn có khả năng ràng buộc chặt chẽ các nhánh quyền lực hiện hữu dưới ngọn cờ “chống” tham nhũng, hủ bại (Điều 127). Tuy nhiên, trên thực tế, NSC vẫn chịu phép dưới chiếc ô của CCDI.
Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước Dương Hiểu Độ (giữa) tại buổi họp báo bên thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh, năm 2017. Ảnh: Aly Song/ Reuters.
Cụ thể, chỉ xét riêng cơ cấu lãnh đạo, tại nhiệm kỳ CCDI khóa 19 cũng là khóa chứng kiến sự kiện sửa đổi Hiến pháp 1982 gần nhất, ông Dương Hiểu Độ vừa giữ chức Phó Bí thư CCDI vừa đảm trách vị trí Chủ nhiệm NSC. [6] Tương tự, các chính khách giữ chức vụ phó bí thư khác của CCDI lần lượt kiêm chức phó chủ nhiệm NSC. Nhìn chung, tất cả đều dưới quyền của ông Triệu Lạc Tế – người đứng đầu CCDI khi đó. Trên trang web của CCDI, họ công bố cơ cấu lãnh đạo của chính cơ quan mình lẫn của NSC, và khẳng định cơ chế hợp tác làm việc giữa hai bên. [7] Đến nhiệm kỳ CCDI khóa 20, tiền lệ này tiếp tục được củng cố dưới quyền ông Lý Hi, chỉ có khác là ông Dương Hiểu Độ không còn nằm trong danh sách phó bí thư CCDI và một số nhân vật mới được bổ sung. Những diễn biến kế tiếp sẽ chờ đến kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 14 sắp tới. [8]
Những thông tin nói trên giúp chúng ta có nhiều cơ sở để tin vào khả năng NSC sẽ chấp hành sự lãnh đạo về mặt đảng của CCDI hơn là tự đề xuất các “sáng kiến” chống tham nhũng độc lập. Rõ ràng, quyền lực cũng như phạm vi thẩm quyền của các thiết chế chống tham nhũng nhà nước bị lu mờ hoàn toàn trước cái bóng của CCDI – một cơ quan đảng do chính các đồng minh chính trị thân cận nhất của Tập Cận Bình và bản thân ông này quản lý.
Việc thành lập NSC càng giúp CCDI nới rộng hành lang quyền lực nhờ lợi thế của cấu trúc song trùng, nhằm dễ dàng can thiệp toàn diện vào bộ máy nhà nước, xóa nhòa ranh giới thường thấy giữa đảng – nhà nước.
Vậy CCDI có hiệu quả không? Chắc chắn là sẽ rất hiệu quả.
Nhưng thiếu minh bạch và dễ thao túng cũng là một bóng ma đi kèm theo cái gọi là hiệu quả đó.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất mà Samson Yuen đưa ra về mặt quản lý là thay vì có một bộ máy phòng chống tham nhũng hiệu quả tại các địa phương thì cách kiểm soát tham nhũng của hệ thống tập quyền trung ương Trung Quốc lại là… tuần du (inspection tour), nghe giống các khái niệm quen thuộc trong hoạt động của bộ máy quan lại và chính trị Trung Hoa phong kiến.
Điều này, theo tác giả, làm tăng biên chế của CCDI (dù vẫn khá giới hạn) và tăng vai trò của các CCDI tại địa phương, nhưng quan trọng nhất là nó tạo ra thêm nhiều “ghế” cấp cao cho số lượng đồng minh chính trị đông đảo hơn ủng hộ Tập Cận Bình trong bộ máy trung ương.
Một nghiên cứu khác của Institute for Security and Development Policy (Viện Nghiên cứu An ninh và Chính sách phát triển – một thinktank độc lập ở Stockholm) vào năm 2021 có vẻ cũng đồng tình với quan điểm của Samson Yuen. [9]
Trong đó, nhà nghiên cứu Fatoumata Diallo chỉ ra rằng trái với những thành công về con số như chính quyền Trung Quốc công bố, chỉ số Corruption Perception Index (CPI) của Trung Quốc lại tụt hơn 10 bậc vào năm 2018.
Hiển nhiên, lựa chọn xem xét thông tin của Trung Quốc vào năm 2018 có vẻ hơi chủ quan bởi trong 5 năm trở lại đây, điểm và thứ hạng của Trung Quốc theo CPI đã là cao nhất trong cả một thập niên qua. [10]
Song nếu cân nhắc dài hạn thì liệu cơ chế chống tham nhũng và quyền lực quá lớn của CCDI có thể được kiểm soát và quản lý hiệu quả hay không? Và nó có dẫn đến một trận đại chiến chính trị trên chính trường Trung Quốc trong vài năm tới hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, có một sự thật về mặt quản lý hiện nay là các công cụ bạo lực dành cho CCDI để “vừa chống tham nhũng, vừa đánh bất đồng” đã được trang bị gần như là đầy đủ. [11]
Một trong các biện pháp từng gây chú ý trên toàn thế giới là hệ thống tạm giam, tạm giữ “liuzhi” (lưu trí, 留置) – được ghi nhận trong Luật Giám sát Quốc gia (National Supervisory Law) năm 2018 của Trung Quốc. [12]
Hệ thống này bị cáo buộc là trao cho các quan chức CCDI thẩm quyền bắt giữ không công bố, không đưa ra thời hạn cũng như không công khai quá trình điều tra.
Sự minh bạch và các tiêu chuẩn tố tụng thông thường trong điều tra xét xử tham nhũng gần như không tồn tại. Điển hình là vụ án của Chủ tịch Interpol Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ. Việc ông bị bắt và mất tích trong thời gian dài có thể được xem là ví dụ “giáo khoa” cho cách mà CCDI đang trở thành thế lực một tay che trời như thế nào. [13]
Một điểm đáng lưu ý về nhân sự của cơ quan đảng này là từ năm 2012 đến 2017, CCDI do Vương Kỳ Sơn dẫn dắt.
Vương Kỳ Sơn là bạn thiếu niên, đồng thời là đồng minh chính trị lâu năm nhất của ông Tập Cận Bình. Sau đó, Vương Kỳ Sơn trở thành Phó Chủ tịch nước của Trung Quốc, cũng là người duy nhất quá tuổi hưu được Tập Cận Bình giữ lại bên mình. Nói vui theo cách của Nikkei, nếu không có gì thay đổi, Tập và Vương sẽ là Chủ tịch – Phó Chủ tịch trọn đời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. [14]
Người nắm giữ CCDI ngay sau Vương Kỳ Sơn là Triệu Lạc Tế – một nhân vật chính trị mới nổi, nhưng cũng đã ngay lập tức được ghi nhận là cánh tay mặt của Tập Cận Bình. [15]
Với cấu trúc, công cụ, và nhân sự như thế này, người viết khó có thể tin rằng CCDI sẽ để lại những thay đổi thể chế có ý nghĩa cho nhà nước Trung Quốc trong tương lai.
Trở ngại kế tiếp: Đánh đổi nguồn lực quá lớn so với hiệu quả thực tế?
Trở ngại thứ hai mà người viết có thể thống kê và giới thiệu với độc giả chính là thói quen diễn ngôn “toàn đảng, toàn quân, toàn dân” khi bắt đầu làm một cái gì đó ở các quốc gia cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc.
Tác giả Minxin Pei từng phát hiện rất sớm điều này, dù ông chỉ mới dừng lại ở mức độ đưa ra thông tin và quan điểm, chứ chưa đề cập xa hơn. [16]
Theo đó, ông cho rằng cách thức đấu tranh phòng chống tham nhũng của Tập Cận Bình vẫn không phải là các mô hình chống tham nhũng chuyên nghiệp của các quốc gia phát triển khác. Thay vào đó, cái gốc của chúng vẫn đi theo tư duy “động viên”, “đại nhảy vọt”, “vận động” toàn bộ hệ thống chính trị. Nói dễ hiểu hơn, chương trình chống tham nhũng bị biến thành một chương trình hoạt động “toàn đảng”, “toàn nhà nước” với nguồn lực từ tất cả các cơ quan khác nhau bị kéo vào trò chơi vận động này.
Từ họp hành, khai báo, điều tra, chương trình học tập, ca múa nhạc đến hội thảo, cuộc thi nội bộ, hàng loạt sản phẩm được tạo ra để cùng nhau “chống tham nhũng”. Tương tự tại Việt Nam, gần như chương trình “toàn đảng” nào chúng ta cũng tạo ra hàng loạt những phụ họa vô thưởng vô phạt thế này.
Kết quả là các chương trình và chỉ tiêu chống tham nhũng từ trên xuống tiêu tốn một lượng thời gian, chi phí, năng lượng, sự chú ý, và thậm chí là cả không gian của tất cả các tổ chức, ban ngành vốn dành cho các hoạt động quản trị nhà nước khác, đóng vai trò quan trọng không kém.
Quá trình chống tham nhũng theo kiểu vận động này, như đã nói, không phải là không tạo ra hiệu quả. Nhưng các cơ quan nhà nước đó có bao nhiêu nguồn lực, sự kiên trì, và thời gian để theo đuổi những kiểu chống tham nhũng thế này trong một khoảng thời gian dài hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Đó là quan điểm khoa học của Minxin Pei dựa trên các quan sát thể chế của ông, nhưng chúng ta có cách nào để chứng minh nó hay không?
Người viết cho rằng có thể chứng minh điều này thông qua chính cấu trúc của CCDI. Trong đó, tham vọng tập trung quyền lực vào CCDI – một thiết chế về bản chất chỉ là một cơ quan đảng – dẫn đến hàng loạt các hệ lụy khác nhau.
Vấn đề thứ nhất, vì hạn chế về quy mô và số lượng nhân sự, CCDI và các cơ quan địa phương của nó gần như phải dựa hoàn toàn vào các nguồn tin, chỉ điểm, khiếu nại, hay tố cáo từ bên ngoài hệ thống.
Một mặt, điều này dẫn đến việc kiểm tra, giám sát và kiểm chứng các cáo buộc rất khó khăn bởi vì các báo cáo địa phương tổng hợp cho thấy đại đa số (từ 60 đến 70%) những nguồn tin nói trên đều là nặc danh. [17]
Mặt khác, cũng vì lượng thông tin quá lớn và năng lực điều tra quá hạn chế nên hiện thực này đã quay ngược trở lại củng cố vai trò và vị thế của các đảng viên cao cấp lãnh đạo CCDI nói riêng và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung. Ban bệ CCDI sẽ ít khi dám “đập ruồi” hay “đánh hổ”, dù địa phương hay trung ương, nếu không có cái gật đầu từ những lãnh đạo cấp cao này.
Các quyết định liên quan đến việc có “đánh” ruồi hay hổ, “đánh” tới đâu, “đánh” ra sao, v.v. đều lệ thuộc vào các quyết định chính trị bí mật, mang tính thao túng và có yếu tố thỏa hiệp rất cao.
Như vậy, một quyết sách chính trị được “quảng bá” rầm rộ trước toàn thể quốc dân thật ra lại chỉ được dẫn dắt bởi một lực lượng mỏng, yếu, không có sự sâu sát và khả năng thay đổi thể chế như kỳ vọng.
Đến đây, có lẽ bạn đọc đang thắc mắc rằng chúng ta vừa đề cập đến cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc là “toàn đảng, toàn dân”, vậy sao bây giờ lại bảo chỉ có một nhóm nhỏ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành?
Thật ra, hai điều này không xung đột và loại trừ lẫn nhau, nó dẫn chúng ta đến vấn đề thứ hai của mô hình chiến dịch.
Dù toàn bộ quá trình chống tham nhũng vẫn chỉ do CCDI quản lý về mặt thủ tục và được các lãnh đạo cao cấp khác trong đảng kiểm soát, thì CCDI cũng cần một lực lượng khổng lồ để “gióng trống khua chiêng” làm truyền thông cho sự quyết tâm cao độ, ý chí chính trị vững vàng của toàn bộ hệ thống trước tham nhũng.
Về mặt dân vận, đây cũng là một biện pháp rất tốt nhằm tạo ra ảo ảnh cho đại chúng rằng chiến dịch chống tham nhũng rất lớn, rất xuyên suốt, thay đổi rất mạnh từ trong ra ngoài (dù thật ra không phải như vậy).
Hệ thống tin tức, các bộ phim tư liệu của CCTV (như bộ phim mà chúng ta nói đến ở kỳ trước), các chương trình học tập tấm gương, những hệ thống tiếp nhận khiếu nại, tố cáo đang tích cực lan tỏa không ngừng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Tập Cận Bình chính là vì mục đích dân vận nói trên.
Về mặt quản lý, CCDI phải dùng toàn bộ hệ thống chính trị thông qua các chương trình vận động để… “rung cây nhát khỉ”.
Vì sao lại như vậy?
Cần nhớ rằng, dù số lượng cán bộ – công chức đã bị hệ thống của CCDI xử lý kỷ luật và bị truy cứu hình sự thông qua thủ tục tố tụng của các cơ quan tư pháp nhà nước là một con số khổng lồ (tầm 4 triệu người), thì các con số này cũng không đáng là bao so với lực lượng cán bộ – công chức còn tiếp tục làm việc bên trong nhà nước Trung Quốc.
Ví dụ, chỉ tính riêng số lượng người được tuyển dụng bởi các công ty thuộc sở hữu nhà nước và tập thể ở khu vực thành thị Trung Quốc đã dao động trong khoảng gần 58 triệu đến gần 65 triệu người. [18]
Số lượng nhân sự chính thức bên trong bộ máy nhà nước Trung Quốc từ trung ương đến địa phương (cơ quan đơn vị – jiguan danwei), chỉ tính đến năm 2005, lên đến 10 triệu người. [19]. Xu hướng gia tăng vẫn còn được ghi nhận trong một thập niên trở lại đây.
Những con số thống kê cho thấy tổng số lượng lao động được tuyển dụng có liên quan mật thiết đến bộ máy nhà nước Trung Quốc là rất lớn.
Vừa muốn tập trung quyền lực chống tham nhũng vào một vài cá nhân và một vài cơ quan, vừa muốn kiểm soát số lượng nhân sự khổng lồ như vậy, thì “rung cây nhát khỉ” gần như là một kỹ thuật phải dùng. Song điều này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả thực tế của toàn bộ hệ thống lẫn cuộc chiến chống tham nhũng.
Sẽ không ai cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc suốt một thập niên qua là thất bại.
Thậm chí, hoàn toàn ngược lại, giới lãnh đạo Trung Quốc – với sự dẫn dắt thống nhất của ông Tập Cận Bình – dường như đã giành được những thắng lợi và thay đổi không nhỏ.
Bài viết không phủ nhận những thành tựu trên.
Tuy nhiên, đi sâu vào bản chất của chiến dịch, phân tích về động lực và bộ máy dẫn dắt cũng như hiệu quả tính trên chi phí bỏ ra và các thay đổi dài hạn trong tương lai thì hệ thống phòng chống tham nhũng của người láng giềng phương Bắc dường như không hề có bước tiến nào thật sự đột phá và có thể tạo chuyển biến cho toàn hệ thống.
Vấn đề đáng nói là, ở Việt Nam, dường như chúng ta cũng đang đi theo mô hình phòng chống tham nhũng tương tự.
N.V.L.
Nguồn: Luật Khoa