Quân cờ Nguyễn Phú Trọng

Phạm Trần

Việc ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị mất hết các chức vụ hôm 17/01/2023 đã thách đố quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lý do vì vào hôm 4/2 (2023), ông Phúc đã tuyên bố:

Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng".

Lời thanh minh được coi như thách thức của ông Phúc đã diễn ra tại buổi lễ bàn giao công tác cho quyền Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân.

Đây là lần đầu tiên một cấp lãnh đạo cấp cao đã tự bảo vệ mình trước các cáo buộc của Trung ương đảng, nhưng đồng thời cũng gián tiếp đòi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải làm cho rõ sự việc.

Tuy nhiên ông Trọng và Trung ương chưa phản ứng về phủ nhận của ông Phúc.

Ông Phúc sinh năm 1954 tại Quảng Nam, giữ chức Chủ tịch nước từ ngày 05/04/2021. Trước đó ông là Thủ tướng Chính phủ từ ngày 07/04/2016 đến ngày 05/04/2021.

Ông Phúc nói: ”Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng… Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, tôi đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu. thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.”

Tin chính thức của Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận ông Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng cũng nói: ”Đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.”

Ca ngợi làm gì?

Tuy nhiên, tại lễ bàn giao công tác cho bà Võ Thị Ánh Xuân, ông Phúc đã được bất ngờ ca ngợi về tài đức bởi Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Bí thư thường trực Trung ương Võ Văn Thưởng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 5/4/2021 đến ngày 18/1/2023. Trong thời gian này, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa và phát huy những thành tựu quan trọng của các đồng chí tiền nhiệm, với sự chung sức, đồng lòng của Phó Chủ tịch nước và tập thể cán bộ, công chức Văn phòng Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.” (TTXVN, ngày 4/2/2023)

Trong khi đó, lên tiếng tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng nêu rõ:”Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong mọi hoàn cảnh, cương vị công tác, đồng chí luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt thành cách mạng với nhiệm vụ được giao. Trong nhiều nhiệm kỳ, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng. Ở mỗi cấp, mỗi cơ quan đã từng công tác, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc luôn được anh em, đồng chí, đồng nghiệp yêu quý, tôn trọng bởi sự chân thành, dễ gần, tấm lòng nhiệt huyết và sự quan tâm tới mọi người; bạn bè quốc tế yêu mến, bày tỏ tình cảm thân thiết.”

Như vậy, câu hỏi đặt ra là một người được khen như ông Phúc lại bị cách tất cả mọi chức vụ ắt phải có uẩn khúc cần được ông Nguyễn Phú Trọng làm rõ.

Nhưng ông Trọng chưa làm hoặc sẽ chắng bao giờ lên tiếng để tránh phức tạp thêm cho công tác chuẩn bị Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, dự trù vào tháng 6/2023, đang được ráo riết chuẩn bị.

Ca tụng ông Trọng

Hành động của ông Trọng cũng có thể hiểu ông tự tin không có thế lực nào có thể gây ô nhiễm cho quyền lực của mình. Bằng chứng này xuất hiện trong bài phát biểu ngày 2/2/2023 của Bí thư thường trực Trung ương Võ Văn Thưởng, tại lễ trao huy hiệu 55 tuổi đảng cho ông.

Ông Thưởng nói: ”Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rõ hiện thân của sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động cụ thể trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.”

Chống tham nhũng được coi như “dấu ấn” trong sự nghiệp Tổng Bí thư của ông Trọng, nhưng tham nhũng vẫn tràn lan sau hơn 10 năm cầm quyền cũng là một nhược điểm của ông.

Mặc dầu vậy, ông Võ Văn Thưởng vẫn ca ngợi ông Trọng là người “toàn hảo”. Ông nói:Trong cuộc sống đời thường, Đồng chí sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành. Đồng chí là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên chúng ta học tập, noi theo.”

Lấy ai bỏ ai?

Vậy khi ông Trọng được “tung hô” như thế thì liệu những “đàn em” của ông Phúc trong đảng và chính phủ có bị “vạ lây” trong lần bỏ phiếu sắp tới?

Hãy chờ xem, nhưng theo “Quy định mới về Lấy phiếu tín nhiệm” (Quy định số 96-QĐ/TW) , ban hành ngày 05/02/2023 thay cho Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 thì đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm: “Cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc.”

Việc lấy phiếu tín nhiệm được chi tiết cụ thể như sau:

“Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội.

“Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

“Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu.

“Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.”

(Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 05/02/2023).

  Về tiêu chí đánh giá cán bộ, Quy định mới viết: ”Cùng với các tiêu chí chung về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ lãnh đạo, Quy định lần này nêu rõ những tiêu chí liên quan tới gia đình, người thân. Cụ thể:

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.”  

3 mức tín nhiệm

Quy định tín nhiệm có 3 mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Quy định này “được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.”

Theo đó: ”Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức …”

Quy định viết thêm: ”Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.”

Tuy nhiên, không ai biết đã có bao nhiêu trường hợp mất việc hay bị thất sủng trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm 2014. Vì vậy, ngoài trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc bị loại ra khỏi các chức vụ, rất khó để dự đoán ai trong số lãnh đạo then chốt của đảng và nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị như ông Phúc.

Vì vậy, dư luận trong dân vẫn chưa hết thắc mắc về “trách nhiệm chính trị” của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, người chỉ huy trực tiếp của hai Phó Thủ tướng bị bãi nhiệm là Phạm Bình Minh và Võ Đức Đam. Và trên ông Chính, còn có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa. Bởi vì theo cách tổ chức và điều hành hiện nay của hệ thống Chính trị thì người đứng đầu Đảng cũng có trách nhiệm không nhỏ trước những sai trái của người dưới quyền.

Nhưng nếu ông Trọng vẫn chưa bị ai thách thức thì quyền lực của ông càng mạnh hơn bao giờ hết. Vì vậy trong cuộc dàn xếp Lãnh đạo cho khóa đảng XIV, dự trù vào đầu năm 2026, ứng viên nào có lá phiếu của ông Trọng thì người đó sẽ thắng.

P.T.

(02/023)

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Bộ máy CS, Nguyễn Phú Trọng, Từ chức và cách chức. Bookmark the permalink.