Đánh giá phòng chống tham nhũng: Không thể đếm đầu người

Thông điệp về quyền lực hơn là thông điệp về chống tham nhũng.

Võ Văn Quản

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng trong năm 2022 và đầu năm 2023 làm được điều mà chưa có chính quyền tiền nhiệm nào làm được: hạ bệ trực diện một trong các chức danh thuộc nhóm “tứ trụ” của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đi kèm theo đó là hàng loạt các thành viên cấp cao khác nằm trong Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, những người nắm giữ các chức danh trọng yếu của bộ máy nhà nước Việt Nam, bị buộc phải rời nhiệm sở, bị kỷ luật, hay bị khởi tố.

Đó là bộ trưởng, chủ tịch hai thành phố đầu tàu cả nước, phó thủ tướng, và cho đến nay đã là chủ tịch nước.

Nếu xét theo đầu người và chức vụ, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam cho đến thời điểm này có thể nói là thành công vang dội. Đảng Cộng sản Việt Nam làm được điều mà không thế hệ lãnh đạo nào làm được, ít nhất là suốt gần 50 năm kể từ khi Việt Nam chính thức thống nhất.

Tuy nhiên, bình tâm lại mà suy xét, có nhiều vấn đề vẫn còn đang tồn tại trong bộ máy đảng và nhà nước của Việt Nam hiện nay.

Cần nhớ rằng, gần như tất cả các cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao bị nhắm đến trong hai năm trở lại đây, bao gồm ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Thanh Long, ông Chu Ngọc Anh, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam v.v. đều là những nhân tố quan trọng, nếu không muốn nói là hạt nhân trong Đại hội XIII chỉ vừa mới được tổ chức hồi đầu năm 2021 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc thậm chí là trường hợp đặc biệt được các thành viên Đảng Cộng sản Việt Nam tin tưởng lựa chọn dù ngoài độ tuổi theo quy định. [1]

Thực tế này khiến cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay giống như một phong trào “đại… đổ thừa”. Một cá nhân do chính tay Bộ Chính trị và các ban bệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn “tài, đức” nội bộ, nhưng khi họ sai phạm hay liên quan đến sai phạm (dù các quyết định họ đưa ra đều có tính tập thể rất cao), thì vấn đề ấy chỉ thuộc về cá nhân họ mà thôi.

Hiện tượng này từng được phản ánh và lý giải thông qua bài viết Tham nhũng thể chế: Vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Trọng là vô nghĩa trong dài hạn đăng trên Luật Khoa. Bài viết giới thiệu khái niệm tham nhũng cá nhân (individual corruption) và tham nhũng thể chế (institutional [systemic] corruption). [2] Từ đó, nó đi đến kết luận cuối cùng rằng:

“Ông [Nguyễn Phú Trọng] có thể loại bỏ một ủy viên Bộ Chính trị hay thậm chí năm ủy viên Bộ Chính trị.

Ông có thể bắt giam 100 hay 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ông có thể thanh lọc toàn bộ đảng viên của một tỉnh thành, nếu điều kiện cho phép.

Nhưng cái gút mắc về bộ máy, về trách nhiệm giải trình của các đảng viên, về quyền lực khổng lồ họ nắm giữ và những công cụ yếu ớt, hời hợt được trang bị cho người dân thì vẫn còn nguyên đó, chắc chắn không bao giờ được sửa đổi.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách tiếp cận này.

Câu nói mà người viết từng nghe nhiều nhất trong suốt vài tuần trở lại đây là: đến chủ tịch nước, đến phó thủ tướng còn bị miễn nhiệm, bị hạ bệ thì cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, điểm mù như thế còn bị chê bai, chống phá kiểu gì?

Nhằm làm rõ điều trên, chúng ta cần phải giải quyết thêm một vài câu hỏi nữa:

Phòng chống tham nhũng nên được đánh giá ra sao?

Và thế giới có tiêu chuẩn gì để xem xét một chiến dịch chống tham nhũng như thế nào mới gọi là thành công?

Liệu số lượng các cá nhân tham nhũng bị thanh lọc và loại trừ chỉ là những con số làm đẹp hình thức?

Những thông điệp sai…

Nghiên cứu liên quan trực tiếp đến tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của một chiến dịch chống tham nhũng không quá nhiều. Đây là một thành tố trong nghiên cứu phòng chống tham nhũng nói chung, nên các nghiên cứu liên quan đều có xu hướng tổng hợp nó thành một phần nhỏ trong nghiên cứu của họ.

Tuy nhiên, có hai tài liệu đáng giá tập trung trả lời cho câu hỏi về tiêu chuẩn đánh giá tham nhũng mà người viết có thể giới thiệu cho bạn đọc Luật Khoa.

Trước tiên, chúng ta có thể kể đến Effectively evaluating anti-corruption interventions, một ấn phẩm của The U4 Anti-Corruption Resource Centre (tạm dịch là Trung tâm Nguồn lực Phòng chống tham nhũng U4), một trung tâm thường trực của Viện Chr. Michelsen ở Na Uy. [3]

Ngay ở điểm khởi đầu cho các phương pháp can thiệp phổ biến và thường gặp về phòng chống tham nhũng, mô hình phòng chống tham nhũng của Việt Nam (cũng như Trung Quốc) trở nên vô cùng lạ lẫm.

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra các biện pháp cơ bản để hình thành một hệ thống chính sách giúp phòng chống tham nhũng bao gồm:

1. Tăng cường năng lực và thẩm quyền pháp lý hợp lý cho cảnh sát và các cơ quan tư pháp;

2. Tăng cường năng lực và không gian hoạt động của giới báo chí điều tra (investigative journalism);

3. Thành lập, rèn luyện và cung cấp nguồn lực cho các cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập (anti-corruption agency);

4. Hình thành các định chế giám sát công cộng.

Chỉ cần nhìn sơ qua, chúng rõ ràng không phải là biện pháp “cơ bản” mà các chính quyền như Việt Nam đang sử dụng. Thậm chí, chính quyền Việt Nam đang thực hiện những điều đi ngược lại với khuyến cáo.

Báo chí độc lập và các nhóm phản biện cơ bản tại Việt Nam gần như đã hoàn toàn bị triệt hạ. Đó là chúng ta còn chưa thật sự nhắc đến báo chí điều tra vốn đang thoi thóp trong không gian báo chí hiện nay.

Một trong những nhà báo điều tra tham nhũng có tiếng và thậm chí được khen thưởng bởi chính quyền Việt Nam ngày trước – ông Nguyễn Hoài Nam – cũng vừa bị bỏ tù cách đây không lâu vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. [4]

Cơ quan tư pháp và hệ thống công an Việt Nam gần như hoàn toàn bị động trong quá trình phát hiện, điều tra và hoàn thiện phương án phòng chống tham nhũng. Nhóm quyền lực nhà nước quan trọng và chuyên trách về tham nhũng này hoàn toàn lệ thuộc vào thẩm quyền toàn năng của các cơ quan đảng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương. [5]

Nói cách khác, cho đến thời điểm hiện tại, gần như không có bất kỳ sự tiến bộ bền vững nào về mặt pháp lý, thể chế, và không gian chính trị dành cho cơ chế chống tham nhũng tại Việt Nam. Ban bệ, vị trí và quyền lực được hình thành toàn bộ bên trong bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vấn đề chỉ dùng quyền lực nhà nước để xử lý hình sự từ đó được nghiên cứu bình luận chi tiết hơn.

Theo đó, việc xử lý hình sự một cá nhân bị cho là tham nhũng chỉ đạt được hiệu quả nếu quy trình và việc xử lý này thỏa mãn hai điều kiện: gửi một thông điệp rõ ràng (clear)/ và gửi một thông điệp chính xác (accurate). Có như vậy, chúng mới củng cố niềm tin vào sự thay đổi của thể chế theo hướng trong sạch hơn và pháp quyền hơn.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn căn bản này không hề được thể hiện rõ ràng trong các sự vụ gần đây.

Ví dụ, dù ông Nguyễn Xuân Phúc chấp nhận rời khỏi chức danh Chủ tịch nước nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn không có bất kỳ lý do gì được đưa ra để giải thích chính thức cho sự kiện này. Toàn bộ quá trình đều được thực hiện qua bức màn nhung chính trị quốc gia mà ngay cả quan chức cấp tỉnh đôi khi cũng không rõ nội tình.

Mặc dù một số báo chí lề phải ghi nhận rằng ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm vì những sai lầm của “cấp dưới”, nhưng không gian mạng xã hội Việt Nam vẫn nổi lên nhiều tin đồn cho rằng vợ của ông Phúc có dính líu đến đại án Việt Á.

Một số báo tiếng Việt độc lập như Người ViệtVOA cũng đã đưa thông tin này lên các bài viết chính thức như một cáo buộc nghiêm túc dành cho ông Phúc. [6] [7]

Đây là một lo ngại rất lớn và thực tế, bởi chức danh chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho người dân và quốc gia Việt Nam. Ông không thể bị miễn nhiệm một cách bí ẩn mà không có lời giải thích chính thức nào khác ngoại trừ tin đồn như thế.

Nếu chúng ta dùng cách tiếp cận theo nghiên cứu của Trung tâm Nguồn lực Phòng chống tham nhũng U4, các sự vụ đã và đang được xử lý không thật sự gửi đi một thông điệp nào rõ ràng về một luật chơi minh bạch hơn và ít tham nhũng hơn.

Không chỉ vậy, việc miễn nhiệm ông Phúc ngay trước Tết và để Tổng Bí thư – một vị trí rõ ràng không đại diện cho nhà nước Việt Nam – chúc Tết đầu năm và từ đó phá vỡ một truyền thống đã tồn tại được vài thập niên, cho thấy đây không phải là một thông điệp về chống tham nhũng mà là thông điệp về quyền lực.

Vì vậy, hướng đi của chiến dịch phòng chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay gần như không thể được đánh giá bằng số lượng hay vị trí của những người bị bắt.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng không loại trừ những thành tựu có thể có nếu cân nhắc trong hoàn cảnh của từng quốc gia.

Ví dụ, nếu các nỗ lực phòng chống tham nhũng đang bị xem nhẹ hoặc đang bị đe dọa ở một quốc gia nhất định, những chiến dịch chống tham nhũng dù chỉ dừng lại ở mức hạn chế sự “tăng trưởng” của tham nhũng, hay duy trì được vài thành tựu đã đạt được trong quá khứ, v.v. đều có thể được xem là thành công.

Điều này cho thấy Trung tâm Nguồn lực Phòng chống tham nhũng U4 không quá cứng nhắc trong việc xây dựng mô hình đánh giá tham nhũng của mình.

Thứ gì cho thấy được những kết quả xác định thì nó nên được cân nhắc và ủng hộ.

Như một số nghiên cứu của các tác giả trên Luật khoa đã chứng minh, tính “tham nhũng hệ thống” và “mô hình tham nhũng thịnh vượng hóa” nổi tiếng của Đông Á nói chung và ở Trung Quốc nói riêng có tầm ảnh hưởng nhất định của nó trong việc vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa giữ mức tham nhũng “ổn định” để bảo vệ lợi ích của việc tham gia và bảo vệ chính quyền. [8]

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc mô hình chống tham nhũng hiện tại của Việt Nam là hiệu quả hay tối ưu như nhiều người tranh biện.

“Đo khói khi còn chưa thấy lửa…”

Một cách tiếp cận khác và thậm chí có tính thẩm quyền hơn là từ bản thân những nỗ lực của các quốc gia thành viên và các chuyên gia bên trong Liên Hiệp Quốc. Cụ thể là Công ước Chống Tham nhũng của tổ chức này. [9]

Việt Nam cũng là thành viên của công ước, nhưng bạn đọc có thể thấy báo chí và các cơ quan công quyền Việt Nam ít nhắc đến chúng.

Có lẽ, nếu tìm hiểu kỹ các hoạt động nội bộ của Công ước Chống Tham nhũng sẽ giúp người dân có một lượng kiến thức và thông tin rõ ràng về việc văn bản này hướng tới điều gì và kỳ vọng điều gì ở các quốc gia thành viên ký kết.

Ngoài ra, số lượng văn bản, tờ trình và thông tin mà hệ thống công ước và các cơ quan chuyên trách của công ước tạo ra là rất dồi dào để chúng ta có thể hiểu thêm về vấn nạn tham nhũng.

Xét riêng câu chuyện đánh giá thành quả hay đánh giá lại thực trạng tham nhũng sau các chiến dịch, người viết có thể giới thiệu thêm cho bạn đọc Luật Khoa một tài liệu ngắn của nhóm làm việc liên quan đến phòng ngừa tham nhũng của công ước, đã được chuẩn bị và công bố từ tận năm 2010. [10]

Về tổng quan, tài liệu này phân tích các vấn đề của hoạt động theo dõi và đánh giá thực trạng tham nhũng của quốc gia, thành tựu của các chiến dịch chống tham nhũng, và đưa ra các phân tích cơ bản về các biện pháp đánh giá tình trạng tham nhũng.

Tài liệu cũng nhắc đến phương pháp định lượng (quantitative method), phương pháp gián tiếp (indirect method), hay phương pháp dựa trên bằng chứng (evidence-based method – để phân biệt với phương pháp dựa trên quan điểm – phỏng vấn, opinion-based method).

Từ đó, tài liệu dẫn một bình luận rất hay của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đương thời là ông Ban Ki Moon:

“Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta là chúng ta vẫn chưa biết đo lường và đánh giá tham nhũng bằng cách nào – một nhu cầu cơ bản trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung vô hình. Thứ tốt nhất chúng ta có thể làm là đo lường cách nhìn nhận của công chúng về tham nhũng (public perception). Nhưng đo lường như vậy thì cũng chẳng khác gì đo khói khi mà còn chưa thấy được đám lửa […]”

Cách tiếp cận này phần nào làm sáng tỏ quan điểm của tài liệu, khi nó cho rằng các nguồn thông tin về tội phạm tham nhũng được công bố chính thức bởi chính quyền luôn có vấn đề.

Hiển nhiên, việc tổng hợp thông tin từ các nguồn chính thống mà một nhà nước cung cấp sẽ giúp người nghiên cứu nhìn ra được một vài xu hướng bất ngờ của “chiến dịch” chống tham nhũng. Nhưng hướng dẫn cũng khuyến cáo người nghiên cứu sẽ không bao giờ nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh nếu chỉ dựa vào các nguồn tương tự.

Ngoài ra, tài liệu còn cho rằng tình trạng tham nhũng hay thành quả của chiến dịch phòng chống tham nhũng phải trải qua và được kiểm chứng bởi nhiều biện pháp khảo sát và phân tích: từ khảo sát hộ gia đình (household survey), đến khảo sát giới thương chủ (business survey), hay khảo sát từ chính bên trong hệ thống công chức – viên chức (surveys on civil servants), v.v.

Không có những tài liệu và không gian để tìm ra được những thông tin nói trên một cách minh bạch thì số lượng quan tham, kẻ lạm quyền bị bắt càng nhiều đôi khi chỉ thể hiện sự tệ hại tiếp diễn của chính hệ thống mà thôi.

***

Sẽ có người cho rằng những quan điểm trên chỉ là những “ngụy biện” mà người viết đưa ra để phủ nhận thành công của chiến dịch mà ông Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện.

Nhưng thật ra cho đến thời điểm này, bài viết của tác giả chỉ củng cố lại quan điểm mà nhiều tác giả khác của Luật Khoa nhiều lần khẳng định: chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam – như cách mà nó đang diễn ra – chắc chắc không thể thành công.

Những cán bộ chịu trách nhiệm chính cho những vụ việc lớn nhất trong năm vừa qua, từ Việt Á đến chuyến bay giải cứu, đều là sản phẩm mới nhất và được tín nhiệm nhất của Đại hội XIII.

Trong khi đó, báo chí và không gian dân sự vẫn đang ngày càng bị thắt chặt với hàng chục nhà báo cũng như những người tố cáo sai phạm phải vào tù.

Năng lực và thẩm quyền của toàn bộ hệ thống tư pháp gần như dậm chân tại chỗ.

Đây rõ ràng không phải là một không gian dành cho một cuộc cải tổ hoặc thúc đẩy công cuộc phòng chống tham nhũng thành công.

Chú thích

1. Viết Tuân – Sơn Hà. (2023, January 19). Ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế Chủ tịch nước. VnExpress. https://vnexpress.net/ong-nguyen-xuan-phuc-roi-ghe-chu-tich-nuoc-4561305.html

2. Võ Văn Quản. (2022, September 8). Tham nhũng thể chế: Vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Trọng là vô nghĩa trong dài hạn. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2020/10/tham-nhung-the-che-vi-sao-ky-cong-dot-lo-cua-ong-trong-la-vo-nghia-trong-dai-han/

3. Effectively evaluating anti-corruption interventions. (n.d.). U4 Anti-Corruption Resource Centre. https://www.u4.no/publications/effectively-evaluating-anti-corruption-interventions

4. Tuyết Mai. (2022, February 18). Truy tố ông Nguyễn Hoài Nam về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ. Tuổi Trẻ Online. https://tuoitre.vn/truy-to-nha-bao-hoai-nam-ve-toi-loi-dung-quyen-tu-do-dan-chu-20220209133241679.htm

5. Xem: https://ubkttw.vn/

6. Đài CNA của Singapore: ‘Nguyễn Xuân Phúc mất ghế vì để vợ dính vụ Việt Á.’ (2023, January 28). Nguoi Viet Online. https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dai-cna-cua-singapore-nguyen-xuan-phuc-mat-ghe-vi-de-vo-dinh-vu-viet-a/

7. Ông Phúc rớt đài là do vợ và người thân dính đến vụ Việt Á? (2023, January 23). VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/ong-phuc-rot-dai-la-do-vo-va-nguoi-than-dinh-den-vu-viet-a-/6930200.html

8. Nguyễn Văn Lung. (2022, June 17). Tìm lời giải cho hiện tượng Trung Quốc: Vì sao tham nhũng nặng nhưng phát triển thần kỳ? Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/05/tim-loi-giai-cho-hien-tuong-trung-quoc-vi-sao-tham-nhung-nang-nhung-phat-trien-than-ky/

9. Ratification status. (n.d.). United Nations : Office on Drugs and Crime. https://www.unodc.org/unodc/en/corruption/ratification-status.html

10. Methodologies, including evidence-based approaches, for assessing areas of special vulnerability to corruption in the public and private sectors. (2010, December 13). Conference of the States Parties to the United Nations Convention Against Corruption. https://www.unodc.org/documents/treaties/UNCAC/WorkingGroups/workinggroup4/2010-December-13-15/V1056917e.pdf

V.V.Q.

Nguồn: Luatkhoa.org

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.