Nơi nào là quê hương?

Nguyễn-Khoa Thái Anh

(Oakland, 6 tháng Giêng, 2023)

Nhiều năm nay không viết không lách gì cả ngoài những đoạn ngắn ngủi không hợp thời trang trên Facebook do đó vô duyên, và trở nên vô cảm không phù hợp với cư dân Facebook khiến nhiều lúc tôi cảm thấy mình vô tích sự khi có nhu cầu phát biểu với tha nhân. Không hiểu một con người song văn hóa có tâm tư trĩu nặng với thời cuộc và diễn biến trên hai đất nước tâm tư sẽ hướng về đâu? Vốn dĩ hơn nửa thế kỷ nay, Việt Nam đã mang lại nhiều khắc khoải trong nội tâm, chính trị, Chính phủ Hoa Kỳ gần đây cũng chẳng khá gì; làm thế nào để tìm bình an cho nội tâm khi giấc mơ bản thân và đất nước thường bị gián đoạn một cách phũ phàng?

Có đúng là khi giấc mơ Việt-Nam không còn nữa thì người Việt cũng sẽ mất gốc và trở thành một sắc dân Á-Mỹ (nếu ở Hoa Kỳ) nào khác như bao nhiêu di dân khác trên đất Mỹ đã quên đi nguồn cội của mình? Giấc mơ Việt Nam là gì? Theo tôi đó là ước mơ Việt-Nam sẽ thật sự trở nên một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, độc lập và tự do để họ có thể hãnh diện làm người Việt và hưng phấn để trở về. Nếu vậy bao nhiêu người Việt sẽ ước mong được trở về Việt Nam? Thật khó nói, bởi chưng đã có những thế hệ thứ hai, thứ ba gồm những người Việt đã sinh đẻ trên một đất nước mà họ có thể cho là quê hương của mình. Còn những người lớn tuổi hơn, quá khứ lẫn hành trang quê hương của họ đều cách biệt, xa cách nhau không thể gộp vào một mối.

Lấy bản thân người viết làm thí dụ, đương sự có đủ hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và quá trình lịch sử của quê hương để sinh sống ở Việt Nam như chuyện hắn đã từng bỏ ra hơn 6 tháng để về sống ở nơi chôn nhau cắt rún. Nhất là khi thân mẫu – một người Hà Nội chính hiệu con nai vàng – đã sắp xếp để về Hà thành sống cho đến khi trở về với cát bụi phù sa của sông Hồng đưa bà về miền cực lạc nếu trên cõi đời này vẫn còn nhiều khổ lụy. Hai (2) vé hàng không hạng business đã được mua trước để hắn sẽ đưa mẹ về, vậy mà chỉ vài tuần trước khi lên đường nhiều điều bàn ra tán vào, nhất là chuyện chăm sóc sức khoẻ có lẽ không được đầy đủ ở quê nhà. Rồi rốt cuộc chỉ một mình thằng con quay về khi hắn được hưởng 1 năm nghỉ bồi đưỡng (sabbatical). Được hơn nửa năm thì hắn lại quay về cố quán vì nhiều lý do bất cập.

Ngay cả những người trong gia đình hay những đàn anh mà người viết hằng kính nể, có người đã thề rằng sẽ không bao giờ về lại Việt Nam cho đến khi nào chế độ thay đổi. Nhất là khi chính bản thân hắn là một người con Việt Nam cha Huế mẹ Bắc, nhưng sinh trưởng và lớn lên tại Sài Gòn cho đến ngày ra đi sống ở nước ngoài, chưa bao giờ đương sự đặt chân lên đất Bắc cho đến khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận với Việt Nam và gỡ bỏ “travel restrictions” cấm cản, cho phép người Việt sống ở Mỹ được về Việt Nam không bị hạn chế như phải đi qua một quốc gia thứ ba để xin chiếu khán du lịch VN, phải thông qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Ở đây có nhiều chuyện hồi hương về Việt Nam sống hay chỉ về thăm quê hương. Tất nhiên có nhiều tình huống khác nhau.

Những người có sinh sống ở Việt Nam một thời gian dài nào đó hay chỉ quay về tìm lại một quê hương mà cha mẹ bỏ lại hay đã đánh mất. Sống đâu quen đó, cho nên có nhiều thế hệ trẻ tuy không thân thuộc với Việt Nam lắm trước khi về Việt Nam, họ vẫn sống vui khoẻ, vài năm hay khi nào cần thiết thì họ quay về Mỹ, Âu châu, Úc châu hay nơi nào khác. Toàn-cầu-hóa đã làm cho cuộc sống ở nhiều nơi được dễ dàng hơn.

Nói đến chuyện ra đi hay trở về, người phê bình khó có thể đứng trên một bình diện khách quan để lượng định lý do ra đi hay trở về của tha nhân vì mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Người ngoại cuộc thường chỉ có thể đưa ra hay phỏng đoán những sự việc hồi hương của người ra đi căn cứ trên thái độ hay quan điểm của người ra đi đối với tác nhân hay chính thể đã khiến họ phải lưu vong. Tỉ dụ như trước đây họ tuyên bố thế nào về chế độ đã làm cho họ ra đi. Chùm khế có ngọt hay chát tùy theo kinh nghiệm và cái nhỉn trong cuộc của mỗi người. Và cái nhìn lại có thể thay đổi tùy theo thời gian.

Gần đây nghe chuyện châu-về-hợp-phố chung quanh vụ ông Vũ Thư Hiên về nước, rồi lại nghe Huy Đức khéo kết luận về những sự kiện trên trong trang FB của anh:

“Sự trở về của nhà văn Vũ Thư Hiên hay việc Viết & Đọc tuyên bố, Nguyên Ngọc Vẫn Trên Đường Chúng Ta Đi, đơn giản chỉ là những tín hiệu cho thấy, chúng ta đang từng bước được sống như bình thường ở trên chính quê hương mình.”

tôi quyết định phải viết vài dòng theo quan điểm của một người sống ở nước ngoài, nhất là bản thân đã có nhiều phen gặp gỡ và trao đổi với những nhân vật như Vũ Thư Hiên, Huy Đức, và các văn nhân nghệ sĩ v.v… Nguyên văn trên FB của Trương Huy San (Huy Đức) như sau:

BÌNH THƯỜNG CHO NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG

Mặc dù vẫn có những truyện ngắn, thơ và phỏng vấn rất đặc sắc, tôi không điểm Viết & Đọc số Mùa Đông 2022 như thường kỳ.

Cách đây vài tuần, một giáo sư nói chuyện với tôi với tâm trạng rất bức xúc khi "tổ văn" của chị không thể đấu tranh để giữ trong sách giáo khoa tác phẩm của một số nhà văn nhà thơ [nằm trong một danh sách nào đó].

Và, hôm nay, tôi nhìn thấy tên 3 trong số họ trong Viết & Đọc [Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng & Nguyễn Quang Lập]. Không thể không lặng đi trong giây lát khi đọc một bài nghiên cứu đầy tính học thuật với tựa đề: Nguyên Ngọc Vẫn Đang Trên Đường Chúng Ta Đi.

Bức xúc của các thầy cô giáo không phải cho các tác giả đó [Ngành giáo dục chưa bao giờ trả đồng nhuận bút nào cho họ], với nhiều tác phẩm, nếu đưa ra khỏi sách giáo khoa là thiệt thòi to lớn cho các thế hệ học sinh. Lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị văn chương nhất cho sách giáo khoa tưởng như là một điều bình thường, ở Việt Nam, không phải lúc nào cũng trở nên bình thường.

Hình ảnh nhà văn Vũ Thư Hiên xuất hiện ở Sài Gòn tuần qua cũng gợi rất nhiều suy nghĩ. Tác phẩm của ông đã từng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ người Việt. Những Bông Hồng Vàng (dịch), Miền Thơ Ấu… và cả Đêm Giữa Ban Ngày, dù xuất bản chính thức hay không, vẫn được bạn đọc trong nước thường xuyên tìm đọc. Nhưng, tác giả của chúng, nhà văn Vũ Thư Hiên, thì 30 năm nay phải sống ở nước ngoài.

Trong một quốc gia bình thường, những nhà báo, nhà văn nói lên sự thật như Vũ Thư Hiên chắc chắn sẽ được sống và tự do đi lại. Và trong một không gian ngôn luận bình thường, các tác phẩm có giá trị chắc chắn sẽ được báo chí và các nhà xuất bản tìm kiếm, công bố. Sự trở về của nhà văn Vũ Thư Hiên hay việc Viết & Đọc tuyên bố, Nguyên Ngọc Vẫn Trên Đường Chúng Ta Đi, đơn giản chỉ là những tín hiệu cho thấy, chúng ta đang từng bước được sống như bình thường ở trên chính quê hương mình.

Thôi thì mình vẫn tự hào là người thích sống thật và viết thật – nhưng có lẽ điều quan yếu nhất trong cuộc sống có đòi hỏi người viết cần phải ‘hiểu đời’ và một con tim vị tha?

Do vậy có mấy ai sẽ dễ dàng không vội lên án, chê trách, hay dè bĩu người khác về chuyện họ quay về nước? Bởi đã có nhiều trường hợp và hoàn cảnh khác nhau tùy theo những trải nghiệm trước đây của từng người khi đất nước còn chia đôi và cuộc chiến Quốc-Cộng nồi da xáo thịt đã đặt họ vào những vai trò và trách nhiệm cũng như những hành xử như thế nào khi chính kiến, tình huống và quá khứ đã đưa con người đến chỗ quá độ? Nói trắng ra, có những người là nạn nhân, có những người là thủ phạm, là tác nhân trực tiếp hay gián tiếp gây ra tội ác trong xã hội, xâm phạm quyền làm người, thân thể hay quyền lợi của nhiều gia đình, nhiều người và từ đó về sau người ta có thể có thái độ, có lối đi hay tìm cách viết lách để tách bạch chỗ đứng của mình đi với cái sai, cái ác, cái hiểm độc của chế độ, cho biết hay minh chính vai trò và đường đi của mình. Bị tù đày và áp chế và một số đã thoát ra khỏi Việt Nam. Lý do gì đã thúc đẩy họ trở về?

Sau cuộc đổi đời 1975, nhiều người miền Nam ra đi đã đành – tuy rằng cuộc vượt biên lớn lao, hãi hùng của nhiều người không phải là chuyện dễ quên, nên sự ra đi từ miền Bắc rơi vào những trường hợp đáng kể. Họ đã sống lâu đời trong một thể chế Cộng sản hà khắc hơn miền Nam, tôi luyện như thế, còn tôi là một đứa trẻ miền Nam may mắn hay không may mắn được sống dưới thời Cộng sản lên ngôi để biết đến mùi khổ đau oan trái, hà cớ gì để viết về những người ra đi hay trở về? Đề tài ra đi từ cuộc di cư thế kỷ 1954-1956 đã thành luận án tiến sĩ và sách báo cho đến sự trở về của những nhân vật lớn, quan trọng hay nổi tiếng của đất nước và thời cuộc như tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy, đã được nhiều người viết đến chưa kể chuyện đi lại của nhiều ca nhạc sĩ khác. Thôi thì viết ra đây qua tâm trạng của một đứa con đã nghe, biết, và chứng kiến nhiều chuyện đáng kể hơn chuyện của bản thân mình.

Chuyện bác Bùi Tín

https://old.danchimviet.info/archives/4133/gi%E1%BA%A5c-m%C6%A1-h%E1%BB%93i-h%C6%B0%C6%A1ng/2009/05?fbclid=IwAR16uBxj-M_lNXddG4D_Wh_-qeuxh1z6WcRklx6zHGNlESi_1NkLJvgwu7A

(May 31, 2015)

“Cháu để nhạc tiền chiến cho bác nghe nhé!”

“Cám ơn Thái Anh, cho mình nghe nhạc vàng (miền Nam). Tuấn Ngọc hay Khánh Ly gì cũng được…”

Tôi lục mấy đĩa CD, thấy CD Tình Hoài Hương của Ngọc Hạ, vội bỏ vào máy. Dòng nhạc trữ tình trỗi lên. Âm thanh trong vắt và cao vút thoát ra từ cặp loa Summit của Martin Logan như đem người hát đến với hiện thực. Ampli bóng của Conrad Johnson ấm và ngọt ngào qua lời ca của Ngọc Hạ làm xiêu lòng người chiến sĩ lão thành miền Bắc, một nhà báo kỳ cựu của Quân Đội Nhân Dân ngày nào.

Ông Bùi Tín đong đưa theo điệu nhạc, mắt mơ màng như tìm về khoảng không gian thân yêu của một thời vàng son nào. Tôi bước lên lầu trả lời điện thoại, khi trở lại phòng khách, bác Bùi Tín hỏi:

“Cháu cho bác nghe lại bài vừa rồi được không?”

Tôi nhìn số bài đang hiển thị trên máy rồi nhìn lướt qua vỏ CD: Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành, bài thứ 5. Khi Ngọc Hạ hát đến câu ‘Nghẹn ngào thương nhớ em… Hà Nội ơi!” tôi nhìn thấy mắt ông ướt, gương mặt thẫn thờ như vừa lạc vào cõi xa xăm nào. Tôi chợt thảng thốt, đã gần hai mươi năm rồi còn gì! Chẳng nhẽ một người tám mươi mấy tuổi như ông sẽ không được một lần về thăm gia đình, thăm Hà Nội? Thật tội, một chế độ cố chấp, quá cay nghiệt với con dân mình!

Chẳng bù khi tôi chở bác Bùi Tín đến gặp ông đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – nhân dịp ô. Quốc qua thăm thân nhân ông ở San José – được ô. Quốc khuyên, bảo thôi nhà báo Thành Tín (bút hiệu của ô. Bùi Tín nguyên là Đại tá Quân đội Nhân dân, và Phó Tổng Biên tập của Quân đội Nhân dân kiêm Tổng biên tập báo Nhân dân Chủ nhật) đã viết đủ rồi nên tìm đường để trở về quê hương thăm gia đình. (Ông Bùi Tín đã đánh 9 phương còn 1 phương để trở về chứ!) nhưng cho đến cuối đời ông Bùi Tín đã mất trên đất Pháp, quê người.

Hai tuần trước đây, hàn huyên với ông Nguyễn Chí Thiện, tôi nghe cùng một tâm sự tương tự: nhớ thương, hoài cảm Hà thành, lâu ngày không được về thăm nhà. Rồi tình cờ, một buổi sáng bên kia Vịnh San Francisco, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Hoàng Khởi Phong cùng gia chủ, tại một căn nhà trên đồi, cùng một dòng nhạc xa vắng, nhung nhớ, đê mê và tuyệt vời của Ngọc Hạ đó lại trỗi lên đưa lòng người yêu Hà Nội trở về cõi mê chìm. Những người còn có cơ hội về quê hương như chúng tôi còn bứt rứt nữa huống hồ.

“Ai là nhạc sĩ bài này vậy, Thái Anh?” Anh Thủy hỏi.

“Dạ, Vũ Thành!”

“Vũ Thành này là nhạc trưởng của quân đội Việt Nam Cộng hòa…”  Hoàng Khởi Phong nói thêm, “là một người rất có công với nền tân nhạc Việt Nam.  Ông là người Bắc di cư, cùng một thế hệ với Phạm Duy, nhưng là người từ tốn và nhẹ nhàng hơn.”

Chúng tôi lặng người trong tiếng nhạc và ca từ, không nói gì thêm như cùng chia sẻ nỗi nhớ nhung thanh thoát, nuôi đầy hoài bão xây dựng và bao dung của người nhạc sĩ tài ba. Khi tiếng hát Ngọc Hạ vừa dứt, tôi buột miệng: “Không hiểu sao em thấy phần lớn những bản nhạc viết về Hà Nội tuyền là những bài hay, kể cả những bài mới như Không Còn Mùa Thu của nhạc sĩ Anh Việt, soạn theo lối bán cổ điển khi anh ta chỉ mới 21 tuổi.”

“Nói gì chứ tấm lòng thành của con người bao giờ cũng thể hiện qua tác phẩm… nhạc sĩ Phú Quang khi vào Sài Gòn – chỉ xa Hà Nội vài trăm cây số (1) – cũng viết mấy bài về Hà Nội khá nổi tiếng, sau đó trở về Hà Nội thì không viết được gì nữa… nhưng khó mà so sánh với bài này lắm! Hay và thấm thía thật.”

Vì sao một đứa con Sài Gòn lại ôm nhiều mối tơ vương về Hà thành đến ray rứt đường tơ như vậy? Tôi, một đứa con trai sinh trưởng và lớn lên trong không gian ồn ào náo nhiệt của Sài thành năm nào, hẳn nhiên phải mang nhiều kỷ niệm lưu luyến với khung trời niên thiếu của mình, bằng không chất Huế – cái thâm trầm âm ỉ thuộc đất Thần kinh của ông cha như những chiều Hè Vĩ Dạ ra rít trên da, thấm đẫm từng thớ thịt, từng cơ bắp, chảy sâu trong dòng máu đằng trong, rạo rực trong thân thể – phải cân bằng những ước muốn Bắc Hà của quê mẹ chứ?

Vậy thì có khác gì khi những ca nhạc sĩ miền Nam ngày nào, nay họ có trở về quê hương trình diễn vì nơi đây chính là môi trường gần 1 trăm triệu đồng bào thân yêu vẫn còn yêu mến những dòng nhạc trữ tình lưu luyến của con tim Việt Nam đích thực hoàn toàn phi chính trị?

N.K.T.A.

Tác giả gửi BVN

(1) Câu này tác giả diễn đạt không rõ, theo google Maps, Hà Nội cách SG không thể dưới 1200 km – BVN.

This entry was posted in Quê hương. Bookmark the permalink.