Lê Nguyễn Trường Giang (*)
Thứ Hai, ngày 02/01/2023
VietTimes – Nói đến nền kinh tế tương lai phải nói đến nền kinh tế tri thức, chứ không phải là nền kinh tế số – theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng DTSI.
Chúng ta có phần ngộ nhận khi dùng phương tiện phổ biến – công nghệ số – nhờ tiến trình chuyển đổi số mà trở thành phương tiện chi phối và chủ đạo trong đời sống kinh tế hàng ngày để nói về một nền kinh tế tương lai, trong khi, phải nói đến bản chất của nó là một nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức với công nghệ số là chủ đạo.
Do vậy, nói đến nền kinh tế tương lai phải nói đến nền kinh tế tri thức, chứ không phải là nền kinh tế số.
Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Việc xác định đúng bản chất của nền kinh tế có tác động quan trọng đến trọng tâm của các chiến lược và chương trình hành động.
Nếu như xác định bản chất nền kinh tế là công nghệ số và gọi là nền kinh tế số, như chúng ta hiểu hiện giờ dẫn đến việc chúng ta đang sa lầy quá mức vào công nghệ, quá đề cao công nghệ mà thiếu một nhận thức đầy đủ về cái đúng thực sự nền kinh tế phải có, đó là tri thức, để hình thành nên một nền kinh tế tri thức, chứ không phải là một nền kinh tế số.
Đây là một chủ đề lớn, phức tạp và đòi hỏi một nền tảng kiến thức đủ sâu, đủ rộng để tiếp cận, do vậy, ở đây tôi chỉ nêu ra vấn đề và kết luận mà không đi sâu vào việc kiến giải.
Nền kinh tế tri thức của tương lai mà chúng ta đang hướng đến như là hệ quả của Cuộc Cách mạng Chuyển đổi số có 8 đặc trưng quan trọng:
(1) Dữ liệu trở thành nền tảng quan trọng của nền kinh tế – được hiểu như một “nguồn nguyên/nhiên liệu thô” căn bản nhất cho các tiến trình kinh tế – xã hội. Dữ liệu là nguyên/nhiên liệu cho tiến trình xử lý thông tin hóa – kiến tạo thành các sản phẩm-dịch vụ, là tri thức và được dùng cho cuộc sống hàng ngày để tạo ra các giá trị.
(2) Tri thức trở thành đòi hỏi bắt buộc để con người có thể tồn tại, phát triển trong một nền kinh tế mới. Trong đó năng lực đổi mới & sáng tạo, khả năng học tập suốt đời, và năng lực tư duy hệ thống/phức hợp là những đòi hỏi tất yếu.
(3) Việc tái định hình xã hội trở thành một xã hội số là cơ chế bắt buộc để tạo môi trường vận hành cho nền kinh tế mới.
(4) Giá trị trở thành trọng tâm hướng đến của mọi quá trình kinh tế – xã hội.
(5) Con người tất yếu phải là trung tâm của mọi tiến trình kinh tế – xã hội.
(6) Văn hóa là nền tảng giúp định hình các quy trình vận hành của các tiến trình kinh tế – xã hội.
(7) Định hình ra các nền tảng là đòi hỏi tất yếu mà các tiến trình kinh tế – xã hội phải hướng tới như một “di sản” của mọi tiến trình.
(8) Sự hình thành các hệ sinh thái xã hội và tiến tới một sự tiến hóa trở thành xu hướng chủ đạo.
Xét như vậy, chúng ta thấy rõ hệ quả của Cuộc Cách mạng Chuyển đổi số đến việc định hình một nền kinh tế mới – nền kinh tế tri thức, trong đó: Công nghệ đóng vai trò động lực – và nhấn mạnh không chỉ là công nghệ số; Xã hội số đóng vai trò dẫn động; Chủ nghĩa tư bản dữ liệu đóng vai trò dẫn đạo.
L.N.T.G.
—
(*) Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang hiện là Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), Hội Truyền thông số Việt Nam.
Nguồn: VietTimes