Giá của đồng vốn làm ăn ở Việt Nam hiện quá cao

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Lạm phát thấp bậc nhất thế giới, nhưng lãi suất lại cao bậc nhất thế giới và tăng trưởng kinh tế cũng cao bậc nhất thế giới.

Ở Việt Nam, nơi được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tự hào khoe rất nhiều lần trong các bài diễn văn của ông về “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”, đúng là tăng trưởng kinh tế cao bậc nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng thị trường chứng khoán lại lao dốc với tốc độ kỷ lục thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mất hết động lực và đối diện với rủi ro chưa từng thấy, còn thị trường bất động sản đông cứng chưa biết đâu là điểm cuối.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền, đơn hàng, nhiều người lao động đối diện với tình trạng mất việc hay hoãn giãn việc làm.

Hôm 28-12-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm với nhiều con số thống kê được đưa ra như cách kể công khéo léo về chuyện lạm phát dưới con số 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Thế nhưng phía quan chức Ngân hàng Nhà nước dường như tránh né chuyện đợt điều chỉnh tỷ giá rất đột ngột hồi trung tuần tháng 9 rồi, làm nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, làm phá sản nhiều hợp đồng ký trước đó.

Đồng ý việc điều chỉnh tỷ giá là chẳng đặng đừng vì FED tăng lãi suất, hút dòng vốn USD về Mỹ làm các đồng tiền chao đảo. Tuy nhiên, FED công bố lộ trình và liều lượng điều chỉnh lãi suất ngay từ cuối năm ngoái một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình nên doanh nghiệp nào cũng lường trước được chứ không như ở Việt Nam.

Lẽ ra, việc điều chỉnh tỷ giá cần rút kinh nghiệm từ lần điều chỉnh tỷ giá đột ngột tới 9,3% năm 2011, và đặc biệt sau khi Thủ tướng đã yêu cầu không được ban hành chính sách “giật cục” ngay từ đầu năm nay.

Ghi nhận của báo chí cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều đang gánh lãi suất tiền vay tăng cao hơn trước trong khi sản xuất, sức mua lại giảm thấp.

Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty Hải sản Hoàng Gia cho biết, hiện công ty phải trả tiền vay với lãi suất 10%/năm. Mức lãi suất này đã được duy trì hơn 2 tháng qua và chưa đến kỳ điều chỉnh mới (hợp đồng vay có thời hạn điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần).

Quan trọng hơn là thời điểm cuối năm, thông thường doanh nghiệp luôn cần vốn lưu động nhiều gấp đôi giữa năm do nhu cầu tích trữ, gia tăng nhập hàng hóa để đáp ứng nhu cầu khách hàng dịp lễ, tết. Thế nhưng năm nay nguồn vay từ ngân hàng khá hạn chế nên doanh nghiệp phải tự xoay xở.

Bên cạnh đó, một phần dự báo sức tiêu thụ sụt giảm nên doanh nghiệp cũng không dám tăng nguồn hàng dự trữ nhiều hơn. “Lãi suất của công ty do chưa đến kỳ điều chỉnh nên vẫn còn gồng được. Nếu sắp tới mà lên cao 12 – 13% thôi là rất mệt vì khi đó chắc chắn không còn đồng lãi nào nữa. Hy vọng qua năm mới tình hình đỡ khó khăn hơn và lãi suất cũng không tiếp tục tăng cao”, ông Trần Văn Trường nói.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán ACB cho biết, so với thời điểm đầu năm, lãi suất huy động đã tăng 2 điểm phần trăm ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3 – 4 điểm phần trăm ở các ngân hàng tư nhân nhỏ. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15 – 16%/năm.

Điều này là dễ hiểu vì lãi suất đầu vào tăng thì ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay để giữ biên lợi nhuận (NIM). Tuy nhiên, vì thế, bên cạnh phải chịu lãi vay cao, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Đáng chú ý, diễn biến trên xuất hiện đúng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, tình hình tài chính doanh nghiệp ngày càng trở nên u ám, đồng thời, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn các ngân hàng ngày càng tăng cao.

Đối với ngân hàng, nếu không tăng lãi suất tiền vay phù hợp với mặt bằng thị trường, ban điều hành sẽ không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã cam kết tại đại hội cổ đông từ đầu năm.

“Châu Âu lãi suất 3% nhưng lạm phát lên 10%; Mỹ lạm phát 8%, lãi suất cho vay khoảng 3%/năm. Trong khi đó Việt Nam chúng ta ngược lại. Điều này tạo gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp” – ông Lê Xuân Nghĩa, cựu Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhìn nhận như vậy.

T.D.D.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.