Âm mưu thống trị thế giới của quân đội Trung Quốc

Báo cáo mới nhất của Ngũ Giác Đài phân tích những điểm quan trọng về sức mạnh và âm mưu thống trị thế giới của quân đội Trung Quốc

Mai Vũ Phạm

Tập Cận Bình phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2022. Ảnh: Getty Images

Theo qui định liên bang, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã ban hành bản báo cáo dài hơn 170 trang, vào ngày 29 Tháng Mười Một, phân tích và đánh giá lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army – PLA), gọi nước này là một “thách thức mang tính hệ thống và quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ cũng như đối với hệ thống quốc tế tự do và cởi mở.”

Bộ Chính trị Trung Quốc ngày càng tăng cường sử dụng quân đội nước này như một công cụ kiểm soát quyền lực và theo đuổi âm mưu bành trướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thống nhất Đài Loan. Sau khi hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa vào năm 2020, quân đội Trung Quốc lấy năm 2027 làm mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển tổng hợp của cơ giới hóa, thông tin hóa, và thông minh hóa các lực lượng vũ trang.

Ngũ Giác Đài nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty Images

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ngũ Giác Đài cho biết tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc ngày càng rõ ràng hơn, phơi bày trong chiến lược của Trung Quốc “là theo đuổi quyết tâm và mở rộng sức mạnh quốc gia” cũng như kiểm soát “các khía cạnh của hệ thống quốc tế” nhằm tạo thuận lợi hơn cho hệ thống chính trị của nước này. Đây là một chiến lược đối nội và đối ngoại quan trọng của Trung Quốc.

Sau đây là một số điểm quan trọng rút ra từ báo cáo của Ngũ Giác Đài về quân đội Trung Quốc.

Tăng cường hiện đại hóa năng lực quốc phòng

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành chương trình “cơ giới hóa, thông tin hóa, và thông minh hóa” vào năm 2027, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu “Phục Hưng Quốc Gia” với hy vọng quân đội nước này sẽ trở thành một lực lượng vũ trang “đẳng cấp thế giới” vào năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có khoảng 2.2 triệu thành viên, so với 1.4 triệu thành viên của quân đội Hoa Kỳ. Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh là $261 tỷ cho năm 2021, ít hơn so với $801 tỷ của Ngũ Giác Đài. Trung Quốc và Mỹ có các học thuyết hạt nhân khác nhau, mặc dù họ dường như đang dần đi đến những mục đích giống nhau – dẫn đến sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc.

Ảnh: Getty Images

Bộ Quốc Phòng ước tính rằng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân đang hoạt động của Trung Quốc đã vượt qua con số 400 và có khả năng đạt 1,500 vào năm 2035, khi nước này có kế hoạch “hoàn thành hiện đại hóa cơ bản” các lực lượng của mình. Điều đáng chú ý, Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF) đã thử nghiệm khoảng 135 tên lửa đạn đạo vào năm 2021, nghĩa là “nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại, không bao gồm việc sử dụng tên lửa đạn đạo trong các khu vực xung đột.”

Hải quân Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới tính theo số lượng tàu chiến và tàu ngầm, trong khi Không quân Trung Quốc xếp thứ ba trên thế giới về tổng số máy bay chiến đấu, theo báo cáo của Ngũ Giác Đài 2022.

Tăng cường áp lực ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự đối với Đài Loan

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã dành một phần đáng kể phân tích những phát triển đầy tham vọng về cơ giới hóa, thông tin hóa, và thông minh hóa các lực lượng vũ trang của Trung Quốc” nhằm theo đuổi tham vọng thống nhất của Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Mặc dù Trung Quốc công khai ủng hộ việc thống nhất bằng biện pháp ôn hòa với Đài Loan, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Chẳng hạn như quân đội Trung Quốc đã tiến hành 20 cuộc tập trận hải quân mô phỏng việc chiếm Đài Loan vào năm ngoái, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Trong năm 2022, tổng số lần các máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan là 240 ngày.

Liệu Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan ngay bây giờ nếu muốn? Bản báo cáo của Ngũ Giác Đài đề cập đến bốn khả năng quân sự mà Trung Quốc có thể tiến hành chiếm đóng Đài Loan, nhưng không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về thời điểm Bắc Kinh có thể tiến hành các khả năng này.

Đầu tiên, Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc phong tỏa trên không và trên biển để cắt đứt nguồn hàng nhập khẩu quan trọng của Đài Loan, kèm theo là các cuộc tấn công tên lửa hoặc chiếm giữ các hòn đảo, buộc Đài Loan phải đầu hàng. Điều này cũng có thể sẽ được bổ sung bằng chiến tranh mạng đồng thời kiểm soát luồng thông tin về cuộc xung đột nhằm cô lập chính quyền và người dân Đài Loan.

Máy bay huấn luyện K-8 của Đội biểu diễn hàng không Red Falcon thuộc Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) biểu diễn trong Air Show tại sân bay Đại Pháp Trường Xuân, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Khả năng thứ hai là Bắc Kinh có thể tiến hành “các hoạt động cưỡng bức hoặc vũ trang” nhằm vào cơ sở hạ tầng chính trị, quân sự, hoặc kinh tế để gây sợ hãi và suy giảm niềm tin của người Đài Loan vào chính quyền. Trong một chiến dịch như vậy, các lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội Trung Quốc cũng thể đột nhập vào Đài Loan và tiến hành các cuộc tấn công vũ lực nhằm vào cơ sở hạ tầng hoặc các mục tiêu lãnh đạo.

Một khả năng khác là Trung Quốc có thể tiến hành một chiến dịch không quân và tên lửa nhắm vào các mục tiêu quan trọng của chính phủ và quân đội Đài Loan để làm suy giảm hệ thống phòng thủ, “vô hiệu hóa” ban lãnh đạo, hoặc làm suy yếu quyết tâm kháng cự của công chúng có thể được sử dụng.

Khả năng cuối cùng là Trung Quốc có thể sẽ tiến hành một cuộc xâm lược thực sự tấn công Đài Loan với chiến thuật đổ bộ toàn diện. Tuy nhiên, bản báo cáo lưu ý rằng một cuộc xâm lược đổ bộ quy mô lớn là “một trong những hoạt động quân sự phức tạp và khó khăn nhất” vì có thể khiến lực lượng vũ trang của Trung Quốc bị thiệt hại nặng và trở thành một rủi ro chính trị đáng kể đối với Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả khi cuộc đổ bộ thành công. Tuy nhiên, Ngũ Giác Đài tin rằng Trung Quốc đã có khả năng tiến hành các hoạt động đổ bộ thần tốc trước khi xâm lược toàn diện, chẳng hạn như xâm chiếm đảo Pratas (đảo Đông Sa), đảo Itu Aba (đảo Thái Bình), hoặc đảo Kim Môn.

Ngũ Giác Đài tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc đã chọn năm 2027 là một năm mang tính bước ngoặt đối với việc thống nhất Đài Loan. Trong suốt năm 2021, quân đội Trung Quốc đã gia tăng “các hành động khiêu khích và gây bất ổn trong và xung quanh eo biển Đài Loan, bao gồm tăng cường các chuyến bay vào Khu Vực Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận chiếm đảo xung quanh một trong những hòn đảo của Đài Loan.”

Điều đáng lưu ý, bản báo cáo nhấn mạnh rằng tăng cường khả năng xâm lược Đài Loan là chiến lược của Trung Quốc, nếu không muốn nói là mục tiêu quân sự chính trong việc Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng quân sự hiện tại.

Tiếp tục tranh chấp lãnh thổ

Báo cáo đề cập đến căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), vốn leo thang vào ngày 15 Tháng Sáu năm 2020 sau một cuộc giao tranh biên giới ở Thung lũng Galwan giữa hai nước, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Cuộc đụng độ này được cho là đẫm máu nhất giữa hai nước láng giềng trong suốt 46 năm qua.

Đầu Tháng Chín năm 2022, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tuyên bố cả hai nước bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới Gogra-Hotsprings ở phía Tây dãy Himalaya hai năm sau khi đụng độ đẫm máu. Tuy nhiên, trong thực tế quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì số lượng lớn binh sĩ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) chia cắt hai nước. Đây là đường biên giới không chính thức được thiết lập sau cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962. New Delhi và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền hàng loạt khu vực dọc theo LAC, dẫn tới các vụ binh sĩ hai bên chạm mặt nhau thường xuyên.

Hải quân và Lục quân tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 24 tháng 8 năm 2022. Ảnh: Getty Images

Hình ảnh vệ tinh mới, do dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thu được, cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một tiền đồn quân sự gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ, một động thái báo hiệu ý định triển khai quân sự lâu dài của Bắc Kinh tại một trong những điểm nóng của thế giới.

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông vẫn không có dấu hiệu dừng lại khi Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư) do Nhật Bản quản lý. Nhật Bản vẫn lo ngại về việc Trung Quốc liên tục  triển khai các tàu bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá ở vùng biển tranh chấp.

Bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng xem xét áp lực “tăng cường” ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc nhằm thống nhất Đài Loan. Xuyên suốt năm 2021 và năm 2022, quân đội Trung Quốc đã tăng cường vô số ‘hành động khiêu chiến và bất ổn gần eo biển Đài Loan. Báo cáo cũng nhấn mạnh Trung Quốc đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân, và có thể tăng số lượng sở hữu đầu đạn gấp ba lần con số hiện tại.

Tham vọng bành trướng

Báo cáo của Ngũ Giác Đài nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc đã áp dụng “các hành động nguy hiểm, cưỡng chế, và hung hăng hơn” trong suốt năm 2021 và đã tiếp tục chiến lược này trong năm 2022. Một viên chức cấp cao Ngũ Giác Đài nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều hành động cưỡng chế và hung hăng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có một số hành động mà chúng tôi cho là nguy hiểm. Điều này bao gồm các tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc đã có những hành động không an toàn và không chuyên nghiệp.”

Tháng Tám năm 2022, quân đội Trung Quốc lần đầu tiên cử lực lượng tham gia cuộc tập trận chung tại Nga. Có thể thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Tập Cận Bình và Puti thông qua các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.

Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Trung Quốc đang bí mật xây dựng một căn cứ hải quân ở Campuchia, nằm ở phần phía Bắc của quân cảng Ream thuộc vịnh Thái Lan. Đây là căn cứ hải quân đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Bắc Kinh, trong chiến lược xây dựng một mạng lưới các cơ sở quân sự trên khắp thế giới nhằm hỗ trợ cho tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu.

Việc xây dựng một cơ sở có khả năng tiếp nhận các tàu hải quân lớn ở phía Tây Biển Đông sẽ là một yếu tố quan trọng trong tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và sẽ tăng cường sự hiện diện của họ gần các tuyến đường biển quan trọng của Đông Nam Á.

M.V.P.

Nguồn: Sài Gòn nhỏ

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Mặt thật Trung Quốc. Bookmark the permalink.