Nguyễn Đình Cống
Đó là minh oan cho các nhà khoa học, các trí thức Việt Nam khi bị trách móc, còn nói nặng hơn là bị kết án oan. Trong bài Mặt trời luôn toả sáng ở Việt Nam? (Boxitvn ngày 20/2/2022) có sự trách móc như vậy. Tác giả Nguyễn Đức Thắng, sau khi trình bày việc người Việt chỉ biết làm thuê cho ngoại bang, không tự làm được một chiếc ốc vit tinh xảo, không phát triển được khoa học, đã kết luận:
“Các nhà khoa học Việt Nam đang có một món nợ rất lớn đối với đất nước, với dân tộc, trong đó Bộ KH&CN với bề dày lịch sử hơn 60 năm có vai trò chủ yếu. Nếu không làm cuộc cách mạng trong quản lý KH&CN, Việt Nam sẽ mãi là đất nước bán rẻ tài nguyên, gia công, lắp ráp và làm thuê”.
Trong sách “Sức mạnh của cái đúng”, tác giả Nguyễn Trần Bạt (1946- 2020) cũng có ý kiến gần như vậy đối với trí thức Việt, ông viết: “ Trí thức là những người chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự phát triển, đối với vận mệnh của dân tộc (354)… Việc tạo ra cuộc cách mạng là của giới chính trị, nhưng hàn gắn vết nứt của CM để tạo ra sự đồng thuận xã hội là việc của giới trí thức (13)… Phát triển gắn liền với việc tìm kiếm ra phương thức thay đổi một cách từ tốn tất cả các nhược điểm của một nến chính trị. Đấy là công việc của giới trí thức (20)…”. [con số trong (..) là số trang của sách, có câu được trich dẫn].
TL, một facebooker được nhiều người biết tên có viết bài, được phổ biến rộng rãi, đặt ra nhiều câu hỏi mà câu số một hỏi các nhà khoa học, các trí thức Việt đã làm được những gì cho dân, cho nước.
Tôi thông cảm với các tác gỉả trên nhưng không tán thành nhận xét của họ. Tôi muốn minh oan cho các nhà khoa học và trí thức Việt. Làm việc này không chỉ bênh vực người cùng giới mà chính là bảo vệ lẽ công bằng. Tôi thông cảm với các tác giả ở chỗ họ không ở trong chăn. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận (tự sinh ra và được người ngoài nuôi dưỡng rồi thả vào) và mới cảm nhận được hơi ấm. Không những họ không ở trong chăn mà còn bị tiêm nhiễm bởi những tuyên truyền đề cao lao động của công nông, quen nhìn đời bằng cặp mắt thiển cận do nhiều nguyên nhân gây ra. Thế thì không khéo khẩu hiệu của Trần Phú vể trí phú địa hào có chỗ đúng cũng nên.
Theo ông Thắng thì Các nhà khoa học Việt Nam đang có một món nợ rất lớn đối với đất nước. Đúng là như vậy, nhưng thử hỏi ở đâu ra món nợ ấy và liệu họ có trả được không, trả bằng cách nào khi mà môi trường hoạt động của họ bị hạn chế, bị phá nát, tự do tư tưởng bị bóp nghẹt, phản biện bị đàn áp, họ bị vòng kim cô của ý thức hệ trói chặt, khi mà nhiều người trong tầng lớp lãnh đạo mơ hồ về vai trò của Đại Hán, biến kẻ thù truyền kiếp thành người thầy, người bạn lớn cùng ý thức hệ, đên nỗi họ bị chúng lừa mà cứ tưởng được tận tình dạy bảo. Trong lúc Đại Hán hết sức quan tâm đến đội ngũ tinh hoa của mình thì lại dạy dỗ, áp đặt chúng ta quy cho những người bất đồng quan điểm trong tầng lớp tinh hoa của dân tộc Việt là thế lực phản động, là kẻ thù giai cấp, phải khống chế, phải triệt hạ. Làm như vậy để mở đường cho Đại Hán thôn tính dần lãnh thố, biến dân Việt thành nô lệ. Thâm độc nhất của Trung cộng là trấn yểm, xóa bỏ cho bằng hết tinh hoa của nước Việt. Còn món nợ, thì dó là do bị áp đặt hoặc vì tự trọng mà họ tự giác nhận thấy chứ không ai cho họ vay cả.
Lãnh đạo đất nước đề ra tiêu chuẩn cho trí thức là nghiêm chỉnh phục tùng, là tuyệt đối trung thành, đó là những gì hơi xa lạ với công việc lao động sáng tạo. Lại nữa, để có được phát minh, sáng chế người ta phải có một bản lĩnh cá nhân mạnh mẽ. Trong luc nhiều người hiểu sai chủ nghĩa cá nhân, gán cho nó toàn những thói hư tật xấu rồi ra sức chống, kiên quyết bài trừ, thì trí thức lại cần đến mặt tích cực của nó. Việc này cũng gây ra cản trở lớn cho lao động sáng tao, là hoạt đông của cá nhân, dựa trên sự độc lập suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, dựa vào sự khẳng định cái tôi.
Trong hoàn cành như vậy để sống và làm được người trí thức trung thực còn quá khó, lấy hơi sức đâu mà trả nợ đời. Ông Thắng đã biến người trí thức chân chinh (không kể trí thức dỏm) từ nạn nhân trở thành thủ phạm. Oan cho họ quá.
Ông đòi hỏi làm một cuộc cách mạng trong quản lý KH&CN. Xin hỏi thật lòng, nếu giao cho ông làm Bộ trưởng và lãnh đạo cuộc CM ấy trong hoàn cảnh hiên nay, ông có dám nhận không, có làm được không. Theo tôi thì khi mà sự tham nhũng còn tràn lan, hủy hoại đạo đức, làm tha hóa sự hoạt động của mọi cơ quan nhà nước thì không có cách gì chấn hưng được giáo dục và hoạt đông khoa học, công nghệ.
Theo ông Bạt, “ Trí thức là những người chịu trách nhiệm lớn nhất đối với sự phát triển, đối với vận mệnh của dân tộc”.Đó là trách nhiêm do họ tự nhận lấy hay do ai giao. Tôi nghĩ ngoài ông Bạt ra chắc không có trí thức nào dám nhận. Còn lại, khi trách nhiêm lớn nhất đã được giao rồi, vậy phải chăng toàn bộ hệ thống lãnh đạo và quàn trị đất nước chỉ chịu trách nhiêm vừa vừa, trách nhiệm phụ. Khi ai đó đưa ra khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có người đã bình luận một cách dí dỏm rằng, mọi việc dân làm hết rồi, thế chính quyền và lãnh đạo làm gì, phải chăng chỉ ngồi chơi, xơi nước.
Tưởng rằng nói trí thức chịu trách nhiệm lớn nhất là đề cao họ, nhưng đề cao như vậy để làm gì. Hỏi xem họ có muốn, có cần đề cao như vậy không. Nếu không phải cá nhân ông Bạt mà lãnh đao nhà nước cũng nghĩ như thế thì phải chăng đã đặt lên đầu trí thức một gành nặng, vượt quá chức năng của họ.
Thực ra trí thức Việt chỉ mới là những cá nhân rải rác, lẻ tẻ, chưa kịp trở thành một lực lượng, một giới có thực lực thì đã bị tản mác, người ra nước ngoài, người vào nhà đá hoặc đi chăn bò, nhiều kẻ vì quá sợ mà phải co mình lại.
Ông Bạt còn viết “Phát triển gắn liền với việc tìm kiếm ra phương thức… của một nền chính tri. Đấy là công việc của giới trí thức.
Việc giới trí thức có và cần đóng góp vào các công việc tìm kiếm là đúng, nhưng cho rằng đó là trách nhiệm chính của họ là không chuẩn. Nếu trí thức phải gánh phần trách nhiệm chính thì phải chăng những nhà hoạt động chính trị, những người tự nhận là lãnh đạo toàn diện chỉ chịu trách nhiệm phụ hoặc phối hợp mà thôi. Không được phép hiểu như thế. Trách nhiệm chính phải là của chính quyền, của lãnh đạo. Sự đóng góp của trí thức chỉ là phần quan trọng. Mà rồi đã có bao thứ tốt đẹp do trí thức tim ra, trình lên lãnh đạo thì báo cáo bị xếp cất vào đáy tủ và người đệ trình nó bị theo dõi, bị khủng bố.
Trong “Thuyết nan” Hàn Phi viết rằng cái khó của người đệ trình ý kiên (thuyết khách) không phải ở chỗ đưa ra được nội dung hay, biện pháp tốt mà là ở chỗ nói cho đúng điều mà người ta thích nghe (Hàn Phi mách cho thuyết khách cầu lợi chứ không phải cho người góp ý có thiện chi, không phải cho trí thức trung thực).
Sách “Tại sao các quốc gia thất bại” có nêu ra nguyên nhân, động lực cơ bản của sự phát triển. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình của nhiều nước trong vòng 500 năm qua, các tác giả rút ra vai trò quyết định của cơ chế chính trị và cơ chế kính tế. Khi cả hai cơ chế tốt thì phát triển nhanh và bền vững, cả hai cơ chế xấu thì đất nước, dân tộc lụn bại trong lúc bọn thống trị trở thành giàu có và đầy uy quyền. Khi cơ chế này tạm được mà cơ chế kia xấu, thì quốc gia có thể phát triển, thành công chỗ này mà lụn bại, hư hỏng chỗ khác. Xét về toàn bộ thì thất bại là chủ yếu.
Cơ chế không phải do Thượng đế ban cho mà do con người lập ra. Đầu tiên do một người đề xướng (chủ yếu là người có quyền hành hoặc có trí tuệ cao), một số người tán thành, ủng hộ, (người ta hiểu nhầm, cho rằng đó là đề xuất của tập thể), còn đại đa số người trong tổ chức, trong nhân dân bị thuyết phục nghe theo hoặc bị áp đặt phải tuân theo. Người có đạo đức tốt, có trí tuệ cao sẽ đề ra được cơ chế tốt, thuận ĐạoTrời, hợp lòng người. Bọn độc tài thường vừa ngu vừa tham, tâm địa độc ác sẽ tạo nên cơ chế hai mặt. Bên ngoài phô ra một số điều sáo rỗng, mới xem qua thì thấy hay, hợp lý, nhưng bên trong chứa đựng một số điều phản tiến bộ, phản nhân văn, chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một hoặc vài nhóm người. (Đó là sự lừa dối tinh vi, có chủ ý, có phân tich kỹ hoặc áp dụng mới thấy).
Nước Việt Nam, không những khoa học kém phát triển mà còn nhiều ĩinh vực khác cũng xuống cấp hoặc có phát triển cũng không bền vững. Để cho đất nước này “không chịu phát triển” thì các nhà khoa học, trí thức có phần chịu trách nhiệm chứ không thể quy cho họ chịu trách nhiệm chính. Họ cũng là nạn nhân của các cơ chế do người khác lập ra và áp đặt.
Những người tự xưng hoặc được gọi là nhà khoa học và trí thức Việt Nam hiện nay là một tập hợp gồm nhiều trình độ rất khác nhau, có thể chia ra hai loại là thật và dỏm (mà ranh giới không rõ ràng). Loại thật, có trình độ, có phẩm chất xứng đáng, họ chuyên chú vào công việc tạo ra giá trị cho xã hội, họ để tâm vào lao động sáng tao. Họ là những trí thức của dân tộc chủ yếu được sinh ra do thừa hưởng đươc tinh hoa sông núi, hấp thụ được khí thiêng Trời Đất, tiếp nhận được di truyền quý báu và đã nỗ lực học tập, tu dưỡng để trở thành con người có ích cho xã hội.
Loại trí thức dỏm, đúng ra họ không xứng đáng được gọi là trí thức mà chỉ là người có bằng câp dỏm, kiếm được do dùng thủ đoạn gian xảo, do lợi dụng được những kẽ hở của văn bản, của quy trình do người yếu về trình độ, kém về đạo đức tạo ra. Người có bằng cấp dỏm là loại hữu danh vô thực, loại người gian xảo, dối trá. Lãnh đạo nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc để cho loại người này sinh ra và làm hủy hoại nền văn hóa của dân tộc. Facebooker TL đặt câu hỏi là nhằm vào loại này, mà vì nông cạn nên đã xem họ là đại diện cho trí thức. Câu hỏi của TL (các trí thức đã làm được gì) ẩn ý rằng trí thức Việt là loại người hữu danh vô thực, câu hỏi đó xúc phạm đến những trí thức chân chính. Nếu đem câu đó hỏi các trí thức thật thì dễ bị cho là hỏi xếch mé, nói hỗn với những con người đáng kính trọng.
Thực ra trí tuệ của dân tộc Việt không hề thua kém các dân tộc khác. Dẫn chứng là khá nhiều trí thức Việt kiều đã sánh vai được cùng các nhà khoa hoc hàng đầu của thế giới. Những người ấy nếu ở trong môi trường quốc nội với các cơ chế hiện hành thì chắc không thể nào có được thành tích như họ đã đạt đươc.
Ở nước ta (và có thể ở nhiều nước khác nữa) có những nông dân, công nhân không có bằng cấp, đã tự học, làm ra được một số máy móc, (kể ca máy bay trực thăng, tàu ngầm, xe dùng cho quân sự). Việc làm đó rất đàng biểu dương, khuyến khích, ca ngợi, nhưng dù sao thì hàm lượng khoa học trong các sản phẩm ấy cũng thấp. Và khi tuyên truyền cho việc làm đó quá nhiều lại tạo ra ý tưởng, rằng các nhà khoa học, các kỹ sư Việt Nam không làm được cái gì đáng giá. Thực ra vừa qua chúng ta cũng có những sản phẩm khoa học ở trình độ cao về y tế, sinh học, hóa học, nông ngư nghiêp, điện tử, tin học, xây dựng, vũ khí v,v…, trong đó chủ yếu là đóng góp của các nhà khoa học mà một số đã nhận giả thưởng xứng đáng (Giải thưởng khoa học Hồ Chí Minh, giải thường khoa học cấp nhà nước). Xin hỏi facebooker TL đã tìm hiểu gì về hoạt động và thành tích của các nhà khoa học mà vội đặt ra một câu hỏi vượt quá tầm.
Tất nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển thì nền khoa học Việt Nam chưa làm được, còn ở trình độ khá thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Nhưng để chấn hưng khoa học, cũng như giáo dục thì trước hết phải có được cơ chế phù hợp, giải phóng sức sáng tạo. Việc này riêng các nhà khoa học, các trí thức không thể nào tự mình làm được.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN