Chiến tranh Ukraine: Tương lai không chắc chắn của Nga là sản phẩm của quá khứ

Steve Rosenberg

Biên tập viên BBC về tình hình Nga, St Petersburg

2 tháng 11 2022

clip_image002

Giảng viên Denis Skopin (trái) cầm giấy tờ bị buộc thôi việc ở Đại học St Petersburg

Trong căn hộ ở St Petersburg, giảng viên đại học Denis Skopin cho tôi xem tài liệu đã làm thay đổi cuộc đời ông.

Nó có tiêu đề: "Chỉ thị số 87 / 2D. Nội dung: Sa thải".

Denis là phó giáo sư của Đại học St Petersburg. Nhưng vào ngày 20/10, trường đại học đã sa thải ông vì "một hành vi vô đạo đức không phù hợp với chức năng giáo dục".

Cái gọi là hành động vô đạo đức này là gì? Tham gia vào một cuộc biểu tình "không được phép".

Ngày 21/9, Denis tham gia một cuộc biểu tình trên đường phố phản đối quyết định của Điện Kremlin đưa người Nga sang chiến đấu ở Ukraine.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố "huy động một phần" trên khắp cả nước.

Denis bị bắt và ngồi tù 10 ngày.

“Quyền tự do ngôn luận ở Nga đang gặp khủng hoảng,” Denis nói với tôi. "Tất cả các quyền tự do đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng".

"Sau khi được thả, tôi làm việc thêm ba tuần nữa. Trường đại học đã gửi thư yêu cầu tôi giải trình về sự vắng mặt của mình. Tôi trả lời rằng tôi đã bị bắt vì tham gia một cuộc biểu tình và bị giam giữ. Sau đó, bộ phận nhân sự đã gọi cho tôi và nói với tôi rằng tôi bị sa thải".

Vào ngày cuối cùng tại nơi làm việc, các sinh viên của Denis tập trung bên ngoài trường đại học để nói lời tạm biệt.

Trong một bài phát biểu ngẫu hứng (video đã được đăng trực tuyến), ông ấy nói với họ:

"Thế nào là một hành động trái đạo đức? Làm trái lương tâm của mình và thụ động nghe theo lệnh của người khác. Tôi đã hành động theo lương tâm của mình. Tôi tin chắc rằng tương lai của đất nước chúng tôi thuộc về các bạn".

Sinh viên đã vỗ tay tán thưởng người giáo viên bị sa thải.

“Tôi yêu các học trò của mình rất nhiều,” Denis nói với tôi.

"Họ rất thông minh và hiểu rất rõ những gì đang diễn ra ở Nga hiện nay. Việc thể hiện sự tán thành của họ không phải dành cho cá nhân tôi. Thay vào đó, đó là sự phản đối những gì đang xảy ra ở Nga.

"Nhiều người ở Nga không dám phản đối vì họ có nguy cơ bị trừng phạt. Nhưng nhiều người muốn làm vậy. Và, đối với những người này, việc tán thành những người phản đối là một cách không đồng tình với những gì đang xảy ra ở Nga".

clip_image004

Denis nói rằng một phần tư đồng nghiệp của ông đã rời khỏi Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine

Câu chuyện của Denis Skopin không chỉ nhấn mạnh áp lực mà những người phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Điện Kremlin đang phải gánh chịu ở đây. Nó cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của nước Nga.

"Bị nhốt cùng với tôi trong trại giam còn có các chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học, bác sĩ, giáo viên và sinh viên. Nhiều người trong số họ hiện đang ở nước ngoài. Giống như người bạn cùng phòng giam của tôi, một nhà toán học trẻ tài năng".

"Khoảng 25% đồng nghiệp gần gũi của tôi đã rời Nga. Họ rời đi sau ngày 24/2".

"Một số rời đi ngay lập tức, một số rời đi sau khi có lệnh tuyên bố điều động. Tôi nghĩ hiện nay nước Nga đang mất đi những người giỏi nhất. Những người có học thức nhất, năng động nhất, tư duy phản biện nhất đang rời bỏ đất nước. Nói tóm lại, nước Nga đang đi sai hướng".

Tương lai không chắc chắn không chỉ là hậu quả của hiện tại. Nó cũng là sản phẩm của quá khứ của nước Nga.

Một nhóm nhỏ cư dân St Petersburg đang đứng cạnh tượng đài các nạn nhân của Cuộc đại thanh trừng của Joseph Stalin vào những năm 1930.

Tượng đài được làm từ một tảng đá lớn từ quần đảo Solovetsky xa xôi, nơi có một trong những trại lao động cưỡng bức khét tiếng nhất.

Trại Solovki được thành lập để giam giữ các tù nhân chính trị cùng với các tù nhân khác.

Mọi người đang xếp hàng trước một chiếc micro. Họ lần lượt đọc tên những người đã bị bắt, bị kết án và bị hành quyết trong và xung quanh St Petersburg.

"Ekaterina Gansovna. Tuổi: 46. Nhân viên Bưu điện.

Bị bắt: ngày 9 tháng 12 năm 1937.

Bị bắn: ngày 18 tháng 1 năm 1938.

Yulia Stanislavovna. Tuổi: 41. Quản lý Nhà máy Bột giấy.

Bị bắt: ngày 27 tháng 9 năm 1937.

Bị bắn: ngày 21 tháng 12 năm 1937."

clip_image006

Tại một nơi tưởng niệm ở St Petersburg, người dân đọc tên các nạn nhân của Cuộc đại thanh trừng của Stalin

Nhiều người cho rằng nhà độc tài Liên Xô Stalin đã hành quyết hàng triệu công dân của chính mình.

Hàng triệu sinh mạng khác đã bị tiêu diệt trong cỗ máy khủng bố của ông ta, vốn gây ra những vụ bắt bớ, trục xuất và lao động cưỡng bức trên quy mô lớn.

Một số người kế nhiệm ông, như Nikita Khrushchev và Mikhail Gorbachev, đã tố cáo tội ác của Stalin.

Tuy nhiên, ở nước Nga của Vladimir Putin, Stalin đã được phục hồi một chút.

Nhà chức trách ngày nay ít chú trọng hơn vào những chương đen tối trong những năm dưới thời Stalin, trong khi bản thân Stalin thường được miêu tả như một người mạnh mẽ đã đánh bại Đức Quốc xã và biến Liên Xô thành một siêu cường.

Điện Kremlin của Putin tìm kiếm những mặt tích cực trong quá khứ – những chiến thắng.

"Thật không may, đất nước của chúng tôi đã không lật qua trang này một cách đúng đắn. Những hành động đàn áp của Stalin đã không được nói đến đủ hoặc bị lên án đầy đủ. Đây là lý do tại sao cuộc chiến ở Ukraine đang xảy ra ngày hôm nay", Ludmila, một người đến để đặt hoa, nói.

"Kinh nghiệm cho thấy rằng giữ im lặng sẽ dẫn đến những điều tồi tệ. Chúng ta không được quên những vết máu của lịch sử đất nước mình".

clip_image008

Nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin đã phần nào được phục hồi ở nước Nga của Putin

Denis Skopin, giảng viên đại học bị sa thải đã nghiên cứu về những năm tháng dưới thời Stalin.

Ông nhìn thấy những điểm tương đồng giữa lúc đó và bây giờ.

"Tôi vừa xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Anh về cách những người dân ở Nga dưới thời Stalin xóa khỏi những bức ảnh nhóm những người được coi là ‘kẻ thù của nhân dân’. Đồng nghiệp, bạn bè hoặc thậm chí người thân phải xóa tất cả các dấu hiệu của họ khỏi các bức ảnh. Họ đã làm điều đó bằng kéo và mực".

"Khoa nơi tôi giảng dạy có quan hệ đối tác với Bard College, một trường của Mỹ. Năm ngoái, Bard College được tuyên bố là ‘tổ chức không mong muốn’ ở Nga".

"Vì vậy, khoa của chúng tôi cắt đứt quan hệ đối tác và cái tên Bard College bị xóa khỏi các biển được trưng bày trong hành lang của khoa chúng tôi, bằng chính cách sử dụng mực đen. Giống như cách làm ở nước Nga của Stalin".

Một bài học yêu nước mới đã được đưa vào các trường học trên khắp nước Nga cho tất cả học sinh: "Trò chuyện về những điều quan trọng".

Đây không phải là một phần của chương trình giảng dạy chính thức, nhưng đây là bài học đầu tiên vào sáng thứ Hai và trẻ em rất được khuyến khích tham gia.

Những "điều quan trọng" nào được thảo luận ở đó?

Vâng, khi Tổng thống Putin đóng vai trò giáo viên ở Kaliningrad vào tháng Chín, ông ấy nói với một nhóm trẻ em rằng mục đích tấn công của Nga ở Ukraine là để "bảo vệ nước Nga" và ông mô tả Ukraine là một "vùng đất chống Nga".

Bạn có thể thấy "Cuộc hội thoại" diễn ra theo hướng nào.

clip_image010

Olga Milovidova nói rằng "giáo dục cưỡng bức" khiến bà nhớ lại thời kỳ Xô Viết

"Đây là giáo dục cưỡng bức. Theo suy nghĩ của tôi, điều này cũng nguy hiểm như dưới thời Xô Viết", giáo viên Olga Milovidova ở St Petersburg, người đã nghỉ hưu vào tháng trước, nói.

"Vào những ngày đó, chúng tôi phải đọc báo Pravda. Và tôi nhớ rằng chúng tôi phải đọc sách của Brezhnev như thể chúng là những kiệt tác. Chúng tôi phải đưa ra ý kiến tích cực. Không có cuộc thảo luận phản biện nào".

S.R.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4n798xn7r2o

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.